Xã hội

Covid-19 mới nhất 10/7: Cả nước có 1.853 ca mới, riêng TP.HCM 1.320 ca

10/07/2021, 19:10
image

Tin mới nhất về dịch Covid hôm nay: Tới 6h tối 10/7 cả nước thêm 1.853 ca mắc Covid-19 mới, riêng tại TP. HCM chiếm tới 1.320 ca.

Số liệu thống kê tình hình dịch Covid-19 mới nhất từ Bộ Y tế, hôm nay ngày 10/7 cả nước có 1.853 ca mắc Covid-19 mới, riêng tại TP. HCM chiếm tới 1.320 ca.

img

Thông tin diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông.

Tin tức Covid-19 hôm nay mới nhất

Xem thêm >> Tình hình Covid-19 tại TP. HCM ngày 10/7

Theo bản tin của Bộ Y tế tối 10/7, có thêm 463 ca mắc mới (BN27401-27863) gồm: 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang và 461 ca ghi nhận trong nước, nhiều nhất tại TP.HCM với 200, Bình Dương (140), Long An (33), Đồng Nai (19), Phú Yên (18), Quảng Ngãi (14), Khánh Hòa (13), Đồng Tháp (8 ), Hà Nội (5), Bình Phước (4), Tây Ninh (3), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Định (1), Vĩnh Phúc (1), Thái Bình (1); trong đó 383 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Trong ngày 10/7, Việt Nam ghi nhận 1.853 ca mắc mới, trong đó có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Kiên Giang (2), Hà Nội (1).

1.844 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1320), Bình Dương (140), Tiền Giang (75), Đồng Tháp (58), Đồng Nai (37), Phú Yên (33), Long An (33), Khánh Hoà (28), Vĩnh Long (26), Quảng Ngãi (14), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), An Giang (10), Bình Phước (8 ), Hà Nội (7), Sóc Trăng (7), Hưng Yên (7), Tây Ninh (4), Bắc Giang (4), Thanh Hoá (3), Bến Tre (2), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (2), Bình Định (2), Thái Bình (2), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Hà Tĩnh (1), Hà Nam (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó 1.495 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 19h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 25.947 ca ghi nhận trong nước và 1.916 ca nhập cảnh.

Thêm 5 ca dương tính tại KCN Thăng Long, Hà Nội có 34 ca

Tối 10/7, CDC Hà Nội cho biết vừa ghi nhận 5 người dương tính tại khu công nghiệp Thăng Long huyện Đông Anh. Như vậy, tính từ ngày 5/7 tới nay, Hà Nội ghi nhận 34 ca COVID-19.

Cụ thể, bệnh nhân thứ 1: N.V.T., nam, 30 tuổi, công nhân công ty SEI.

Từ ngày 5/7 sau khi công ty có ca dương tính, bệnh nhân cách ly tại nơi làm việc và xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 10/7, bệnh nhân sốt nhẹ, được Trung tâm Y tế Đông Anh lấy mẫu cho kết quả dương tính. Xét nghiệm do CDC Hà Nội thực hiện.

Bệnh nhân thứ 2: T.B.C., nam, 30 tuổi, kỹ sư làm việc tại công ty SEI. Từ ngày 5/7 công ty có ca dương tính, bệnh nhân được cách ly tại nơi làm việc và xét nghiệm âm tính lần 1.

Từ sáng 9/7 đến 10/7 bệnh nhân chuyển sang cách ly tại toà nhà CT2 của công ty. Cùng ngày 10/7 bệnh nhân sốt nhẹ được lấy mẫu cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Xét nghiệm do CDC Hà Nội thực hiện.

Bệnh nhân thứ 3: Q.V.N., nam, 24 tuổi, công nhân công ty SEI.

Từ ngày 5/7 công ty có ca dương tính, bệnh nhân cách ly tại nơi làm việc và được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chiều 8/7, bệnh nhân chuyển cách ly tại toà nhà CT2. Ngày 9/7 bệnh nhân sốt nhẹ, được cách ly phòng riêng sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.

