QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ đưa vào sử dụng giúp KT-XH các địa phương phát triển (Trong ảnh: Một đoạn QL1 qua Quảng Bình) - Ảnh: Văn Thanh |
QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ thông xe toàn tuyến vượt tiến độ 12-18 tháng rút ngắn từ 7-10 tiếng lưu thông. Đây cũng là thời cơ không thể tốt hơn để người dân các địa phương phát triển kinh tế. Nhiều người đã đổi đời từ khi tuyến huyết mạch quốc gia đưa vào khai thác...
Hết “sốc”, giờ tính chuyện làm ăn
Quán giải khát của gia đình ông Dương Ngọc Đông Em (xã Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam) giờ khang trang hơn. Những dãy bàn mới, tấp nập người dân dừng nghỉ. “Đường mới sạch sẽ, khách đông hơn, gia đình bớt khó khăn. Giờ nghĩ lại thấy hối hận vì trước đây mình từng cản trở thi công QL1”, ông Em nói.
Cuối tháng 5/2015, khi dự án QL1 của nhà đầu tư BOT 545 vào cao điểm thảm mẻ bê tông nhựa cuối cùng, gia đình ông Em ngăn cản quyết liệt, phải nhờ lực lượng bảo vệ thi công, công trình mới về đích đúng hẹn.
"Tổng chiều dài dự án QL1 được đầu tư nâng cấp, mở rộng 1.475 km, gồm hai đoạn chính: Đoạn Hà Nội - Thanh Hóa dài 133 km đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 12/2013 và đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ dài 1.342 km chia thành 38 dự án với tổng mức đầu tư 82.107 tỷ đồng (không bao gồm dự án Đèo Cả và tuyến tránh Cai Lậy). Trong đó, 18 dự án đầu tư bằng hình thức BOT (tổng mức đầu tư 36.988 tỷ đồng) và 20 dự án đầu tư bằng nguồn vốn TPCP với tổng mức đầu tư 45.119 tỷ đồng. Các dự án hoàn thành vượt kế hoạch từ 12-18 tháng”. Ông Trần Xuân Sanh |
Theo ông Nguyễn Văn Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, địa phương vốn là “điểm nóng” vướng mắc mặt bằng, cản trở thi công QL1. Nhưng khi dự án hoàn thành, đi vào khai thác, bộ mặt vùng quê, đời sống bà con thay đổi rõ rệt. Đường sá khang trang, đèn điện sáng rực, hệ thống dải phân cách an toàn hơn. Nhiều doanh nghiệp, HTX kinh tế mở rộng quy mô sản xuất.
Trở lại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), nơi có 80% là người dân tộc Chăm sinh sống, cũng là nơi tiên phong trong công tác GPMB, chúng tôi gặp lại ông Hứa Chà Mú (84 tuổi). Tay bắt mặt mừng, ông Mú bảo từ khi QL1 mở rộng đến nay tối nào ông cũng ngủ ngon vì không phải thót tim nghe tiếng xe thắng gấp, những vụ tai nạn bất ngờ xảy ra. “Đường giờ rộng rồi, đi lên huyện, lên phố thuận lợi lắm”, ông Mú nói.
Ông Trần Văn Thành (SN 1957), ở thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình), khi dự án mở rộng QL1 được triển khai, nhà ông bị giải tỏa 6m chiều dài, chỉ còn lại 9m. Ông Thành kể, khi mới nghe tin nhà bị giải tỏa, cả gia đình sốc lắm. Bởi nhà đông con mà giờ bị cắt chỉ còn 9m không biết sống sao. Nhất là phải tháo gần như toàn bộ căn nhà để làm lại. Thế nhưng sau khi được vận động, ông cũng thông. Tiền bồi thường ông thuê thợ sửa sang phần nhà còn lại khang trang hơn trước. Còn lại, ông dành để đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. “Giờ đường thông thoáng hơn trước nhiều, tai nạn cũng giảm. Không chỉ tui mà dân ở đây ai cũng mừng”, ông Thành chia sẻ.
