Xã hội

Tin tức Covid-19 ngày 8/4: Cách ly toàn bộ công an một phường ở Hà Nội

08/04/2020, 18:10

Tin tức dịch Covid-19 ngày 8/4 tại Việt Nam: Đến 18h, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới, 42 bệnh nhân âm tính từ một đến hai lần.

img
Đến 18h ngày 8/4 không ghi nhận ca nhiễm mới, Việt Nam có 251 ca mắc Covid-19

Không thêm ca mắc mới, 42 bệnh nhân Covid-19 có kết quả âm tính

Bộ Y tế cho biết đến 18h ngày 8/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới. Trong khi đó, 42 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến hai lần.

Cụ thể, số ca có kết quả xét nghiệm một lần âm tính với SARS-CoV-2 là 25 trường hợp. 17 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus này.Trước đó, bản tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 lúc 6h cùng ngày cho biết Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 156 người từ nước ngoài và 95 người lây nhiễm thứ phát.

Cả nước còn 74.626 người đang được cách ly, theo dõi.

Về tình hình điều trị, 5 bệnh nhân đang thở oxy. Các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định. Cả nước hiện có 122 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi.

Nhiều công an phải cách ly vì liên quan đến bệnh nhân 243

Chiều 8/4, tại cuộc giao ban trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho hay, qua rà soát các trường hợp tiếp xúc với "bệnh nhân 243" trên địa bàn, quận phát hiện 8 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 64 F2 và 197 F3.

Quận Bắc Từ Liêm cũng lập danh sách theo dõi 250 người kinh doanh bán hoa ở Tây Tự và Liên Mạc có mối quan hệ với bệnh nhân 243.

Đáng chú ý, trong 8 trường hợp F1 của bệnh nhân 243 có một trường hợp là đồng chí Phó trưởng Công an phường Đông Ngạc đã ăn cơm cùng bệnh nhân 243 sau đó về sinh hoạt với đơn vị. Toàn bộ công an phường Đông Ngạc đã được khử khuẩn và cách ly.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công an quận Bắc Từ liêm khẳng định, các hoạt động công an ở địa bàn phường Đông Ngạc sẽ không bị gián đoạn. Theo đó, Công an quận đã chỉ đạo các đội công tác hỗ trợ Công an phường Đông Ngạc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng.

img
Công an quận đã chỉ đạo các đội công tác hỗ trợ Công an phường Đông Ngạc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng.

Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an quận chủ trì, thiết lập các tổ công tác, tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Công an các phường lân cận bố trí lực lượng thay thế Công an phường Đông Ngạc tại các chốt phòng chống dịch tại địa bàn phường. Công an quận Bắc Từ Liêm cũng thông báo cho nhân dân khi đến trình báo vụ việc hoặc có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính thì lên trụ sở công an quận để thực hiện.

Cũng trong cuộc họp chiều nay, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, quà rà soát trên địa bàn, đã xác định được 153 trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân 243 và 250. Riêng bệnh nhân 250 (bán tạp hóa ở địa phương) qua điều tra đã xác định có 132 trường hợp liên quan và tất cả đã được lấy mẫu, qua test nhanh cho kết quả âm tính.

Hiện các trường hợp đều được cách ly theo quy định. Huyện Mê Linh đề xuất được xét nghiệm nhanh toàn bộ cư dân của thôn Hạ Lôi trong thời gian sớm nhất để chủ động phòng ngừa và tạo tâm lý ổn định cho người dân.

Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh

Hôm nay (ngày 8/4), có thêm 4 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được chữa khỏi ở Việt Nam lên 126/251 bệnh nhân.

Cụ thể, tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ có 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN125; BN126 (cả 2 là bạn bè và cùng có quốc tịch Nam Phi); BN152 (quốc tịch Việt Nam). 3 ca này đều có liên quan, hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 từng đến quán bar Buddha, ở TP.HCM.

Tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN153, nữ, 60 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 24/3/2020.

Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 26/3; lần 2 vào ngày 28/3 và lần 3 vào ngày 30/3 đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 5 bệnh nhân đang thở oxy. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 8 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 17 ca.

img
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cân nhắc, thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Còn phát sinh ổ dịch thì chưa dừng cách ly xã hội

Ngày 8/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói về khả năng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng sau khi kết thúc thời hạn 15 ngày (15/4/2020) áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cách ly xã hội là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.