Ngày 10/7, bệnh nhân được Trung tâm Y tế Đông Anh lấy mẫu cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Xét nghiệm do CDC Hà Nội thực hiện.

Bệnh nhân thứ 4: Đ.T.H., nam, 24 tuổi, công nhân công ty SEI.

Từ ngày 5/7 bệnh nhân được cách ly tại công ty và xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1. Ngày 8/7, bệnh nhân chuyển cách ly tại khách sạn Hà An. Trưa 9/7, bệnh nhân triệu chứng sốt, gai rét, chuyển cách ly tại phòng riêng khách sạn.

Sáng 10/7, bệnh nhân chuyển Bệnh viện Đa hoa Đông Anh, được Trung tâm Y tế Đông Anh lấy mẫu cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Bệnh nhân thứ 5: N.T.L., nữ, 38 tuổi, công nhân nhà thầu Vinasao, làm việc ngoài vườn tại nhà máy SEI, khu công ngiệp Thăng Long.

Từ ngày 5/7 bệnh nhân cách ly tại nơi làm việc sau khi cơ quan có ca dương tính. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1. Từ ngày 5/7 đến 9/7, bệnh nhân làm việc một mình tại vườn của công ty.

Sáng 10/7, bệnh nhân sốt nhẹ, được Trung tâm Y tế Đông Anh lấy mẫu, chuyển Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.

Thêm 2 bệnh nhân tử vong, ở TP.HCM và Bắc Giang

Chiều 10/7, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 2 ca tử vong số 111 và 112. Đây là hai bệnh nhân tại TP.HCM và Bắc Giang.

CA TỬ VONG 111 là BN19591, nữ, 59 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, xét nghiệm SARS-Cov-2 dương tính ngày 3/7 và được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 1 Long An.

Chẩn đoán lúc vào viện: COVID-19 trên bệnh nhân tăng huyết áp. Bệnh nhân tử vong lúc 11h ngày 7/7.

Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân tăng huyết áp.

CA TỬ VONG 112: BN10936, nữ, 64 tuổi, trú ở Quang Châu, Bắc Giang.

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường chưa điều trị, u tuyến giáp điều trị theo đơn. Bệnh nhaah xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 6/6.

Từ ngày 9/6, bệnh nhân xuất hiện ho, sốt, tiến triển suy hô hấp tăng dần được chuyển đến Trung tâm ICU Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.

Ngày 22/6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Chẩn đoán vào viện: Theo dõi nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, COVID-19 nặng.

Bệnh nhân tử vong lúc 0h12 ngày 7/7.

Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi do do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân đái tháo đường, u tuyến giáp.

Trưa nay 792 ca mắc, cả nước có 27.400 bệnh nhân

Theo bản tin Bộ Y tế, trưa nay tiếp tục ghi nhận 792 ca mắc mới Covid-19 (BN26609-27400), gồm: 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Trà Vinh và 790 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (600), Tiền Giang (75), Đồng Tháp (50), Vĩnh Long (26), Sóc Trăng (7), Hưng Yên (7), Phú Yên (7), Bắc Giang (4), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (2), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Bình Định (1), Hà Tĩnh (1), Thanh Hoá (1), Thái Bình (1), Hà Nam (1); trong đó 703 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 13h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 27.400 bệnh nhân (25.486 ca ghi nhận trong nước và 1.914 ca nhập cảnh). Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 23.916 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.

12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang, Đắk Nông, Thái Bình.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.809.856 xét nghiệm cho 9.029.725 lượt người.

Tính đến hôm nay, có hơn 600 bệnh nhân Covid-19 đã có kết quả âm tính.

img

Trong 15 ngày giãn cách xã hội, TP.HCM sẽ thay đổi nhiều trong phương pháp chống dịch.

Sáng nay 598 ca mắc, TP.HCM nhiều bệnh nhân mới nhất

Bản tin dịch COVID-19 sáng 10/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 598 ca mắc mới tại 14 tỉnh, thành phố; TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất với 520 ca. Cả nước đã có 26.608 bệnh nhân. Đã có hơn 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng.

