Xã hội

Covid-19 ngày 24/7: Tối nay, thêm 3.977 ca mắc mới, cả ngày có 7.968 ca

24/07/2021, 19:00
image

Dịch Covid-19 ngày 24/7: Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 24/7 VN có 3.977 ca mắc mới, trong đó có 3.950 ca ghi nhận trong nước.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Cụ thể, tại TP.HCM ghi nhận nhiều nhất với 3.326 ca, tiếp đến là Bình Dương (262), Đồng Nai (99), Bà Rịa - Vũng Tàu (63), Đồng Tháp (46), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (24), Cần Thơ (23), Bình Định (12), Bến Tre (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Phú Yên (5), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 355 ca trong cộng đồng.

img

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 24/7, Việt Nam có 3.977 ca mắc mới.

Như vậy, trong ngày 24/7 có 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5396), Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hoà (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa - Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21), Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 2.428 ca trong cộng đồng.

Vào sáng ngày 24/7, Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14-22/7/2021 tại các khu cách ly và khu phong toả.

Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bộ Y tế cũng thông tin, hôm này, cả nước có 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 17.583 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca. Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 98.990 xét nghiệm cho 410.862 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.

Hà Nội thêm 19 ca bệnh, xe ôm, giao hàng dừng hoạt động

Trưa 24/7, Hà Nội ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính mới, trong đó có 3 ca cộng đồng.

Với việc ghi nhận thêm 19 trường hợp dương tính từ sáng đến nay, Hà Nội đã có 685 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4, trong đó 420 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 265 trường hợp là những người đã được cách ly.

img

Hà Nội vắng lặng trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Phùng Đô)

Trưa 24/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều là các trường hợp F1, trong đó 03 trường hợp tại cộng đồng và 07 trường hợp tại khu cách ly.

Cụ thể, 10 ca bệnh vừa được Sở Y tế Hà Nội thông tin trưa nay (24/7) phân bố ở 04 chùm ca bệnh, bao gồm:

03 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai

Bệnh nhân P.T.H , nữ, sinh năm 1994 và bệnh nhân T.T.H, nữ, sinh năm 1990; đều có địa chỉ tại An Thượng, Hoài Đức, là F1 của C.T.H.Y. Ngày 23/7, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Bệnh nhân B.T.K.O, nữ, sinh năm 1979, ở chung cư Gemek, An Khánh, Hoài Đức, là F2 của N.T.N. Ngày 20/7, được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và chuyển cách ly tại Đại học Lâm Nghiệp, kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 22/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau rát họng. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

04 bệnh nhân thuộc chùm nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ

Bệnh nhân N.T.X, nữ, sinh năm 1976, ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, là F1 của N.T.T.L. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Bệnh nhân L.T.H.N, nữ, sinh năm 1999, ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, là nhân viên hiệu thuốc Vinapharma số 1, 95 Láng Hạ Bệnh nhân được xác định là F1 của H.T.M.A. Ngày 20/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và chuyển cách ly tập trung tại Đại học Lâm Nghiệp, kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Bệnh nhân N.T.H, nữ, sinh năm 1998, ở Tân Mai, Hoàng Mai, là nhân viên hiệu thuốc Vinapharma số 1, 95 Láng Hạ. Bệnh nhân được xác định là F1 của H.T.M.A. Ngày 20/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và chuyển cách ly tại Đại học Lâm Nghiệp, kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 22/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau họng. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Bệnh nhân H.P.A, nam, sinh năm 2007, Láng Hạ, Đống Đa, là con của H.T.M.A (chủ hiệu thuốc Vinapharma – 95 Láng Hạ). Ngày 21/7, bệnh nhân được chuyển cách ly tại Đại học Lâm Nghiệp. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

02 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Trại Găng, Hai Bà Trưng

Bệnh nhân T.B.N, nữ, sinh năm 1993 và bệnh nhân T.N.M, nam, sinh năm 2021. Hai bệnh nhân là mẹ con, ở tại tập thể Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, và là F1 của K.M (sống cùng nhà), Ngày 20/7, các bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung tại Đại học Lâm Nghiệp. Ngày 22/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 23/7, kết quả dương tính.

