Tin tức giao thông ngày 10/11: Thùng container lật, nhiều người thoát chết

10/11/2021, 20:00

Tin tức giao thông ngày 10/11: Thùng container văng xuống đường tại vòng xoay ở Bình Dương, nhiều người thoát chết...

Chiều 10/11, tin từ Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT liên quan đến trường hợp thùng container bị rơi xuống đường khi đang di chuyển tại vòng xoay, vừa xảy ra trên địa bàn.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn trên xảy ra vào lúc 11h ngày 10/11 tại vòng xoay đường ĐT743 giao với đường Mỹ Phước Tân Vạn, thuộc địa phận phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

img

Hiện trường vụ thùng container rơi xuống đường ở Bình Dương.

Vào thời điểm trên, xe đầu kéo BKS của TP.HCM kéo theo thùng container loại 40 feet (chưa rõ danh tính người điều khiển), lưu thông trên đường Mỹ Phước Tân Vạn. Khi xe đi đến vòng xoay đường ĐT743 giao với đường Mỹ Phước Tân Vạn, thuộc địa phận phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì tài xế cho xe rẽ trái để ra cầu vượt Tân Vạn. Trong lúc ôm cua thì thùng container bất ngờ nghiêng qua một bên phải rồi lật nhào xuống đường, kéo theo phần rơ mooc và cabin cũng lật theo.

Rất may thời điểm này có nhiều người đi xe máy kế bên nhưng phát hiện xe chao đảo nhiều người đã kịp tăng ga thoát ra xa nên không ai thương vong. Vụ tai nạn làm chiếc container hư hỏng, dầu nhớt chảy tràn lan trên đường, rất may nam tài xế chỉ trầy xước nhẹ. Vụ tai nạn này làm giao thông qua khu vực gặp nhiều khó khăn.

Hai xe tải va chạm, tài xế mắc kẹt trong ca bin

Chiều 10/11, đại diện Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng địa phương này đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân một vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa 2 xe tải vừa xảy ra trên địa bàn khiến 1 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn trên xảy ra vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 10/11 tại QL18A, đoạn qua địa phận phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Vào thời điểm trên, xe tải ben BKS 14C - 106.65 do tài xế N. H. L (SN 1980, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển, lưu thông trên QL18A theo hướng Cẩm Phả - Tiên Yên.

Khi xe đi đến đoạn qua địa phận phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh thì bị xe tải BKS 29C.- 919.60 do tài xế N.S.Đ (SN 1964, trú tại phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển chạy phía sau cùng chiều lao đến tông mạnh vào đuôi xe.

Cú đâm mạnh khiến đầu xe tải biến dạng, hư hỏng hoàn toàn, anh Đông bị mắc kẹt trong cabin. Sau khi xảy ra tai nạn, người dân địa phương đã đến hộ trỡ đưa tài xế xe tải ra ngoài trong tình trạng bị đa chấn thương nên đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả.

Nhận được tin báo, đội CSGT Số 2, phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã có mặt tại hiện trường để phân luồng điều tiết giao thông, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Ô tô cứu thương bị xe ben húc văng

Chiều ngày 10/11, Công an huyện Củ Chi, TP.HCM hoàn tất công tác xử lý hiện trường, điều tra vụ tai nạn khiến hai người phải nhập viện cấp cứu.Thông tin ban đầu, khoảng 12h trưa cùng ngày, tài xế chừng 40 tuổi điều khiển xe cứu thương không chở người chạy trên đường Phạm Văn Cội hướng về Tỉnh lộ 8.

img

Chiếc xe cấp cứu chạy qua giao lộ lúc đèn đỏ đúng lúc xe ben chạy tới tông trúng. Ảnh chụp từ clip

Khi đến giao lộ với đường Bùi Thị Diệt (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM) thì xe cấp cứu được cho là đèn tín hiệu giao thông đang đỏ.

Đúng lúc đó, xe ben loại 15 chở đất đá lao tới, tông trúng hông xe cấp cứu. Va chạm cực mạnh ở tốc độ cao khiến hai phương tiện dừng đột ngột.

Chiếc xe ben xoay trên không trung một vòng, lật ra đường. Xe cấp cứu bị đổi hướng, lao sang vỉa hè. Diễn biến vụ va chạm được camera an ninh gần đó ghi lại.

Đường vành đai 3 lại ùn tắc hơn 5 km

Sáng 10/11, đường vành đai 3 hướng từ cầu Thanh Trì vào trung tâm thành phố bị ùn tắc kéo dài 5 km do xe container bốc cháy trên cầu.

Khoảng 4h30, xe container biển Hà Nội đi đến giữa cầu Thanh Trì thì bốc cháy. Phát hiện lửa bốc ra từ đầu xe, tài xế vội bỏ chạy và gọi cứu hộ nhưng không kịp. Tiết trời hanh khô càng làm cho xe bốc cháy mạnh.

