Giao thông

Tin tức giao thông 15/11: 310 xe máy đã đo khí thải đổi xe cũ lấy xe mới

15/11/2021, 20:00

Tin tức giao thông ngày 15/11: Chương trình thí điểm “Thu hồi xe thải bỏ và tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe mới” đã ghi nhận 310 xe máy tham gia.

Sau 3 ngày triển khai đầu tiên, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, chương trình thí điểm “Thu hồi xe thải bỏ và tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe mới” đã ghi nhận được 310 xe máy tham gia.

img

Đo khi thải xe máy tại đại lý xe YAMAHA Cầu Giấy. Ảnh: Anh Trọng.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, sau 3 ngày triển khai chương trình, các đơn vị phối hợp tổ chức gồm Sở TN&MT Hà Nội, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) ghi nhận đã có 310 xe máy được đo khí thải tại 24 điểm triển khai tại các đại lý xe máy lớn tại các quận nội thành Hà Nội.

Phân tích kết quả kiểm tra, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, có 47,7 % (tương đương 147) xe có tiêu chuẩn khí thải đạt; 52,3% (tương đương 162) xe không đạt.

Tuy nhiên, đại diện Sở TN&MT cũng cho biết, với số xe không đạt tiêu chuẩn, nhưng sau khi được các đại lý xe máy kiểm tra, bảo dưỡng và thay dầu miễn phí thì tỷ lệ đạt lên đến 77,4%.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, chương trình thí điểm đo khí thải để chuyển đổi xe máy cũ sang xe máy mới nhằm từng bước giúp thành phố kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Để triển khai, đơn vị thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 24 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận nội thành.

Chương trình có mục tiêu đo khí thải cho 5.000 xe máy trong tổng số khoảng 2,5 triệu xe máy sản xuất trước năm 2000 đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội. “Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo, kiểm tra khí thải, nếu xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp”, đại diện chương trình thông tin.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chở 68.000 khách cuối tuần

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội, hôm qua (ngày 14/11, Chủ nhật), tổng số hành khách đi trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt mức hơn 40.313 lượt, bình quân vận chuyển 199 khách/chuyến

Trước đó, ngày thứ bảy (13/11), cũng vận chuyển hơn 28.000 lượt khách, bình quân vận chuyển 138 khách/chuyến.

img

Khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông tăng đột biến dịp cuối tuần

Từ 6-13/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển miễn phí hơn 234.500 lượt hành khách; đông nhất là các ngày cuối tuần.

Như vậy, tổng số khách vận chuyển trong hai ngày nghỉ cuối tuần đạt hơn 68.000 lượt, nhiều hơn 1.000 lượt so với tổng số lượt khách các ngày làm việc trong tuần.

Đáng chú ý, kể từ khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành khai thác (6/11) đến nay, lượng hành khách đi lại đông nhất vào các ngày nghỉ cuối tuần (hai ngày cuối tuần 6-7/11 đạt hơn 79.000 lượt); còn các ngày làm việc trong tuần đạt mức từ gần 15.000 đến hơn 19.000 khách/ngày.

Theo TS.Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong thời gian 15 ngày đầu chở khách miễn phí (6-20/11) nên sẽ có nhiều hành khách đi để tham quan, trải nghiệm. Khi tuyến đường sắt khai thác thương mại sẽ phản ánh thực tế hơn số hành khách hàng ngày sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện di chuyển.

TS. Từ Sỳ Sùa cho rằng, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước, nên cần tổ chức kết nối tốt nhất với các tuyến xe buýt cả về lộ trình và liên thông giá vé, tổ chức các điểm trông giữ xe cá nhân thuận lợi trong phạm vi cách các nhà ga 500m với giá vé phù hợp để thuận lợi cho khách đi lại hàng ngày, cũng như thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga, trung bình 1,2km có một ga. Thời gian này, các đoàn tàu hoạt động từ 5h30 - 22h hàng ngày, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến.

Đơn vị khai thác vận tải cho biết, sau khi kết thúc thời gian chở khách miễn phí, trong 6 tháng đầu tiên, các đoàn tàu chở khách từ 5h-23h, tần suất 10 phút/chuyến; mỗi đoàn tàu có sức chở 960 khách, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút.

Giá vé được ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá, với các loại vé: vé đi một lượt (8.000-15.000 đồng), vé ngày (30.000 đồng/ngày, đi lại trong ngày, không giới hạn số lượt đi); vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé), vé tháng mua theo tập thể 140.000 đồng (vé tháng, mua theo tập thể từ 30 người trở lên), vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp (100.000 đồng/vé); vé miễn phí (trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo).