Như vậy, tính từ 18h ngày 9/7 đến 6h ngày 10/7 có 598 ca mắc mới (BN26011-26608), trong đó 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2), Tây Ninh (2), Hà Nội (1). 593 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (520), Đồng Nai (18), Khánh Hòa (15), Bà Rịa – Vũng Tàu (11), An Giang (10), Phú Yên (8 ), Bình Phước (4), Bến Tre (2), Hà Nội (2), Thanh Hóa (2), Tây Ninh (1); trong đó 409 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả

Tính đến 6h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 24.696 ca ghi nhận trong nước và 1.912 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 23.126 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hôm qua (9/7), cả nước có 1.616 bệnh nhân mắc Covid-19. Đây là số lượng ca mắc kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Trước tình hình số ca mắc liên tục tăng cao, TP.HCM đã sẵn sàng 1.000 giường hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Theo nhận định từ các chuyên gia, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan.

Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Những biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, trong 15 ngày giãn cách xã hội, TP.HCM sẽ thay đổi nhiều trong phương pháp chống dịch, như tổ chức lại công tác xét nghiệm, sử dụng hình thức xét nghiệm phù hợp. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ dựa trên yêu cầu từ TP.HCM để tiến hành hỗ trợ, điều phối và phối hợp với các lực lượng sẵn có.

img

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).

TP.HCM: Biệt phái Giám đốc HCDC về Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2

Ngày 9/7, UBND TP.HCM đã có quyết định biệt phái ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đến nhận nhiệm vụ Phó thường trực Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại Văn phòng UBND TP trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày 9/7. Nhiệm vụ của ông Nguyễn Trí Dũng do Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 phân công.

Ngoài ra, UBND TP cũng có quyết định giao ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC phụ trách, lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện các giao dịch tài chính và thực hiện nhiệm vụ của giám đốc HCDC đến khi có giám đốc điều hành hoạt động theo quy định.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng từng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM khóa 1986 – 1992, thạc sĩ y học tốt nghiệp năm 2000. Ông từng làm Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Q.Tân Bình; Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM từ năm 2013 (sau này đổi thành HCDC).

Ngày 20/5/2019, Sở Y tế TPHCM công bố quyết định của UBND TP về bổ nhiệm Ban giám đốc HCDC. Theo đó, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Trí Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc HCDC. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm. Ngoài ra, HCDC còn có 3 phó giám đốc.

Trước đó, Sở Y tế đã phân công bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở này đến HCDC chỉ đạo trực tiếp ban giám đốc HCDC trong công tác phòng chống Covid-19.

img

Từ 10/7, TP.HCM trả kết quả xét nghiệm Covid-19 qua hệ thống khai báo y tế điện tử

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết, từ hôm nay (10/7) sẽ trả kết quả xét nghiệm Covid-19 cho người dân qua hệ thống khai báo y tế điện tử. Kết quả này có giá trị tương đương với bản giấy, tờ kết quả xét nghiệm.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm việc trả kết quả xét nghiệm Covid-19 cho người dân qua hệ thống khai báo y tế, khi người dân có nhu cầu cấp giấy xác nhận âm tính Covid-19.

Sau khi đánh giá hiệu quả tại 4 bệnh viện triển khai thí điểm gồm: bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện thành phố Thủ Đức và bệnh viện Lê Văn Thịnh, Sở Y tế tiếp tục triển khai đến các đơn vị xét nghiệm kiểm tra Covid-19 cho người có nhu cầu.

Theo đó, từ ngày 10/7 các đơn vị liên thông kết quả xét nghiệm với hệ thống khai báo y tế điện tử theo hướng dẫn của Sở Y tế. Trường hợp đơn vị chưa kết nối liên thông dữ liệu, phải nhập kết quả xét nghiệm của người dân trong vòng 3 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm.