Vừa bán xong mấy tờ báo đặt ở trước hiên nhà, ông Nguyễn Văn Chính (SN 1952, trú tại khu phố Phú Cường, Thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc) đon đả mời khách vào nhà. Căn nhà chỉ 44 m2 nhưng khang trang sạch sẽ. Thu nhập của ông giờ cũng ổn định và đều đặn hơn trước. Ông Chính cho biết, gia đình vào nhà mới cách đây mấy hôm. Trước đây, mặt tiền nhà ông ra đến QL1 với chiều dài gần 20m. Khi dự án mở rộng QL1 thực hiện, phần đất của gia đình ông bị giải tỏa mất gần 9m chiều dài, chỉ còn lại 11m. Được hỗ trợ một số tiền đền bù cùng với số tiền tích góp bao nhiêu năm, cả gia đình ông phải đi ở nhờ mấy tháng để làm lại nhà. “Giờ nhà tuy nhỏ nhưng khang trang hơn trước nhiều. Năm nay ăn Tết to hơn mọi năm vì có nhà mới”, ông Chính cười.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, được cải tạo từ năm 2000, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, tuyến QL1 chỉ có quy mô hai làn xe cơ giới, mặt đường ngày càng xuống cấp, lưu lượng xe gia tăng đột biến khiến mạch máu giao thông quốc gia ngày càng chật hẹp, ách tắc và TNGT tăng cao. “Sau khi các dự án được đưa vào khai thác, tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm thời gian chạy xe ít nhất 7-10 giờ và tạo điều kiện đáng kể để người dân phát triển KT-XH, thúc đẩy giao thương”, ông Sanh nói.
Đua nhau sắm phương tiện, mở rộng đầu tư
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó giám đốc Công ty Xe khách Chín Nghĩa (đơn vị vận tải quy mô lớn nhất của Quảng Ngãi) cho hay, sẽ mở thêm một số tuyến vận tải hành khách mới, nâng số lượng đầu xe, công suất phục vụ. Hơn ba tháng khi QL1 đưa vào khai thác, hiệu quả đối với các đơn vị vận tải rõ rệt: Giảm tối đa thời gian hành trình, phí tổn nhiên liệu, hao mòn phương tiện, đặc biệt là yếu tố rủi ro do TNGT, đường sá xuống cấp. “Có đóng phí chúng tôi cũng cho rằng lợi ích QL1 lớn hơn nhiều”, ông Phong nói. Đón đầu xu hướng phát triển vận tải đường bộ, Chín Nghĩa đã và đang đưa vào ba hệ thống trạm dừng đỗ quy mô lớn tại Bình Định, Ninh Thuận và Đồng Nai. Theo ông Phong, QL1 mới đòi hỏi hoạt động vận tải hiện đại, chuyên nghiệp và đồng bộ hơn.
"Chỉ riêng việc rút ngắn thời gian lưu thông trên QL1 là đã tính ngay ra tiền. Từ Hà Nội đi Cần Thơ giảm 7 - 10 tiếng là điều chưa từng có. Đường đẹp hơn không chỉ giúp phương tiện của doanh nghiệp quay vòng nhanh hơn mà đối với hành khách cũng thuận lợi hơn”. Ông Nguyễn Văn Thanh |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Minh Sơn (Đà Nẵng) chia sẻ: “Đơn vị nối tuyến mới Đà Nẵng - Hải Dương, tăng thêm xe các tuyến truyền thống Đà Nẵng - Giao Thủy, Thái Bình, Hà Tĩnh… Không chỉ nhà xe, hành khách đều cảm nhận diện mạo QL1 khiến việc đi lại, vận tải thuận lợi, an toàn và thoải mái hơn”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty Cảng Đà Nẵng cho rằng, sự kết hợp giữa đường bộ, đường thủy, đường biển khiến “các bên cùng có lợi”. Hàng hóa lưu thông, thúc đẩy KT-XH đồng loạt phát triển. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, QL1 mới góp phần thúc đẩy quá trình liên kết các vùng kinh tế, các địa phương tốt hơn. Hàng loạt KCN, khu kinh tế trên tuyến miền Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây “bừng tỉnh”.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đông Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá: “Mở rộng QL1 là mong mỏi của địa phương nhiều nhiệm kỳ qua. Chưa thời điểm nào như hiện nay, các tuyến QL1, QL19, QL1D… đồng loạt nâng cấp, mở toang cánh cửa thông thương của Bình Định đến các vùng lân cận Tây Nguyên, miền Trung và duyên hải Nam Trung Bộ.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam nhận định, ngành Du lịch đang đón “làn gió” mới từ hạ tầng QL1. Lượng du khách đổ về các “địa chỉ” du lịch bằng đường bộ ngày một tăng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận