Xã hội

Covid-19 ngày 15/9: Thêm 10.585 ca mắc mới, TP.HCM giảm, Bình Dương tăng

Dịch Covid-19 hôm nay ngày 15/9: ​​​​​​​Cả ngày giảm 87 ca nhưng một số địa phương như Bình Dương tăng 1.050 ca, Đồng Nai tăng 31 ca...

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 14/9 đến 17h ngày 15/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.585 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 10.583 ca ghi nhận trong nước.

img

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 240.194 xét nghiệm cho 718.063 lượt người

Cụ thể, TP.HCM (5.301 ca), Bình Dương (3.228), Đồng Nai (808), Long An (424), Kiên Giang (183), Tiền Giang (93), An Giang (59), Quảng Bình (58), Cần Thơ (53), Tây Ninh (48), Đồng Tháp (45), Khánh Hòa (33), Bình Định (31), Bình Phước (27), Đắk Nông (26), Bình Thuận (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Quảng Ngãi (15), Phú Yên (14), Hà Nội (14), Bạc Liêu (13), Cà Mau (10), Thừa Thiên Huế (10), Quảng Nam (9), Đà Nẵng (9), Bến Tre (9), Ninh Thuận (8 ), Thanh Hóa (7), Vĩnh Long (3), Hưng Yên (3), Nghệ An (2), Lào Cai (1), Bắc Ninh (1), Lâm Đồng (1); trong đó có 5.823 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 87 ca. Tại TP.HCM giảm 1.011 ca, Bình Dương tăng 1.050 ca, Đồng Nai tăng 31 ca, Long An tăng 45 ca, Kiên Giang tăng 26 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 11.621 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 645.640 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.562 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289), Tiền Giang (12.561).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14.189, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 412.650.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.008 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.855; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.113; Thở máy không xâm lấn: 127; Thở máy xâm lấn: 877; ECMO: 36

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 250 ca tử vong tại TP.HCM (189), Bình Dương (42), Đồng Nai (4), Long An (4), Đồng Tháp (3), Tây Ninh (2), Phú Yên (1), Trà Vinh (1), Gia Lai (1), An Giang (1), Khánh Hòa (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 261 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 240.194 xét nghiệm cho 718.063 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.753.091 mẫu cho 45.813.130 lượt người.

Trong ngày 14/9 có 866.668 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 31.254.856 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 25.420.169 liều, tiêm mũi 2 là 5.834.687 liều.

Trưa nay, Hà Nội thêm 11 ca nhiễm mới

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trưa nay thành phố ghi nhận 11 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 7 ca tại khu cách ly, 4 ca tại khu phong tỏa.

img

Từ 18h ngày 14/9 đến 12h ngày 15/9 Hà Nội ghi nhận 14 ca nhiễm Covid-19.

Trong số 11 ca Covid-19 Sở Y tế Hà Nội công bố trưa nay, quận Thanh Xuân có 3 ca, quận Hoàng Mai 2 ca, huyện Thanh Trì 2 ca, huyện Đông Anh 2 ca, quận Hai Bà Trưng 1 ca và quận Hà Đông 1 ca.

Có 9 ca thuộc chùm F1 của sàng lọc ho sốt, 2 ca thuộc chùm sàng lọc khu vực phong tỏa.

Thông tin cụ thể 11 ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận ở Hà Nội trưa 15/9 như sau:

Chùm sàng lọc khu vực phong tỏa ghi nhận 2 ca nhiễm mới ở Nguyên Khê, Đông Anh là N.N.H (nữ, sinh năm 2011) và N.T.S (nữ, sinh năm 1960). Ngày 13/9, hai bệnh nhân được lấy mẫu theo diện sàng lọc khu vực phong tỏa, kết quả dương tính.

Chùm F1 của sàng lọc ho sốt ghi nhận 9 ca nhiễm mới, gồm:

1) N.V.V (nam, sinh năm 1932), ở Quang Trung, Hà Đông. Bệnh nhân là F1 của N.T.H.H, được chuyển cách ly từ ngày 6/9. Ngày 14/9 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

2-4) H.V.D (nam, sinh năm 2002); C.T.H (nữ, sinh năm 1978) và H.V.Q (nam, sinh năm 1973), ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, là F1 của bệnh nhân H.H.G được chuyển cách ly tập trung từ ngày 6/9. Ngày 14/9 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

5) H.T (nam, sinh năm 1937), ở Thanh Liệt, Thanh Trì, là F1 của bệnh nhân H.T.S, được cách ly tập trung từ 11/9. Ngày 14/9, được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

6) T.Q.B (nam, sinh năm 1993), ở Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, là F1 của bệnh nhân P.V.T được chuyển cách ly tập trung từ ngày 2/9. Ngày 14/9 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

7) T.T.K (nữ, sinh năm 1977), ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, là F1 của N.T.N, được chuyển cách ly tập trung từ ngày 8/9. Ngày 13/9, xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

8) L.T.N (nữ, sinh năm 1953), ở Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, là F1 của Đ.T.N. Ngày 14/9, được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

9) N.Q.T (nam, sinh năm 1988), ở Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, là F1 bệnh nhân N.Q.P. Ngày 14/9, được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.856 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.260 ca.

Hà Nội thêm 3 ca mắc, một phường cách ly y tế

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 14/9 đến 6h ngày 15/9 ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 tại khu vực phong tỏa.

Số ca nhiễm Covid-19 trong sáng nay tại Hà Nội phân bố theo quận/huyện: Hoàng Mai (2); Thanh Xuân (1); Phân bố theo chùm ca bệnh: Sàng lọc khu vực phong tỏa (3).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.845 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.249 ca.

Tính từ 18h00 ngày 14/9 đến 6h00 ngày 15/9, toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức tiêm được 70.825 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Tổng 16 đợt thực hiện tiêm được 5.032.533 mũi tiêm, sử dụng 4.594.556 liều vắc xin/5.359.676 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 85,7% trên tổng số vắc xin được cấp.

Thực hiện kế hoạch 206/KH-UBND ngày 8/9/2021 của UBND thành phố về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, trong ngày 14/9, toàn thành phố đã lấy 217.908 mẫu xét nghiệm.

Tính tổng từ ngày 9/9 đến nay là 3.262.842 mẫu (2.227.630 mẫu gộp PCR, 1.035.212 test nhanh), phát hiện 19 ca mắc (Hoàng Mai 04, Thanh Trì 04, Thường Tín 03, Đống Đa 02, Thanh Xuân 02, Hai Bà Trưng 02, Chương Mỹ 01, Ứng Hòa 01). Các đơn vị vẫn đang tiếp tục khẩn trương thực hiện lấy mẫu và làm xét nghiệm.

Bắc Giang: Hơn 10 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine đạt 24,9 %

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, từ ngày 2/9 đến nay, tỉnh Bắc Giang không phát sinh ca F0 ngoài cộng đồng.

Hiện toàn tỉnh còn 11 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

img

Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêm được 458.878 liều vaccine, đạt 24,9% dân số toàn tỉnh.

Về công tác tiêm vaccine, toàn tỉnh đã tiêm được 458.878 liều, đạt 24,9% dân số toàn tỉnh. Trong đó, tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp: 195.162 liều, công nhân tại các cụm công nghiệp: 90.061 liều, đối tượng theo Nghị quyết 21: 161.289 liều, người trên 65 tuổi: 8.602 liều, đối tượng khác: 2.864 liều.

Đến nay, 9/10 huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng có nguyện vọng và đã nộp đủ hồ sơ. Riêng huyện Việt Yên do số lượng đối tượng đủ điều kiện trên địa bàn huyện quá lớn nên đến nay mới hoàn thành 9/11 chính sách, dự kiến hoàn thành đủ 11/11 chính sách trong tháng 9/2021.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ được 415.842 lượt người; 4.151 doanh nghiệp; 2.789 hộ kinh doanh. Tổng số kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ 505.996.637.761 đồng, tổng số kinh phí đã chi trả là 375.639.418.561 đồng.

Phát hiện 3 ca nhiễm, cách ly y tế vùng hơn 1.300 người ở phường Thổ Quan

Quận Đống Đa đã quyết định thành lập vùng cách ly y tế tại phường Thổ Quan với khoảng 1.300 nhân khẩu.

Tối muộn ngày 14/9, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội đã ký Quyết định thành lập vùng cách ly y tế tại phường Thổ Quan với khoảng 1.300 nhân khẩu.

img

Một trong những điểm đã từng cách ly y tế ở quận Đống Đa

Cụ thể tại Quyết định số 2702/QĐ-UBND ký này 14/9, UBND quận Đống Đa đã thiết lập vùng cách ly y tế tại phường Thổ Quan. Địa điểm, phạm vi cách ly gồm toàn bộ ngõ Trung Tả và từ số nhà 3 đến số nhà 45 ngõ Hồ Văn Chương.

Vùng cách ly y tế có tổng số 410 hộ gia đình với 1.330 nhân khẩu. Thời gian áp dụng 14 ngày, kể từ 19 giờ ngày 14/9 đến 19 giờ ngày 28/9/2021.

Theo ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa tiến hành xét nghiệm thần tốc cho toàn bộ người dân trên địa bàn; qua sàng lọc đã phát hiện một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, phường Thổ Quan có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là người già, không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với người ngoài.

Trước đó, toàn bộ khu vực ngõ Trung Tả đã được cách ly. Tuy nhiên, để khoanh vùng dập dịch triệt để, quận Đống Đa đã mở rộng vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thiết lập khu vực cách ly y tế trên địa bàn 5 phường: Văn Chương, Hàng Bột, Thổ Quan, Khâm Thiên và Văn Miếu trong vòng 14 ngày kể từ 19h tối 13/8 đến 19h tối 27/8.