01 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bắc Giang tại công ty SEI là bệnh nhân H.V.N, nam, sinh năm 1991, tại Sáp Mai, Võng La, Đông Anh. Bệnh nhân là nhân viên thực tập tại công ty SEI, người này bắt đầu đến công ty học việc từ ngày 1/7 (phòng Training). Ngày 5/7, được cách ly tại công ty đến ngày 16/7 chuyển cách ly tại Đại học FPT, bệnh nhân đã có nhiều lần xét nghiệm âm tính. Tại khu cách ly ở cùng phòng có ca bệnh dương tính. Ngày 22/7, bệnh nhân có triệu chứng, ngày 23/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 685 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 417, số mắc là đối tượng đã được cách ly 258.

Về việc lấy mẫu các đối tượng ho sốt tại cộng đồng để xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 14 giờ chiều ngày 23/7, toàn thành phố đã lấy được 2878 mẫu trên tổng số 3029 trường hợp được rà soát, thống kê. Hiện tại đã có 2056 mẫu có kết quả âm tính, 13 mẫu dương tính và 809 mẫu chưa có kết quả.

img

Chiều nay (24/7), Hà Nội sẽ ban hành văn bản dừng hoạt động của xe ôm hai bánh, shipper giao hàng để phòng dịch.

Hà Nội dừng hoạt động xe ôm hai bánh, shipper giao hàng

Ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội, Công an TP Hà Nội chỉ đạo các công an các quận, huyện, các phòng chức năng của thành phố cấm tất cả người, phương tiện vào thành phố, trừ các xe đi "luồng xanh" (phục vụ phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia và thực hiện công tác vận tải hàng hoá thiết yếu).

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại chốt kiểm dịch Covid-19 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, lực lượng chức năng lập barie, chăng dây ngang cao tốc, chỉ để hở 1 làn xe cho các phương tiện đủ điều kiện đi "luồng xanh" qua sau khi đã kiểm tra.

Hàng loạt các phương tiện được yêu cầu quay đầu khiến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc dài chiều vào Hà Nội.

Để tránh ùn tắc tại các chốt cửa ngõ, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Long - PGĐ Sở GTVT cho biết, các chốt sẽ có phương án phân thành nhiều tầng kiểm soát, trước chỉ có 1 tầng kiểm soát khu vực trạm thu phí Pháp Vân.

Tuy nhiên, hôm nay tại điểm "nóng" đó lực lượng liên ngành sẽ đón lượng phương tiện ngay ở khu vực giáp ranh với tỉnh Hà Nam. Đối với những phương tiện nào không đủ điều kiện vào TP sẽ cho quay đầu luôn, tránh tình trạng ùn tắc tập trung vào một điểm.

Đáng chú ý, ông Long cũng thông tin chiều nay (24/7), Hà Nội sẽ ban hành văn bản dừng hoạt động của xe ôm hai bánh, shipper giao hàng để phòng dịch.

img

Ngay từ sáng nay cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc chiều về Hà Nội

Người dân cần mang theo những giấy tờ gì để vào Hà Nội?

Trước nhiều thắc mắc của người dân về việc mang theo những giấy tờ gì để được vào TP, ông Long cho biết, người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân chuẩn bị căn cước công dân; giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ, giấy xác nhận đã tiêm vaccine, quyết định hết thời hạn cách ly (nếu có); điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế tự nguyện đối với người di chuyển vào TP Hà Nội (tải biểu mẫu trên Cổng Thông tin điện tử Công an TP Hà Nội). Những người đi trên cùng một xe ô tô có thể khai chung 1 biểu mẫu.

Đối với phương tiện kinh doanh vận tải, Sở GTVT Hà Nội hướng dẫn thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện, các loại phương tiện được đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh.

Các phương được đăng ký cấp thẻ là xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch; Xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.

Thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên đi vào luồng xanh được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc tại địa chỉ

http://luongxanh.drvn.gov.vn, các doanh nghiệp đăng nhập và làm theo hướng dẫn, sau khi đăng ký thành công lái xe tự in thẻ nhận diện kèm mã QRCode để dán lên xe.