Khi tiếp nhận người đăng ký xét nghiệm, đơn vị nhập đầy đủ thông tin, số điện thoại di động của người được xét nghiệm để đảm bảo gửi thông tin kết quả chính xác và kịp thời qua ứng dụng "Y tế HCM".

Ngoài ra, các đơn vị còn phải hướng dẫn người dân tự tra cứu kết quả xét nghiệm trên điện thoại di động thông minh, thông tin rõ cho người dân biết kết quả xét nghiệm được xác định bằng mã QR trên hệ thống khai báo y tế, có giá trị tương đương với bản giấy tờ kết quả xét nghiệm.

img

Người dân xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại TP Thủ Đức

Việt Nam thêm 1.625 ca mắc mới trong ngày 9/7

Tính cả ngày 9/7, Việt Nam ghi nhận 1.625 ca mắc mới, gồm: 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh (3), Quảng Nam (2), Thái BÌnh (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1). Và 1.616 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1229), Long An (77), Bình Dương (73), Tiền Giang (34), Đồng Nai (32), Đồng Tháp (32), Khánh Hoà (29), Phú Yên (28), Bắc Ninh (15), Bắc Giang (10), Trà Vinh (8 ), Hưng Yên (8 ), Quảng Ngãi (7), Cần Thơ (6), An Giang (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hậu Giang (4), Vĩnh Phúc (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (2), Sóc Trăng (2), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1); trong đó 1.359 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Trong ngày hôm nay, có 34 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Tính đến 18h ngày 9/7, Việt Nam có tổng cộng 24.103 ca ghi nhận trong nước và 1.907 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 22.533 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.

img

Các bác sĩ nỗ lực điều trị bệnh nhân COVID-19.

5 bệnh nhân tại TP.HCM và Đồng Tháp tử vong

Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 05 ca tử vong từ 106-110, nâng số ca tử vong tại Việt Nam lên 110 người.

CA TỬ VONG 106: BN15569 nữ, 50 tuổi, cư trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, không ghi nhận tiền sử bệnh tật. Ngày 22/6 xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Trước khi vào viện 3 ngày bệnh nhân ho có đờm khó khạc, được chuyển đến BV Trưng Vương, TP.HCM đêm 3/7 với chẩn đoán suy hô hấp giảm oxy máu, theo dõi viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng. Bệnh nhân tử vong lúc 7h15 ngày 4/7, chẩn đoán suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, tổn thương đa cơ quan.

CA TỬ VONG 107: BN13938, nữ 85 tuổi, địa chỉ quận 1, TP.HCM, tiền sử tai biến mạch máu não, nằm một chỗ đã lâu. Ngày 22/6 xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 tại BV Trưng Vương, TP.HCM. Chẩn đoán vào viện: Viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nặng, di chứng tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân tử vong lúc 6h ngày 3/7, chẩn đoán viêm phổi nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, suy hô hấp cấp, tổn thương đa cơ quan, suy tim, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não.

CA TỬ VONG 108: BN20587, nữ 54 tuổi, địa chỉ Châu Thành, Đồng Tháp, tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Khoảng 1 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân sốt liên tục, ho, khó thở ngày càng nhiều, có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.

Ngày 2/7 xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, nhập Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc ngày 3/7. Chẩn đoán vào viện: Suy hô hấp, viêm phổi nặng do COVID-19 trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bệnh nhân tử vong 23h30 ngày 4/7, chẩn đoán Covid-19 biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, choáng nhiễm trùng trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường type 2.

CA TỬ VONG 109: BN20026, nữ 43 tuổi, địa chỉ Lấp Vò, Đồng Tháp, tiền sử đái tháo đường đang điều trị, Thalassemia đã cắt lách. Nhập viện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Đồng Tháp ngày 14/6, chẩn đoán sốt nhiễm trùng, tăng men gan cấp trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, Thalassemia, suy kiệt cơ thể. Ngày 1/7 kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân tử vong lúc 5h ngày 3/7, chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, tăng men gan cấp, đái tháo đường type 2, Thalassemia đã cắt lách, suy kiệt cơ thể.

