Xã hội

Dịch Covid-19 ngày 25/2: Cả nước 78.795 ca nhiễm mới, Hà Nội gần 10.000 ca

Covid-19 ngày 25/2: Từ 24- 25/2, cả nước ghi nhận 78.795 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó riêng Hà Nội có hơn 9.800 ca.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 16h ngày 24/2 đến 16h ngày 25/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 78.774 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 54.345 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (9.836), Quảng Ninh (4.615 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (3.563), Tuyên Quang (2.797), Phú Thọ (2.696), Nam Định (2.581), Hải Dương (2.441), Nghệ An (2.424), Hưng Yên (2.403), Hòa Bình (2.385), Vĩnh Phúc (2.367), TP.HCM (2.206), Bắc Ninh (2.139), Lạng Sơn (2.046), Sơn La (2.001), Ninh Bình (1.971), Hải Phòng (1.919), Đắk Lắk (1.912), Yên Bái (1.785), Khánh Hòa (1.631), Thái Bình (1.585), Lào Cai (1.525), Hà Giang (1.493), Thái Nguyên (1.489), Quảng Nam (1.328), Quảng Bình (1.218), Bình Phước (1.080)...

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 15.835 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.355.619 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 2.550 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 279 ca; thở máy không xâm lấn 104 ca; thở máy xâm lấn 289 ca; ECMO 13 ca.

Từ 17h30 ngày 24/2 đến 17h30 ngày 25/2 ghi nhận 78 ca tử vong tại: Hà Nội (20), Đà Nẵng (7), Hải Phòng (3), Hòa Bình (3), Nghệ An (3), Phú Thọ (3), Thanh Hóa (3), Bạc Liêu (2), Bình Định (2), Bình Phước (2), Cao Bằng (2), Đắk Lắk (2), Hải Dương (2), Kiên Giang (2), Lạng Sơn (2), Ninh Bình (2), Quảng Bình (2), Thái Bình (2), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hà Nam (1), Hậu Giang (1), Lâm Đồng (1), Long An (1), Phú Yên (1), Quảng Nam (1), Quảng Ninh (1), Quảng Trị (1), Thái Nguyên (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 86 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.962 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Trong ngày 24/2 có 187.683 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 192.865.977 liều.

Trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.110.836 liều; Mũi 1 là 70.849.206 liều; Mũi 2 là 67.187.585 liều; Mũi 3 là 1.441.597 liều; Mũi bổ sung là 13.628.967 liều; Mũi nhắc lại là 23.003.481 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.755.141 liều; Mũi 1 là 8.620.184 liều; Mũi 2 là 8.134.957 liều.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.120.301 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 31.588 ca nhiễm).

Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.112.985 ca, trong đó có 2.352.802 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (528.265), Bình Dương (295.560), Hà Nội (236.800), Đồng Nai (100.923), Tây Ninh (89.723).

img

Gọi bệnh nhân mắc COVID-19 là "con điên", Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Xuyên bị kỷ luật cảnh cáo.(Ảnh cắt từ clip)

Kỷ luật trạm trưởng y tế gọi F0 là "con điên"

Sáng 25/2, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cho biết, Hội đồng kỷ luật của đơn vị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Duy Hợp - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Xuyên sau khi ông này gọi bệnh nhân đi xin giấy xác nhận mắc COVID-19 là "con điên".

"Ông Hợp cũng gửi lời xin lỗi mọi người vì có những phát ngôn không chuẩn mực và chấp nhận hình thức kỷ luật nêu trên", lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Hải Dương nói.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cuộc hội thoại giữa Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Xuyên với chị P.T.T. Thời điểm này, chị T. đang mắc COVID-19 nên lên Trạm Y tế xin giấy xác nhận cách ly vào buổi đêm.

Trong đoạn clip, ông Hợp liên tục quát tháo, dùng những lời lẽ thiếu chuẩn mực với F0, xưng "mày - tao", thậm chí còn gọi chị này là "con điên", "con lợn".

"Đêm hôm mày ra xin giấy tao biết mày là ai... Mày là con người, tao là con người, tao không phải cái máy của mày. Tao hàng trăm F0. Mày dương tính, mày ở nhà chứ... F0 sao mày ra đây, mày truyền nhiễm virus cho tao. Mày chẳng hiểu gì cả, bố con điên...", người đàn ông nói và "nhắn nhủ" chị T. sao không để sáng hôm sau lên xin.

Lãnh đạo xã Gia Xuyên cho biết, sau khi xảy ra sự việc trên, UBND xã Gia Xuyên đã mời ông Hợp lên làm việc. Tại buổi làm việc, ông Hợp tường trình lại những gì đã xảy ra giữa ông và chị T., đồng thời làm bản kiểm điểm.