“Tại 22 chốt kiểm soát vào thành phố, đối với phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện rồi thì cán bộ trực chốt cho đi qua ngay, nếu có kiểm tra thì cũng chỉ kiểm tra xác suất để giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến.Các chốt bố trí biển báo, phân các luồng xanh để các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia đi vào luồng xanh được thuận tiện”, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

img

Báo Giao thông cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 ngày 24/7 (Ảnh: VNE)

Thêm 3.991 ca mắc, Long An bổ sung 1.288 bệnh nhân

Sáng 24/7, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, cả nước có thêm 3.991 ca mắc mới Covid-19; riêng Long An bổ sung 1.288 ca. Như vậy, đến sáng ngày 24/7, Việt Nam có tổng 86.957 ca mắc, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 84.812 ca mắc trong nước.

Tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều ca bệnh mới nhất với 2.070 trường hợp, tiếp đến là Long An (604), Bình Dương (523), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Đồng Nai (122), Khánh Hòa (104), Bến Tre (52), Đà Nẵng (36), Đồng Tháp (29), Vĩnh Long (25), Vĩnh Phúc (18), Kiên Giang (14), Phú Yên (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ), Hậu Giang (6), Hà Nội (5), Hưng Yên (4), Đắk Lắk (3), trong đó có 2.073 ca trong cộng đồng.

Vào sáng ngày 24/7, Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14-22/7/2021 tại các khu cách ly và khu phong toả.

Như vậy, tính đến sáng ngày 24/7, Việt Nam có tổng 86.957 ca mắc, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 84.812 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 83.242 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Về tình hình điều trị, có 15.536 ca được điều trị khỏi;166 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Trong ngày 24/7 thực hiện 105.146 xét nghiệm với 404.714 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.008.871 mẫu cho 13.980.234 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.

img

Đến sáng ngày 24/7, Việt Nam có tổng 86.957 ca mắc, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 84.812 ca mắc trong nước.

Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6h hôm nay 24/7

Trước việc số ca nhiễm mới tăng nhanh những ngày qua, Chủ tịch UBND Hà Nội quyết định áp dụng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7.

Đêm 23/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký Chỉ thị số 17 về thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Chỉ thị mới về giãn cách được lãnh đạo TP ban hành khi những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn là rất lớn nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết

Theo Chỉ thị này, Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Trường hợp di chuyển vào TP vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của TP.

img

Các cơ quan, công sở bố trí cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại nhà.

Theo Chỉ thị 17, Hà Nội yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày.

Các dịch vụ khác được phép hoạt động là cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Đối với hoạt động tang lễ, chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng. Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode.

img

Dừng các hoạt động vận tải hành khách, trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Dừng taxi, xe ôm, xe khách

Cũng theo văn bản này, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe công nghệ và xe ôm); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Công an TP Hà Nội duy trì các chốt kiểm soát để giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công an cơ sở triển khai các giải pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của TP, kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn.

Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.

Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

img

Người dân đi mua hàng tại siêu thị trên phố Hoàng Mai, tối 23/7. Ảnh- Phương Anh:TTXVN.

Hà Nội khẳng định đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân phòng, chống dịch

Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các Doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn;

"Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ, website, ứng dụng TMĐT, bán hàng online trực tuyến", thông báo của Sở Công thương nêu rõ.

Sở Công thương khuyến cáo người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngành công thương Hà Nội cho biết đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, người dân không cần tích trữ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 23/7, Hà Nội có 70 ca dương tính Covid-19; nhiều địa điểm đã phải phong tỏa tạm thời.

img

Đến chiều 23/7, Việt Nam có tổng cộng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước.

7.295 bệnh nhân Covid-19 trong ngày 23/7, TP.HCM có 4.913 ca

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 77.967 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hôm qua, cả nước đã ghi nhận 7.295 ca nhiễm mới, trong đó, TP.HCM có 4.913 bệnh nhân, tăng hơn hôm qua 695 ca. Ngoài TP.HCM, có thêm nhiều bệnh nhân mới được phát hiện ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh. Tổng số ca ở TP.HCM ghi nhận trong đợt dịch thứ 4 vượt 50.000 bệnh nhân lên 50.474.

Như vậy, hôm qua đánh dấu ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao nhất kể từ đầu dịch (7.295).

