Xã hội

Tin tức Covid-19 ngày 4/8: Thêm 18 ca mới, Việt Nam có 668 bệnh nhân

04/08/2020, 18:25

Tin tức dịch Covid-19 ngày 4/8 tại Việt Nam: 17/18 ca mắc mới Covid-19 liên quan đến BV Đà Nẵng.

img
Y bác sĩ tập trung lực lượng về Đà nẵng chống dịch

Bản tin lúc 18h chiều của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 18 ca mắc mới, trong đó có 17 ca liên quan đến BV Đà Nẵng, 1 ca bệnh nhập cảnh từ Guinea được cách ly ngay.

Cụ thể, CA BỆNH 653 - 668: tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 8-93; trong đó, có 8 ca là F1, đã được cách ly tập trung. 5 người nhà chăm sóc tại BV Đà Nẵng, 1 Nhân viên y tế tại BVPhụ sản - Nhi Đà Nẵng, 1 ca là BN điều trị tại BV Đà Nẵng, 1 ca ở quận Cẩm Lệ (là bảo vệ bến xe TT Đà Nẵng, bệnh nhân khám ngoại trú BV Gia Đình).

CA BỆNH 669: Bệnh nhân nam, 50 tuổi, có địa chỉ tại P. Quang Vinh, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, liên quan Bệnh viện Đà Nẵng, là bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thăm người thân tại Khoa Nội, BV Đà Nẵng, tiếp xúc gần BN 510.

Bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại BV Phổi Đồng Nai.

CA BỆNH 670: Bệnh nhân nam, 50 tuổi, có địa chỉ tại Thành trực, Thạch Thành, Thanh Hóa.

Ngày 29/7, bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về Sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN6 (trước đó đã ghi nhận 20 ca dương tính trên chuyến bay này; được cách ly, điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW ngay sau nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm lần 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

3 bệnh nhân đang điều trị tại Huế phải điều trị tích cực và can thiệp ECMO

Thông tin được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vào tối nay (4/8).

Cả 20 trường hợp dương tính Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế- cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền) nói trên đều là bệnh nhân từ Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển đến.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến tối 4/8 không phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 trên địa bàn.

img
Một trong 20 bệnh nhân được chuyển từ Đà Nẵng, Quảng Nam ra Bệnh viện Trung ương Huế- cơ sở 2

Tổng số người từ vùng dịch trở về địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa qua 14 ngày là 22.866 người (tăng 865 người). Trong đó, Đà Nẵng 17.339 người, Quảng Nam 1.793 người, Quảng Ngãi 546 người, TP. Hồ Chí Minh 1.302, Hà Nội 1.613 người, Đắk Lắk 201 người, Hà Nam 2 người, Đồng Nai 66 người và Thái Bình 4 người.

Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cách ly y tế tập trung 1.514 trường hợp, cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 9.800 trường hợp, tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 10.000 trường hợp.

Toàn tỉnh đã thực hiện xét nghiệm 21.156 mẫu, đã có kết quả 14.732 mẫu, tất cả đều âm tính.

Bệnh nhân thứ 8 tử vong

Bộ Y tế vừa thông tin thêm một ca bệnh nhân Covid-19 tử vong trên nền bệnh suy thận mạn tính, giai đoạn cuối. Đây là ca Covid-19 thứ 8 tử vong.

Bệnh nhân 496, nam, 65 tuổi, quê quán Hòa Vang, Đà Nẵng, suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhân điều trị tại khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 tháng và ra viện ngày 24/7.

Ngày 28/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-COV-2 và được chuyển đến Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày với tình trạng khó thở, đặt nội khí quản và thở máy.

Ngày 29/7 – 1/8, bệnh nhân nằm yên dưới tác dụng thuốc an thần và thở máy.

Ngày 2/8, bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục và huyết áp giảm.

Ngày 4/8, 7h45, bệnh nhân hôn mê, đồng tử giãn, mất hoàn toàn phản xạ; 8h30: bệnh nhân tử vong.

Chẩn đoán tử vong: Suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và Covid-19

Bệnh nhân Covid-19 thứ 7 tử vong trên bệnh nền suy thận mãn giai đoạn cuối

Sáng 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân Covid-19 và cho biết hiện nay còn một số bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao.

Bệnh nhân 426 (BN 426): T.T.P, bệnh nhân nữ, 62 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng, suy thận mạn tính 10 năm.

Bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 18/7- 27/7.

Bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế từ ngày 30/7.

Ngày 31/7, bệnh nhân tiếp xúc kém, ăn uống kém, khó thở nhẹ.

