Xã hội

Covid-19 ngày 25/10: Hôm nay, cả nước ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới

Dịch Covid-19 ngày 25/10: Hôm nay, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới, giảm 408 ca so với ngày hôm qua.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 17h ngày 24/10 đến 17h ngày 25/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 3.620 ca ghi nhận trong nước (giảm 408 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 1.573 ca trong cộng đồng).

img

Đến ngày hôm nay (25/10), chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện 108 ghi nhận 4 người nhiễm SARS-CoV-2.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (969), Bình Dương (517), Đồng Nai (458), An Giang (232), Tây Ninh (163), Bạc Liêu (156), Tiền Giang (111), Kiên Giang (99), Sóc Trăng (87), Long An (74), Trà Vinh (60), Bình Thuận (57), Gia Lai (52), Hậu Giang (48), Khánh Hòa (44), Cà Mau (42), Phú Thọ (37), Đắk Lắk (33), Bà Rịa - Vũng Tàu (27), Cần Thơ (26), Thừa Thiên Huế (23), Bến Tre (23), Hà Giang (22), Nam Định (21), Thanh Hóa (21), Bình Định (20), Đồng Tháp (19), Hà Nội (18), Vĩnh Long (18), Nghệ An (15), Quảng Trị (15), Hà Nam (14), Đắk Nông (13), Ninh Thuận (12), Quảng Nam (12), Bình Phước (10), Quảng Bình (8 ), Quảng Ngãi (8 ), Quảng Ninh (5), Bắc Ninh (5), Kon Tum (4), Ninh Bình (3), Lâm Đồng (3), Hà Tĩnh (3), Vĩnh Phúc (3), Phú Yên (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Bắc Giang (1), Lai Châu (1), Lào Cai (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-209), Đắk Lắk (-160), An Giang (-65). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hậu Giang (+48), Tiền Giang (+33), Tây Ninh (+31).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.609 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 892.579 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.063 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 887.797 ca, trong đó có 804.484 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.323; Tổng số ca được điều trị khỏi: 807.301 Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.135 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 2.347; Thở ô xy dòng cao HFNC: 350; Thở máy không xâm lấn: 96; Thở máy xâm lấn: 327; ECMO: 15

Số bệnh nhân tử vong trong ngày: Ghi nhận 65 ca tử vong tại TP.HCM (40), Bình Dương (11), Đồng Nai (7), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), An Giang (1), Tiền Giang (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 67 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.738 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua đã thực hiện 74.125 xét nghiệm cho 153.097 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.713.785 mẫu cho 59.316.823 lượt người. Trong ngày 24/10 có 1.120.951 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 74.050.037 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 52.584.839 liều, tiêm mũi 2 là 21.465.198 liều.

4 nhân viên ở Bệnh viện 108 nhiễm SARS-CoV-2

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) vừa xác định thêm 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, hôm nay, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 4 bệnh nhân.

Hai trường hợp mới phát hiện đều là F1 (F0 là nhân viên hành chính khoa Khám bệnh đa khoa) cách ly tại viện từ ngày 20/10. Bệnh nhân đầu tiên là nữ, sinh năm 1986, ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ngày 20/10, bệnh nhân cách ly, được xét nghiệm âm tính, ngày 22/10, tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Bệnh nhân thứ 2 là nữ, ở Thanh Trì, Hoàng Mai. Ngày 24/10, bệnh nhân sốt nhẹ, mẫu xét nghiệm PCR kết quả dương tính. Hiện, Bệnh viện 108 đã truy vết, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này cùng 6 người trong gia đình, kết quả đều âm tính.

Như vậy, chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện 108 ghi nhận 4 người nhiễm SARS-CoV-2.

Trước đó, tối 22/10, Hà Nội ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng, là vợ chồng nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện 108. Bệnh viện nhanh chóng truy vết, cách ly, phong tỏa, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nơi làm việc và di chuyển các cá nhân đến nơi theo dõi, điều trị COVID-19 riêng của bệnh viện.

Bệnh viện đã phong tỏa nơi làm việc của khoa Khám bệnh đa khoa, người bệnh đến khám sẽ được hướng dẫn sang khu vực khác, các bộ phận khác của Trung tâm Khám bệnh đa khoa và điều trị theo yêu cầu vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Hà Nội thêm 5 ca dương tính, là cán bộ tòa án, công an

Ngày 25/10, lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) cho biết, đã ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, 3 trường hợp công tác tại Công an huyện Quốc Oai, 2 người là cán bộ Toà án nhân dân huyện Quốc Oai.