Phần đầu xe cháy rụi nằm chiếm hai làn trong cầu Thanh Trì. Nhà chức trách phải tạm rào hai làn đường, tất cả ôtô di chuyển chậm qua một làn còn lại.

img

Container cháy rụi trên cầu Thanh Trì, sáng 10/11.

Tai nạn khiến đường vành đai 3 bị ùn tắc kéo dài từ cầu Thanh Trì đến nút giao giữa quốc lộ 1A với quốc lộ 5. Dọc tuyến đường này ôtô chiếm cả ba làn đường, xe máy len lỏi đi giữa các khoảng trống.

Tài xế Phan Bá Doanh, quê Hưng Yên, cho biết bị mắc kẹt trên cầu hơn một giờ, chỉ có xe máy hoặc ôtô bốn chỗ có thể di chuyển chậm, xe tải lớn đi làn ngoài cùng thì chôn chân tại chỗ.

Nhiều xe máy quay đầu đi ngược chiều tới các nút giao để thoát ùn tắc. Do đó các đường lên xuống cầu như Giáp Hải, đường đê sông Hồng cũng bị tắc cục bộ.

Ở chiều rời khỏi trung tâm thủ đô, đường vành đai 3 cũng bị tắc khoảng 2 km từ đầu cầu Thanh Trì đến điểm cháy, do nhiều tài xế đến đoạn này đi chậm quan sát.

Đến 8h30 cùng ngày, hiện trường vụ cháy được giải tỏa, phương tiện di chuyển chậm qua cầu Thanh Trì. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc kéo dài vẫn chưa giảm do lượng phương tiện dồn ứ quá lớn.

Đường vành đai 3 qua cầu Thanh Trì gần đây thường xuyên ùn tắc. Hôm qua, một xe container lao từ cầu xuống chân đê khiến giao thông ùn tắc hơn 10 km theo hướng ra khỏi trung tâm thủ đô. Trước đó ngày 30/10, bốn ôtô đâm liên hoàn trên cầu cũng khiến giao thông tắc nghẽn hơn nửa ngày.

Cầu Thanh Trì nằm trên đường vành đai 3 nối huyện Gia Lâm với quận Hoàng Mai. Đây là tuyến đường chính, có nhiều xe tải lớn từ các tỉnh đi qua.

Kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly với khách quốc tế

Tại buổi tọa đàm về chủ trương mở đường bay quốc tế sáng 10/11, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, cho biết Bộ Y tế đã quy định khách quốc tế vào Việt Nam cần cách ly 7 ngày nên Cục đã xây dựng kế hoạch đón khách dựa trên hướng dẫn này.

Để tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh trên các chuyến bay thường lệ, ông Cường đề xuất rút ngắn thời gian cách ly từ 7 xuống 3 ngày, hoặc khách có thể ở khách sạn một ngày, nếu xét nghiệm âm tính thì được di chuyển, nếu dương tính thì áp dụng theo quy định phòng dịch. "Chúng ta nghiên cứu rút ngắn hơn thời gian cách ly. Làm được điều đó, Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội, không bị đi sau nước nào", ông Cường nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, đánh giá Bộ Y tế đang quy định khách quốc tế phải cách ly 7 ngày, nhưng một số nước như Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó với khách nhập cảnh có hộ chiếu vaccine và xét nghiệm sau khi đến. Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau có xét nghiệm âm tính là có thể đi khắp nơi. "Quy định cách ly 7 ngày của Việt Nam quá thận trọng so với các nước, gây cản trở, ảnh hưởng đến du lịch, khách hàng, cạnh tranh quốc tế", ông Nga nói.

Chuyên gia y tế này nhận định nếu đã tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính là tương đối an toàn với người xung quanh. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không thì cần chuẩn bị thêm cơ sở vật chất cho ngành y tế. Trước đây, khi đoàn khách nước ngoài vào, Việt Nam quan tâm họ lây dịch, nhưng giờ cần hướng đến điều trị cho họ thế nào, chi phí ra sao nếu mắc Covid-19. Như Thái Lan quy định người nhập cảnh phải có bảo hiểm 50.000 USD, Singapore là 100.000 USD.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển, Vietnam Airlines, nhận định chính sách 7 ngày cách ly chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn hút khách du lịch thì phải thay đổi. Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao; khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính, sau chuyến bay thì có thể cách ly một ngày.

Về căn cứ để mở đường bay quốc tế thường lệ vào đầu năm tới, ông Võ Huy Cường cho rằng, Việt Nam đã thay đổi quan điểm sang sống chung với Covid-19, linh hoạt thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế. Kế hoạch mở đường bay xuất phát từ đòi hỏi cuộc sống để tái lập các chuyến bay chở khách phục vụ ngoại giao, thương mại, du lịch.

Thời gian qua, các chương trình thí điểm chuyến bay combo cho người Việt về nước tự trả phí để cách ly, kết quả không có trường hợp nào lây nhiễm ra cộng đồng. Đây là bằng chứng quan trọng, cho thấy năng lực tổ chức, chống dịch của các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn.