Đặc biệt, Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2m...

"Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn", ông Dũng phân tích và nhìn nhận, đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ khác.

Về thông tin “có thể có kéo dài cách ly xã hội qua ngày 15/4”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, tháo từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch.

"Như vậy, đến ngày 15/4 nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay chưa thể nói trước gì cả việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không", ông Dũng cho hay.

Người dân khu ngõ 165 Cầu Giấy được dỡ lệnh cách ly

Sáng 8/4, những nhà dân trong khu ngõ 165 Cầu Giấy thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã được dỡ bỏ lệnh cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, đúng 8h sáng cùng ngày (8/4), hàng rào khu cách ly trong con ngõ 165 Cầu Giấy đã được lực lượng chức năng dỡ bỏ, người dân trong khu cách ly vui mừng bởi thời gian cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại ngõ đã kết thúc mà không có thêm ai bị dương tính với dịch bệnh này.

Khi barie rào khu cách ly được dỡ bỏ, lực lượng chức năng của phường Dịch Vọng đã thực hiện tuyên truyền cho nhân dân tại ngõ 165 Cầu Giấy các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 sau khi hết cách ly tập trung.

img
Lực lượng chức năng phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy dỡ bỏ hàng rào cách ly dịch Covid-19 tại ngõ 165 Cầu Giấy

Nhiều người dân bày tỏ niềm vui mừng khi hết thời gian cách ly tập trung và luôn tin tưởng Đảng, Nhà nước...trong công tác phòng, chống dịch.

Trong suốt thời gian thực hiện cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng như công an phường Dịch Vọng, dân quân, y tế... đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để hỗ trợ đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn.

Thông báo khẩn về lịch trình của bệnh nhân 243

Bộ Y tế vừa phát đi thông báo khẩn về lịch trình của bệnh nhân 243, người có tiền sử dịch tễ phức tạp, từng đi đến nhiều bệnh viện và các địa điểm đông người khác.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết đang tìm người tiếp xúc theo hành trình di chuyển của bệnh nhân như sau:

1, Chợ Quảng Bá, Âu Cơ, Hà Nội lúc 3h55 - 6h30 ngày 8-3, 2h30 - 5h ngày 14-3, 1h - 5h các ngày 22 và 23-3, 3h - 6h ngày 25-3, 2h - 6h ngày 26-3, 2h30 - 6h ngày 27-3.

2, Khoa khám bệnh, phòng khám miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai: 8h30 - 10h30, 11h - 12h ngày 12-3.

3, Hàng cơm số 31, ngõ 75 Giải Phóng, Hà Nội: 10h30 - 11h ngày 12-3.

4, Chợ hoa Mê Linh, quốc lộ 23, Mê Linh, Hà Nội: 15h - 17h41 ngày 12-3, 11h ngày 15-3, 14h30 - 15h ngày 18-3, 10h - 10h30 và 15h - 16h ngày 22-3, 17h - 18h ngày 26-3, 23h ngày 27-3, 11h - 12h ngày 30-3.

5, Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, Xuân Thủy, Phúc Yên, Vĩnh Phúc: 8h ngày 4-4.

6, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (số 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội): 11h ngày 4-4.

Bộ Y tế đề nghị những người có mặt ở khu vực và thời gian như trên cần sớm liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành liên quan để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe.

Thêm 2 ca mắc mới COVID-19, Việt Nam đã có 251 ca

Theo bản tin sáng ngày 8/4 của Bộ Y tế, đã có thêm 2 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó 1 trường hợp là hàng xóm và tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Đến thời điểm này Việt Nam đã ghi nhận 251 ca mắc COVID-19

Bệnh nhân 250, nữ, quốc tịch Việt Nam, 50 tuổi, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là hàng xóm và có tiếp xúc gần BN243.

Ngày 2/4 khởi phát bệnh. Ngày 5/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 251, nam, quốc tịch Việt Nam, 64 tuổi, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam.

Từ ngày 20/3 đến nay, bệnh nhân điều trị tại Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm.

Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân đang được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam. Trường hợp này đang được tiếp tục điều tra nguồn lây.

