Giao thông

Tin tức giao thông 18/11: Hà Tĩnh tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác

18/11/2021, 17:50

Tin tức giao thông 18/11: Trạm thu phí Cầu Rác ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, được tháo dỡ sau hơn 2 năm bỏ hoang, cản trở giao thông.

Việc tháo dỡ do Công ty cổ phần 465, trụ sở ở TP Vinh (Nghệ An) thực hiện, kinh phí hơn 400 triệu đồng; bắt đầu từ ngày 18/11, dự kiến kết thúc sau 6 ngày.

Từ sáng nay, nhà thầu điều máy xúc, xe cẩu cùng hàng chục công nhân đến tháo dỡ, di dời các trụ phân cách cứng và mái che của trạm thu phí. Xe tải chở vật liệu đi chỗ khác.

img

Công nhân tháo dỡ mái che trạm thu phí Cầu Rác, ngày 18/11

Ở hai đầu quốc lộ 1, ban ngày nhà chức trách dựng biển cảnh báo, giới hạn tốc độ, phân luồng cho xe qua lại; buổi tối bố trí thêm đèn chiếu sáng. Sau khi giải phóng xong mặt bằng, điểm đặt trạm thu phí trước kia sẽ được rải thảm nhựa.

Trạm thu phí Cầu Rác do Tổng công ty Sông Đà lập ra để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường BOT dài 16 km trên quốc lộ 1 nối từ xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đến xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Hết thời hạn thu hoàn vốn từ tháng 2/2019, trạm bỏ hoang hơn 2 năm nay, chậm tháo dỡ do một số vướng mắc trong bàn giao tài sản giữa chủ đầu tư với cơ quan nhà nước.

Từ khi trạm dừng hoạt động, tại đây xảy ra một số vụ tai nạn. Nhiều tài xế khi lái xe tải, xe khách chạy qua trạm thu phí Cầu Rác đã tông trúng các hạng mục ở hai đầu công trình khiến một số tài sản và phương tiện vận tải hư hỏng.

Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh cả trong ngày thường

Ngày 18/11, Công ty Hà Nội Metro cho biết, trong 12 ngày đầu phục vụ miễn phí (từ 6-17/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 275.670 lượt hành khách.

Các đoàn tàu được vận hành từ 5h30 - 22h hàng ngày, với kết quả khai thác đạt các chỉ tiêu kế hoạch về chuyến lượt, đảm bảo an toàn vận hành và công tác phòng chống, dịch bệnh Covid-19.

img

Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông chở khách miễn phí đến hết ngày 20/11/2021

Đáng chú ý, trong 10 ngày đầu khai thác, số lượng khách tập trung vào các ngày nghỉ cuối tuần, song từ đầu tuần này, số lượng khách đi lại trong các ngày làm việc bình thường (từ 15-17/11, thứ Hai, Ba, Tư) tăng so với các ngày đầu tuần trước.

Cụ thể, ngày 15/11, đạt 19.572 lượt khách, tăng 231 lượt so với thứ Hai tuần trước; ngày 16/11, vận chuyển 18.390 lượt khách, tăng 1.533 lượt so với thứ Ba tuần trước; ngày 17/11, đạt 18.680 lượt, tăng 2.460 lượt so với thứ Tư tuần trước.

Từ 6 - 20/11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông hoạt động từ 5h30 - 22h, miễn phí vận chuyển tất cả hành khách; sau đó bước vào giai đoạn khai thác thương mại. Trong 6 tháng đầu khai thác thương mại, các đoàn tàu chở khách từ 5h - 23h, tần suất 10 phút/chuyến.

Hải Phòng phân luồng giao thông đường tỉnh 354 để sửa chữa cầu Khuể

Ngày 18/11, Sở GTVT Hải Phòng vừa ra thông báo số 401/TB-SGTVT về việc điều chỉnh phân luồng tạm thời đường tỉnh 354 để phục vụ thi công sửa chữa cầu Khuể (Km 9+150), huyện Tiên Lãng - huyện An Lão.

