Xã hội

Covid-19 ngày 30/7: 3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

30/07/2021, 16:30

Tình hình dịch Covid-19 mới nhất 30/7: 3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30/7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 35.484 ca.

Tin tức Covid-19 mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, cả ngày 30/7, cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước.

img

Tin tức tình hình dịch Covid-19 mới nhất đến sáng 30/7, cả nước ghi nhận 4992 ca mắc mới tại 20 tỉnh thành, trong đó riêng TP.HCM có 2.740 ca

Tin tức mới nhất Covid-19

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 30/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.657 ca mắc mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 3.635 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (1.542 ca), Bình Dương (636), Long An (448), Đồng Nai (157), Cần Thơ (151), Khánh Hòa (139), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Hà Nội (81), Đồng Tháp (67), Đà Nẵng (65), Trà Vinh (36), Hậu Giang (28), Phú Yên (23), Bến Tre (18), Bình Thuận (17), An Giang (16), Quảng Nam (13), Bình Phước (12), Ninh Thuận (11), Vĩnh Phúc (9), Đắk Lắk (8 ), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (6), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (2), Hoà Bình (2), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1), Bắc Ninh (1); trong đó có 715 ca trong cộng đồng.

Tính cả ngày 30/7, cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (4.282 ca), Bình Dương (1.920), Long An (469), Đồng Nai (360), Tiền Giang (242), Khánh Hòa (217), Cần Thơ (174), Đồng Tháp (157), Hà Nội (144), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Bến Tre (97), Tây Ninh (88), Đà Nẵng (65), Phú Yên (40), Trà Vinh (36), Hậu Giang (28), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Bình Thuận (17), An Giang (16), Vĩnh Long (15), Quảng Nam (13), Bình Phước (12), Ninh Thuận (11), Vĩnh Phúc (9), Đắk Lắk (8 ), Hà Tĩnh (7), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (6), Đắk Nông (4), Thái Nguyên (3), Lạng Sơn (2), Hòa Bình (2), Nam Định (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1), Bắc Ninh (1) trong đó có 1.702 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 30/7, Việt Nam có 137.062 ca mắc trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 134.827 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 133.257 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30/7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 35.484 ca.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 139 ca tử vong do Covid-19 (số 1023-1161) từ ngày 16-30/7/2021 tại 9 tỉnh, thành phố.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.

1.800 bệnh nhân Bệnh viện Dã chiến số 3 xuất viện

Bệnh viện Dã chiến số 3 TP Hồ Chí Minh (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP Thủ Đức) mới đi vào hoạt động được hơn 3 tuần. Tổng số bệnh nhân được Bệnh viện Dã chiến số 3 cho xuất viện tính đến chiều 30/7 là 1.800 người.

BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) chia sẻ: Hiện tại Bệnh viện Dã chiến số 3 có 20 bệnh nhân cấp cứu, đang phải thở ô xy. Các y bác sĩ điều trị tích cực, khi trở nặng sẽ chuyển lên tuyến cao hơn.

Tất cả các quy trình hội chẩn, phác đồ đều áp dụng theo quy định của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ điều trị tại đây, các giường trống từ số bệnh nhân xuất viện sẽ được sắp xếp tiếp nhận các bệnh nhân mới. Hết ngày 30/7, số bệnh nhân mới cũng đã được đưa vào kín giường ở Bệnh viện Dã chiến số 3.

Được biết, bệnh viện này dùng để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng. Hiện tại bệnh viện có 2.500 giường.

Hà Nội thêm 61 ca dương tính tại 12 quận huyện

Tại Hà Nội, trưa 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết vừa ghi nhận thêm 61 trường hợp nghi mắc COVID-19.

Theo CDC Hà Nội, trong 61 trường hợp dương tính mới thì 36 ca trong cộng đồng và 25 tại khu cách ly.

Những người này thuộc các chùm ca bệnh: Ho sốt thứ phát (29), Nhà thuốc 95 Láng Hạ (12), Sàng lọc ho sốt cộng đồng (8), liên quan TP.HCM (6), liên quan BV Phổi Hà Nội (4), liên quan Bắc Ninh (1), Tân Mai - Hoàng Mai (1).

Các bệnh nhân phân bố ở 12 quận, huyện Thanh Trì (23), Đống Đa (13), Ba Đình (6), Bắc Từ Liêm (6), Hai Bà Trưng (3), Hoàng Mai (2), Tây Hồ (2), Đan Phượng (2), Hoài Đức (1), Ba Vì (1), Hoàn Kiếm (1), Hà Đông (1).

