Xã hội

Dịch Covid-19 ngày 14/10: Thêm 3.092 ca nhiễm mới, riêng TP.HCM 909 ca

14/10/2021, 19:00

Tình hình dịch Covid-19 ngày 14/10: Bản tin của Bộ Y tế ngày 14/10 ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới, có 1.718 ca cộng đồng và 81 trường hợp tử vong.

Tin tức Covid-19 mới nhất ngày hôm nay 14/10

Tính từ 17h ngày 13/10 đến 17h ngày 14/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 3.088 ca ghi nhận trong nước (giảm 370 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 1.718 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.Hồ Chí Minh (-253), Hà Giang (-152), Đắk Lắk (-69).

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 14/10.

Bản tin dịch COVID-19 tối ngày 14/10 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.092 ca nhiễm mới, TP. Hồ Chí Minh (909), Đồng Nai (647).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 849.197 ca, trong đó có 785.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (909), Đồng Nai (647), Bình Dương (483), Tây Ninh (274), An Giang (104), Kiên Giang (80), Tiền Giang (72), Bình Thuận (61), Long An (59), Đồng Tháp (49), Đắk Lắk (44), Hậu Giang (36), Khánh Hòa (35), Lâm Đồng (28), Trà Vinh (21), Cần Thơ (20), Quảng Nam (17), Hà Nam (15), Vĩnh Long (14), Đắk Nông (12), Bến Tre (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Bình Phước (10), Quảng Ngãi (10), Bình Định (8 ), Lào Cai (7), Quảng Bình (7), Nghệ An (7), Ninh Thuận (6), Thanh Hóa (6), Bạc Liêu (6), Bắc Ninh (4), Thừa Thiên Huế (3), Phú Yên (2), Hà Tĩnh (2), Hà Nội (1), Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Hải Phòng (1), Vĩnh Phúc (1), Phú Thọ (1), Kon Tum (1).

Ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng đăng ký bổ sung mã ca bệnh cho 1.059 ca bệnh là các ca bệnh được lấy mẫu từ thời gian trước đó tại khu phong tỏa hoặc là người về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.Hồ Chí Minh (-253), Hà Giang (-152), Đắk Lắk (-69).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+223), Đồng Nai (+161), Lâm Đồng (+20).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.700 ca/ngày.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 853.842 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.672 ca nhiễm).

Trong ợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 849.197 ca, trong đó có 785.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.

Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (414.744), Bình Dương (223.959), Đồng Nai (57.122), Long An (33.567), Tiền Giang (14.774).

Tình hình điều trị

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 719 trường hợp. Tổng số ca được điều trị khỏi là 788.005. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.327 ca.

Số bệnh nhân tử vong:

Trong ngày 14/10 ghi nhận 81 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (61), Bình Dương (10), Long An (3), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Khánh Hòa (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 104 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.950 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng:

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 127.568 xét nghiệm cho 261.986 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.590.401 mẫu cho 57.068.367 lượt người.

Trong ngày 13/10 có 1.005.055 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 57.457.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 40.654.892 liều, tiêm mũi 2 là 16.802.200 liều.

Học sinh Hà Nội bao giờ trở lại trường?

Theo đại diện của Sở GD&ĐT Hà Nội, thứ nhất, Hà Nội có hơn 2,1 triệu học sinh ở độ tuổi chưa được tiêm vaccine. Do đó, nếu mở cửa trường học ngay lúc này sẽ không đảm bảo an toàn.

Thứ hai, Sở GD&ĐT, UBND thành phố đang xem xét lộ trình từng bước mở cửa lại trường học. Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại. Trong đó, phương án khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp, cuối cấp lớp 6, 9, 10, 12 học trước, sau đó theo lộ trình dần dần cho các cháu còn lại đi học.

img

Hà Nội có hơn 2,1 triệu học sinh ở độ tuổi chưa được tiêm vaccine. Do đó, nếu mở cửa trường học ngay lúc này sẽ không đảm bảo an toàn.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh, học sinh tại các khu vực an toàn, vùng xanh, không có nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 sẽ được đến trường trước, sau đó sẽ đến học sinh các vùng còn lại.

Hiện UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế rà soát, hướng dẫn phòng chống COVID-19 trong hoạt động giáo dục đào tạo. Hà Nội yêu cầu thực hiện các giải pháp để đảm bảo năm học 2021 - 2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương.

Thời gian tới, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi ngay khi có hướng dẫn và phân giao vaccine của Bộ Y tế.

Lãnh đạo một số Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai cũng mong muốn cho học sinh lớp đầu cấp đi học trở lại bởi việc học trực tuyến chắc chắn không thể hiệu quả bằng trực tiếp.

Các địa phương trên đã nhiều ngày không có ca F0. Đặc biệt như ở Ba Vì, học sinh chủ yếu ở trong xã, ít trường hợp liên xã nên có thể ít nguy cơ lây lan dịch bệnh hơn khu vực nội thành. Vì vậy, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT rất mong muốn được "khoanh vùng" để học sinh các "vùng xanh" này tận dụng thời gian vàng đi học trở lại.

Thanh Hóa phát hiện 2 vợ chồng nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Chiều ngày 14/10, CDC Thanh Hóa cho biết, đã ngày ghi nhận 9 ca bệnh nhiễm COVID-19, trong đó có 2 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo đó, tính từ 18 giờ ngày 13/10/2021 đến 18 giờ ngày 14/10/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 9 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó có 2 ca bệnh cộng đồng tại thị xã Bỉm Sơn, các bệnh nhân còn lại là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện cách ly theo quy định.

img

Hiện các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 của tỉnh Thanh Hóa

Cụ thể, chùm ca bệnh cùng gia đình tại thôn 3, xã Quang Trung thị xã Bỉm Sơn là 2 vợ chồng (vợ sinh năm 1985, chồng sinh năm 1983), được phát hiện qua xét nghiệm test nhanh tại Bệnh viện ACA (thị xã Bỉm Sơn) và được xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 ngày 14/10/2021, do CDC Thanh Hóa thực hiện.

Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương truy vết theo lịch trình di chuyển 2 bệnh nhân để có biện pháp xử lý nhanh nhất các trường hợp liên quan.

Thống kê từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Thanh Hoá ghi nhận 572 ca mắc COVID-19 cộng dồn. Trong đó có 478 người điều trị khỏi ra viện, 5 ca tử vong. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tiêm được hơn 852.000 liều vắc xin phòng COCID-19. Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 2.391 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

Ngày 13/10, cả nước ghi nhận 3.461 ca nhiễm mới

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 12/10 đến 17h ngày 13/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.461 ca nhiễm mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 3.458 ca ghi nhận trong nước (tăng 519 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.432 ca trong cộng đồng).

img

Tin tức Covid ngày 14/10 liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.162), Bình Dương (501), Đồng Nai (486), Hà Giang (152), An Giang (121), Đắk Lắk (113), Đồng Tháp (87), Kiên Giang (76), Tiền Giang (74), Gia Lai (60), Long An (59), Bình Thuận (55), Tây Ninh (51), Trà Vinh (46), Bạc Liêu (45), Cà Mau (41), Khánh Hòa (39), Hậu Giang (31), Hà Nội (29), Quảng Nam (29), Quảng Ngãi (19), Hà Nam (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Cần Thơ (17), Vĩnh Long (15), Bình Định (13), Nghệ An (12), Bến Tre (11), Đắk Nông (9), Lâm Đồng (8 ), Quảng Trị (7), Ninh Thuận (7), Quảng Bình (7), Bắc Ninh (5), Thanh Hóa (5), Nam Định (4), Hà Tĩnh (4), Kon Tum (4), Bình Phước (3), Sơn La (3), Phú Yên (3), Thừa Thiên Huế (3), Vĩnh Phúc (2), Thái Bình (1), Ninh Bình (1), Lai Châu (1), Tuyên Quang (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-61), Bình Thuận (-17), Đồng Nai (-15).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (+152), TP. Hồ Chí Minh (+144), Đắk Lắk (+113).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.851 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 849.691 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.630 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 845.050 ca, trong đó có 784.469 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.191; Tổng số ca được điều trị khỏi: 787.286.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.120 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 2.821 - Thở ô xy dòng cao HFNC: 606 - Thở máy không xâm lấn: 146 - Thở máy xâm lấn: 527 - ECMO: 20.

Trong ngày ghi nhận 106 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (73), Bình Dương (18), Long An (4), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Cần Thơ (1), An Giang (1), Đồng Tháp (1), Quảng Trị (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 109 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.869 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 130.784 xét nghiệm cho 339.652 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.462.833 mẫu cho 56.806.381 lượt người.

Trong ngày 12/10 có 1.039.374 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 56.330.750 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 39.837.150 liều, tiêm mũi 2 là 16.493.600 liều.

Không bắt buộc treo biển "Theo dõi COVID-19" trước cửa nhà người về từ TP.HCM

Liên quan đến vấn đề có thể treo biển tại cửa nhà: “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19” đối với những người về từ TP.HCM, Đà Nẵng, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc treo biển là yêu cầu không bắt buộc tùy theo yêu cầu của xã, phường, thị trấn.

Theo vị này, việc quản lý danh sách người về từ các vùng nguy cơ cao được giao cho Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã làm đầu mối sau đó thông báo với UBND xã, phường, thị trấn để tiếp nhận quản lý.

Việc quản lý tùy thuộc vào địa phương, nếu cần thiết có thể treo biển tại cửa nhà để giám sát chặt chẽ hơn, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân.

img

Việc treo biển là không bắt buộc tùy theo yêu cầu của xã, phường, thị trấn.

“Dự kiến sau khi đường bay mở lại bình thường, số lượng người về Hà Nội từ TP.HCM, Đà Nẵng rất lớn, đây là gợi ý để kiểm soát chứ không phải yêu cầu bắt buộc”, đại diện Sở Y tế cho hay.

Trước đó, tối 11/10, Sở Y tế Hà Nội phát đi văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ, có thể treo biển tại cửa nhà: “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19”.

Theo đó, Hà Nội yêu cầu người bay về từ TP.HCM, Đà Nẵng về Hà Nội phải theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội, luôn thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được xử trí theo quy định.

Người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

img

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Ban hành quy định chống dịch mới, tạm dừng Chỉ thị 15, 16, 19

Tối 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ đã ký Nghị quyết 128 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc

Nghị quyết nêu rõ khi áp dụng quy định này, tạm thời sẽ không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ và các chỉ thị 15, 16 và 19. Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp tại quy định này thì chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

Quy định phân loại bốn cấp độ dịch COVID-19, gồm: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh, cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng, cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam, cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Cấp độ dịch được phân loại dựa trên ba tiêu chí, gồm tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỉ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỉ lệ tiêm đủ liều) và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được chia nhỏ quy mô cấp xã. Quy định còn khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Quy định nêu rõ Bộ Y tế là cơ quan hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh/TP quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Đặc biệt, ngoài các biện pháp được nêu trong quy định, các tỉnh/TP có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Trường hợp các quy định, hướng dẫn của trung ương không phù hợp, khả thi, các địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.

Theo quy định, ở cấp độ 1, 2 và 3, việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau sẽ không bị hạn chế, riêng ở cấp độ 3 thì cần tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nếu dịch ở cấp độ 4, việc đi lại sẽ bị hạn chế, người dân cần tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.