Xã hội

Covid-19 ngày 5/8: Ca mắc mới ở Hà Nội là nam nhân viên điều hành xe buýt

05/08/2020, 20:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 5/8 tại Việt Nam: Nhân viên xe buýt dương tính Covid-19 sau khi du lịch Đà Nẵng, Hà Nội nâng mức nguy cơ lây nhiễm...

img
Tính đến 18h ngày 5/8: Việt Nam, có tổng cộng 713 ca mắc COVID-19

Nhân viên điều hành xe buýt dương tính với Covid-19 sau khi đi du lịch Đà Nẵng về

Chiều nay (5/8), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết, Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca dương tính với Covid-19 ở Bắc Từ Liêm. Đó là bệnh nhân nam, 42 tuổi, địa chỉ ở 5/4 Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân là nhân viên điều hành xe buýt của Công ty Xe buýt 10/10, Mai Dịch, Cầu Giấy.

Từ ngày 14-17/7/2020, bệnh nhân đi du lịch cùng gia đình tại TP Đà Nẵng (đi cùng vợ và con). Tại Đà Nẵng, gia đình bệnh nhân sống tại Khách sạn Hidden (120 Bạch Đằng, Bắc Phú Mỹ, Ngũ Hành Sơn). Khoảng 18h30 ngày 17/7, bệnh nhân hạ cánh tại sân bay Nội Bài và đi taxi người quen về nhà.

Ngày 18/7, bệnh nhân đi làm tại Văn phòng Xí nghiệp Xe buýt 10/10 (địa chỉ ở phố Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy). Tại văn phòng, bệnh nhân tiếp xúc với khoảng 10 người và đến 10h cùng ngày, bệnh nhân có họp điều hành, trong cuộc họp có khoảng 12 người. Khoảng 17h, bệnh nhân tan làm về cửa hàng tại 39 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, trông cửa hàng cho vợ và sau đó về nhà.

Sáng 19/7, bệnh nhân đưa con về quê tại xóm Cầu, Yên Phúc, Ý Yên, Nam Định. 16h cùng ngày, gia đình quay trở lại Hà Nội. Ngày 19/7, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ, viêm họng, tự uống thuốc tại nhà.

Ngày 20/7 – 3/8, lịch trình cơ bản giống nhau: Sáng bệnh nhân đi làm tại cơ quan, chiều về cửa hàng tại Nguyễn Quý Đức đón vợ về nhà. Ngày 22/7: Bệnh nhân liên hoan cùng đồng nghiệp tại 168 Trần Vỹ, Mai Dịch, sau đó đi hát karaoke tại A99 Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm.

Ngày 25/7, bệnh nhân về quê vợ tại thôn Lạc Thành Bắc, Tây Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Đến ngày 26/7, bệnh nhân lên Hà Nội khai báo y tế và bắt đầu thực hiện đeo khẩu trang. Ngày 31/7, bệnh nhân làm test nhanh tại Trung tâm Y tế phường có kết quả âm tính IgM, IgG.

Ngày 3/8, khoảng 9h, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (Trung Văn, Nam Từ Liêm), được chụp Xquang phổi (có hình ảnh đám mờ ở phổi) sau đó được tư vấn đến Bệnh viện Hà Đông điều trị.

Ngày 4/8, khoảng 8 giờ, bệnh nhân đến Bệnh viện Hà Đông đăng ký khám và khai báo y tế. Sau đó, bệnh nhân xin chuyển sang Bệnh viện Phổi Hà Nội để khám. Đến 9h30, tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Ba Đình), bệnh nhân khai báo y tế và được tư vấn chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 khám, điều trị (bệnh nhân đến viện lúc 10h30).

Ngày 5/8: Bệnh nhân được làm xét nghiệm sàng lọc lần 1 có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch UBND TP về việc bệnh nhân này có biểu hiện nghi ngờ gì trước khi có xét nghiệm dương tính không, ông Việt cho biết: “Bệnh nhân có triệu chứng ho sốt từ 19/7 nhưng vẫn đi làm, đến 26/7 mới khai báo y tế…”.

Liên quan đến bệnh nhân này, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho biết thêm,ngay khi nhận được thông tin, quận cho đội phản ứng nhanh rà soát lịch trình, người tiếp xúc với bệnh nhân này. Đặc biệt, quận xác định bệnh nhân tạm trú ở chung cư mini với khoảng 100 người đang sinh sống ở đây, chủ yếu là các đôi vợ chồng trẻ.

Khu vực này đã được tổ chức cách ly, phun thuốc khử khuẩn, sơ bộ xác nhận có 18 người là F1 trên địa bàn quận, hơn 50 người là F2 và chắc chắn số lượng sẽ tiếp tục tăng lên. Các trường hợp này sẽ đưa đi cách ly ngay ở Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội.

Báo cáo thêm tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, qua rà soát đến nay, toàn thành phố có 95.442 người về từ Đà Nẵng. Xét nghiệm PCR cho 582 trường hợp đều có kết quả âm tính. Xét nghiệm nhanh cho 72.051 trường hợp, 12 trường hợp có kết quả dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR thì đều có kết quả âm tính.

Liên quan đến BN620 (tại Hà Nam), đến nay đã ghi nhận có 7 trường hợp đi cùng chuyến xe đang lưu trú tại Hà Nội. Trong đó có 6/7 người đã lấy mẫu xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính và đều tự cách ly tại nhà, 1 trường hợp là quân nhân thuộc Học viện Hậu cần…

img
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp

Nâng mức nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam có điểm chung là virus SARS-CoV-2 có gen biến thể; tỷ lệ người mắc không có triệu chứng ngày càng tăng lên với tốc độ lây lan nhanh hơn, khi mắc bệnh thì diễn biến bệnh nhanh và phức tạp hơn. Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý ca bệnh mới tại Bắc Từ Liêm đến ngày thứ 19 mới bắt đầu có triệu chứng của bệnh, cho thấy đây là ca bệnh rất nguy hiểm.

Tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 25/7 đến nay, dịch bệnh đã lan ra 11 tỉnh, TP, trong đó Đà Nẵng và Quảng Nam là trung tâm dịch. “Virus đã lây lan ra cộng đồng, nhất là tại hàng quán, bến xe, tại các khu công nghiệp. Điều đó cho thấy tất cả những ai qua Đà Nẵng, đặc biệt là những người đến các bệnh viện và những nơi mà các bệnh nhân đã từng đi đến là những người có nguy cơ mắc bệnh ngày càng lớn”, Chủ tịch UBND TP nói.

Qua thống kê đến nay, Hà Nội có hơn 94 ngàn người xác định đi từ Đà Nẵng về từ ngày 8/7. Liên quan đến BN 620 tại Hà Nam, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý chúng ta mới chỉ phát hiện những trường hợp F1 ngồi trên cùng chuyến xe, chứ chưa tìm ra được những trường hợp tiếp xúc tại bến xe.

Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đang ở mức nguy cơ thấp ở Chỉ thị 19 của Thủ tướng, nhưng trước tình hình mới, cần nâng mức nguy cơ thêm 1 mức. Chủ tịch UBND TP phân tích những căn cứ cho việc nâng mức nguy cơ là TP đã có bệnh lây lan trong cộng động, đặc biệt là ca dương tính mới có thời gian đi lại 14 ngày trong cộng đồng.

Thông tin từ Bộ Khoa học công nghệ, chuyến bay 7198 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 24/7, đến nay xét nghiệm đã có 6 người dương tính. Hành khách đều xuống sân bay Nội Bài, mật độ đông, hầu hết không đeo khẩu trang, tiếp xúc nhiều. Những người còn trên chuyến bay đều có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó việc xét nghiệm nhanh chỉ có tác dụng sàng lọc với tỷ lệ chính xác từ 60-75%. Chủ tịch UBND TP nêu việc từ ca bệnh nhân dương tính mới cũng có xét nghiệm nhanh âm tính nên số 80.000 người đã được test nhanh vẫn còn xác suất nhiễm.

“Từ nay đến 12/8, thành phố đang có nguy cơ rất cao. Không thể ở mức nguy cơ thấp, cần nâng nguy cơ lên 1 mức, với ý thức tự giác và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa”, Chủ tịch UBND TP nhắc lại.

Thêm 41 ca mắc COVID-19, trong đó 40 ca liên quan đến Đà Nẵng, Việt Nam có 713 bệnh nhân

Bản tin 18h ngày 5/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết đã ghi nhận thêm 41 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 34 ca tại Đà Nẵng, 04 ca tại Lạng Sơn, 02 ca tại Bắc Giang, 01 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 713 bệnh nhân

CA BỆNH 673-678 (BN673-678): tại Bắc Giang, Lạng Sơn: ghi nhận 6 ca bệnh - cùng gia đình, độ tuổi 10-41, cùng nhóm du lịch tại Đà Nẵng.

