Xã hội

Dịch Covid-19 hôm nay: Cần Thơ vượt mốc 1.000 ca, thêm 3 người tử vong

28/07/2021, 23:00

Tin tức dịch Covid-19 ngày 28/7 tại Việt Nam: Ngày 28/7, Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, vừa ghi nhận 76 ca mắc mới COVID-19.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Như vậy, tính từ ngày 8/7 đến nay, TP Cần Thơ đã có 1.023 người mắc COVID-19.

Các trường hợp vừa ghi nhận gồm: 13 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 29 ca trong khu cách ly; 34 ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm.

Qua rà soát, ngành chức năng truy vết được 173 F1, 69 F2.

img

Báo Giao thông cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 ngày 28/7.

Trong ngày, có 13 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện và tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định. Ngoài ra trong ngày còn ghi nhận 3 bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Cũng trong ngày 28/7, UBND TP Cần Thơ có văn gửi Công ty Điện lực TP Cần Thơ; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; các Công ty Cổ phần cấp nước đề nghị hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, nước sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn tới đối tượng người lao động nghèo, những công nhân không thể đi làm việc do thực hiện chính sách giãn cách của Nhà nước, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Chính vì vậy, những đối tượng này đang rất cần sự chung tay chia sẻ khó khăn. Do đó, UBND thành phố đã đề nghị các doanh nghiệp đồng hành cùng với Nhà nước, theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” để xem xét miễn, giảm tiền điện, nước sinh hoạt cho các đối tượng nêu trên, nhằm giúp họ giảm bớt gánh nặng.

Thêm 3.698 ca mắc mới; 8 ngày có 106 ca tử vong

Theo bản tin Bộ Y tế, tính từ 6h đến 19h ngày 28/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.698 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 3.697 ca ghi nhận trong nước.

Tính đến chiều ngày 28/7, Việt Nam có tổng 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 117.042 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tại TP.HCM (2.334), Bình Dương (631), Đồng Tháp (153), Đồng Nai (137), Cần Thơ (66), Khánh Hòa (61), Trà Vinh (54), Bến Tre (52), Đà Nẵng (50), Phú Yên (34), Bình Thuận (32), Ninh Thuận (25), Vĩnh Phúc (12), Quảng Nam (11), Hậu Giang (6), Hà Nội (5), Hải Dương (5), Thái Nguyên (5), Gia Lai (4), Ninh Bình (4), Hà Giang (3), Bình Phước (3), Thừa Thiên Huế (2), Hà Tĩnh (2), Cà Mau (2), Đắk Nông (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thanh Hóa (1) trong đó có 781 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong ngày 28/7 có 6.559 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.184 ca trong cộng đồng.

Có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

Và 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.

Trong ngày 28/7, cũng ghi nhận 4.511 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 27.457 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 211 ca và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 106 ca tử vong do COVID-19 (số 525-630) từ ngày 19-26/7/2021 tại 6 tỉnh, thành phố sau:

Tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19-26/7: 91 ca

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 20/7: 1 ca

Tại Đồng Tháp từ ngày 23-24/7: 02 ca

Tại Đồng Nai ngày 25/7: 01 ca

Tại Kiên Giang ngày 26/7: 2 ca

Tại Long An ngày 22-26/7: 9 ca

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

img

Các nhân viên y tế đã có mặt phun khử khuẩn toàn bộ khu vực Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu.

Tạm phong toả 1 trung tâm thương mại ở phố Bà Triệu liên quan ca nhiễm SARS-CoV-2

Lực lượng chức năng chiều nay 28/7 đã phong toả tạm thời Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu ở Hà Nội, tiến hành phun khử khuẩn vì có một ca nghi mắc Covid-19.

Chiều 28/7, đại diện Công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết lực lượng chức năng đã tạm phong toả toà nhà ở Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu từ chiều cùng ngày để tiến hành truy vết, điều tra dịch tễ liên quan ca nghi mắc Covid-19. Được biết, ca dương tính SARS-CoV-2 vừa phát hiện một là 1 bảo vệ của trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu.