Để quán karaoke mở giữa mùa dịch, Chủ tịch phường và Trưởng CA bị xử lý

Sáng nay (8/4), trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện UBND thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, hôm qua (7/4), UBND thị xã đã ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Quyết Tiến, Chủ tịch UBND phường Đông Ngàn.

Lý do đình chỉ là để làm rõ trách nhiệm và sai phạm của UBND phường Đông Ngàn trong việc để quán karaoke Sao Băng (địa chỉ tại đường Minh Khai, phường Đông Ngàn) hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid – 19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tạm đình chỉ là 7 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định (7/4).

Cũng theo nguồn tin trên, bên cạnh việc xử lý Chủ tịch UBND phường Đông Ngàn, UBND thị xã Từ Sơn cũng đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn, chỉ đạo Công an thị xã Từ Sơn thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với Trưởng Công an phường Đông Ngàn theo thẩm quyền và hệ thống ngành dọc.

Nguyên nhân đề nghị xử lý là do Công an phường Đông Ngàn là đơn vị trực tiếp tham mưu, quản lý, bảo đảm ANTT và thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly toàn xã hội trên địa bàn.

Bắc Giang nâng thời gian cách ly lên 28 ngày với người về từ BV Bạch Mai

Chiều nay (8/4), trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang quyết định nâng thời gian cách ly thành 28 ngày (tăng thêm 14 ngày so với quy định cũ) với những người vừa từ Bệnh viện Bạch Mai trở về địa phương.

Trước đó, thời gian cách ly đối với những người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từng đi khám, chữa bệnh, đi thăm người thân, đón bệnh nhân… ở Bệnh viện Bạch Mai trở về là 14 ngày.

img
Sau khi có ca bệnh mắc Covid-19 sau 23 ngày đến Bệnh viện Bạch Mai, tỉnh Bắc Giang đã quyết định nâng thời gian cách ly lên 28 ngày.

Nguyên nhân là do ở Hà Nội vừa xuất hiện ca mắc Covid-19 sau 23 ngày trở về từ Bệnh viện Bạch Mai nên địa phương quyết định nâng tổng thời gian cách ly đối với những đối tượng có liên quan thành 28 ngày.

Được biết, tỉnh Bắc Giang hiện tại chưa có ca bệnh mắc Covid-19, tuy nhiên khả năng dịch bệnh vào địa bàn tỉnh rất cao.

Đến nay, toàn tỉnh đã rà soát, yêu cầu khoảng 1.600 người trở về từ Bệnh viện Bạch Mai cách ly tập trung. Những người có tiếp xúc gần với những người này được cách ly theo dõi y tế tại nhà và nơi cư trú.

Khánh Hòa lập 5 trạm liên ngành kiểm soát Covid-19

Ngày 8/4, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định thành lập trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Theo quyết định này, 5 trạm sẽ được lập trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt thuộc địa phận của tỉnh. Trong đó, trên QL1 có các trạm tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (giáp ranh tỉnh Phú Yên), xã Cam Thịnh Động, TP. Cam Ranh (giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận). Trên QL26, trạm đặt tại xã Ninh Sim, TX. Ninh Hòa (giáp ranh tỉnh Đắk Lắk).

img
Một trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống Covid-19 tại tỉnh Quảng Nam

Tại QL27C, tổ liên ngành lập chốt địa điểm tại xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (giáp ranh tỉnh Lâm Đồng). Trạm kiểm soát dịch bệnh với ngành đường sắt được đăt tại Ga Nha Trang.

Tổ liên ngành bao gồm lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh tra giao thông và chính quyền cơ sở nơi đặt trạm. Tổ này, có nhiệm vụ kiểm soát việc chấp hành các quy định của Thủ tướng Chính phủ và của ngành y tế về phòng, chống dịch Covid-19; kiểm tra, kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện xe cơ giới đường bộ, xe mô tô từ tỉnh, thành phố khác lưu thông vào tỉnh Khánh Hòa.

img
Tổ liên ngành sẽ kiểm tra, kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện xe cơ giới đường bộ, xe mô tô từ tỉnh, thành phố khác lưu thông vào tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, tổ liên ngành còn có nhiệm vụ xử lý, đề xuất xử lý đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn, tuyên truyền biện pháp bảo vệ cá nhân, phòng chống dịch cho nhưng người di chuyển vào tỉnh Khánh Hòa.