Đến thời điểm hiện tại, huyện này đã ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng 2 ngày qua.

img

Lực lượng chức năng huyện Quốc Oai tiến hành phong toả khu vực có các ca nhiễm sinh sống, làm việc trên địa bàn

Lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai cho biết, ngay sau khi phát hiện ca bệnh, cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành lấy hơn 300 mẫu xét nghiệm những trường hợp người có liên quan gửi lên CDC Hà Nội chờ kết quả khẳng định. Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang được đặt lên hàng đầu.

Trước đó, ngày 24/10, Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện Quốc Oai đã triệu tập họp trực tuyến với các xã, thị trấn để đánh giá tình hình và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới tại thị trấn Quốc Oai, xã Sài Sơn và xã Thạch Thán.

Trong số những bệnh nhân này có Trưởng công an huyện, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quốc Oai, Trưởng công an thị trấn Quốc Oai, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, cán bộ tòa án huyện...

Hiện tại xã Thạch Thán tổ chức phong tỏa, cách ly y tế đối với 6 hộ dân xung quanh gia đình có F0 tại xóm 11.

Xã Sài Sơn tổ chức 3 khu vực phong tỏa, cách ly y tế: Khu 1 gồm 12 hộ dân xung quanh gia đình F0 N.T.P.N tại xóm Tây, thôn Đa Phúc; khu 2 gồm 8 hộ xung quanh gia đình F0 N.T.T tại xóm Tân Hòa, thôn Đa Phúc; khu 3 gồm 10 hộ xung quanh gia đình F0 N.H.T tại xóm 1, thôn Sài Khê.

Tại thị trấn Quốc Oai tổ chức khu vực phong tỏa, cách ly y tế gồm 10 hộ dân xung quanh gia đình F0 N.Đ.Đ (từ Trung tâm dân số đến phòng Tài chính kế hoạch).

Cùng với đó, Ban chỉ đạo yêu cầu Công an huyện, Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai, UBND thị trấn Quốc Oai thực hiện phong tỏa tạm thời trụ sở đơn vị. Tổ chức đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung tại cơ sở cách ly tập trung tại trường THPT Quốc Oai điểm cũ và trường THPT Quốc Oai mới.

img

Tiêm vaccine bằng xe lưu động ở quận Gò Vấp. Ảnh: Quỳnh Trần.

Gần 50% địa phương đạt vùng xanh, TP.HCM tiếp tục nới lỏng giãn cách

UBND TP.HCM đã có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Theo đó, UBND TP.HCM thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tính đến ngày 24/10 là đang ở cấp độ 2 ("vùng vàng" - nguy cơ trung bình).

Với cấp độ dịch này, theo tinh thần Nghị quyết 128, TP.HCM có thể sẽ nới lỏng thêm một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đi lại… Cụ thể, các hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động có điều kiện; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động.

Riêng đối với người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký (bao gồm nhân viên của doanh nghiệp bưu chính), trong trường hợp cần thiết UBND TP.HCM có thể quy định về số lượng tham gia lưu thông trong cùng một thời điểm. Đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp an toàn.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối được hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết, UBND TP.HCM sẽ quy định hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm.

Riêng đối với nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống được phép hoạt động nhưng phải bảo đảm quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế; đồng thời, UBND TP.HCM quy định các điều kiện cần thiết để hoạt động an toàn, bao gồm hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm. Đặc biệt, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo… được hoạt động có điều kiện và UBND TP HCM quy định các điều kiện cần thiết khi hoạt động trở lại.

Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp được hoạt động hạn chế, bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cũng hoạt động hạn chế; có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. UBND TP.HCM quy định số lượng người tham gia.

Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao... hoạt động hạn chế. Cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch (bao gồm việc tự tổ chức xét nghiệm cho nhân viên, người lao động, điều kiện đối với người tham quan, khán thính giả và phương án xử lý khi có ca mắc mới); giảm công suất, số lượng người tham gia.

Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được hoạt động nhưng kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đồng thời bảo đảm công suất, số lượng người tham gia.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 25/10.

Cả nước còn 2.899 ca nặng đang điều trị

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 888.940 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.027 ca nhiễm).

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 884.177 ca, trong đó có 803.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (425.121), Bình Dương (228.840), Đồng Nai (61.532), Long An (34.227), Tiền Giang (15.626).