Theo đó, kể từ 0h ngày 19/11/2021, cấm xe ô tô khách và ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) trên 1,5 tấn lưu thông qua cầu Khuể.

Cấm xe ô tô con lưu thông qua cầu Khuể, thời gian cụ thể: Từ 6h đến 7h30 cấm hướng từ huyện Tiên Lãng đi huyện An Lão; từ 16h30 đến 19h30 cấm hướng từ huyện An Lão đi huyện Tiên Lãng.

img

TP Hải Phòng phân luồng giao thông đường tỉnh 354 để sửa chữa cầu Khuể

Phân luồng giao thông cho các phương tiện lưu thông từ huyện Tiên Lãng đi huyện Tiên Lãng và ngược lại như sau:

Đối với xe ô tô khách, ô tô tải có khối lượng chuyên chở trên 1,5 tấn lưu thông theo các tuyến đường tỉnh 354 - đường từ ngã 3 Đoàn Lập - Cầu Đăng - QL37 - QL10 - đường tỉnh 360.

Đối với xe ô tô con lưu thông 2 chiều theo các tuyến đường: ĐH.25 - QL10 - đường tỉnh 362.

Sở GTVT đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chấp hành theo hệ thống biển báo hiệu đường bộ và các lực lượng chức năng điều tiết giao thông tại hiện trường.

Chuyến bay đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam

Chuyến bay đầu tiên chở du khách quốc tế đến Việt Nam trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế đã hạ cánh an toàn lúc 15h55 chiều 17/11.

Chuyến bay được thực hiện bởi Vietnam Airlines, mang số hiệu VN417, có hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng. Trong ảnh, các tiếp viên của Vietnam Airlines chào mừng các vị khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam du khách quốc tế đến Việt Nam trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế.

img

Sau khi hạ cánh, các du khách nước ngoài sẽ di chuyển đến 01 khách sạn ở Hội An (Quảng Nam)

Chuyến bay chở các hành khách mang quốc tịch Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, Séc, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia...

Để tham gia các chuyến bay thí điểm này, hành khách cần đáp ứng các điều kiện gồm có “hộ chiếu vaccine” (chứng nhận tiêm chủng vaccine hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 theo quy định), kết quả xét nghiệm RT PCR trong vòng 72 giờ trước khi bay, vé quay lại nơi đi cũng như đã hoàn thành khai báo y tế.

Sau khi hạ cánh, các du khách nước ngoài sẽ di chuyển đến 01 khách sạn ở Hội An (Quảng Nam), được xét nghiệm Covid-19 và vui chơi, nghỉ dưỡng theo lịch trình đã được đăng ký trước theo kế hoạch do doanh nghiệp du lịch tổ chức trong vòng 7 ngày.

Theo hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của Bộ VHTTDL, với khách du lịch đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày khách du lịch được xét nghiệm RT-PCR bởi nhân viên y tế hoặc cơ quan y tế địa phương vào ngày thứ 7 của chương trình du lịch.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, khách du lịch có thể đến các địa phương khác được phép đón khách du lịch quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói (danh mục các khu vực và địa phương đón khách được công bố theo từng giai đoạn của lộ trình đón khách quốc tế).

Nếu khách du lịch có nhu cầu thăm thân tại các địa điểm khác ngoài các địa điểm đã được đón khách du lịch quốc tế, phải có văn bản đăng ký với đơn vị tổ chức để thông báo với chính quyền địa phương nơi đến phối hợp theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định.

Khách có thể xuất cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép. Các chuyến bay thí điểm thành công của Vietnam Airlines là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý đánh giá, xây dựng phương án và triển khai “bong bóng du lịch” (bubble tour).