Hiện 6 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

CA BỆNH 679 (BN679): Bệnh nhân nam, 44 tuổi, cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, xét nghiệm lần 3 dương tính với SARS-CoV-2, liên quan chuyến bay IO4405 từ Liên Bang Nga về Sân bay Tân Sân Nhất ngày 11/7 (trước đó đã ghi nhận 17 ca dương tính).

Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.

CA BỆNH 680-713 (BN680-713): tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 1-75, trong đó:

- 14 ca là F1 của bệnh nhân liên quan Bệnh viện Đà Nẵng

- 10 ca là bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng - 7 ca là người chăm sóc tại Bệnh viện Đà Nẵng

- 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

- 1 ca là công an canh phạm nhân tại Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng - 1 ca tại quận Liên Chiều, Đà Nẵng

6 ca nhiễm Sars-CoV-2 cùng có mặt tại đám tang ở Đà Nẵng

Trong các ca mắc Covid-19 được công bố chiều 4/8 có 4 người (BN số 637 - 640) ở thôn Lệ Nam Sơn từng dự đám tang với 2 ca bệnh trước đó.

Theo đó, ngày 20/7, đám tang cụ ông được tổ chức tại thôn Lệ Sơn Nam, xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang. "Bệnh nhân 509" (được Bộ Y tế công bố ngày 31/7) là hàng xóm đã sang phục vụ và có tiếp xúc với "bệnh nhân 456" (công bố ngày 30/7, em gái của người quá cố).

Trong tang lễ, hai bệnh nhân trên tiếp xúc với ba thân nhân của cụ ông, gồm "bệnh nhân 638" (25 tuổi, con trai), "bệnh nhân 639" (32 tuổi, con nuôi) và "bệnh nhân 640" (38 tuổi, có tiền sử bị bệnh động kinh).

"Bệnh nhân 637", 25 tuổi, bạn của "bệnh nhân 638", cũng có mặt trong đám tang. Những người này được xác định đã tiếp tục đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người tại quán cà phê, quán ăn, tiệc cưới, phòng gym...

Một ngày sau đám tang, 21/7, "bệnh nhân 456" đến đám giỗ quy mô 30-40 người tại nhà bạn trên đường Lê Văn Long, quận Hải Châu. Tại đây, bà tiếp xúc với chủ nhà là "bệnh nhân 636" (67 tuổi, được công bố nhiễm nCoV chiều 4/8).

Khi 3 ca dương tính với nCoV được xác định sống ở thôn Lệ Nam Sơn (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang), khu vực này đã bị phong toả từ ngày 2/8. Con số ca mắc tại thôn liên tục tăng lên, ít nhất 10 người, trong đó có một giáo viên.

Thêm 2 ca mắc mới tại tại Quảng Nam

Bộ Y tế vừa công bố thêm 2 ca mắc mới Covid-19 trong sáng 5/8. Cụ thể:

BN 671, nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là bệnh nhân khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, là F1 của BN524.

BN 672, nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân là người chăm sóc người thân tại Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng, là F1 của BN469.

Tính đến 6h ngày 5/8: Việt Nam, có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19, trong đó 308 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 224 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 120.041, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.565; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.645; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 97.831

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có 18 ca âm tính lần 1 và 13 ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.

img
Kiểm soát phòng dịch Covid-19 tại cửa ngõ bệnh viện

Trước tình hình cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, Đà Nẵng đã gửi lời kêu gọi sự hỗ trợ lực lượng nhân viên Y tế của các tỉnh, thành khác. Ngay trong ngày hôm qua, Sở Y tế thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Định đã cử các nhân viên y tế hỗ trợ, cụ thể:

Ngành y tế Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế gồm 9 Bác sĩ, 24 điều dưỡng là những cán bộ có trình độ kinh nghiệm thuộc 3 chuyên ngành Nội hộ hấp, Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm của 3 Bệnh viện Việt Tiệp, Kiến An, phụ sản đi chi viện cho TP Đà Nẵng.

Trong đó, BV Việt Tiệp 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng; BV Kiến An 3 bác sĩ và 10 điều dưỡng; BV Phụ sản 1 bác sĩ, tất cả đều là cán bộ y tế của các bệnh viện hạng I của thành phố. Sở y tế cử phó Giám đốc Tiến sĩ Trần Anh Cường làm trưởng đoàn. TP Hải Phòng hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam mỗi địa phương 5 tỷ và 200.000 khẩu trang y tế. Đoàn sẽ lên đường vào ngày 8/8.

Sở Y tế tỉnh Bình Định cử 25 nhân viên y tế để hỗ trợ TP Đà Nẵng. Đoàn lên đường ngày 6/8.

Tìm thấy 25 người đi cùng xe chở bệnh nhân Covid-19 đã đỗ tại bến Nước Ngầm

Ngày 4/8, Sở Y tế Hà Nội phát đi thông báo khẩn tìm hành khách đi chung chuyến xe với bệnh nhân Covid-19 (BN620, quê Hà Nam).

Chuyến xe của hãng xe Kim Chi, biển kiểm soát 43B-03126, xuất phát lúc 20h ngày 27/7 từ Đà Nẵng đi Hà Nội, đến 8h30 ngày 28/7 ở bến xe Nước Ngầm.

Những người đi xe trên cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường nơi cư trú để được giám sát và theo dõi sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chiều cùng ngày, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện lực lượng y tế đã phát hiện 25 người đi cùng với bệnh nhân này. Trong đó, 7 người đang sinh sống tại Hà Nội đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho biết, toàn bộ 25 người này được coi như trường hợp F1, buộc cách ly y tế. Sở Y tế yêu cầu tất cả hành khách đi trên chuyến xe trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường nơi cư trú để được theo dõi sức khỏe.

Trước đó, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 3/8, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, cũng thông tin nhanh về trường hợp này. Ông Việt cho biết, ngày 2/8 có phát hiện ca nhiễm mới ở Hà Nam, sau khi truy vết được biết bệnh nhân có đi xe của nhà xe Kim Chi đã về đỗ tại bến xe Nước Ngầm.

Ông Việt cho rằng đây là trường hợp rất đáng ngại do bệnh nhân đi cùng chuyến với nhiều người, trong đó có người sống tại Hà Nội. CDC Hà Nội và CDC Hà Nam đang tiếp tục điều tra dịch tễ bệnh nhân này cũng như xác minh những người cùng chuyến xe hôm 27/7.

Nỗ lực kiểm soát tình hình, mở rộng xét nghiệm và giám sát trong cộng đồng

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 4/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do lượng người giao lưu, đi lại giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nhiều nên diễn biến dịch bệnh tại Quảng Nam khá phức tạp.

Số ca mắc tại địa phương ngày càng tăng, có sự lây nhiễm nhanh trong gia đình, điển hình như chùm ca bệnh 7 người trong cùng một nhà. Hiện Bộ Y tế và các bộ, ngành tiếp tục tăng cường chi viện nhân lực cho Đà Nẵng và Quảng Nam.

Hiện Bộ Y tế đang áp dụng tất cả các biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình; thực hiện việc mở rộng xét nghiệm và giám sát trong cộng đồng; cương quyết cách ly tập trung các ca F1; tăng tốc xét nghiệm. Cụ thể, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ lấy 50.000 mẫu xét nghiệm kháng thể tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, căn cứ trên xét nghiệm các mắc và qua điều tra dịch tễ, có thể thấy số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều.

Đến thời điểm hiện tại, mới phát hiện 6 ca cộng đồng, hiện chưa có các trường hợp nào bị lây từ các bệnh nhân này. Về cơ bản tất cả các ca đều liên quan đến khối 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Các trường hợp lây nhiễm chủ yếu liên quan đến 3 bệnh viện này.

Đến thời điểm hiện tại, qua xét nghiệm ở thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, trừ các ca liên quan đến Đà Nẵng. Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.

Đánh giá về thời điểm khởi phát dịch bệnh, Nhóm phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ cho biết, mô hình dự đoán dựa trên các dữ liệu về số lượng người ra vào Bệnh viện Đà Nẵng, hệ số lây nhiễm,… đối chiếu với diễn biến thực tiễn và thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, có thể nói dịch bắt đầu từ tuần đầu tháng 7.

Ổ dịch cơ bản tập trung vào khu 3 bệnh viện, đã được phong tỏa,…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.