Ga Sài Gòn vắng hoe ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần

8h ngày 15/11, ga Sài Gòn mở bán vé tàu Tết Nguyên đán 2022 cho hành khách cá nhân mua và thanh toán trực tiếp tại quầy.

Những giờ đầu bán vé tàu Tết cho thấy hệ thống đặt chỗ trên mạng diễn ra thông thoáng. Các quầy vé khá ít khách tới mua vé tàu Tết. Nhân viên bán vé làm việc khá thảnh thơi. Trong khi đó, các dãy ghế chờ trống chỗ.

Một nam hành khách cho biết, mọi năm đi bằng máy bay về quê nhưng năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên anh chọn tàu hỏa. “Năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kinh tế khó khăn. Dù vậy, mình cố gắng thu xếp để được về quê đón Tết sum họp cùng người thân”- người này nói. Anh Dũng chỉ mất chưa đầy 5 phút để mua vé tàu Tết.

Theo kế hoạch của ngành đường sắt, đợt đầu mở bán vé tàu Tết gồm các đoàn tàu Thống Nhất như SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và các đoàn tàu địa phương.

Nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, các chuyến tàu chạy dịp Tết Nhâm Dần đều được triển khai các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Có sân bay, huyện đảo Lý Sơn sẽ đón được 3,5 khách mỗi năm

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ là việc Bộ GTVT đề nghị sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch, xây dựng CHK, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý,...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, cho phép đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT; cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.

img

Nếu có sân bay cấp 4C, Quảng Ngãi sẽ khai thác được từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm

”Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự kiến đây sẽ là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm. Nếu được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, Quảng Ngãi sẽ tìm nhà đầu tư xây sân bay này theo hình thức BOT mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Lý Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh và được thiên nhiên ưu ái nhiều điểm độc đáo như: Di tích núi lửa hàng triệu năm tiêu biểu ở Lý Sơn, vách đá hang Câu, cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiền và miệng Thới Lới; có các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ hội đua thuyển tứ linh, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nơi có giá trị du lịch cao, ngoài ra quá trình kiến tạo thiên nhiên làm cho nền địa chất Lý Sơn trở nên phong phú và đa dạng sinh học cùng nét văn hóa địa phương đặc sắc hứa hẹn là một điểm du lịch nổi tiếng thế giới nếu được đầu tư bài bản, chiến lược.

Tuy nhiên, thực tế một trong những trở ngại lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi nói chung cũng như đảo Lý Sơn nói riêng đối với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược quan tâm, đầu tư, xây dựng du lịch theo hướng bền vững và lâu dài tại Lý Sơn, đó là kết nối hạ tầng giao thông. Hiện tại, để đến được đảo Lý Sơn chỉ đi bằng đường thủy nên rất bất tiện đối với du khách, đây là cản trở lớn nhất tới việc phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đảo Lý Sơn nói chung.

Liên quan đến một số ý kiến e ngại việc quy hoạch sân bay Lý Sơn là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm chưa thực sự phù hợp với quy mô diện tích hiện nay của đảo, ông Minh cho hay: “Chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích kĩ tính khả thi, hiệu quả cũng như tác động của sân bay quốc tế đối với Lý Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung”.

Theo ông Minh, trên thế giới, có rất nhiều sân bay quốc tế được xây dựng trên các hòn đảo diện tích nhỏ và đã sớm trở thành cây cầu nối cho các đảo này vươn ra thế giới, đem lại lợi ích kinh tế cho cả khu vực. Chẳng hạn, đảo du lịch Maldives nổi tiếng ở Ấn Độ Dương gồm 1.200 hòn đảo lớn nhỏ với các sân bay nằm rải rác, gồm 4 sân bay quốc tế và 86 sân bay nội địa trải dài. Trong đó, sân bay quốc tế Velana nằm ở đảo Hulhule rộng chỉ 3km2, là sân bay bận rộn nhất ở Maldives. Hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều được kết nối với sân bay này.

Đảo Saba (thuộc vùng biển Caribe) có diện tích rộng 13km và sở hữu 1 sân bay. Bora Bora - hòn đảo thuộc Pháp được mệnh danh đẹp nhất hành tinh, với diện tích 24 km2 cũng sở hữu riêng sân bay quốc tế. Hay đảo quốc nhỏ nhất thế giới Nauru (thuộc Tây Nam Thái Bình Dương) cũng kết nối với thế giới qua một sân bay quốc tế…

Khách đi tàu Tết Nhâm Dần 2022 cần lưu ý gì khi đổi, trả vé?

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ mở bán chính thức vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 từ ngày 15/11/2021. Đi kèm đó là chính sách đổi, trả vé. Các quy định đổi, trả vé tàu Tết được áp dụng từ ngày 20/1 đến 28/2/2022.

img

Hành khách cần lưu ý các quy định về đổi, trả vé khi mua vé tàu Tết Nhâm Dần 2022

"Nếu hành khách không đi tàu nữa, có thể chọn một trong hai hình thức bảo lưu vé hoặc trả vé. Hành khách được bảo lưu tiền vé và sử dụng để đi tàu trong năm 2022, ngành Đường sắt sẽ không thu phí trả vé; Nếu không sử dụng hoặc sử dụng chưa hết sẽ được hoàn lại tiền vé kể từ ngày 1/1/2023. Thời gian bảo lưu vé theo quy định", Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin.

Với hình thức trả vé, hành khách sẽ chịu phí trả vé theo quy định và đường sắt sẽ hoàn lại tiền cho hành khách sau 90 ngày tính từ ngày trả vé.

Cũng theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ngành Đường sắt quy định thời gian và mức phí đổi, trả vé tàu Tết. Trong thời gian cao điểm Tết, sẽ áp dụng phí đổi, trả vé là 30% giá tiền in trên Thẻ đi tàu.

Cụ thể áp dụng từ ngày 26/1 đến ngày 4/2/2022 đối với mác tàu số chẵn và mác tàu số lẻ có ga đi là ga Hà Nội, có ga đến từ các ga Phủ Lý đến Đồng Hới; Từ ngày 4/2 đến ngày 12/2/2022 đối với mác tàu số lẻ; Từ ngày 4/2 đến ngày 6/2/2022 đối với mác tàu số chẵn có ga đi từ các ga Đồng Hới đến Phủ Lý và có ga đến là ga Hà Nội.

Thời gian đổi trả, bảo lưu vé trong cao điểm Tết: Vé cá nhân phải đổi, trả trước giờ tàu chạy ghi trên vé 24 giờ trở lên; Vé tập thể phải trước giờ tàu chạy ghi trên vé 48 giờ trở lên.

Trong các thời gian còn lại dịp Tết, hành khách có vé cá nhân không được đổi vé trước giờ tàu chạy dưới 24 giờ, từ 24 giờ trở lên mức phí đổi vé là 20.000 đ/vé. Hành khách có vé tập thể không được đổi vé.

Đối với việc trả vé, hành khách cá nhân phải trả vé trước giờ tàu chạy từ 4 giờ trở lên; Trả trước từ 4 -24 giờ, mức phí trả vé là 20% tiền vé; Trả trước từ 24 giờ trở lên mức phí là 10% tiền vé.

Hành khách tập thể phải trả vé trước giờ tàu chạy từ 24 giờ trở lên; Trả trước từ 24-72 giờ, mức phí trả vé là 20% tiền vé; Trả trước từ 72 giờ trở lên mức phí là 10% tiền vé.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết sẽ áp dụng nhiều chính sách giảm giá vé tàu dịp Tết Nhâm Dần 2022, trong đó giảm 40% đối với hành khách mua vé cá nhân xa ngày đi tàu.

Cụ thể, từ ngày 20/1 đến hết ngày 13/2/2022, ngành Đường sắt sẽ chạy 8 đôi tàu chính hàng ngày gồm: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, SE11/12, SE21/22, NA1/2, SE35/36. Ngoài ra còn có 3 đôi tàu chạy tăng cường trong dịp cao điểm gồm: SE9/10, SE13/14, SE23/24.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu mở bán chỉ áp dụng đối với 4 đôi tàu Thống nhất SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một số đôi tàu địa phương.

Hành khách cá nhân khi đổi trả vé sẽ chịu mức phí tương đương mức giảm giá. Riêng với vé giảm giá từ 20% trở lên phải đổi, trả trước giờ tàu chạy 72 giờ.

Đề xuất đầu tư công đoạn cao tốc qua Hà Tĩnh

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến triển khai đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng theo hình thức PPP, song tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đầu tư công.

Đầu tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, trong đó có 4 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (Phú Yên, Khánh Hòa). Ngoài ra, có 8 dự án khác đầu tư công để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam.