Hơn 5.900 bệnh nhân nặng đang điều trị

Theo thống kê từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 635.055 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.455 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 630.661 ca, trong đó có 395.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

img

Cập nhật thông tin mới nhất về Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh:ĐCSVN

Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Ninh Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (309.787), Bình Dương (162.847), Đồng Nai (36.361), Long An (28.865), Tiền Giang (12.468).

Hiện đã có 398.461 bệnh nhân điều trị khỏi.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca, trong đó số bệnh nhân phải thở ô xy qua mặt nạ là 3.693; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.164; thở máy không xâm lấn: 132; thở máy xâm lấn: 910; ECMO: 34;

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 273 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 15.512.897 mẫu cho 45.095.067 lượt người.

Về tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 30.348.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 24.727.517 liều, tiêm mũi 2 là 5.621.403 liều.

Thực hư thông tin 57 trẻ dưới 18 tuổi tiêm vắc xin Covid-19 ở Cần Thơ?

Tối 14/9, lãnh đạo UBND quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) cho biết, quận đang xác minh, làm rõ thông tin “có 57 trẻ dưới 18 tuổi trên địa bàn quận đã tiêm vắc xin Covid-19".

Chiều nay, UBND quận và Sở Y tế cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ các chức vụ đối với ông Nguyễn Kim Hải - Giám đốc Trung tâm y tế quận. Đồng thời, quận đang cho tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc, để có hướng xử lý”.

Theo thông tin đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, vào ngày 18/8 tại Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt có tổng 362 người được tiêm mũi 1 vắc xin Pfizer, trong đó có đến 57 em là học sinh dưới 18 tuổi, em nhỏ nhất là 12 tuổi.

Tuy nhiên, trong bản tường trình vào ngày 13/9, ông Nguyễn Kim Hải chỉ nhắc đến 3 trường hợp trẻ dưới 18 tuổi được tiêm vắc xin Pfizer gồm: P.T.K.T (13 tuổi), T.N.Q (14 tuổi) và T.H.N (17 tuổi).

Ông Hải cho biết, sau khi nhận được kế hoạch tiêm vắc xin đợt 4 của UBND TP Cần Thơ, Trung tâm Y tế quận đã tham mưu cho UBND quận ban hành kế hoạch tiếp nhận và tiêm vắc xin.

Trong đó, có ưu tiên cho đối tượng tuyến đầu chống dịch. Từ đó, Trung tâm Y tế quận cho tiêm những người thân trong gia đình cán bộ tuyến đầu.

“Trung tâm y tế đã vận dụng kế hoạch của TP và quyết định của Bộ Y tế nên cho phép người thân sống chung gia đình với cán bộ y tế, trong đó có trẻ từ 12 tuổi trở lên, vì các đối tượng này có nguy cơ lây nhiễm cao”, giải trình của ông Hải.

Ông Hải cho rằng, qua phản ánh của báo chí và mạng xã hội, Trung tâm y tế quận đã ngộ nhận vận dụng không đúng theo quy định của Bộ Y tế và UBND TP về tiêm vắc xin.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, do nể nang đồng nghiệp, cán bộ tuyến đầu chống dịch nên thực chưa đúng chủ trương của cấp trên, chứ không có mục đích vụ lợi.

Trước đó, trên Facebook xuất hiện phiếu tiêm vắc xin của bé gái P.K.T. (13 tuổi, ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt), làm nhiều người bất ngờ. Hiện nay, Việt Nam chỉ có chủ trương tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo lãnh đạo UBND quận Thốt Nốt, các cán bộ y tế đã tự ý tiêm vắc xin cho người chưa đủ 18 tuổi, không xin ý kiến chỉ đạo của quận hay Sở Y tế.

Ông Nguyễn Kim Hải, cho biết, bé gái 13 tuổi là cháu của cán bộ trung tâm y tế phường Tân Lộc. Do bé ở chung nhà với cán bộ y tế này nên được tiêm vắc xin.

Hiện cán bộ y tế phường Tân Lộc - dì ruột của bé gái 13 tuổi nói trên cũng đã bị tạm đình chỉ công tác.

Hà Nội còn 7 chùm ca bệnh, 79 điểm phong tỏa

Chiều 14/9, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 Thành phố Hà Nội, đã chủ trì giao ban trực tuyến với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

img

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại giao ban trực tuyến

Tại buổi giao ban Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, hiện thành phố còn 7 chùm ca bệnh. Riêng ngày 14/9, có thêm 1 địa điểm phong tỏa, nâng tổng số điểm hiện còn phong tỏa trên toàn thành phố lên 79 điểm.