Ngày 1/8, 3:00: bệnh nhân thở máy; 7:00: bệnh nhân mê man, huyết áp tụt; 17:00: suy đa tạng, choáng nhiễm trùng, nhiễm độc.

Ngày 2/8, bệnh nhân lọc thận liên tục, thở máy.

Ngày 3/8, 1:05: bệnh nhân mạch chậm, đe dọa ngừng tuần hoàn, hô hấp; 8:00: bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn qua nội khí quản; 10:24: bệnh nhân hôn mê, xuất huyết tiêu hóa; 18h30: mạch rời rạc, huyết áp tụt dần

Ngày 4/8, 1:20: bệnh nhân ngừng tim, hồi sức nhưng không hiệu quả; 2:30: bệnh nhân tử vong.
Chẩn đoán tử vong cuối cùng là suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và COVID-19

Tin tức Covid-19 mới nhất liên tục được cập nhật trong ngày.

Sáng 4/8, Bộ Y tế thông tin thêm 10 ca mắc mới, trong đó có 7 ca tại Đà Nẵng, 3 ca tại Quảng Nam, có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Cụ thể:

BN643-645 tại Quảng Nam, độ tuổi từ 35-67, liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng:

- 1 bệnh nhân tại Khoa Nội - Thần kinh - Huyết học, Bệnh viện Đà Nẵng.

- 2 bệnh nhân là F1 của BN555 (Bệnh nhân tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng).

BN646-652 tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 30-68, trong đó:

- 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng

- 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng

- 1 bệnh nhân là F1, đang cách ly tập trung tại Khu ký túc xá phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Tính đến 18h ngày 3/8: Việt Nam có tổng cộng 652 ca mắc Covid-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng từ ngày 25/7 đến nay 205 ca.

- Tính từ 18h ngày 3/8 đến 6h ngày 4/8: 10 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 133.279, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 1.258; Cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.427; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 111.594.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có 21 ca âm tính với SARS-CoV-2.

Nhằm hỗ trợ các bệnh viện tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế, Bộ Y tế tiếp tục huy động, cử cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM chi viện đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Thêm 21 ca mắc mới, nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 là F1

Chiều 3/8, Bộ Y tế công bố thêm 21 ca mới dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 15 ca tại Đà Nẵng, 6 ca tại Quảng Nam, có liên quan đến Đà Nẵng. Cụ thể:

BN 622-627 là các bệnh nhân tại Quảng Nam, độ tuổi từ 38-83, liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, bao gồm 3 ca là người thăm tại Khoa Thận - Nội tiết; 1 ca là người chăm sóc BN524, 1 ca tiếp xúc BN524, 1 ca là bệnh nhân Khoa Thận - Nội tiết.

Hiện 6 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

BN 628-642 là các ca bệnh tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 20-78, bao gồm: 12 ca là các đối tượng F1 (BN 456: 5 ca, BN 509: 2 ca, BN 488: 2 ca, BN 501: 1 ca, BN 510: 1 ca, BN 426 và 430: 1 ca); 2 ca là người nhà chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng; 1 ca ở quận Hải Châu, khám ngoại trú tại Bệnh viện Gia Định, Đà Nẵng.

Tính đến 18h ngày 3/8: Việt nam, có tổng cộng 642 ca mắc Covid-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 195 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 103.268; 6 ca tử vong và 374 ca khỏi bệnh.

img
Tăng tốc truy vết, xét nghiệm các trường hợp về từ Đà Nẵng trong tháng 7

Bệnh nhân người Nhật đi nhiều nơi ở TP.HCM

Chiều 3/8, Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc sở Y tế TP.HCM - đã thông tin về lịch trình của bệnh nhân người Nhật tại TP.HCM.

Theo đó, bệnh nhân có tên M.N., làm việc tại Công ty TNHH đầu tư nông nghiệp Hokkaido Lotus đã 2 năm.

Ngày 17/7, ông đi từ Đà Lạt (sân bay Liên Khương) đến TP.HCM trên chuyến bay VN7385 vào lúc 10h30, 11h30 tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ sân bay, ông đến nhà hàng CoCo Ichibanya (số 13 Lý Tự Trọng) ăn trưa.

13h30 ngày 17/7, ông đến Công ty Lotus (số 9 - 9A Nơ Trang Long) gặp đồng nghiệp, sau đó đến cửa hàng tiện ích Farmers Market Hoàng Hoa Thám thăm khách hàng.

Ông tiếp tục đến Công ty Fami (46 - 52 đường B4, Sala, quận 2), cửa hàng tiện ích Nam An Market (số 21 Thảo Điền, quận 2), khách sạn River Gate Residerce (số 155 bến Vân Đồn, quận 4).