Thời gian triển khai hoạt động tổ liên ngành bắt đầu tư ngày mai (9/4).

Số ca nghi nhiễm tăng trở lại

Vnexpress dẫn số liệu thống kê do Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam tổng hợp từ tất cả tỉnh thành cho biết, tính đến 6h ngày 8/4, cả nước có 2.738 người nghi nhiễm đang được cách ly tại bệnh viện, tăng 137 ca so với hôm qua.

Trong đó, 178 người mới cách ly trong ngày, 2.560 người cũ từ những ngày trước tiếp tục theo dõi. Người trong diện nghi nhiễm là người có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc đi từ vùng dịch, có biểu hiện triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Cả nước có hơn 74.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó hơn 43.000 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Họ là người có yếu tố dịch tễ nhưng không ho, sốt, khó thở, chưa xác định mắc bệnh.

Hà Nội đến nay ghi nhận 115 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó, 49 người khỏi bệnh xuất viện. Hơn 600 trường hợp tiếp xúc gần cần giám sát y tế; gần 15.000 người phải cách ly, theo dõi trong cộng đồng. Gần 4.000 người được theo dõi tại 16 khu cách ly tập trung.

TP.HCM ghi nhận 54 ca nhiễm, trong đó 31 người đã khỏi bệnh. Gần 3.000 trường hợp đang cách ly tập trung; hơn 1.300 trường hợp được theo dõi, cách ly tại nhà.Trong đó, "bệnh nhân 91", 43 tuổi, bị suy hô hấp nặng phải can thiệp ECMO, đang tiến triển tích cực.

Đà Nẵng ghi nhận 6 ca, trong đó 5 người đã xuất viện. Thành phố đang cách ly tập trung hơn 2.000 người; hơn 600 người theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế quận, huyện.

Thủ tướng: Thận trọng việc thu phí cách ly

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 6/4/2020.

Thông báo nêu rõ, dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải tập trung cao độ nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch triệt để ở trong nước, tích cực chữa trị cho người bị nhiễm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Trong giai đoạn từ nay đến ngày 15/4, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là ngành y tế cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, giữ thế chủ động trong phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau đây:

Bám sát diễn biến tình hình dịch, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; nhất là phải truy vết, phát hiện sớm các ca nhiễm, nguồn lây bệnh có thể có từ các ổ dịch Bạch Mai (TP Hà Nội), quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh); tăng cường năng lực và đẩy nhanh việc xét nghiệm, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự đoán tình hình dịch, tiếp tục hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch bệnh về mọi mặt (nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men…), tích cực hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực, điều phối nguồn lực cho các các cơ sở y tế tại các địa phương, nhất là các vấn đề chuyên môn sâu về điều trị bệnh; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề cần thiết.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ mới về vaccine, thuốc, phương pháp điều trị mới điều trị Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, không để dịch bùng phát ở nước ta. Hết sức chú ý đề phòng, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các nơi thường có tập trung đông người như cơ sở tôn giáo, thờ tự, siêu thị, nơi công cộng…

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Chính quyền địa phương và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi mình quản lý.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.

Cùng với quyết liệt phòng, chống dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trước mắt giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, kịp thời chăm lo bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh.

Yêu cầu các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tập trung khai thác tối đa các cơ hội trong bối cảnh phòng, chống dịch, tích cực thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lưu ý các ngành công nghiệp, dịch vụ mới gắn với thương mại điện tử, phát triển kinh tế số.

Hàng xóm và chị dâu BN 243 dương tính, Hà Nội cách ly thôn Hạ Lôi

Chiều 7/4, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, 9h15 ngày 6/4, huyện nhận được thông tin có ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Ông Trọng cũng cho biết, ngành y tế của huyện vẫn hiểu là cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với F0. Bệnh nhân đi Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3, ngày 28/3 mới triển khai công điện của Chủ tịch UBND thành phố, nên bệnh nhân này không cách ly tập trung, cũng không cách ly tại nhà, chỉ khuyến cáo và lấy mẫu.