Hiện tại, còn khoảng 4.700 người cách ly tập trung; đã điều trị 3.892 F0, trong đó, đang điều trị 1.028 bệnh nhân F0

Về công tác xét nghiệm, tính đến 14h, ngày 14/9, đã lấy 3.262.000 mẫu, trong đó có 2.227.000 mẫu PCR và hơn 1.000.000 test nhanh, phát hiện ra 19 mẫu dương tính.

Đến nay, Thành phố đã Hà Nội được phân bổ 5.359.000 liều vaccine. Ngày 14/9, Hà Nội đã tiêm được 127.000 liều, cộng dồn đã tiêm được 56,3% dân số.

Theo đại diện Sở GTVT, hiện, có 2 điểm xét nghiệm cho lái xe vận chuyển hàng hóa luồng xanh do Bộ GTVT bố trí là Bến xe Nước Ngầm và Bến xe Yên Nghĩa. Sở đề nghị tổ chức thêm 4 điểm xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giãn cách cho 2 điểm hiện có.

Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, 2 “mũi chủ công” để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vaccine đang được cả hệ thống nỗ lực đêm ngày, vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ.

Nhận định các đơn vị, quận huyện đã cơ bản đảm bảo tiến độ, một số địa phương đã về đích sớm, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị còn lại tăng tốc hơn nữa, tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn, thực hiện 5K tại các khu vực lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng; duy trì an sinh xã hội; đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Đề nghị các quận, huyện quan tâm, giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan đến việc tiêm vaccine, hỗ trợ an sinh.

“Từng việc dù nhỏ cũng phải chú ý; trả lời, giải thích rõ ràng ngay, không để người dân bức xúc”, ông Chử Xuân Dũng chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền theo đúng tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Đà Nẵng: Những dịch vụ nào được mở cửa trở lại từ sáng 16/9?

Chiều 14/9, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, từ 8h ngày 16/9, thành phố áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch mới, nới lỏng, mở thêm một số hoạt động.

Theo đó, vùng vàng (bao gồm cả vùng/điểm xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã vùng vàng): Tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội; người dân được ra khỏi nhà để tham gia các hoạt động như trước.

img

Đà Nẵng nới lỏng, mở thêm nhiều hoạt động từ 8h sáng 16/9

Đồng thời, bổ sung thêm một số hoạt động. Cụ thể, các điểm bán hàng lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu do cơ quan có thẩm quyền cho phép: Mỗi hộ gia đình chỉ được 01 người đi mua hàng trực tiếp, với tần suất 05 ngày/lần và có Giấy đi mua hàng QRCode.

Hoạt động các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; cơ sở phát hành xuất bản phẩm, văn phòng phẩm, cửa hàng máy vi tính, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng và vật tư nông nghiệp được mở lại, bố trí tối đa 50% số người làm việc.

Người dân được đến các cửa hàng này trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố; trường hợp cần thiết đi ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố thì phải có Giấy đi đường do UBND phường, xã cấp.

Cho phép mở lại hoạt động cửa hàng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe gắn máy, xe ô tô nhưng chỉ được phục vụ cho những người tham gia các hoạt động theo quy định.

Hoạt động bưu chính viễn thông, báo chí và phát hành báo chí, hoạt động ngân hàng; cảng biển; cảng hàng không, nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ.

Hoạt động các cửa hàng, doanh nghiệp cấp: gas, điện, nước, xăng dầu; các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp (chứng khoán; đăng kiểm; kiểm toán; đăng ký giao dịch bảo đảm; bảo hiểm, bảo vệ chuyên nghiệp); dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng, luật sư, đấu giá; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; thanh lý tài sản; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc).

Hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.

Hoạt động của cơ quan, công sở nhà nước. Hoạt động thi công của các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Đối với vùng xanh (thiết lập theo quy mô cấp phường, xã trở lên khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm Covid-19 trong cộng đồng) và liên vùng xanh (nhiều vùng xanh cấp phường, quận liền kề nhau),

Người dân được tập thể dục, thể thao tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, khoảng thời gian từ 5h-7h sáng và từ 17 giờ chiều đến 19 giờ tối; giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét với người khác.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang về; nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; không được phục vụ khách ăn, uống tại chỗ.

Hoạt động siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini), chợ truyền thống được bán hàng trực tiếp cho người dân trong phạm vi vùng xanh và liên vùng xanh. Mỗi hộ gia đình chỉ được 1 người lựa chọn đi siêu thị hoặc đi chợ, với tần suất 3 ngày/lần và phải có Giấy mua hàng QRCode theo quy định.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã không còn vùng đỏ cấp phường, quận. Quận Ngũ Hành Sơn trở thành vùng xanh toàn quận đầu tiên của Đà Nẵng. Huyện Hòa Vang chỉ còn 2 phường là vùng vàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.