Tình hình điều trị Covid-19

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24/10 là 1.314 trường hợp. Tổng số ca được điều trị khỏi: là 805.978 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.899 ca.

Số bệnh nhân tử vong

Trong ngày ghi nhận 53 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (30), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (2), An Giang (2), Tây Ninh (1), Bạc Liêu (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 68 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.673 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 89.574 xét nghiệm cho 186.901 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.639.660 mẫu cho 59.163.726 lượt người.

Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 72.929.311 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.883.474 liều, tiêm mũi 2 là 21.045.837 liều.

img

TP Hà Nội là 1 trong 22 tỉnh, thành được đánh giá dịch ở cấp độ 1 - màu xanh. (Ảnh: Ngọc Tú).

Bộ trưởng Y tế lo ngại nguy cơ bùng phát dịch Covid-19

Sau nới lỏng giãn cách, lượng người từ vùng có dịch về các địa phương rất đông. Dù triển khai hàng loạt giải pháp phòng chống dịch nhưng tại một số nơi đã xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, về cơ bản, hiện chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 tại các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi từ vùng có dịch về các địa phương rất đông. Đã xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm có nguồn chủ yếu là những người trở về từ vùng dịch.

Mặc dù các tỉnh thành nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhưng tại Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người về từ vùng dịch.

“Chúng tôi lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố chiều 24/10.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn: TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Việc giám sát phải chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly phải theo đúng hướng dẫn.

Người đứng đầu ngành y tế nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc các địa phương phải coi công tác phòng chống dịch là trọng tâm để giữ được thành quả chống dịch đã có.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 128 (Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”) và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ trưởng đánh giá qua 10 ngày triển khai, các tỉnh thành cơ bản đáp ứng và linh hoạt thực hiện theo tinh thần thực tế của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi áp dụng cứng nhắc.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, nếu các địa phương có vấn đề phát sinh thì cần liên hệ ngay với Bộ Y tế để đạt được “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quan trọng hơn, phải kiểm soát được tình hình dịch, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo.

img

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các tỉnh thành đã được phân bổ vắc xin phải tăng tốc tiêm chủng

Một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là độ bao phủ vắc xin. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã chỉ rõ, cố gắng bao phủ mũi 1 theo đúng đối tượng. Trong tháng 10 cần đạt bao phủ mũi 2 cho người trên 65 tuổi ở mức tối thiểu 80%; trong tháng 11 đạt mức bao phủ tương tự đối với người trên 50 tuổi.

“Có những địa phương làm tốt nhưng có những nơi chưa đạt được tốc độ tiêm như mong muốn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Ông yêu cầu các tỉnh thành đã được phân bổ vắc xin phải tăng tốc tiêm chủng. Đồng thời, khi triển khai tiêm, phải tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng theo đúng hướng dẫn.

Một tiêu chí quan trọng khác là chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc. Chuẩn bị đủ máy thở, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, oxy… để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm tối đa số ca tử vong; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vẫn còn địa phương có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ tuyến trên. “Đề nghị các địa phương chuẩn bị đủ số tiêu chí này. Trong Nghị quyết 128 và quyết định 4800 đều nêu: nếu không đảm bảo được sẽ phải nâng cao cấp độ dịch để ứng phó phù hợp”, Bộ trưởng lưu ý.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, các địa phương phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4800. Trong xét nghiệm phải lưu ý gộp mẫu, kể cả PCR cũng có thể gộp đến 20 mẫu. “Chúng ta làm theo đúng hướng dẫn để giảm chi phí xét nghiệm”, Bộ trưởng nói.

Đối với các bệnh viện, người đứng đầu ngành y tế khẳng định, chỉ xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng, nếu có bảo hiểm y tế thì bảo hiểm y tế thanh toán, nếu không tham gia bảo hiểm y tế thì ngân sách Nhà nước chi trả. Không được thu tiền xét nghiệm của người bệnh.

Liên quan đến việc cách ly, phong toả phòng chống dịch, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể, chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong xã, phường. Tại vùng phong toả, cách ly, cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại.

Việc khoanh vùng nhỏ nhất vừa giúp dập dịch nhanh chóng, vừa không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của người dân và không lãng phí nguồn lực chống dịch.

Trước quan tâm của không ít tỉnh thành về vấn đề theo dõi, cách ly người trở về từ vùng dịch, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát và triển khai biện pháp phòng chống dịch đối với những trường hợp này.