Hiện tại, toàn bộ tòa nhà Vincom Bà Triệu đang bị phong tỏa để cơ quan y tế thực hiện các biện pháp rà soát cần thiết. Toàn bộ người dân bên trong Vincom Bà Triệu được yêu cầu không rời khỏi vị trí làm việc, không xuống tụ tập tại tầng 1 của tòa nhà cho đến khi có thông báo tiếp theo

Lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho biết thêm người dương tính SARS-CoV-2 là bảo vệ, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định. Cơ quan chức năng truy vết được 14 F1, đều là bảo vệ, đồng nghiệp của người này.

Tính đến chiều 28/7, mọi người trong toà nhà được lấy mẫu xét nghiệm. Phường sẽ có biện pháp phòng chống dịch tiếp theo ngay khi có kết quả xét nghiệm khẳng định của ca dương tính SARS-CoV-2 và các trường hợp khác.

img

Trong ngày 28/7, TP Hà Nội phát hiện tổng số 65 bệnh nhân mới, gồm 42 trường hợp tại cộng đồng

Hà Nội thêm 12 ca dương tính nCoV, cả ngày 28/7 có 65 ca

Tối 28/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết địa bàn ghi nhận thêm 12 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong cả ngày, thành phố phát hiện tổng số 65 bệnh nhân mới, gồm 42 trường hợp tại cộng đồng và 19 người trong khu cách ly.

12 ca nhiễm mới trú tại các quận, huyện: Thanh Xuân (5), Gia Lâm (2), Nam Từ Liêm (1), Đống Đa (1), Đông Anh (1), Cầu Giấy (1), Hoàn Kiếm (1).

Trong đó, có 1 người phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cộng đồng; 6 ca thuộc chùm ho, sốt thứ phát; 1 trường hợp trong chùm liên quan nhà thuốc Đức Tâm (Láng Hạ, Đống Đa); 1 ca thuộc chùm liên quan Bắc Giang; 2 người ở chùm Tân Mai (Hoàng Mai) và 1 trường hợp trong chùm Nguyễn Khuyến (Đống Đa).

Trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng

N.T.K., nữ, sinh năm 1941, ở Trung Hòa, Cầu Giấy. Bệnh nhân có tiền sử suy giáp, ngày 27/7 khởi phát sốt 38 độ, vào khám tại Bệnh viện Đức Giang và được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, cho kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh ho sốt thứ phát (tiếp xúc gần với ca dương tính phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng)

N.T.N.H., nữ, sinh năm 1958, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm. Bà H. là F1 của bệnh nhân L.A.T., ngày 27/7 được lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cách ly tập trung. Đến ngày 28/7, bệnh nhân nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2.

3 bệnh nhân P.T.H.H. (nữ, sinh năm 1986), N.B.C. (nữ, sinh năm 2005) và N.B.Q. (nữ, sinh năm 2016) cùng ở Nhân Chính, Thanh Xuân. Họ là vợ và 2 con của F0 N.C.T. Ngày 27/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly, đến ngày 28/7 có kết quả dương tính.

Hai bệnh nhân N.T.K. (nữ, sinh năm 1968), V.T.T. (nam, sinh năm 1964) đều ở Bát Tràng, Gia Lâm. Những người này là F1 của ca Covid-19 V.T.H.N (bố, mẹ). Ngày 27/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Chùm liên quan nhà thuốc Đức Tâm (Láng Hạ, Đống Đa)

V.V.C., nam, sinh năm 1971, ở Láng Thượng, Đống Đa. Người này là F1 (chú) của F0 V.T.H.N. Ngày 19/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính, chuyển cách ly tập trung. Ngày 27/7, anh xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh liên quan Nguyễn Khuyến (Đống Đa)

V.T.H., nữ, sinh năm 1975, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm. Người này là F1 của ca Covid-19 T.T.D. (đồng nghiệp), ngày 17/7 xét nghiệm lần 1 âm tính, chuyển cách ly tập trung. Ngày 27/7, bệnh nhân biểu hiện sốt, ho, được lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 28/7 có kết quả dương tính.