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều 23/7, Việt Nam có tổng cộng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 77.967 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Trong ngày 23/7, cả nước có 2.115 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, gần gấp đôi so với ngày hôm qua. Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM, các tỉnh lân cận và một số địa phương đang có dịch trên cả nước.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, tiếp tục điều phối, phối hợp, hỗ trợ thành phố này trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

img

Lực lượng chức năng các tỉnh Long An, An Giang, Bình Phước liên tục phát hiện và lập biên bản cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn vì nhiều lỗi vi phạm.

Thêm 3 cửa hàng Bách Hóa Xanh bán hàng chênh lệch giá, hết hạn

Đoàn liên ngành của TP Tân An, tỉnh Long An đã kiểm tra cửa hàng Bách Hóa Xanh, số 19 Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP Tân An vì người dân phản ánh nhân viên cửa hàng tính tiền khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng người dân mua hàng khi họ mua 3 sản phẩm tại đây

Cụ thể, người dân mua 0,75 kg sản phẩm thịt đùi, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,3 kg; đối với cá nục, người dân mua 0,6 kg, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,2 kg; người dân mua 1 kg sản phẩm cá saba, nhân viên tính 1,6 kg. Sau khi người dân phản ánh, nhân viên thanh toán tiền Bách Hóa Xanh đã trả lại tiền tính chênh lệch cho khách là 166.000 đồng.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản đối với cửa hàng này. Đồng thời yêu cầu cửa hàng gửi công văn giải trình về Phòng Kinh tế TP Tân An trước ngày 26/7 và chấp hành nghiêm việc niêm yết, bán đúng giá đã niêm yết và tính tiền đúng khối lượng. Nếu tái phạm, đoàn sẽ lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đại diện Bách Hóa Xanh nhận sai sót, cam kết không tái phạm và hứa sẽ đền bù cho khách hàng đúng số tiền chênh lệch và đền thêm 100.000 đồng/lần mua hàng", đại diện này cho biết.

Trước đó, chiều 22/7, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang cũng đã kiểm tra và lập biên bản cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành vì không niêm yết giá hàng hóa (thức uống dinh dưỡng hiệu Milo, loại 330 gram/bịch; chuối già Nam Mỹ, loại 1 kg/hộp và gà dai) tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định.

Chiều 21/7, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Công Thương, Sở Tài chính và Cục QLTT tỉnh Bình Phước cũng phát hiện cửa hàng Bách Hóa Xanh có địa chỉ tại ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú kinh doanh một số sản phẩm đã quá hạn sử dụng. Ngay khi phát hiện sai phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu sản phẩm sai phạm và lập biên bản để xử lý đối với trường hợp này theo quy định.

img

Hà Nội liên tục ghi nhận thêm các ca nhiễm Covid-19.

Hà Nội thêm nhiều ca mắc mới, nhiều địa điểm phải phong tỏa

Trưa 23/7, Sở Y tế Hà Nội thông tin tiếp tục ghi nhận thêm 17 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 thuộc 7 chùm ca bệnh. Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp dương tính kể từ đêm qua đến nay.

Cụ thể, gồm 3 bệnh nhân thuộc chùm TP.HCM, 6 bệnh nhân liên quan đến chùm Tân Mai, Hoàng Mai, 3 bệnh nhân liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm.

Trước đó, sáng 23/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội ghi nhận 21 trường hợp mắc mới Covid-19, trong đó có 7 trường hợp trong chùm sàng lọc ho sốt từ cộng đồng và lây nhiễm thứ phát từ F0 của chùm này.

Cụ thể, 6 ca phát hiện qua sàng lọc người ho sốt. 1 ca mắc bệnh thứ phát từ các F0 phát hiện qua sàng lọc người ho sốt (chùm ca bệnh ho sốt tại cộng đồng thứ phát). 2 ca liên quan đến chùm B6 Trại Găng - Hai Bà Trưng, 3 ca liên quan chùm TP.HCM, 3 ca liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm, quận Đống Đa, 5 ca liên quan đến chùm ca bệnh Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phát tin thông báo về một công dân, địa chỉ ở tầng 4, tòa C2, và công dân H.T.M.C. cùng ở tòa C2, khu nhà ở xã hội Ecohome 2 dương tính với SARS-CoV-2.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Bắc Từ Liêm đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế tòa C1 và tòa C2, khu nhà ở xã hội Ecohome 2, đường Tân Xuân, Tổ dân phố Đông Ngạc 7, phường Đông Ngạc.