Cùng với đó là năng lực xét nghiệm của địa phương đã được nâng cao, hiện đã có các loại xét nghiệm nhanh, hoàn toàn có thể đáp ứng được ở tất cả địa phương. Do đó, ông Cường cho rằng không cần quá lo ngại về sự quá tải của y tế địa phương khi đón khách du lịch nhập cảnh từ nước ngoài.

Metro Số 1 lắp đoạn ray ngầm cuối cùng

Chiều 9/11, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, đoạn ray ngầm này vừa được đơn vị phối hợp nhà thầu gói CP3 (thiết bị cơ điện, toa xe, đường ray...) của Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thi công. Hai đoạn ray chạy song song giữa ga Nhà hát thành phố và Bến Thành, mỗi bên dài 660 m, khổ rộng 1.435 mm.

img

Công nhân thi công lắp đặt đoạn ray cuối cùng của Metro Số 1, ngày 9/11. Ảnh: MAUR

Nhà thầu hiện huy động 56 kỹ sư, công nhân thi công hạng mục này. Họ đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; quá trình thi công phải tuân thủ 5K... Việc lắp đặt đoạn ray được MAUR dự kiến hoàn thành đầu năm 2022, giúp kết nối toàn hệ thống đường ray của tuyến metro từ Bến Thành đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), tổng chiều dài gần 20 km.

Đoạn ngầm Metro Số 1 dài khoảng 2,6 km, với 3 nhà ga nằm ở trung tâm TP.HCM gồm ga Ba Son, Nhà hát thành phố và Bến Thành. Hiện, hai ga Nhà hát thành phố và Ba Son đã thi công hoàn thiện các hạng mục như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động...

Riêng ga Bến Thành dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Đây là nhà ga trung tâm của Metro Số 1, tương lai kết nối các tuyến Số 2 (Bến Thành - Tham Lương), 3A (Bến Thành - Tân Kiên), Số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước). Mỗi ga ngầm của dự án được thiết kế kiến trúc riêng, tương đồng cảnh quan, văn hoá... ở khu vực.

Yêu cầu xử lý xe quá tải trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I; các Sở GTVT Hà Nội, Hà Nam và Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cường kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Đường bộ trước ngày 13/12/2021.

img

Nhiều xe gắp logo có dấu hiệu quá tải trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Theo đó, đơn vị này yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I phối hợp với các Sở GTVT Hà Nội, Hà Nam xây dựng kế hoạch phối hợp và triển khai thực hiện việc kiểm tra xử lý các phương tiện chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng, lưu thông trên hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn, hai đầu đường và các đường dẫn ra, vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đối với các Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Hà Nam, Tổng cục Đường bộ yêu cầu phối hợp Cục Quản lý đường bộ I xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra xử lý các phương tiện chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng lưu thông trên hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn, hai đầu đường và các đường dẫn ra, vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

"Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Hà Nam kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện chở hàng quá tải, cơi nới kích thước thành thùng lưu thông trên đường bộ để xử lý theo quy định. Đồng thời, yêu cầu chủ các cơ sở đầu nguồn hàng, khai thác, kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng cam kết không xếp hàng quá tải lên phương tiện; cơ sở nào vi phạm cần xử lý nghiêm, cần thiết thu hồi giấy phép kinh doanh", Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Trước đó, theo ghi nhận của Báo Giao thông tại trạm thu phí đầu tuyến Km 187+700, chưa đầy 1 giờ cho thấy có hàng chục lượt xe có dấu hiệu quá tải chạy với tốc độ cao.

Đề xuất đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng vốn ngân sách

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tờ trình do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư khoảng 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Trong đó, Bộ GTVT đề xuất triển khai 8 dự án theo hình thức đầu tư công (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau) và 4 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

Theo Bộ GTVT, sơ bộ tổng mức đầu tư của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 148.492 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 131.217 tỷ đồng vốn Nhà nước và 17.275 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Về phương án huy động vốn, nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 91.852 tỷ đồng (khoảng 70%), phần còn lại khoảng 38.365 tỷ đồng (khoảng 30%) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2021 - 2026.

“Ngoài phần vốn nhà nước đã được Quốc hội bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 44.683 tỷ đồng, kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội”, tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.

Xe Range Rover leo vỉa hè tông chết người đi bộ, húc sập tường nhà dân ở TP.HCM

Chiều 9/11, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn khiến 1 người tử vong. Được biết, sự việc xảy ra trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

img

Hiện trường vụ tai nạn khiến 1 người tử vong.

Cụ thể, khoảng 15h cùng ngày, một người đàn ông lái ô tô hiệu Range Rover (biển số 51F - 578.16) đi trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, hướng ngã tư Hàng Xanh đi cầu Bình Triệu.

Khi đến phường 26 (quận Bình Thạnh), ô tô bất ngờ lao lên vỉa hè, tông ông X. (53 tuổi) đang đi bộ. Chiếc xe tiếp tục lao vào căn nhà số 527A Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nghe thấy tiếng động lớn, người dân chạy ra xem thì thấy một phần căn nhà số 527A bị tông đổ sập. Ông X. bị thương nặng, được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong ngay sau đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.