Đến 18h ngày 17/7, ông đến phố đi bộ Bùi Viện (vào nhà hàng Chiyoda Sushi), sau đó về khách sạn ở Bến Vân Đồn.

9h sáng 18/7, ông từ khách sạn đến Basilico cafe (số 39 Lê Duẩn, quận 1) rồi ghé cửa hàng tiện lợi Nam An Market Nguyễn Văn Trỗi, đi siêu thị Aeon Tân Phú, ăn trưa tại Dokki và về khách sạn ở Bến Vân Đồn lúc 12 - 14h.

Ngày 19/7, ông bay từ TP.HCM về Đà Lạt lúc 17h30 trên chuyến bay BL352.

Đến ngày 31/7, ông từ Đà Lạt về TP.HCM trên chuyến bay VN738, từ TP.HCM bay thẳng về Tokyo.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng lịch trình của bệnh nhân người Nhật tại TP.HCM rất phức tạp; thành phố đã truy vết được 28 người tiếp xúc với bệnh nhân, lấy mẫu 27 người, có kết quả xét nghiệm 1 người.

Bệnh nhân 569 là nữ công nhân mang thai 35 tuần

Nữ công nhân làm việc tại công ty Kanzaki ở khu công nghiệp Hoà Khánh (Đà Nẵng) là BN số 569 hiện đang mang thai 35 tuần.

Trước đó, tiểu ban truyền thông - Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng tiếp tục công bố hành trình dịch tễ của các BN được Bộ Y tế công bố mắc vào tối 1/8.

Đặc biệt, trong số các BN thì trường hợp BN số 569 là nữ công nhân đang làm việc tại công ty Kanzaki (khu công nghiệp Hoà Khánh, Đà Nẵng).

BN sinh năm 1985 hiện đang sống cùng chồng và 2 con tại phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). BN đang mang thai ở tuần thứ 35 của thai kỳ.

img
Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan tại cuộc họp báo. Ảnh: Trang chủ WHO

Diễn biến liên quan, WHO ca ngợi cách chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Ngày 3/8, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ca ngợi cách ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các nước khác tham khảo các biện pháp này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/8, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan đánh giá Việt Nam đã từ lâu phát triển một hệ thống toàn diện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và điều này có thể sẽ giúp Việt Nam kiểm soát thành công dịch COVID-19, sau khi các ca bệnh mới xuất hiện ở Đà Nẵng.

Theo ông Ryan, trước khi xuất hiện các ca COVID-19 mới ở Đà Nẵng hồi tuần trước, Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch khi không có ca tử vong nào vì virus SARS-CoV-2 và gần 3 tháng không có ca lây nhiễm ở trong nước.

Ông Ryan cho rằng Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các hành động nhằm ứng phó với sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19 và Việt Nam cũng làm tất cả những gì tốt nhất để dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng hơn.

Quan chức cấp cao của WHO đặc biệt nhấn mạnh tới những biện pháp ứng phó hiệu quả của Việt Nam như dừng các sự kiện thể thao, văn hóa tụ tập đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập quá 30 người hay giảm số chuyến bay nội địa….

Cũng tại cuộc họp báo, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove, đánh giá “Việt Nam đang hành động một cách nhanh chóng, toàn diện và Việt Nam có sẵn một hệ thống có thể giúp kiểm soát COVID-19”.

Theo bà Maria Van Kerkhove, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm, và trong khi nhiều quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với một đợt bùng phát dịch mới, thì Việt Nam chính là một ví dụ để nhiều nước học hỏi trong việc phát hiện các ổ dịch dù là nhỏ nhất để khống chế và kiểm soát đại dịch.

Trước đó, ngày 29/7, ông Kidon Park, đại diện của WHO tại Việt Nam trở lời báo giới cũng đánh giá: "Virus gây bệnh COVID-19 được tìm thấy ở Đà Nẵng cũng tương tự như COVID-19 lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7. Mặc dù có các đột biến xuất hiện trong loại virus này, song không có lý do nào làm tăng sự lo ngại. Theo những dữ liệu hiện có, khả năng lây lan và độc lực của COVID-19 không thay đổi".

Theo ông Park, "Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng đảm bảo rằng người dân được bảo vệ khỏi COVID-19 và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này. Việt Nam từng xử lý hiệu quả làn sóng COVID-19 và từ thời điểm đó luôn sẵn sàng chuẩn bị cho khả năng lây lan rộng hơn của dịch bệnh này trong xã hội. WHO tôn vinh hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.