Thời gian áp dụng 14 ngày kể từ 10h ngày 23/7/2021 đến 10h ngày 6/8 (nếu không phát sinh ca bệnh dương tính).

Như vậy, quận Bắc Từ Liêm đã ghi nhận 3 trường hợp F0 liên quan đến chung cư Ecohome 2.

Video: Quân đội tổ chức phun 6 tấn hóa chất khử khuẩn, tiêu độc trên toàn địa bàn TP.HCM (nguồn: Nguyên Hằng)

TP.HCM ra Chỉ thị khẩn số 12 với hàng loạt biện pháp mạnh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký Chỉ thị khẩn số 12, về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Theo Thành ủy TP.HCM, sau 13 ngày nỗ lực quyết tâm có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành Trung ương thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tình hình dịch tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Cụ thể là số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...

Trước tình hình cấp bách do chủng vi rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường; để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điêu trị, cứu chữa bệnh nhân, bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch đang tập trung triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiếm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.

img

Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN.

EU cho phép tiêm vaccine của Moderna cho trẻ vị thành niên

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17. Đây là vaccine thứ hai được EU cho phép sử dụng đối với lứa tuổi vị thành niên.

Trong một tuyên bố ngày 23/7, EMA nêu rõ việc sử dụng vaccine của Moderna cho lứa tuổi từ 12-17 sẽ tương tự như những người trên 18 tuổi. Theo đó, các em trong độ tuổi này cũng sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4 tuần.

Việc tiêm vaccine cho trẻ được coi là yếu tố quan trọng trong việc tạo miễn dịch cộng đồng đối với dịch COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan đang hoành hành trên thế giới. Tháng 5 vừa qua, Moderna khẳng định vaccine ngừa COVID-19 do hãng này phát triển khá an toàn và hiệu quả ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Trong khi đó, Ủy ban An toàn của EMA cho biết các tác dụng phụ thường gặp ở thanh, thiếu niên sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng tương tự như những người lớn tuổi hơn. Do quy mô nghiên cứu nhỏ hơn, thử nghiệm không phát hiện được tác dụng phụ bất thường mới hay đánh giá được nguy cơ đã biết đối với loại vaccine này trong đó có viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

img

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại quận Sabak Bernam, Selangor, Malaysia, ngày 21/7. Ảnh: THX/TTXVN.

Số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều nước vẫn tiếp tục tăng

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 24/7, thế giới đã ghi nhận 193.603.856 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.155.011 ca tử vong. Số ca bình phục hoàn toàn đến thời điểm này là 175.869.027 ca và vẫn còn 13.579.818 ca đang phải điều trị.

Mặc dù việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới đang được đẩy nhanh, nhưng số ca mắc mới tại nhiều nước vẫn tiếp tục tăng. Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm cao được coi là nguyên nhân chính.

Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo nước này tiếp tục ghi nhận về số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 15.573 ca. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 980.941 ca COVID-19, trong đó có 7.718 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Malaysia phát hiện thêm 119 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm 106 ca nhiễm biến thể Delta, 10 ca nhiễm biến thể Beta và 3 ca nhiễm biến thể Alpha, nâng số ca nhiễm biến thể của virus tại Malaysia lên 429 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.566 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020. Mức kỷ lục cũ là 1.449 ca được ghi nhận vào ngày 22/7. Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cũng báo cáo thêm 49.071 ca mắc mới và 267.866 ca nghi nhiễm. Đến nay, Indonesia đã ghi nhận 3.082.410 ca mắc, 80.598 ca tử vong trong khi vẫn còn gần 560.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.

img

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Derby, Anh. Ảnh- AFP/TTXVN.

Philippines thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với người từ Malaysia và Thái Lan để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/7 đến 31/7. Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta, Philippines trước đó cũng đã cấm nhập cảnh đối với người từ 8 nước, bao gồm cả Indonesia và Ấn Độ. Tính đến nay, Philippines phát hiện 47 ca nhiễm biến thể Delta trên ca nước, với 12 ca được ghi nhận ngày 22/7.

Tình hình COVID-19 tại Campuchia đang tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo ghi nhận thêm 34 ca tử vong và 825 ca mắc mới, trong đó có 335 ca nhập cảnh và 490 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 71.244 ca mắc COVID-19, trong đó 63.474 người khỏi bệnh và 1.222 người tử vong.