CA TỬ VONG 110: BN21623: nữ, 59 tuổi, địa chỉ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tiền sử bệnh đái tháo đường type 2, sống trong vùng có ca mắc COVID-19. Ngày 4/7 được đưa vào khu cách ly tập trung của xã An Hiệp.

Ngày 6/7 xét nghiệm RT- PCR kết quả dương tính với SARS-CoV-2; đang chờ đưa đi cách ly tập trung, điều trị. Tuy nhiên, khi đội vận chuyển vào thì phát hiện bệnh nhân ngưng tim thở. Kết quả khám nghiệm tử thi, chẩn đoán nguyên nhân tử vong nhiễm COVID-19 trên nền bệnh nhân suy hô hấp, suy tim mạn, đái tháo đường, lao đa màng.

img

Hà Nội vừa tiếp tục thông tin ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính mới.

Bình Dương thêm 65 người mắc COVID-19, 5 ca chưa rõ nguồn lây

Đến trưa 9/7, Bình Dương ghi nhận thêm 65 người mắc mới, 5 ca chưa rõ nguồn lây, đang điều tra dịch tễ. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong số 65 ca mắc mới có 34 ca phát hiện ở khu cách ly, 1 ca phát hiện tại khu phong tỏa, 28 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 1 ca phát hiện tại cộng đồng và 1 ca phát hiện tại công ty.

Về yếu tố dịch tễ, Công ty Wanek (6 ca), Tân Uyên (2 ca), Công ty Hansol Vina (5 ca), Chánh Nghĩa – Thủ Dầu Một (4 ca), Phú An - Bến Cát (9 ca), nhà trọ Đức Tân (1 ca), lây nhiễm từ TP.HCM (33 ca), không rõ nguồn lây, đang điều tra dịch tễ (5 ca).

Hiện dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh.

Lũy kế tại Bình Dương đã có 1.164 người mắc COVID-19. Trong đó, 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 7 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 1.124 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Số ca đang điều trị là 1.115 người, 1 người tử vong ngày 4/7.

img

Hiện TP.HCM đã cách ly 53.423 người, đang phong toả 1.280 điểm do liên quan các ca mắc COVID-19.

TP.HCM đang phong toả hơn 1.200 điểm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến ngày 10/7, TP đang phong toả 1.280 điểm do liên quan các ca mắc COVID-19.Theo HCDC, nhiều nơi trong số này là chung cư, dãy nhà trọ, các khu chợ, hàng quán và văn phòng công ty.

TP Thủ Đức nhiều địa điểm bị phong tỏa nhất (328), xếp sau là huyện Hóc Môn (153), quận 8 (147), quận Tân Bình (60), huyện Nhà Bè (41), quận Tân Phú (39), quận Bình Thạnh (38), huyện Bình Chánh (36), quận 1 (32), quận 6 (30), quận 5 (23), quận 12 (23), quận Phú Nhuận (23), quận 7 (21).

Hiện, TP.HCM đã cách ly 53.423 người. Trong đó, 14.864 người đang cách ly tập trung, 38.559 trường hợp đang cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Thành phố đã tổ chức mở rộng khu cách ly với sức chứa 50.000 giường. Ngoài ra, TP.HCM cũng bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Từ 25/6 đến nay, TP.HCM đã lấy 1.794.959 mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...

img

Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa chung cư 35 Lê Văn Thiêm để phòng chống COVID-19. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Hà Nội thêm 4 ca nhiễm mới, phong tỏa 1 khu chung cư

Hà Nội vừa tiếp tục ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 2 người là bảo vệ KCN Bắc Thăng Long (thuộc chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Giang).

Cụ thể, hai trường hợp này là P.V.T là nam, SN 1999, ở địa chỉ Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội và Đ.Q.C, nam, sinh năm 1976, ở địa chỉ Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, đều là bảo vệ tại cổng F5 nhà máy SEI, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội (cùng với BN 21330). Ngày 5/7, hai người này được xác định là F1 và được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính.

