Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 23/7: Thêm 1.611 ca, cả ngày thành phố có 4.913 ca

23/07/2021, 20:00

Tình hình Covid-19 tại TP.HCM ngày 23/7: Tối nay Bộ Y tế ghi nhận thêm 1.611 ca, nâng tổng ca nhiễm trong ngày tại thành phố lên 4.913 ca.

Theo bản tin chiều 23/7 của Bộ Y tế, tính từ 6h đến 19h ngày 23/7 có 3.409 ca mắc mới (12 ca nhập cảnh và 3397 ca ghi nhận trong nước), nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 7.307.

img

Cập nhật tin tức mới nhất về Covid-19 tại TP.HCM ngày 23/7

Trong các ca nhiễm chiều nay, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 1.611 ca, tiếp đến là Bình Dương (571), Long An (379), Đồng Nai (184), Tây Ninh (176), Đồng Tháp (98), Tiền Giang (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Hà Nội (56), Khánh Hòa (51), Quảng Ngãi (26), Bình Thuận (24), Cần Thơ (24), Ninh Thuận (18), Phú Yên (15), Đắk Nông (8 ), Trà Vinh (6), Bình Định (6), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2), Hòa Bình (1), Quảng Nam (1), Kon Tum (1) trong đó có 1.083 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong ngày 23/7 có 7.307 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.295 ca ghi nhận trong nước; Tại TP. Hồ Chí Minh (4.913), Bình Dương (608), Long An (602), Đồng Nai (217), Tây Ninh (212), Đồng Tháp (129), Tiền Giang (95), Hà Nội (70), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bình Thuận (47), Ninh Thuận (37), Cần Thơ (34), Phú Yên (30), Quảng Ngãi (26), Bến Tre (20), Trà Vinh (15), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Đắk Nông (8 ), Bình Định (6), Đắk Lắk (4), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (2), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2), Lai Châu (1), Hòa Bình (1), Kon Tum (1) trong đó có 1.274 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 23/7, Việt Nam có tổng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước.Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 77.967 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn đến 1/8

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn.

Trong thời gian, từ nay đến 1/8, thành phố sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch. Đồng thời, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao, mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.

Theo ông Dương Anh Đức, thời gian này thành phố sẽ tăng cường biện pháp mạnh hơn nữa theo đúng tinh thần chỉ thị 12 của Thành ủy TP ký ngày 22/7.

TP.HCM ra Chỉ thị khẩn số 12 với hàng loạt biện pháp mạnh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký Chỉ thị khẩn số 12, về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Theo Thành ủy TP.HCM, sau 13 ngày nỗ lực quyết tâm có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành Trung ương thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tình hình dịch tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Cụ thể là số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...

Trước tình hình cấp bách do chủng vi rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường; để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điêu trị, cứu chữa bệnh nhân, bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch đang tập trung triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiếm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.

Sáng nay thêm 3.302 ca nhiễm

Tin tức mới nhất Covid-19 ngày 23/7, theo bản tin sáng của Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 22/7 đến 6h ngày 23/7 có 3.898 ca mắc mới ghi nhận trong nước.

Số ca mới ghi nhận nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh với 3.302, tiếp đến là Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1) trong đó có 191 ca trong cộng đồng.

Tính đến sáng ngày 23/7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 74.570 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

TP.HCM nâng cấp hệ thống điều trị COVID-19 lên 5 tầng

Sở Y tế TP.HCM ngày 22/7 có văn bản điều chỉnh kế hoạch thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình hình dịch bệnh bùng phát lan rộng trên địa bàn.

Theo Sở Y tế, số ca F0 tiếp tục tăng cao, tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong tiếp tục tăng. Tính đến hết ngày 21/7, hơn 35.000 trường hợp F0 với 2.106 người bệnh cần hỗ trợ hô hấp và 382 ca tử vong.

Do đó, Sở Y tế điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 theo hệ thống 5 tầng điều trị, cụ thể như sau:

Tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức. F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện.

Xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Dự kiến tầng 1 sẽ thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, có nhiệm vụ tiếp nhận F0 mới được phát hiện trong cộng đồng, được sàng lọc do có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo chuyển đến từ tầng 1. Bên cạnh đó, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Dự kiến sẽ thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 3 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho các trường hợp có triệu chứng là những bệnh viện đa khoa hạng 2, được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 chuyên tiếp nhận, điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng.

Dự kiến tầng 3 sẽ thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 4 là bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa, là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa.

Để thực hiện chức năng này, ngoài việc cần thêm các trang thiết bị như tầng 3, tầng 4 cần được bổ sung máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh có triệu chứng nặng theo phác đồ của Bộ Y tế.

Tầng 4 chịu trách nhiệm điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm và hồi sức các trường hợp nặng. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 5 là bệnh viện hồi sức COVID-19. Đây là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế.

Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0.

Sở Y tế đề nghị tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có để chuyển đổi công năng thành các cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19, kể cả trưng dụng các bệnh viện tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã nâng cấp hệ thống điều trị COVID-19 của thành phố lên 4 tầng điều trị, thay vì 3 tầng điều trị như trước đây.

Quân đội phun khử khuẩn toàn TP.HCM

Vnexpress đưa tin, chiều 22/7, đại tá Từ Minh Sơn, Trưởng phòng hóa học, Quân khu 7 cho biết chiến dịch phun khử khuẩn diễn ra đầu tiên ở TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh vào sáng mai.

Khoảng 100 chiến sĩ từ Bộ tư lệnh TP.HCM, Lữ đoàn phòng hoá 87 và Tiểu đoàn phòng hoá 38 của Quân khu 7 sẽ dùng các xe chuyên dụng phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng sẽ tập trung khử khuẩn ở khu vực nguy cơ cao tại các quận huyện liên tục 7 ngày. Hoá chất hết sẽ được pha trộn thêm phục vụ cho việc khử khuẩn" đại tá Sơn nói và cho biết hoá chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5%, đảm bảo an toàn sức khoẻ người dân.

Trước đó, ngày 1/6 Quân khu 7 cũng dùng 15 xe đặc chủng phun khử khuẩn toàn bộ quận Gò Vấp khi số ca nhiễm ở địa phương này tăng cao, xuất hiện nhiều ổ dịch và phải áp dụng Chỉ thị 16. Sau đó, đơn vị này tiếp tục khử khuẩn cho phường Thạnh Lộc (quận 12), huyện Hóc Môn, quận Bình Tân và nhiều khu vực nguy cơ lây nhiễm cao ở TP.HCM.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.