Còn tại Lào, để ứng phó với số lượng ca mắc COVID-19 chủ yếu là người nhập cảnh đang gia tăng, một số tỉnh của Lào đã được hỗ trợ giường bệnh và thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 223 ca mắc mới COVID-19. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.342 ca nhiễm COVID-19 và 5 người tử vong.

Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ gia hạn 2 tuần áp dụng các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất ở khu vực Seoul và vùng phụ cận trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước này chưa có dấu hiệu suy giảm. Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh thông báo đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 185.733 ca nhiễm, bao gồm 2.066 bệnh nhân không qua khỏi.

img

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN.

Đến nay, tại Australia đã có hơn 1.900 ca lây nhiễm được xác định liên quan đến chùm lây nhiễm biến thể Delta phát hiện hồi giữa tháng 6. Hiện biến thể Delta cũng đã xuất hiện tại các bang Victoria và Nam Australia, khiến hơn 1/2 dân số Australia trong tình trạng bị phong tỏa.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận thêm 9.586 ca nhiễm virus SASR-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy, tính đến nay nước này đã có tổng cộng gần 5,64 triệu ca, trong đó có 50.761 ca tử vong, tăng 52 ca trong ngày.

Iraq cũng ghi nhận 8.106 ca mắc mới, mức cao nhất tính theo ngày trong năm nay và nâng tổng số lên 1.526.043 ca, trong đó có 18.101 ca tử vong.

Cùng ngày, với 7.745 ca mắc mới, Cuba đã ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Bộ Y tế nước này cho biết tổng số ca đã lên tới 308.599 ca, trong đó có 2.137 ca tử vong, tăng 65 ca trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Cuba, quốc gia Caribe này cũng lập kỷ lục không mong muốn về số bệnh nhi mắc COVID-19 trong một ngày, với 1.351 ca. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới nhất, hơn 30% dân số Cuba đã được tiêm ít nhất một liều của vaccine nội địa.

Tại các nước châu Âu - nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao, song biến thể Delta vẫn đang "hoành hành". Thậm chí, cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Chính phủ Pháp cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong những tháng mùa Đông năm nay.

Hiện Pháp đang đương đầu với làn sóng mới với số ca mắc mới tăng cao chưa từng có được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng hơn 5,93 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 111.000 ca tử vong. Những ngày gần đây, trung bình Pháp ghi nhận khoảng hơn 19.000 ca mắc mới.

img

Mới chỉ có khoảng 8% dân số Indonesia được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: EPA .

Đức đã đưa Tây Ban Nha và Hà Lan vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, theo đó tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ các nước này phải thực hiện cách ly ít nhất 5 ngày nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Theo Viện Dịch tễ Robert Koch của Đức, quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/7 tới và được đưa ra đúng mùa cao điểm du lịch khi học sinh, sinh viên trên khắp nước Đức bước vào kỳ nghỉ hè.

Tại Anh, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 36.389 ca nhiễm mới COVID-19 và thêm 64 trường hợp tử vong.

Chính phủ Italy cũng đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp, vốn được kích hoạt từ ngày 31/1/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31/7. Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến 31/12 tới sẽ trao thêm quyền cho chính phủ, cũng như chính quyền các vùng trong việc huy động nguồn lực y tế hậu cần khi cần thiết, nhằm bảo vệ công dân trước biến thể Delta.

Liên quan đến vaccine, Bộ Y tế Israel vừa công bố các số liệu nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine đã mang lại hiệu quả tới 91% trong ngăn ngừa các biến chứng nặng đối với các bệnh nhân COVID-19. Đồng thời đạt hiệu quả tới 88% trong việc giảm số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện. Hiện Israel vẫn áp dụng cơ chế chỉ nhập viện đối với các ca diễn biến nặng, các ca nhẹ hơn được theo dõi và điều trị tại nhà.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã bổ sung triệu chứng rối loạn thần kinh, gọi là hội chứng Guillain-Barr (GBS), vào danh sách tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vaccine Janssen phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J). Bên cạnh đó, EMA đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17. Đây là vaccine thứ hai được EU cho phép sử dụng đối với lứa tuổi vị thành viên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.