Ngày 8/7, hai bệnh nhân có triệu chứng, được chuyển Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 9/7.

Trước đó trong sáng 9/7, Hà Nội đã ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 ở quận Thanh Xuân, có yếu tố liên quan đến TP.HCM.Cụ thể, trường hợp đầu tiên tên N.V.S, sinh năm 1960, địa chỉ tại 35 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội).

Sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2 từ CDC Hà Nội, lực lượng chức năng của quận và phường đã tiến hành phong tỏa tạm thời tòa chung cư số 35 Lê Văn Thiêm trong 3 ngày để rà soát các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm.

img

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 9.416 (Bên trong nhà thi đấu Phú Thọ - điểm tổ chức tiêm chủng vaccine lớn nhất TP.HCM).

Hà Nội chưa cho học sinh trở lại trường vào ngày 10/7

Học sinh Hà Nội chưa thể trở lại trường vào ngày 10/7 để hoàn thành chương trình học như đề xuất của Sở GD-ĐT. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu diễn biến dịch Covid-19 trước khi đưa ra phương án phù hợp.

Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được tờ trình của Sở GD-ĐT về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19.

Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ, căn cứ tình hình thực tế diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố để thống nhất đề xuất; sau đó có tờ trình báo cáo để UBND thành phố xem xét, quyết định.

Trước đó, ngày 5/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND thành phố về việc xem xét, đồng ý cho học sinh các cấp, từ bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên; trung tâm ngoại ngữ, tin học,… trên địa bàn thành phố tiếp tục đến trường học trở lại từ ngày 10/7 đến ngày 24/7 để hoàn thành các nhiệm vụ công tác của năm học 2020-2021.

Do tình hình dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp nên học sinh các cấp đã tạm dừng đến trường từ ngày 4/5. Nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 còn lại sẽ được thực hiện khi dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường.

Video: Kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 ở chốt kiểm soát cầu Đồng Nai

Thế giới vượt 186,5 triệu ca mắc COVID-19, Đông Nam Á vẫn là điểm nóng

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 10/7, thế giới đã ghi nhận 186.515.909 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi số ca tử vong đã lên tới 4.029.506 ca. Trên 170 triệu người đã phục hồi và hơn 11,8 triệu ca đang phải điều trị. Cùng với sự lây lan của biến thể Delta, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng cao.

Tại Đông Nam Á, dù đã thoát khỏi tình cảnh "tăm tối" trong các làn sóng dịch bùng phát hồi năm ngoái, song khu vực hiện chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao chưa từng thấy, buộc các nước phải siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 9.180 ca mắc COVID-19 mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Đây là lần thứ hai số ca nhiễm mới trong ngày ở Malaysia vượt mức 9.000 ca/ngày, sau lần tăng lên 9.020 ca mắc vào ngày 29/5.

Indonesia cũng ghi nhận thêm 38.124 ca nhiễm và 871 ca tử vong do COVID-19. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhà chức trách Indonesia cho biết sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại 15 thành phố bên ngoài đảo Java và Bali.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 5.881 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 1.461.455 và 25.720. Trong một động thái mới nhất, Chính phủ Philippines cho phép trẻ em từ 5 tuổi trở lên được ra khỏi nhà ở vùng đô thị Manila và những khu vực khác đang nằm trong diện áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức độ vừa phải.

img

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trong bối cảnh số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 9.276 ca, trong đó có 8.998 ca ghi nhận trong cộng đồng, Chính phủ Thái Lan đã quyết định triển khai các biện pháp hạn chế mới nghiêm ngặt hơn tại vùng thủ đô Bangkok mở rộng và 4 tỉnh miền Nam. Như vậy, kể từ ngày 12/7, các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, hiệu thuốc, ngân hàng và cửa hàng điện thoại di động.