Đây là mô hình hành lang du lịch an toàn trong Covid-19, giữa các quốc gia, khu vực đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, với yêu cầu cách ly được gỡ bỏ hoặc nới lỏng cho những hành khách đáp ứng tiêu chuẩn hộ chiếu vaccine và xét nghiệm âm tính. Các quốc gia đã áp dụng “bong bóng du lịch” có thể kể đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Australia…

Đầu tư 130 tỷ đồng làm tấm chống ồn đường Vành đai 3

Tròn 1 năm sau khi thông xe, đường trên cao Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang được lắp đặt tấm chống ồn ở hai bên đường. Hạng mục được đánh giá vừa đúng tiêu chuẩn đường cao tốc qua đô thị vừa giảm tiếng ồn cho các hộ dân sống xung quanh.

Ông Nguyễn Song Toàn, đại diện nhà thầu Tokyu - Taisei (Nhận Bản) - thi công hạng mục tấm chống ồn cho biết, đường trên cao Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang có lưu lượng ô tô, trong đó có cả xe tải và xe siêu trường, siêu trọng lưu thông đêm, ngày với mật độ cao.

img

Theo đại diện nhà thầu, tấm chống ồn là vật liệu Polycarbonate - một loại nhựa dẻo, chịu được nhiệt độ cao, được nhập từ nước ngoài.

Tốc độ xe lưu thông được phép lên đến 100 km/h. “Vừa qua nhà thầu đã cùng với Bộ GTVT tiến hành khảo sát và quan trắc mức độ tiếng ồn và cho kết quả rất lớn. Trong khi đó, hai bên đường dân cư đông đúc. Sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân nếu không có giải pháp giảm tiếng ồn”, ông Toàn thông tin.

Từ thực tế trên, Bộ GTVT và nhà thầu đã thống nhất dùng nguồn vốn còn lại của dự án để lắp thêm hạng mục vách chống ồn đô thị.

Với chiều cao của tấm chống ồn là 2 mét, dài 5 km cả hai bên đường trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, tổng số điện tích được lắp tấm chống ồn là 19.000 m2. Để phủ kín toàn bộ diện tích này, đại diện nhà thầu Tokyu - Taisei đã dùng hơn 4.500 tấm chống ồn và 2.400 cột thép hình chữ H để làm khung giữ an toàn.

Theo đại diện nhà thầu, tấm chống ồn là vật liệu Polycarbonate - một loại nhựa dẻo, chịu được nhiệt độ cao, được nhập từ nước ngoài. Để ghim và giữ vững chắc các tấm nhựa là các cột sắt chịu lực hình chữ H được dựng làm khung.

Tổng mức đầu tư cho hạng mục lắp tấm chống ồn cho đường trên cao Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long là 130 tỷ đồng.

Theo đại diện chủ đầu tư dự án đường trên cao Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT), hiện tấm chống ồn cũng đã được lắp đặt ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Vách chống ồn ở đây là kim loại, có màu xanh hoặc đen sẫm, không thể nhìn xuyên qua, tuy nhiên vách chống ồn lắp đặt ở đường Vành đai 3 trên cao là loại nhựa dẻo, chịu nhiệt và trong suốt, không che khuất tầm nhìn.

Đề cập đến tiến độ thi công, ông Nguyễn Song Toàn cho biết, hiện các đơn vị thi công đã lắp đặt được 50% các tấm chắn ồn trên đường trên cao Vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long, theo tiến độ đặt ra đơn vị sẽ hoàn thành toàn bộ công việc này trong tháng 12/2021.

Xe ôm công nghệ được phép hoạt động trở lại ở TP.HCM

Theo thông báo mới của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay gần như tất cả các loại hình, phương tiện giao thông trên địa bàn TP hoạt động trở lại (trừ xe ôm truyền thống).

Như vậy, sau ngày 17/11, TP cho phép xe ôm công nghệ được hoạt động đón khách trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng.

Loại hình vận tải hành khách này muốn hoạt động phải đảm bảo điều kiện không quá 50% số chuyến ở từng đơn vị, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

img

Xe ôm công nghệ được phép hoạt động trở lại ở TP.HCM

Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin (đối với vắc xin yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Từ chối không vận chuyển đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Đối với hành khách sử dụng dịch vụ phải tuân thủ nguyên tắc 5K; khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt .

Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ phải cung cấp danh sách phương tiện và người điều khiển phương tiện đang quản lý và thông tin phương tiện, người điều khiển phương tiện dự kiến hoạt động đến Sở GTVT để đơn vị cập nhật.

Hiện TP chưa cho phép xe ôm truyền thống hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Đối với vận tải hành khách bằng xe taxi, tuyến cố định và xe trung chuyển, taxi công nghệ, xe vận chuyển công nhân và chuyên gia được phép hoạt động khi đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Xe buýt thực hiện theo kế hoạch do Sở GTVT công bố. Riêng xe du lịch thí điểm từ sân bay Tân Sơn Nhất đến TP Vũng Tàu và ngược lại được phép hoạt động nhưng phù hợp với phương án tổ chức hoạt động vận tải của tỉnh, thành phố (nơi đến).

Đối với các hoạt động vận tải đường sắt, hàng không vận hành theo quy định của Bộ GTVT.

Cầu vượt chữ C đầu tiên ở Hà Nội sẽ xong 6/2022

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được thi công theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ thi công phần cầu phía đường Phạm Ngọc Thạch và xén hè mở rộng đường Chùa Bộc. Dự kiến đến ngày 31/12/2021, hoàn thành công tác thi công kết cấu phần dưới bên phía đường Phạm Ngọc Thạch (trụ P4, P5, P6, P7, P8 và mố M9) và công tác xén hè mở rộng đường Chùa Bộc.

img

Cầu vượt chữ C đầu tiên tại Hà Nội rộng 9m sẽ xong trong tháng 6/2022.

Giai đoạn 2 thi công phần cầu phía đường Chùa Bộc và lao lắp dầm thép phía Phạm Ngọc Thạch. Dự kiến 2/1/2022, thi công kết cấu phần dưới phía đường Chùa Bộc (trụ P1, P2, P3, mố M0) và lao lắp dầm thép kết cấu phần trên, dự kiến hoàn thành dự án ngày 30/6/2022.​​​

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, chủ đầu tư dự án cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch cho biết, dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Về thiết kế, cầu vượt thép được lắp ghép theo hình chữ C dài hơn 300m, rộng 9m, tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp ô tô và xe máy. Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại sẽ được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu dưới cầu.

Gần 147.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là bước tiếp nối sau khi triển khai đầu tư 11 dự án thành phần trong giai đoạn 2017-2020.

Ở bước này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các đoạn tuyến còn lại của cao tốc Bắc - Nam gồm Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Mục tiêu là hoàn thiện mạch cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.063 km.

img

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km.

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km. Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80-120 km/h.

Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 5.481 ha, trong đó đất dân cư khoảng 502 ha. Số hộ bị ảnh hưởng là gần 15.000, số hộ tái định cư gần 12.000. Tổng mức đầu tư sơ bộ của 12 dự án theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng.

Để bảo đảm sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần. Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ được tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Theo tính toán sơ bộ, phương án thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trong 5 năm đầu có thể giúp thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu) thì trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước và 10 năm là 30.000 tỷ đồng.

Về cấp triển khai thực hiện dự án, từ thực tiễn một số địa phương đã triển khai đầu tư cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần.

Sau hơn 16 năm kể từ khi xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (tuyến TP.HCM - Trung Lương), đến nay cả nước đã đưa vào khai thác 1.163 km cao tốc. Tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển cao tốc của Trung Quốc.

Chính phủ đánh giá giá kết quả trên chưa đáp ứng được mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc” theo Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Việc phân bổ đầu tư các tuyến cao tốc chưa hợp lý, chưa hài hòa giữa các vùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.