Ông Hợp cũng gửi lời xin lỗi tới chị T. về những phát ngôn thiếu chuẩn mực của mình.

Ngày 24/2, cả nước thêm 69.128 ca nhiễm mới

Tính từ 16h ngày 23/2 đến 16h ngày 24/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 48.179 ca trong cộng đồng).

img

Với 8.864 ca trong ngày 24/2, Hà Nội vẫn là thành phố có nhiều F0 nhất nước

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (8.864), Bắc Giang (4.171), Hải Dương (2.948), Sơn La (2.860), Phú Thọ (2.596), Nam Định (2.592), TP. Hồ Chí Minh (2.466), Hòa Bình (2.391), Bắc Ninh (2.375), Vĩnh Phúc (2.117), Hưng Yên (1.995), Hải Phòng (1.890), Ninh Bình (1.799), Yên Bái (1.666), Lào Cai (1.655), Nghệ An (1.629), Hà Giang (1.560), Đắk Lắk (1.514), Thái Nguyên (1.497), Lạng Sơn (1.480), Thái Bình (1.456), Khánh Hòa (1.229), Quảng Nam (1.199), Tuyên Quang (1.118), Bình Định (1.016), Quảng Bình (987), Đà Nẵng (981), Thanh Hóa (881), Cao Bằng (848), Điện Biên (738), Lâm Đồng (732), Hà Tĩnh (715), Phú Yên (656), Bà Rịa - Vũng Tàu (627), Bình Phước (610), Gia Lai (579), Bình Dương (577), Hà Nam (530), Lai Châu (438), Cà Mau (422), Quảng Trị (414), Bình Thuận (284), Đắk Nông (253), Thừa Thiên Huế (242), Bắc Kạn (214), Kon Tum (189), Tây Ninh (179), Bến Tre (179), Đồng Nai (148), Quảng Ngãi (145), Vĩnh Long (83), Bạc Liêu (81), Kiên Giang (77), Trà Vinh (74), Cần Thơ (51), Long An (40), Ninh Thuận (17), Sóc Trăng (17), Đồng Tháp (10), An Giang (7), Tiền Giang (7), Hậu Giang (4).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-1.868), Hòa Bình (-204), Tuyên Quang (-159).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.445), Bắc Giang (+1.173), TP. Hồ Chí Minh (+1.015).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 51.968 ca/ngày.

Cả nước có 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 19.062 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.339.784 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.137 ca; trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 2.464 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 280 ca; thở máy không xâm lấn: 87 ca; thở máy xâm lấn: 294 ca; ECMO: 12 ca.

img

Cả nước có 111 ca tử vong, riêng Hà Nội 26 ca

Từ 17h30 ngày 23/02 đến 17h30 ngày 24/02 ghi nhận 111 ca tử vong tại: Hà Nội (26), Đà Nẵng (8 ), Thái Nguyên (7 ca trong 02 ngày), Đắk Lắk (5 ca trong 02 ngày), Nghệ An (5), Quảng Ngãi (5 ca trong 02 ngày), Bắc Giang (3 ca trong 02 ngày), Bình Định (3), Kiên Giang (3), Nam Định (3), Quảng Bình (3 ca trong 02 ngày), Bạc Liêu (2), Bình Phước (2), Cao Bằng (2), Đắk Nông (2 ca trong 02 ngày), Điện Biên (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2 ca trong 02 ngày), Hải Phòng (2), Hòa Bình (2), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Quảng Ninh (2), Trà Vinh (2), Tuyên Quang (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 87 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.884 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.318.865 mẫu tương đương 78.754.090 lượt người, tăng 41.255 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 23/02 có 629.342 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 192.677.323 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 175.925.277 liều: Mũi 1 là 70.843.861 liều; Mũi 2 là 67.172.939 liều; Mũi 3 là 1.441.288 liều; Mũi bổ sung là 13.598.820 liều; Mũi nhắc lại là 22.868.369 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.752.046 liều: Mũi 1 là 8.618.276 liều; Mũi 2 là 8.133.770 liều.

img

F0 điều trị tại nhà an toàn khi được nhân viên y tế tư vấn, phát thuốc. (Ảnh: Báo Tiền phong)

TP.HCM chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện, các cơ sở giáo dục về chuẩn bị tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện; các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố lập thông tin tài khoản điểm tiêm vaccine phòng COVID-19.

Dự kiến mỗi cơ sở giáo dục sẽ thành lập 1 điểm tiêm tại trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, trường nhiều cấp có cấp tiểu học hoặc lớp 6.