Các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và các điểm bán đồ uống không cồn chỉ được bán đồ mang đi và phải đóng cửa từ 20h00 tối hôm trước đến 4h00 sáng hôm sau. Việc tụ tập nhiều từ 5 người trở lên sẽ bị cấm, trừ những sự kiện tôn giáo. Phương tiện giao thông công cộng sẽ ngừng hoạt động từ 21h00 tối đến 3h00 sáng hôm sau. Các công viên công cộng sẽ vẫn mở cửa đến 20h00, nhưng các tiệm làm đẹp và spa sẽ đóng cửa. Tất cả các lớp học sẽ được dạy trực tuyến.

Tại Campuchia, nước này đã ghi nhận thêm 988 ca mắc mới và 30 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại đây lên lần lượt là 59.045 và 855. Trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc mới mỗi ngày ở Campuchia luôn tăng trung bình khoảng 1.000 ca, cùng với đó là số ca tử vong luôn ở mức cao.

Theo chính quyền tỉnh Champasak (Lào), các bệnh viện ở tỉnh này đang quá tải người mắc COVID-19 do số người lao động Lào trở về từ Thái Lan tăng đột biến và mang theo virus gây bệnh. Do đó, chính quyền các địa phương ở Lào đã tăng cường hoạt động giám sát biên giới để ngăn chặn hành vi nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này, đồng thời tiếp tục vận động người dân trở về theo đường chính ngạch ở các cửa khẩu quốc tế.

Bộ Y tế Myanmar cũng thông báo áp đặt trở lại việc đóng cửa các trường đào tạo cơ bản, trong đó có cả các trường tư nhân và các tu viện Phật giáo, từ ngày 9 - 23/7. Biện pháp này vừa được dỡ bỏ hồi tháng trước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar ghi nhận 4.132 ca mắc mới và 51 ca tử vong.

img

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã quyết định nâng các biện pháp hạn chế tại thủ đô Seoul lên mức cao nhất, từ ngày 12/7, sau khi nước này ghi nhận thêm 1.316 ca mắc mới, trong đó 1.236 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi Hàn Quốc thông báo ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/1/2020.

Tình hình dịch bệnh tại Iraq cũng đang trở nên nghiêm trọng, với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức 9.189 - mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Giới chức y tế Iraq cho rằng việc người dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch và chần chừ đi tiêm vaccine là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh.

Tại châu Âu, Pháp đang lo ngại làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo biến thể Delta có thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này từ cuối tuần này trở đi. Hiện biến thể Delta chiếm gần 50% số các ca mắc mới.

Cùng ngày, Nga thông báo có thêm 25.766 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 2/1 trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực kiểm soát số ca bệnh gia tăng do biến thể Delta gây ra. Với 726 ca tử vong, tổng số ca tử vong ở nước này lên 141.501 ca, trong tổng số 5.733.218 ca mắc COVID-19. Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới lên tới 35.707 ca và thêm 29 trường hợp tử vong.

Trước tình hình trên, Hà Lan tái áp đặt các biện pháp phòng dịch tại các câu lạc bộ khiêu vũ, lễ hội âm nhạc từ ngày 9/7 nhằm ứng phó làn sóng dịch COVID-19 gia tăng ở nhóm người trưởng thành trẻ tuổi. Trước đó, ngày 26/6, Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm và có khoảng 2/3 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

img

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh- AFP/TTXVN.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc của đại dịch COVID-19, song cảnh báo đây chưa phải là tình hình tồi tệ nhất, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 3 đang lan rộng tại châu lục này. Hiện tại 16 quốc gia ở châu Phi đang chứng kiến số ca mắc mới tăng, trong đó 10 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục 26.000 ca vào cuối tuần trước.

Liên quan đến vấn đề vaccine, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ ba loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất. Dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ ba nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm hai mũi đầu tiên.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết những người dân đã tiêm đủ liều chưa cần tiêm mũi bổ sung vào thời điểm hiện tại. Thông báo của hai cơ quan trên nhấn mạnh nhà chức trách đã chuẩn bị cung ứng mũi tiêm bổ sung khi có bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.