Như vậy từ 18h ngày 29/7 đến 12h ngày 30/7 Hà Nội ghi nhận 78 người dương tính. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 27/4 đến nay là 1.059. Trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 642, số ca được cách ly là 417.

Yêu cầu khẩn các địa phương ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho y tế tư nhân

Ngày 30/7, Bộ Y tế có văn bản hoả tốc gửi các địa phương huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) tư nhân tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Sở Y tế huy động các cơ sở KBCB tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện của cơ sở khi có yêu cầu

.Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở KBCB tư nhân tham gia phòng, chống dịch như đối với các cơ sở KBCB công lập; hỗ trợ các thiết bị phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vaccine và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên của cơ sở KBCB tư nhân theo quy định hiện hành.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị triển khai tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi được phân công. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh nghiên cứu và thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương

Bộ Y tế lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia quy mô gần 8.000 giường

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng".

Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.

Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2- 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí minh quy mô 300 giường.

Riêng Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.

Bệnh viện TW Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.

Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Ca nghi nhiễm Sars-CoV-2 liên quan đến Chợ Rồng ở Ninh Bình đã có xét nghiệm âm tính

Ngày 30/7, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, vào khoảng 20h ngày 29/7/2021 ngành y tế Ninh Bình nhận được thông tin 1 trường hợp T.V.T, nam, sinh năm 1990, có địa chỉ thường trú ở Ý Yên, tỉnh Nam Định được test nhanh kháng Sars-CoV-2 tại Trung tâm Y tế huyện Ý Yên ngày 29/7/2021 và cho kết quả dương tính.

img

Ngay trong tối 29/7, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình đã phong tỏa khu chợ Rồng, điều tra dịch tễ sau khi nhận thông tin về trường hợp nghi nhiễm Covid-19

Đến 22h cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định làm lại xét nghiệm theo phương pháp Realtime RT-PCR cho kết quả nghi ngờ dương tính với Sars-CoV-2. Qua điều tra dịch tễ xác nhận đối tượng là tiểu thương, thường xuyên buôn bán rau củ vào khoảng 23h hàng ngày tại chợ Rồng, phường Vân Giang, TP Ninh Bình.

Trước những thông tin này, ngành Y tế Ninh Bình đã phối hợp với ngành Y tế tỉnh Nam Định tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm khẳng định lại cho đối tượng trên bằng phương pháp Realtime RT-PCR, đồng thời khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cho 79 tiểu thương và cán bộ thuộc Ban Quản lý chợ Rồng, trong đó có 30 đối tượng thường xuyên tiếp xúc, mua bán, giao dịch với T.V.T.

Đến 2h40, ngày 30/7/2021 đơn vị thực hiện xét nghiệm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình trả lời kết quả: trường hợp T.V.T âm tính với Sars-CoV-2. Lúc 07h35 ngày 30/7/2021 xét nghiệm 79 người tiếp xúc liên quan với trường hợp T.V.T tại chợ Rồng cũng đều cho kết quả âm tính với Sars-CoV-2.

Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, trước những thông tin về trường hợp T.V.T và kết quả xét nhiệm mới nhất, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang lo lắng. Đồng thời cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Liên quan đến trường hợp này, ngay sau có thông tin, trong tối ngày 29/7, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình đã lập rào chắn, phong tỏa tạm thời khu vực chợ Rồng để tiến hành điều tra dịch tể, phun khử khuẩn.

Ngành chức năng đang chuẩn bị các biện pháp để tháo dỡ phong tỏa sau khi hoàn tất công tác phòng, chống dịch.

Đà Nẵng cách ly 7 khu chung cư liên quan ca mắc mới

Sáng 30/7, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, có 7 khu chung cư trên địa bàn phường phải áp dụng lệnh phong tỏa, cách ly y tế do liên quan các trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

img

Chung cư 12T3 bị cách ly, phong tỏa

Cụ thể, các chung cư bị cách ly y tế gồm: chung cư 1B Làng Cá, 2A Làng Cá, 4B Làng Cá, 1A Làng Cá, B2 Vicoland (tổ 15), D2 (tổ 34) và 12T3 (tổ 43).

Riêng chung cư 12T3 là chung cư lần thứ 2 bị phong tỏa. Tổng số hộ sinh sống trong các khu chung cư bị cách ly, phong tỏa tại phường Nại Hiên Đông là 590 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng chiều 29/7, lãnh đạo thành phố thống nhất từ 12h trưa hôm nay (30/7), thực hiện giãn cách các sạp hàng, quầy hàng trong chợ.

