Giao thông

Tin tức giao thông 16/11: Tai nạn ở cầu Nhật Tân, 1 người tử vong

16/11/2021, 15:50

Tin tức giao thông 16/11: Tai nạn xảy ra trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) lúc đêm khiến đầu xe ô tô vụn nát, người đi xe máy tử vong tại bệnh viện.

Ngày 16/11, đơn vị CSGT phụ trách địa bàn phối hợp với cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) thụ lý giải quyết vụ TNGT liên quan giữa xe máy với ô tô trên cầu Nhật Tân, khiến một nam giới điều khiển xe máy tử vong tại bệnh viện.

img

Vụ tai nạn khiến đầu xe tô tô vụn nát, lái xe máy tử vong.

Tai nạn trong đêm ở cầu Nhật Tân, đầu ô tô vụn nát, lái xe máy tử vongHiện trường vụ tai nạn Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra lúc 0h20 ngày 16/11 tại cầu Nhật Tân, thuộc địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội), đến trưa cùng ngày cơ quan chức năng mới xác minh rõ thông tin vụ việc.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra giữa xe mô tô mang BKS 29N5-552.xx do một nam giới điều khiển (chưa xác định danh tính) với ô tô 30F-121.xx do một người đàn ông điều khiển (chưa xác định danh tính) chiều đi từ Nguyễn Hoàng Tôn đến huyện Đông Anh.

Vụ tai nạn khiến đầu xe tô tô vụn nát, lái xe máy tử vong.

Nhận được tin báo, lực lượng CSGT phụ trách địa bàn có mặt khám nghiệm hiện trường, đồng thời phối hợp với Công an quận Tây Hồ giải quyết vụ việc.

Liên quan đến vụ việc, trong sáng cùng ngày (16/11) trên mạng xã hội chia sẻ hình vụ TNGT trên cầu Nhật Tân, phần đầu xe ô tô màu trắng biến dạng hoàn toàn.

Hiện vụ việc đang được, lực lượng CSGT quản lý địa bàn phối hợp với cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) thụ lý giải quyết.

10.000 khối đất đá tràn xuống quốc lộ ở Thanh Hóa

Vụ lở núi xảy ra đêm 15/11, khoảng 90.000 m3 đất đá đã sạt trượt, trong đó hơn 10.000 m3 tràn xuống quốc lộ 15C đi huyện biên giới khiến huyện Mường Lát bị chia cắt. Rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.

Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền địa phương huy động máy móc cơ giới xử lý khẩn cấp điểm sạt lở trên quốc lộ 15C, đoạn qua bản Kéo Té, xã Nhi Sơn. Dự kiến sau ba ngày ngành giao thông mới có thể thông tuyến đường đi Mường Lát.

img

Lực lượng chức năng huy động phương tiện xử lý điểm sạt lở đường 15C tại bản Kéo Té. Ảnh: VNE

Lực lượng chức năng đang phân luồng, hướng dẫn người dân lên thị trấn Mường Lát có thể đi theo cung đường từ bản Táo qua cầu Chiềng Nưa, men theo bờ tả sông Mã và ngược lại.

Khu vực bị vùi lấp là điểm thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa lũ gần đây, do nền địa chất yếu và không còn rừng che phủ. Cũng tại đây, sáng 19/10 từng xảy ra vụ sạt lở với 30.000 m3 đất đá tràn xuống đường. Tổng cục đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa đang tìm hướng xử lý nhằm đảm bảo an toàn lâu dài.

Quốc lộ 15C nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dài 112 km bắt đầu từ thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, đi cửa khẩu quốc tế Tén Tằn, huyện Mường Lát.

Đề xuất đầu tư công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ đề xuất đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.Dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa có Tờ trình Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tờ trình 519 ngày 15/11/2021 của Chính phủ, để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

img

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề xuất sẽ triển khai đầu tư khoảng 729km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, trong đó có 8 dự án đầu tư công, 4 dự án PPP (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải

Theo đó, Chính phủ đề xuất đầu tư toàn 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức đầu tư công, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị (95.837 tỷ đồng), chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (19.097 tỷ đồng), chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (12.015 tỷ đồng, chi phí dự phòng (20.041 tỷ đồng).

Đáng chú ý, phương án đầu tư và tổng vốn đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trong Tờ trình 519 của Chính phủ đã có sự thay đổi so với hai phương án trước đó. Cụ thể, tại Tờ trình 11792 ngày 6/11/2021 gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư 729km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 với 8 dự án đầu tư công và 4 dự án theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 148.492 tỷ đồng.

Trước đó, tại Tờ trình 334 ngày 22/9/2021 gửi đến Quốc hội, Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đầu tư 9 dự án thành phần theo hình thức PPP dài khoảng 552km, còn lại 3 dự án thành phần (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) sẽ chỉ triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tổng mức đầu tư khoảng 124.619 tỷ đồng.

Tại Tờ trình 519 ngày 15/11/2021, Chính phủ đề xuất triển khai toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 bằng hình thức đầu tư công, tổng vốn đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.

Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư, chi phí giữ lại bảo hành công trình) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29 ngày 28/7/2021, dự kiến bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 92.471 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Về lộ trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến công tác chuẩn bị dự án thực hiện trong năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Vì sao xảy ra sự cố gối cầu Metro Số 1?

Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) vừa gửi báo cáo tới UBND TP.HCM, liên quan sự cố gối cầu trên tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hạng mục này thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) của dự án, liên danh SCC (Sumitomo - Cicenco 6) làm tổng thầu.

Việc xác minh sự cố được chủ đầu tư phối hợp các bên tiến hành hơn một năm nay, từ lúc phát hiện gối cầu đầu tiên bị rơi ra ngoài tại trụ P14-10, sau đó thêm 5 gối khác cũng bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Đây là 6 trong tổng 900 vị trí trụ cầu thuộc tuyến metro.

img

Một đoạn trên tuyến metro số 1 tại TP.HCM

MAUR kết luận sơ bộ nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển các gối cầu xoay quanh các vấn đề về giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa dầm cầu và đường ray; sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo giữa bề mặt tiếp xúc của gối với trụ cầu; chất lượng gối cầu. Kết luận được chủ đầu tư đưa ra dựa trên kết quả quan trắc định kỳ, báo cáo từ nhà thầu thuộc dự án và tư vấn độc lập tham gia điều tra sự cố.

Trước đó trong quá trình xác minh, các bên đã rà soát, đối chứng nhiều phương diện liên quan vật liệu, kỹ thuật, biện pháp thi công, sự tác động của đường ray trên tuyến... Trong đó với vật liệu, sau khi rà soát các chứng chỉ và hồ sơ gốc, chủ đầu tư cho biết không có yếu tố không phù hợp. Tuy nhiên, tư vấn độc lập cho rằng chưa thể đánh giá kết quả, cần tổ chức thí nghiệm thêm để xác minh.

Về thi công, trước nhận định về biện pháp sử dụng các loại dầm đúc sẵn dễ xảy ra sai số, dẫn tới gối không được tiếp xúc hoàn toàn với đáy dầm, đá kê gối..., MAUR cho biết liên danh NJPT (tư vấn chung của dự án) cần nghiên cứu để sớm đưa ra kết luận.

Riêng vấn đề kỹ thuật, chủ đầu tư hiện đồng ý để tổng thầu tiếp tục triển khai thí nghiệm theo yêu cầu của tư vấn độc lập. Dự kiến các thí nghiệm này hoàn thành cuối tháng 11, sau đó đơn vị tư vấn sẽ đánh giá cụ thể và chủ đầu tư đưa ra kết luận cuối cùng.

Hiện, ngoài 6 vị trí xảy ra sự cố đã được khắc phục, tổng thầu SCC lắp đặt hệ thống chống xê dịch gối cầu ở nhiều điểm khác, đảm bảo giữ ổn định từng nhịp cầu. Tổng thầu lắp camera và quan trắc liên tục việc dịch chuyển gối cầu cũng như thay đổi chiều rộng khe co giãn nhằm xử lý kịp thời nếu có bất thường...

Giải thích sự chậm trễ trong việc điều tra nguyên nhân sau một năm sự việc xảy ra, MAUR cho biết thời gian qua ảnh hưởng Covid-19, một số thí nghiệm cần thiết chưa thể tiến hành hoặc việc thực hiện bị chậm. Ngoài ra, thời gian đầu khi mới phát hiện sự cố, liên danh SCC cũng chậm trễ trong phối hợp thực hiện.

Metro Số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, với 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đạt khoảng 88% khối lượng, song không thể hoàn thành cuối năm nay như kế hoạch do Covid-19.

Gần 1.600 khách đặt mua vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 trong ngày đầu mở bán

Ngày 15/11, ngành Đường sắt chính thức mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022, tuy nhiên lượng vé đã bán ra khá khiêm tốn.

Theo kế hoạch của ngành Đường sắt, giai đoạn đầu sẽ mở bán đối với 4 đôi tàu Thống nhất SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Sài Gòn - Đà Nẵng SE21/22 với khoảng 36.000 chỗ. Trong khi đó, Tết Nguyên đán 2021, giai đoạn trước Tết cung ứng 90.000 chỗ và giai đoạn sau Tết 120.000 chỗ.

img

Ga Sài Gòn vắng khách ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022

Tuy nhiên, tính đến 16h00 chiều nay, mới có 1.583 vé đặt chỗ, trong đó vé đã thanh toán là 1.452 vé cho cả 2 giai đoạn trước và sau Tết, bao gồm vé bán nguyên khoang, nguyên toa. Ngoài ra còn lượng lớn vé tập thể đã đặt chỗ trước, nhưng chưa thanh toán.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hành khách được giảm 10% khi mua vé đi tàu Tết trong 10 ngày đầu tiên mở bán vé. Hành khách mua vé trước ngày 1/1/2022 được giảm 30% thuế GTGT (tương đương 2,7-3% tổng giá trị vé tàu).