Theo ông Trọng, từ ngày 30/3, bệnh nhân này không đi buôn bán hoa nhiều như trước đó, vì chợ hoa nghỉ.

Bí thư xã Mê Linh Quách Sĩ Dũng cho biết, về trường hợp bệnh nhân 243, xã đã rà soát, cách ly ngay lập tức bệnh nhân này. Xã cũng rà soát các trường hợp tiếp xúc gần, đến tối 6/4 có 67 người tiếp xúc F1 ở địa bàn xã, đã lập danh sách, tổ chức lấy mẫu và chuyển đi cách ly. Trên địa bàn cũng có hơn 100 trường hợp diện tiếp xúc F2 với bệnh nhân 243.

Ông Dũng cũng thông tin, bệnh nhân 243 đã di chuyển nhiều nơi trên địa bàn, diện tiếp xúc F1, F2 rất nhiều, liên quan đến 6/9 xóm của thôn Hạ Lôi và 2/3 thôn của xã Mê Linh.

“Do vậy, xã đề xuất thành phố cho cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi theo đúng quy định để đảm bảo dịch không lây lan ra cộng đồng, không lây lan ra các xã khác lân cận”, ông Dũng nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, qua phát biểu của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh thì “có một điểm đang hiểu rất nhầm lẫn”.

“Trong công điện 01 và 02 yêu cầu xác minh toàn bộ người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi xác minh làm rõ, các đồng chí phải ra quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm. Chúng ta quyết định cách ly ngay lập tức thì tính thời điểm nào?

Tối 28/3 thành phố có công điện. Các đồng chí bắt đầu rà soát từ ngày 29/3 cho đến bây giờ. Các đồng chí phát hiện ngày 29/3 thì phải ra quyết định cách ly tính từ ngày 29/3. Đủ 14 ngày thì phải đến 12/4 mới hết cách ly”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, trường hợp bệnh nhân 243 thì “các đồng chí đang hiểu sai. Nếu như các đồng chí phát hiện ngày 30/3 ra quyết định, thì đến tận ngày 13/4 bệnh nhân này mới được đi lại. Chứ không phải được đi lại như vừa rồi”. Theo ông Chung, đây là một “lỗ hổng” nên cần phải chấn chỉnh ngay.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các chủ tịch xã, phường, thị trấn đang rà soát đến ngày 6/4 được 23.585 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai ở cộng đồng, cần phải tiếp tục rà soát xem còn sót lọt trường hợp nào thì phải ra quyết định cách ly 14 ngày, tính từ ngày phát hiện chứ không phải từ ngày họ vào Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Chung đã yêu cầu xã Mê Linh và huyện Mê Linh phải tổ chức lực lượng y tế, công an, dân quân… tổ chức phong tỏa toàn bộ khu vực liên quan bệnh nhân 243 theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố.

Chủ tịch Hà Nội cũng ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, để dịch bệnh không lây lan sang khu vực khác.

Người đứng đầu chính quyền thành phố chia sẻ với bà con thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh và động viên người dân nơi đây bình tĩnh, yên tâm cách ly 14 ngày, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cố gắng, nỗ lực không để dịch bệnh lây lan thêm.

Huế bác thông tin “có người từ Đức trở về, đã qua cách ly, chết tại nhà”

Tối 7/4, Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, vừa qua có một số thông tin không chính xác về trường về trường hợp tử vong của bà N.T.T.T (SN 1963, trú tại đường Thái Phiên, phường Tây Lộc, TP Huế), làm cho một số người dân hoang mang do nhầm tưởng nguyên nhân cái chết có liên quan đến dịch bệnh.

Cụ thể, vào sáng cùng ngày, sau khi nhận tin báo về trường hợp tử vong của bà N.T.T.T, cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã phối hợp với Viện KSND TP Huế, cơ quan Pháp y tiến hành khám nghiệm hiện trường, làm việc với nhân chứng và người nhà của nạn nhân và kết luận bà T. chết do tự vẫn.

img
Sở TT&TT cho biết trường hợp tử vong của bà N.T.T.T không liên quan đến Covid-19 và khẳng định thông tin về nội dung tại phường Tây Lộc có người từ Đức trở về, đã qua cách ly, chết tại nhà là thông tin không chính xác. Ảnh minh họa

Theo Công an phường Tây Lộc, qua tìm hiểu, cơ quan chức năng cũng nắm bắt thêm thông tin, nhà bà T. có con trai là N.T.H (SN 1990) là du học sinh mới từ Nhật trở về ngày 16/3, đã thực hiện cách ly tại nhà từ ngày 16/3 đến 30/3 theo đúng quyết định của UBND phường Tây Lộc. Kết quả kiểm tra sức khỏe bình thường, trong thời gian cách ly tại nhà có lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với virus Sars-CoV- 2.

Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng khẳng định, thông tin về nội dung tại phường Tây Lộc có người từ Đức trở về, đã qua cách ly, chết tại nhà là thông tin không chính xác.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 7/4, Bện viện Trung ương Huế đã tổ chức ra viện cho 2 bệnh nhân thứ 30 và 31. Như vậy, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế không còn bệnh nhân dương tính Covid-19.

Hai bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với virus SARS-CoV-2 vào các ngày 5/3 và 6/3 và hiện sức khỏe hoàn toàn bình thường. Sau khi đã điều trị khỏi bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế bố trí xe trung chuyển riêng đảm bảo sát khuẩn để đưa các bệnh nhân đến Resort Sun & Sea (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) tiếp tục cách ly y tế đến khi được trở về Anh.

Hai bệnh nhân số 30 và 31 đều là du khách người Anh từng đi trên chuyến bay VN0054 hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Bệnh nhân 30 được phát hiện dương tính Covid-19 ngày 8/3 và là ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, còn bệnh nhân thứ 31 là được phát hiện dương tính Covid-19 tại tỉnh Quảng Nam, sau đó chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị.

Trước đó, bệnh nhân thứ 33 (chuyển từ Quảnh Nam ra) và bệnh nhân thứ 49 (chồng của bệnh nhân thứ 30) được cách ly điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cũng đã được công bố khỏi bệnh.

Thế giới: Hơn 81.000 người chết vì Covid-19

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.414.738 ca nhiễm và 81.259 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 72.366 và 6.701 ca so với hôm qua. 298.642 người đã hồi phục.

Mỹ thông báo 396.223 ca nhiễm, tăng 31.500 trường hợp so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.941 người chết hôm qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 12.722.

Giới chức Mỹ ngày 6/4 cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khi dịch bệnh đạt đỉnh. Các chuyên gia Nhà Trắng dự đoán 100.000-240.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV, ngay cả khi người dân tuân thủ yêu cầu không rời khỏi nhà.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.267 ca nhiễm và 704 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 141.942 và 14.045. Nước này đang là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, tình trạng quá tải các nhà hỏa táng ở Barcelona cho thấy nước này cần thêm nhiều thời gian trước khi kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.

Italy ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm và 604 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 135.586 và 17.127, tiếp tục là vùng dịch nhiều người chết nhất thế giới.

Pháp đã vượt Đức trở thành vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 109.069 ca nhiễm và 10.328 người chết, tăng lần lượt 11.059 và 1.417 so với một ngày trước. Giới chức Y tế Pháp hôm 5/4 yêu cầu mọi người dân tuân thủ chặt chẽ hơn nữa việc phong tỏa toàn quốc nhằm nhanh chóng giảm thiểu sự lây lan của nCoV.

Anh ghi nhận thêm 786 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 6.159, trong tổng số 55.242 ca nhiễm. Thủ tướng Anh Boris Johnson phải vào phòng chăm sóc tích cực do tình trạng chuyển biến xấu đi sau một ngày nhập viện. Bạn gái đang mang thai của ông cũng mới được xác nhận nhiễm virus. Johnson là lãnh đạo cấp cao đầu tiên trên thế giới phải điều trị tích cực vì nCoV.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 62.589 ca nhiễm và 3.872 người chết. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 5/4 khẳng định nước này quyết không nhờ Mỹ giúp chống dịch bệnh, nhưng kêu gọi Washington dỡ bỏ toàn bộ biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4.

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.963 ca nhiễm và 63 người chết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.

Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 221 trường hợp, tăng 12 trường hợp so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.738.

Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 106 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.481, nhưng chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào, đang dừng ở 6 ca

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.