Chùm ca liên quan Bắc Giang

N.T.K.C., nữ, sinh năm 1990, ở Võng La, Đông Anh. Chị C. là công nhân công ty SEI (KCN Bắc Thăng Long), được cách ly tập trung tại trường Công nghệ kinh tế Sóc Sơn từ ngày 10/7. Ngày 27/7, bệnh nhân khởi phát sốt, ho, được lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 28/7 có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Chùm ca mắc liên quan Tân Mai (Hoàng Mai)

2 bệnh nhân N.T.H.N. (nữ, sinh năm 2000) và B.T.N. (nữ, sinh năm 2013) đều ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân. Họ là F1 của F0 N.T.H. (hàng xóm), ngày 19/7 xét nghiệm âm tính, chuyển cách ly tập trung. Đến ngày 27/7, các bệnh nhân xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Như vậy, trong cả ngày 28/7, Hà Nội phát hiện thêm 65 ca dương tính SARS-CoV-2.

Tại đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), thành phố đã có tổng số 935 trường hợp dương tính. Trong đó, số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 579, số người phát hiện dương tính khi đã cách ly là 356.

img

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn, tẩy trùng khu vực bị phong tỏa.

Người đăng tin "sáng mai Hà Nội có 3.000 chốt" bị phạt 12,5 triệu đồng

Người đăng thông tin trên mạng xã hội về việc Hà Nội lập 3.000 chốt ở các phường, xã để xử lý người vi phạm phòng chống dịch đã bị xử phạt.

Ngày 28/7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Hà Nội đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính cá nhân đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận.

Theo đó, Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội xác định bà N.T.K.T. (33 tuổi), nghề nghiệp kinh doanh, trú tại chung cư Sixth Element Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải bài viết với nội dung: "Sáng mai HN có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé".

Nội dung thông tin này là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Hành vi của bà N.T.K.T. đã vi phạm điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Thanh tra Sở TT-TT quyết định xử phạt bà N.T.K.T. số tiền là 12.500.000 đồng. Đồng thời, buộc bà N.T.K.T. gỡ bỏ thông tin sai sự thật (hiện bà N.T.K.T. đã gỡ bỏ bài viết nêu trên).

img

Khi phát hiện có 43 ca mắc COVID-19, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) xin tạm ngưng hoạt động từ 3 - 4 tuần. Ảnh: U.P.

43 ca mắc COVID-19, Vissan xin dừng hoạt động sản xuất

Ngày 28/7, nhiều cửa hàng, siêu thị phân phối thịt heo của Vissan đã không có hàng để bán cho người tiêu dùng. Vissan đã có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM; Sở Công thương TP.HCM; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), đề xuất phương án xử lý dịch bệnh và sản xuất tại doanh nghiệp.

Theo Vissan, từ ngày 28/6, Công ty thực hiện phương án “ba tại chỗ”. Tuy nhiên, đến ngày 17/7, Công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Ngày 20/7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23/7, Vissan có 43 ca mắc COVID-19.

Do đó, Vissan đề xuất đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc và sau đó kết quả kết quả âm tính, được bố trí vào các khu vực riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất. Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ ba ngày/lần.

Nếu thuận lợi, Công ty sẽ tiếp tục duy trì sản xuất dù có thể giảm sản lượng do thiếu hụt một số nhân sự. Phương án này cần có sự thống nhất của toàn bộ người lao động cũng ở lại công ty tiếp tục thực hiện phương châm 3 tại chỗ và được hỗ trợ từ Trung tâm y tế Bình Thạnh trong việc xét nghiệm sàng lọc khi họ ở lại công ty” – đại diện Vissan cho biết.

Theo ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, do có các ca mắc COVID-19 nên Công ty Vissan đã giảm hoạt động ở khâu pha lóc và khâu bốc xếp cũng đang gặp khó. Đơn vị này đã thông báo đến khách hàng là ngưng cung cấp mặt hàng thịt heo đóng vỉ, theo đó hiện chủ yếu cung cấp thịt heo mảnh (đã mổ). Hiện khâu giết mổ tại đây vẫn còn hoạt động.