Mỗi trường nhập thông tin theo mẫu để được cấp tài khoản trên nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phục vụ cho công tác nhập dữ liệu tiêm chủng.

Đối với trẻ ở lớp mầm non, mẫu giáo độc lập, nhóm nhà trẻ độc lập, phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế địa phương thành lập các điểm tiêm cho trẻ. Sau khi thống nhất điểm tiêm, Trung tâm Y tế sẽ báo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM để được hướng dẫn thực hiện.

Với trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, trường nhiều cấp có cấp tiểu học hoặc lớp 6, nhà trường lập danh sách học sinh có ngày sinh từ 1/4/2017 trở về trước, nhập vào nền tảng quản lý tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi được cấp tài khoản; cử nhân sự tham dự lớp tập huấn về sử dụng, quản lý dữ liệu tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn. Với lớp mầm non độc lập, mẫu giáo độc lập, nhóm nhà trẻ độc lập, lập danh sách trẻ em có ngày sinh từ 1/4/2017 trở về trước.

img

TP.HCM tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh 12 - 17 tuổi năm 2021.

Phòng GD&ĐT hướng dẫn nhập danh sách trẻ vào nền tảng quản lý tiêm chủng sau khi đã thống nhất với Trạm y tế các điểm tiêm. Cử nhân sự tham dự lớp tập huấn, sử dụng quản lý dữ liệu tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn.

Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 970.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi có nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục là 950.000 trẻ, số trẻ ngoài nhà trường là 20.000 trẻ. Trẻ ngoài nhà trường sẽ do Sở LĐTB&XH TP.HCM lập danh sách tiêm.

TP.HCM đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, sẵn sàng triển khai ngay khi có hướng dẫn chi tiết từ Bộ Y tế.

Chi hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng cho F0 là đoàn viên, người lao động

Tại quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguyên tắc mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.

Đoàn viên, người lao động là F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ:

Tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19.

Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại cơ sở y tế.

Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do Covid-19 thì thân nhân được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động xem xét, quyết định theo các quy định về phân cấp tài chính của Tổng liên đoàn phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phòng, chống dịch và nguồn tài chính công đoàn được phê duyệt trong năm.

img

Người lao động mắc Covid-19 được hưởng chế độ gì, thủ tục ra sao?

Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2015, bộ Luật Lao động, người lao động nhiễm Covid-19 phải nghỉ làm, điều trị ngoại trú và nội trú được hưởng những quyền lợi sau:

Người lao động nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc được hưởng nhiều quyền lợi

Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau

Người lao động bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động như sau:

Nếu làm việc trong điều kiện bình thường: 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 - dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm.

Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1, điều 28 Luật BHXH 2014).

Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19

Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo điều 29 của Luật BHXH 2014).

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2.235.000 đồng.

Tiền lương do người sử dụng lao động trả

Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Theo khoản 1, điều 113 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thời gian và mức hưởng chế độ ốm đau

Điều 25, 26 Luật BHXH quy định, người lao động bị ốm đau mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ ốm đau.

Trong điều kiện làm việc bình thường, thời gian hưởng 30 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đóng đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đóng đủ 30 năm. Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì số ngày nghỉ được tính lần lượt là 40 ngày, 50 ngày và 70 ngày, tương ứng với số năm đóng BHXH như trên.

Người lao động trong thời gian nghỉ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thủ tục để được BHXH chi trả ra sao?

Công văn 238 của Bộ Y tế quy định, F0 nếu điều trị nội trú cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao Giấy ra viện; người điều trị tại nhà cần có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, nộp cho cơ quan, doanh nghiệp để làm thủ tục hưởng chế độ.

Theo Điểm a, Khoản 1 Điều 20 Thông tư 56 của Bộ Y tế, "Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH" được cấp bởi cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép. Trạm y tế xã, phường chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly điều trị F0 tại nhà. Người lao động cần lấy giấy này tại Trạm y tế để nộp cho Trung tâm y tế quận, huyện và lấy Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

F0 cần lấy Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đúng mẫu quy định, nếu không sẽ phải đề nghị cơ sở y tế cấp lại, rồi nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp.

Hồ sơ gồm Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trong vòng 45 ngày từ lúc đi làm lại. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp gửi chậm cho cơ quan BHXH thì cần giải trình lý do bằng văn bản.

Doanh nghiệp chuẩn bị thêm một số giấy tờ theo quy định và gửi cho cơ quan BHXH trong vòng 10 ngày làm việc.

Cơ quan BHXH giải quyết trong vòng 6 ngày từ lúc nhận đủ hồ sơ và chi trả trợ cấp cho lao động là F0.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.