Hành khách mua vé cá nhân trên đoàn tàu Thống nhất số lẻ chạy trong giai đoạn 20/1 - 30/1/2022 và tàu số chẵn giai đoạn 4/2 - 13/2/2022 có cự ly vận chuyển trên 900km sẽ được giảm giá vé tùy theo thời gian mua vé xa ngày đi tàu, mức giảm tối đa đến 40%.

Điểm mới của vé tàu Tết năm nay là ngành Đường sắt bán vé nguyên khoang, nguyên toa (khoang 4 giường và khoang 6 giường) đối với hành khách đi tàu có cự ly từ 300km trở lên. Hành khách sẽ được phục vụ xe đưa đón tại nhà nếu có nhu cầu.

310 xe máy đã đo khí thải đổi xe cũ lấy xe mới

Sau 3 ngày triển khai đầu tiên, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, chương trình thí điểm “Thu hồi xe thải bỏ và tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe mới” đã ghi nhận được 310 xe máy tham gia.

img

Đo khí thải xe máy tại đại lý xe YAMAHA Cầu Giấy. Ảnh: Anh Trọng.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, sau 3 ngày triển khai chương trình, các đơn vị phối hợp tổ chức gồm Sở TN&MT Hà Nội, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) ghi nhận đã có 310 xe máy được đo khí thải tại 24 điểm triển khai tại các đại lý xe máy lớn tại các quận nội thành Hà Nội.

Phân tích kết quả kiểm tra, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, có 47,7 % (tương đương 147) xe có tiêu chuẩn khí thải đạt; 52,3% (tương đương 162) xe không đạt.

Tuy nhiên, đại diện Sở TN&MT cũng cho biết, với số xe không đạt tiêu chuẩn, nhưng sau khi được các đại lý xe máy kiểm tra, bảo dưỡng và thay dầu miễn phí thì tỷ lệ đạt lên đến 77,4%.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, chương trình thí điểm đo khí thải để chuyển đổi xe máy cũ sang xe máy mới nhằm từng bước giúp thành phố kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Để triển khai, đơn vị thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 24 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận nội thành.

Chương trình có mục tiêu đo khí thải cho 5.000 xe máy trong tổng số khoảng 2,5 triệu xe máy sản xuất trước năm 2000 đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội. “Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo, kiểm tra khí thải, nếu xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp”, đại diện chương trình thông tin.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chở 68.000 khách cuối tuần

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội, ngày 14/11 (Chủ nhật), tổng số hành khách đi trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt mức hơn 40.313 lượt, bình quân vận chuyển 199 khách/chuyến

Trước đó, ngày thứ bảy (13/11), cũng vận chuyển hơn 28.000 lượt khách, bình quân vận chuyển 138 khách/chuyến.

img

Khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông tăng đột biến dịp cuối tuần

Từ 6-13/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển miễn phí hơn 234.500 lượt hành khách; đông nhất là các ngày cuối tuần.

Như vậy, tổng số khách vận chuyển trong hai ngày nghỉ cuối tuần đạt hơn 68.000 lượt, nhiều hơn 1.000 lượt so với tổng số lượt khách các ngày làm việc trong tuần.

Đáng chú ý, kể từ khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành khai thác (6/11) đến nay, lượng hành khách đi lại đông nhất vào các ngày nghỉ cuối tuần (hai ngày cuối tuần 6-7/11 đạt hơn 79.000 lượt); còn các ngày làm việc trong tuần đạt mức từ gần 15.000 đến hơn 19.000 khách/ngày.

Theo TS.Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong thời gian 15 ngày đầu chở khách miễn phí (6-20/11) nên sẽ có nhiều hành khách đi để tham quan, trải nghiệm. Khi tuyến đường sắt khai thác thương mại sẽ phản ánh thực tế hơn số hành khách hàng ngày sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện di chuyển.

TS. Từ Sỹ Sùa cho rằng, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước, nên cần tổ chức kết nối tốt nhất với các tuyến xe buýt cả về lộ trình và liên thông giá vé, tổ chức các điểm trông giữ xe cá nhân thuận lợi trong phạm vi cách các nhà ga 500m với giá vé phù hợp để thuận lợi cho khách đi lại hàng ngày, cũng như thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga, trung bình 1,2km có một ga. Thời gian này, các đoàn tàu hoạt động từ 5h30 - 22h hàng ngày, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến.

Đơn vị khai thác vận tải cho biết, sau khi kết thúc thời gian chở khách miễn phí, trong 6 tháng đầu tiên, các đoàn tàu chở khách từ 5h-23h, tần suất 10 phút/chuyến; mỗi đoàn tàu có sức chở 960 khách, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút.

Giá vé được ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá, với các loại vé: vé đi một lượt (8.000-15.000 đồng), vé ngày (30.000 đồng/ngày, đi lại trong ngày, không giới hạn số lượt đi); vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé), vé tháng mua theo tập thể 140.000 đồng (vé tháng, mua theo tập thể từ 30 người trở lên), vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp (100.000 đồng/vé); vé miễn phí (trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.