Nếu Vissan tạm ngưng sẽ xem xét các phương án đẩy nhanh phòng chống dịch để đưa công ty này trở lại hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh; tăng lượng giết mổ từ các cơ sở khác tại thành phố để bù đắp vào lượng thiếu hụt; nhờ các tỉnh, thành tăng cường giết mổ heo đưa về TPHCM.

Do đó, nguồn cung thịt của TPHCM trong những ngày tới không quá đáng lo ngại, thiếu hụt và khan hàng như xảy ra đối với mặt hàng rau củ quả - lãnh đạo Sở NN&PTNT TPHCM cho biết.

TPHCM cũng có đến 3 cơ sở giết mổ heo thủ công đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân bị mắc COVID-19. Ngoài ra, nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn tại TP.HCM cũng đã đóng cửa vì phát hiện F0. An Nhơn là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của TP.HCM, có công suất trung bình từ 60.000 - 100.000 con gà mỗi đêm.

img

Hà Nội đề nghị đính chính thông tin 69 ca mắc mới

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong sáng 28/7, Bộ Y tế công bố với báo chí số ca mắc mới tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7 Hà Nội có 69 ca mắc mới là không chính xác.

Trả lời báo chí, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thông tin này không chính xác, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 27/7 đến 6 giờ ngày 28/7 Hà Nội chỉ ghi nhận 18 trường hợp mắc mới trong đó 16 ca tại cộng đồng và 2 tại khu cách ly tập trung.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các báo điều chỉnh số liệu chuẩn xác để người dân không hoang mang về tình hình dịch bệnh tại Thủ đô Hà Nội.

Trong ngày 28/7, Sở Y tế Hà Nội sẽ làm việc báo cáo với Bộ Y tế về việc công bố thông tin cho chính xác và thống nhất. Bà Hà cũng cho biết, số liệu được cập Nhật theo khung giờ Bộ Y tế vì thế cần phải thống nhất công bố thông tin cho chuẩn xác, tránh gây tâm lý hoang mang cho dư luận.

Trước đó, tối 27/7, huyện Chương Mỹ cũng lên tiếng phản bác thông tin lan truyền trên mạng là có 786 người liên quan ca F0 ở Chương Mỹ tại 18 quận, huyện.

Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội phản bác các thông tin trên, cho rằng đây là thông tin suy diễn gây hoang mang dư luận, sai sự thật về tình hình phòng chống dịch COVID- 19 tại địa phương.

Ngày 26/7/2021, UBND huyện Chương Mỹ ban hành văn bản số 2114 có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố phối hợp rà soát 786 người lao động đang làm việc tại công ty STAR nơi có ca dương tính F0 để triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định chứ không phải là 786 ca dương tính hay là các F1,F2 như suy diễn trên mạng.

Đây là biện pháp quy định trong phòng chống dịch theo quy định, Huyện Chương Mỹ đề nghị Sở TTTT Hà Nội có định hướng thông tin, xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân đưa thông tin sai sự thật trên mạng (nếu có).

img

Chợ đầu mối ở quận Hoàng Mai dừng hoạt động vì xuất hiện ca nghi mắc COVID-19.

Chợ đầu mối ở quận Hoàng Mai dừng hoạt động vì có ca nghi nhiễm

Sáng 28/7, ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía Nam (trên địa bàn phường) vì xuất hiện ca nghi mắc COVID-19.

Trường hợp nghi mắc COVID-19 là người buôn bán trứng trong chợ đầu mối phía Nam (trên địa bàn phường), quê ở huyện Ứng Hoà, hiện trú trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ.

Tối 26/7, người này có triệu chứng sốt kéo dài, người mệt mỏi. Ngày 27/7, người này đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, được khám sàng lọc, xét nghiệm, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Trong vòng 14 ngày gần đây, trường hợp này đi bán trứng ở chợ đầu mối rồi về nhà, không đi đâu, không ra khỏi Hà Nội. Hiện, người này ở cùng chồng, 2 con và cháu ở ngách 15 ngõ Gốc Đề. Khu vực này hiện đã tạm thời bị phong toả để phòng chống COVID-19.

“Chúng tôi đã phong toả tạm thời chợ đầu mối phía Nam, tạm thời không cho kinh doanh buôn bán. Lực lượng chức năng cũng tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến trường hợp này”, ông Quý cho biết.

Hà Nội diễn tập đảm bảo an ninh tại khu cách ly tập trung 1.000 giường bệnh

Ngày 28/7, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để có thể ứng phó với mọi tình huống xảy ra trên địa bàn quận, UBND quận Bắc Từ Liêm đã lập khu vực cách ly y tế tập trung trong phòng, chống dịch bệnh Covid 19 tại 3 tòa nhà CT6A, CT6B, CT6C khu tái định cư phường Phúc Diễn với quy mô 1.000 giường bệnh.

img

Lực lượng PCCC&CNCH diễn tập phương án khi xảy ra hoả hoạn tại khu cách ly y tế.

Công an quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự trong khu cách ly, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia phương án đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.

Cụ thể, tình huống công dân có hành vi gây rối không chấp hành nghiêm quy định tại khu cách ly, xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật trong khu cách ly, công dân trốn khỏi khu cách ly, xảy ra cháy nổ trong khu cách ly…

Ngày 27/7, các lực lượng cũng đã diễn tập tình huống xảy ra cháy nổ trong khu cách ly. Ngay khi phát hiện đám cháy bên trong khu vực cách ly lực lượng quân đội và dân quận tự vệ vận hành cơ chế xử lý tình huống 4 tại chỗ theo hướng dẫn của công an quận.

Cụ thể, khi xảy ra cháy, lực lượng công an trực bên ngoài báo cáo ngay chỉ huy công an quận, sau đó, đội Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai phương tiện, hỗ trợ để dập tắt đám cháy và đảm bảo các quy định trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Sáng nay, thêm 2.861 ca mắc, riêng TP.HCM 2.115 ca

Theo bản tin sáng của Bộ Y tế, tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7 có 2.861 ca mắc mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, tính đến sáng ngày 28/7, Việt Nam có tổng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.

img

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh vẫn "nóng" với 2.115 ca, Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1) trong đó có 403 ca trong cộng đồng.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.

Tình hình điều trị: Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca; 211 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.472.418 mẫu cho 15.848.029 lượt người.

Trong ngày 28/7 có 258.077 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Bí thư Hà Nội yêu cầu áp dụng phiếu đi chợ toàn thành phố

Chiều 27/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng triệu tập cuộc họp Thường trực Thành ủy để đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch trong 4 ngày giãn cách xã hội (từ 24/7), cũng như chiến lược chống dịch thời gian tới.

Ông Đinh Tiến Dũng giao ngành công thương nghiên cứu ban hành một mẫu phiếu đi chợ thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố.

img

Mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị đã được áp dụng tại quận Tây Hồ.

Ông Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, việc ban hành Chỉ thị 17 của thành phố là đúng và kịp thời, được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau 4 ngày triển khai, có nơi làm rất tốt, có nơi còn chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là.

Trong đó, ông chỉ ra hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, khiến công tác triển khai giãn cách xã hội trên các địa phương còn chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu đồng nhất. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức không chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách, để số người đi làm đông...

Bí thư Thành ủy yêu cầu các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên giám sát quận, huyện, thị xã để kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu. Ông nhấn mạnh kết quả triển khai nhiệm vụ này là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu.

Công an thành phố bố trí đủ chốt nhằm kiểm soát, nhất là ở địa bàn giáp ranh bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách: Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.

Quận, huyện làm việc với từng cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn yêu cầu thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm. Lực lượng chức năng tăng quy mô, mật độ kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn, tuyến đường giao thông, khu vực công cộng; xử lý nghiêm người ra ngoài mà không có lý do chính đáng, không đúng quy định.

Cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách, Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay. Ngành công thương nghiên cứu ban hành 1 mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố.