“Người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khoẻ tại nhà, nhưng không có nghĩa là 'thả lỏng' mà phải dựa vào tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trưởng công an huyện cùng 5 cán bộ ở Hà Nội mắc Covid-19

Chiều 24/10, UBND huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) xác nhận, trên địa bàn vừa ghi nhận 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, 3 người là cán bộ công tác tại TAND huyện Quốc Oai và 3 người còn lại là Trưởng công an huyện Quốc Oai, Trưởng Công an thị trấn và Bí thư Đảng ủy thị trấn Quốc Oai.

img

Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại huyện Quốc Oai, Hà Nội

Danh tính 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận tại huyện Quốc Oai là N.T.P.N. (SN 1981, ở Đa Phúc, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), N.Đ.Đ. (SN 1977, thị trấn Quốc Oai, Hà Nội), T.Q.V. (SN 1979, Thạch Thán, Quốc Oai, Hà Nội), P.D.M. (SN 1966, Công an huyện Quốc Oai, Hà Nội), N.H.T. (SN 1963, ở Sài Khê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) và N.T.T. (SN 1984, ở Đa Phúc, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, ca chỉ điểm của chùm ca bệnh này là bệnh nhân N.T.P.N. (SN 1981), địa chỉ thường trú tại thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn.

Chị N. có triệu chứng ho, sốt, khoảng 16h30 ngày 23/10 đã đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai. Bệnh viện tiến hành test nhanh 3 lần bệnh nhân đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Chồng chị N. là anh N.Q.T. (SN 1981, người đưa chị N. đi khám), thực hiện test nhanh cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, ngày 23/10 các trường hợp trên được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 24/10, CDC Hà Nội có kết quả PCR khẳng định những người này dương tính với SARS-CoV-2.

Sau đó, từ các ca tiếp xúc gần, cơ quan chức năng huyện Quốc Oai đã ghi nhận 6 ca dương tính.

Sau khi ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh, huyện đã họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, áp dụng các biện pháp khoanh vùng và tiếp tục điều tra các trường hợp có liên quan đến 6 trường hợp này.

"Hiện nay chúng tôi chưa xác định được nguồn lây của 6 ca này và đang tiếp tục điều tra, truy vết. Bước đầu, đã xác định được 177 trường hợp có liên quan đến các bệnh nhân. Lực lượng chức năng cũng tiến hành tạm thời phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm", đại diện lãnh đạo huyện Quốc Oai cho biết.

img

Cả nước có 22 tỉnh, thành đang thuộc vùng xanh

Theo tổng hợp của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch bệnh COVID-19. 63 tỉnh, thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã.

Theo tổng hợp của Bộ Y tế cập nhật đến 22h ngày 23/10, cả nước có 22 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới) – giảm 4 địa phương so với trước đó vài ngày.

22 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

img

Xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) phong tỏa tạm thời khu vực có 2 ca nghi ngờ.

Hà Nội phong tỏa 10 hộ dân ở gần 2 ca nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2

Thông tin từ UBND huyện Quốc Oai cho biết, ngày 24/10, huyện đã chỉ đạo xã Sài Sơn phong tỏa tạm thời 10 hộ gia đình xung quanh khu vực có 2 ca nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, vào lúc 16h30 ngày 23-10, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai tiếp nhận bệnh nhân N.T.P.N, sinh năm 1981, địa chỉ thường trú tại thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, có triệu chứng ho, sốt đến khám bệnh. Bệnh viện tiến hành test nhanh 3 lần bệnh nhân đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chồng chị N là anh N.Q.T, sinh năm 1981, thực hiện test nhanh cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi xác nhận 2 trường hợp nghi ngờ dương tính với Covid-19, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; phối hợp với lực lượng chức năng địa phương rà soát được 20 người có liên quan để lấy mẫu xét nghiệm và khuyến cáo họ tự theo dõi sức khỏe tại nhà…

img

Thủ tướng yêu cầu xử lý các thông tin phản ánh về công tác phòng chống dịch

Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch.

Vừa qua có một số thông tin phản ánh dư luận trên báo chí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 như về hỗ trợ tiền điện, giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, về khen thưởng cho lực lượng y tế tuyến đầu, hỗ trợ người lao động quay trở lại TPHCM, Bình Dương làm việc…

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Y tế, Công thương, Lao động - thương binh và xã hội theo chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương kiểm tra, xử lý các thông tin phản ánh nêu trên; nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch.

Hướng dẫn và tổ chức quán triệt các địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.