Trong 4 dự án PPP, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi dài 36 km, tổng mức đầu tư 7.588 tỷ đồng và đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng dài 54 km, tổng mức đầu tư 10.707 tỷ đồng. Các đoạn cao tốc này sẽ kết nối tiếp với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đang được triển khai theo hình thức PPP.

img

Xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) điểm cuối của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, là điểm đầu cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Ảnh: VnExpress

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Chính phủ đầu tư hai đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng theo phương thức đầu tư công và chỉ đạo các Bộ, ngành sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm 2022.

Báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh nêu địa phương đang đẩy nhanh việc triển khai Khu kinh tế Vũng Áng, đây là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung đầu tư về công nghiệp thép và cơ khí, chế tạo; năng lượng, cảng biển nước sâu và dịch vụ logistic.

Đến nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng có 146 dự án đã và đang được đầu tư, các dự án lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng Vũng Áng, Khu công nghiệp Vũng Áng 1....

Trong khi đó, quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh bắt đầu bị hư hỏng, xuống cấp nên tỉnh này cho rằng việc sớm đầu tư các đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng để kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, thực tế cho thấy việc đầu tư đường cao tốc theo phương thức PPP gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chưa thể khẳng định chắc chắn thành công, có thể dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Hiện trong 3 dự án đầu tư PPP cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 có cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đang nỗ lực tìm giải pháp, thuyết phục ngân hàng cho vay trong tuần tới.

10 năm tới, Hà Nội xây những cảng đường thủy nào?

Ngày 14/11, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829, khu vực phía Bắc có 4 hành lang vận tải thủy, trong đó Hà Nội nằm trên trục liên kết 3 hành lang: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai.

img

Hà Nội được quy hoạch xây dựng 5 cụm cảng hàng hóa và 1 cụm cảng thủy hành khách đến năm 2030 - Ảnh internet

Các trục hành lang vận tải thủy qua Hà Nội theo các tuyến đường thủy quốc gia chạy qua gồm sông Hồng, Đáy, Cầu và sông Công. Căn cứ theo định hướng phát triển các hành lang vận tải thủy, các cụm cảng thủy được quy hoạch tại Hà Nội đến năm 2030 gồm 5 cụm cảng hàng hóa và 1 cụm cảng hàng khách, phân bố theo khu vực trung tâm Thủ đô và các hướng xung quanh.

Các cụm thủy hàng hóa gồm: cụm cảng trung tâm Hà Nội (với cảng Hà Nội, cảng Binh đoàn 11, Khuyến Lương (hiện có) và xây dựng mới cảng Thanh Trì tại quận Hoàng Mai, đều ven sông Hồng); cụm cảng Bắc Hà Nội (cảng Bắc Hà Nội tại khu vực Nhật Tân (huyện Đông Anh, sông Hồng), cảng Đa Phúc (sông Công, huyện Sóc Sơn).

Cụm cảng Nam Hà Nội, gồm cảng Hồng Vân (sông Hồng, hiện có) và xây dựng mới cảng Vạn Điểm - Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), Gia Lâm, Bát Tràng (huyện Gia Lâm, sông Hồng), cảng Ba Thá, Tế Tiêu - Vân Đình (huyện Mỹ Đức, sông Đáy).

Cụm cảng Đông Hà Nội: xây dựng mới cảng Phù Đổng - Giang Biên, Mai Lâm, Đức Giang (sông Đáy, huyện Gia Lâm và Đông Anh).

Cụm cảng Tây Hà Nội: gồm cảng Sơn Tây, Chèm - Liên Mạc (hiện có) và xây dựng mới các cảng mới ven sông Hồng là Đường Lâm (TX. Sơn Tây), Hoàng Kim, Chu Phan (huyện Mê Linh), Hồng Hà (huyện Đan Phượng), Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), Ba Vì (huyện Ba Vì).

Đối với cảng thủy hành khách, đến năm 2030, Hà Nội được quy hoạch xây dựng cụm cảng mới, gồm các cảng trên sông Hồng, Đuống, Công và Đáy dành cho cỡ tàu chở 100 ghế. Quy hoạch không nêu vị trí địa bàn quận, huyện cụ thể xây dựng cảng thủy khách, song dự tính nhu cầu sử dụng đất là 16,5 ha.

Được biết, đến nay Hà Nội chưa có cụm cảng thủy container và cảnh thủy hành khách. Các cảng thủy hàng hóa như cảng Hà Nội, Khuyến Lương... đều đã được xây dựng cách đây vài chục năm và hiện chủ yếu bốc dỡ vật liệu xây dựng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.