Ông Dũng đề nghị các địa phương nơi có khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải yêu cầu xây dựng kế hoạch bảo đảm điều kiện sản xuất an toàn phòng dịch cho người lao động được chính quyền sở tại phê duyệt và ký cam kết mới được hoạt động. Nhiệm vụ này phải tập trung hoàn thành trong ngày 28/7.

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 870 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến sáng 27/7 đã có 601 trường hợp dương tính với virus.

img

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

TP.HCM có số ca trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch

Theo thông tin từ Bộ Y tế tối 27/7, Việt Nam có thêm 5.149 ca mắc mới. TP.HCM có số ca trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch với 4.469 trường hợp, tiếp đó là Đồng Nai (120), Long An (75), Bình Dương (79), Đồng Tháp (154), Cần Thơ (54), Bình Thuận (45), Đà Nẵng (26), Phú Yên (23), Sóc Trăng (22), Hà Nội (19), Ninh Thuận (13), Vĩnh Phúc (11), Gia Lai (5)... Trong đó, 525 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong ngày 27/7, Việt Nam có tổng cộng 7.913 ca mắc mới, trong đó, 2 ca nhập cảnh và 7.911 bệnh nhân trong nước. Tại TP.HCM, số bệnh nhân mới được ghi nhận là 6.318 người, cao nhất từ đầu dịch, hơn hôm qua 321 ca. Tổng số ca tại TP.HCM tính trong đợt dịch thứ 4 là 72.740. Tại Hà Nội, số ca mắc mới là 23, thấp hơn 58 người so với ngày 26/7.

Đến nay, Việt Nam có 114.260 ca mắc Covid-19, trong đó, 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ 27/4 đến nay là 110.487, trong đó, 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.746.642, trong đó, tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, mũi 2 là 423.071 liều.

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhận định ngành y tế cần coi những trường hợp F0, nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, chưa phải bệnh nhân. Những người này cần được cách ly để không lây nhiễm virus ra cộng đồng và phải thay đổi cách quản lý, chăm sóc.

img

Hà Nội tổ chức phun khử khuẩn diện rộng.

Hà Nội thông báo 76 ca dương tính, 45 ca cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội cho biết từ 12h đến 18h ngày 27/7, thành phố đã ghi nhận 21 trường hợp mắc mới trong đó 12 ca tại cộng đồng và 9 tại khu cách ly tập trung.

Như vậy trong 24 giờ, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 76 ca mắc mới trong đó có 45 ca tại cộng đồng và 31 ca tại khu cách ly.

Trong 12 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện tại cộng đồng, có 11 trường hợp thuộc chùm ca bệnh ho sốt thứ phát và 1 người thuộc chùm ca bệnh liên quan sàng lọc người sốt, ho.

9 trường hợp còn lại ghi nhận tại khu cách ly gồm: 1 ca liên quan chùm ca bệnh ở Nguyễn Khuyến, Đống Đa; 3 ca liên quan chùm ca bệnh ở Tân Mai - Hoàng Mai; 5 trường hợp liên quan chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Trong 12 ca tại cộng đồng đáng chú ý có bé trai V.M.H, 14 tuổi, ở Xuân Nộn, Đông Anh, là con của bệnh nhân N.T.T.Đ. Ngày 26/7, bé H được lấy mẫu xét nghiệm cùng mẹ do có triệu chứng và có kết quả dương tính.

11 ca còn lại là trường hợp F1 hoặc là người sống trong khu vực phong tỏa liên quan bệnh nhân COVID-19.

5 ca liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội gồm: 2 bệnh nhân, 2 nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân.

Ngày 26/7, các trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 27/7 trả kết quả dương tính. Như vậy, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã ghi nhận 37 ca dương tính SARS-CoV-2.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 870 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 533 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 337 ca.

img

786 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Thời trang STAR được yêu cầu cách ly

Rà soát 786 công nhân KCN Phú Nghĩa do có ca dương tính Covid-19

Ngày 27/7, UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu Công ty TNHH Thời trang STAR, thuộc Khu công nghiệp Phú Nghĩa rà soát, lập danh sách toàn bộ 786 công nhân do tại Công ty có 1 ca F0.

Ca F0 là Đ.T.L. (sinh năm 1981, trú tại Đội 2, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai), công nhân tại Block 1 thuộc Công ty STAR, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 25/7.

Theo UBND huyện Chương Mỹ, ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp F0, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Công ty STAR rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp là cán bộ, công nhân, nhân viên, người lao động trực tiếp làm việc tại Công ty STAR.

Huyện Chương Mỹ đã phối hợp Bộ tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn toàn bộ khu vực đường chính Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Công ty STAR với tổng diện tích 5 ha và một số khu vực liên quan khác.

Đồng thời thành lập khu vực cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Phương Bản và xóm Cống Bắc thuộc thôn Long Châu Sơn trên địa bàn xã Phụng Châu từ ngày 25/7 đến ngày 8/8. Hiện nay xã Phụng Châu đang có một số ca F0 phức tạp.

Sáng 27/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã ghi nhận 19 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó 13 trường hợp tại cộng đồng và 6 tại khu cách ly tập trung tại 9 chùm ca bệnh.

Như vậy, trong đợt dịch thứ tư, Hà Nội đã có 813 trường hợp mắc (495 tại cộng đồng, 318 đã được cách ly), trong đó có 544 trường hợp thuộc các ổ dịch chưa qua 14 ngày.

img

TP.HCM dự định tiêm 1,1 triệu liều vaccine trong 2 tuần cuối tháng 7. Ảnh- Duy Hiệu.

22.946 người Việt Nam được công bố khỏi Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế tối 27/7, Việt Nam 1.602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy đến nay, tổng số người khỏi Covid-19 và xuất viện tại Việt Nam là 22.946.

Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi được công bố khỏi bệnh, những người này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.

Tính đến 19h ngày 27/7, Việt Nam có tổng cộng 112.057 ca ghi nhận trong nước và 2.203 ca nhập cảnh. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 110.487 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngoài ra, 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Sau nhiều đợt tiếp nhận từ các nguồn khác nhau, Việt Nam đã có hơn 12,4 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó chủ yếu là AstraZeneca và Moderna.

Chiều cùng ngày, tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan vaccine Covid-19 với Nga, Mỹ, Nhật Bản đã được ký kết.

Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19.

Công nghệ vaccine được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức sản xuất vaccine tái tổ hợp. Các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ.

img

Nhiều tài xế phản ứng, cảnh sát phải in văn bản 3611 của Sở GTVT Hà Nội về việc yêu cầu 5 ứng dụng công nghệ trong đó có Grab phải dừng toàn bộ dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách. Ảnh- H.Q.

Hà Nội yêu cầu Grab dừng giao hàng

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Grab cùng 4 đơn vị khác dừng ngay việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy.

Sau phản ánh về việc ứng dụng Grab vẫn mở chế độ giao hàng, nhiều tài xế nhận đơn hàng và bị lực lượng chức năng Hà Nội xử phạt, chiều 27/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi 5 đơn vị gồm: Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị trên dừng ngay việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị Sở TT&TT Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị không thực hiện yêu cầu dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy.

Khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, các shipper tỏ ra rất ngạc nhiên và cho biết không nhận được thông báo từ đơn vị cung cấp ứng dụng về việc tạm dừng hoạt động. Thậm chí, trên điện thoại của tài xế GrabBike, qua kiểm tra của lực lượng chức năng, các ứng dụng vẫn hoạt động bình thường.

img

Trong 24 giờ qua, Thủ đô Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca dương tính SARS-CoV-2.

Thế giới vượt 195,6 triệu ca nhiễm; Đông Nam Á tiếp tục rối bời bởi biến thể Delta

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 28/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 195.620.934 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.188.197 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 177.396.147 người.

Sự lây lan của biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đe dọa nỗ lực dập dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới, đẩy nhiều quốc gia tại Đông Nam Á rơi vào tình trạng không còn giường bệnh và đe dọa đến tiến trình phục hồi kinh tế của các nước.

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận mức tăng cao nhất trong 1 ngày của cả số ca tử vong và số ca nhiễm mới, lần lượt ở mức 2.069 ca và 45.203 ca. Giới chức y tế cho biết nước này cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của bệnh nhân COVID-19. Nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 cũng tăng gấp 12 lần kể từ 1/6 vừa qua.

Cùng ngày, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 16.117 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục tăng, lên mức 17.000 ca/ngày vào giữa tháng 8 tới và đỉnh điểm là 24.000 ca/ngày vào tháng 9. Hiện 80% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo ghi nhận 7.186 ca mắc mới COVID-19 - cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.562.420 ca, trong đó có 27.318 ca tử vong. Philippines đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan nhanh của các biến thể xuất hiện tại nước này, trong đó Delta là biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất.

img

Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7. Ảnh: THX/TTXVN.

Cục Dịch vụ Y tế (DMS) thông báo thủ đô Thái Lan đã hết giường điều trị bệnh nhân nặng. Tình trạng thiếu giường bệnh đang trở nên trầm trọng hơn do cần phải có các cơ sở ICU riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo sang các bệnh nhân nặng khác. Thái Lan đã ghi nhận thêm 14.150 ca nhiễm mới cùng 118 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 526.828, trong đó có 4.264 người không qua khỏi.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 2.848 ca. Mốc cao nhất trước đó là ngày 7/1 với 2.520 ca. Do lo ngại làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, chính quyền Tokyo đã đề nghị các bệnh viện chuẩn bị thêm giường để điều trị bệnh nhân COVID-19. Số ca nhiễm mới tại thành phố này trong ngày 26/7 đã tăng gấp đôi so với 1 tuần trước.

Với việc các bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, Tokyo đặt mục tiêu nâng số giường lên 6.406 vào đầu tháng tới so với mức hiện nay 5.967. Theo đó, nhà chức trách đề nghị các bệnh viện nên xem xét lùi các lịch phẫu thuật đã lên kế hoạch, cũng như giảm quy mô điều trị.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo các yếu tố theo mùa, việc gia tăng đi lại và sự lây lan của các biến thể có thể sẽ dẫn đến việc bùng phát trở lại các trường hợp mắc COVID-19 tại Nhật Bản vào mùa Hè này. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Nhật Bản vẫn còn khá thấp so với các nước đang phát triển, khi mới chỉ có 36% dân số được tiêm ít nhất một mũi.

Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra theo các quy định cách ly nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh, song đã có 155 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong số các vận động viên và nhân viên của các đoàn thể thao. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định số ca mắc mới cao kỷ lục tại Tokyo không phải là một vấn đề đối với Olympic, đồng thời cho rằng người dân cần tập trung làm việc tại nhà để giảm thiểu đi lại.

img

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNATTXVN.

Tại khu vực Trung Đông, Iran và Iraq đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao chưa từng có trong ngày 27/7. Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki nhận định quốc gia Trung Đông này đang tiến gần đỉnh của làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ 5 tại nước này. Ông hy vọng tình hình dịch bệnh tại Iran sẽ thuyên giảm sau 7 hoặc 8 ngày tới.

Iran thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 34.951 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3.758.197 ca. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, Iran ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức cao chưa từng thấy. Hôm 26/7, Iran có 31.814 ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, Iran có 357 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi ở nước này lên 89.479 ca.

Iraq cũng đã ghi nhận 12.185 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 1.577.013 ca, bao gồm 18.418 ca tử vong.

Theo số liệu tại trang Our World in Data, tại khu vực Mỹ Latinh, Chile và Uruguay đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số trong khi Argentina, Brazil, Colombia và Mexico mới tiêm cho gần 1/4 dân số. Theo Tổ chức y tế liên châu Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 47 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ đã ghi nhận ít nhất một biến thể mới, trong đó 11 nước đã ghi nhận cả 4 biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Hiện biến thể Delta đã có mặt tại trên 100 quốc gia và là nguyên nhân chính gây ra các đợt bùng phát dịch mới, khiến nhiều nơi buộc phải phong toả hoạt động kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.