Theo đó, bố trí bán luân phiên trong ngày, không quá 50% số lượng hộ tiểu thương được phép buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ (trừ các tiểu thương phân phối hàng sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường).

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện phát hành thẻ vào chợ có mã QRCode cho các hộ dân trên địa bàn, không sử dụng thẻ vào chợ mà không có mã QRCode.

Đồng thời, nghiêm cấm và xử lý nghiêm tình trạng chợ tự phát, người bán hàng rong, thực phẩm tại các điểm riêng lẻ tại các tuyến đường, ngõ, hẻm tụ tập đông người.

57 công nhân một doanh nghiệp "3 tại chỗ" ở Đồng Nai dương tính Covid-19

Sáng 30/7, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 367 ca dương tínhCovid-19 mới trong ngày 29/7. Trong đó, có 104 ca sàng lọc và 263 ca trong khu cách ly, phong tỏa.

Tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên đến 3.953 ca. Đáng chú ý một số doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính.

img

Nhân viên y tế đi tầm soát lấy mẫu phòng chống dịch ở một xóm trọ ở Đồng Nai. Ảnh minh họa

Sở Y tế cho biết, tại huyện Nhơn Trạch có ổ dịch tại một doanh nghiệp ở xã Hiệp Phước, có 57 ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc. Qua điều tra ban đầu cho thấy doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về xét nghiệm tầm soát. Việc thực hiện “3 tại chỗ” không bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch; các cơ quan quản lý chưa thực hiện được công tác kiểm tra.

Cũng theo Sở Y tế Đồng Nai, qua test nhanh phát hiện nhiều ca mới rải rác trong cộng đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh, nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, lan rộng, khó kiểm soát.

Các khu nhà trọ hiện tại là nơi có nguy cơ bùng phát dịch và nguy cơ trở thành các ổ dịch lớn cao nhất do tập trung đông người, mật độ lớn, vệ sinh kém và ý thức phòng chống dịch thấp.

Các địa phương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, cần có giải pháp đối với việc phòng dịch tại các khu nhà trọ.

Sáng nay, cả nước ghi nhận 4992 ca mắc mới tại 20 tỉnh thành

Số ca mắc ghi nhận tại TP. HCM cao nhất với 2.740, tiếp đến Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1) trong đó có 987 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 30/7, Việt Nam có 133.405 ca mắc trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 31.780 ca; 364 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 159 ca tử vong do COVID-19 (số 864-1022) từ ngày 27-29/7/2021 tại 8 tỉnh, thành phố sau: TP.HCM 27-29/7: 132 ca; Long An từ ngày 27-29/7: 9 ca; Đồng Tháp từ ngày 27-28/7: 6 ca; Đà Nẵng từ ngày 27-28/7: 3 ca; Hà Nội ngày 28/7: 1 ca; Khánh Hòa ngày 27/7: 3 ca; Đồng Nai từ ngày 27-29/7: 4 ca và Vĩnh Long ngày 27/7: 1 ca.

Trong ngày có 208.041 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.

Chuyển 1.000 đơn vị máu đến TP.HCM ngay trong đêm

Ngay trong đêm, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã chuyển 1.000 đơn vị máu đến TP Hồ Chí Minh, khẩn trương để cứu người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng.

Vào 1 giờ sáng ngày 30/7, chuyến bay chở 1.000 đơn vị máu từ Hà Nội khởi hành và đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) chỉ sau 3 tiếng. Ngay sau đó, những đơn vị máu này được đưa tới kho máu của Bệnh viện Chợ Rẫy để phục vụ điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng.

img

Các đơn vị máu được thu xếp, đóng gói bảo quản để vận chuyển tới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BV.

Những ngày qua, tình trạng thiếu máu điều trị diễn ra trầm trọng, nguy hiểm nhất là thiếu máu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong tháng 7, đã hai lần liên tiếp Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) phát đi lời kêu gọi hiến máu. Đến ngày 28/7, Trung tâm chỉ còn 1.700 đơn vị máu. Nếu không được bổ sung, lượng máu này chỉ cung cấp được chưa đầy một tuần.

Dù lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng đang rất hạn chế nhưng để chia sẻ với khó khăn này, ngay sau khi trao đổi với Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo ngay lập tức lên kế hoạch, phương án dành 1.000 đơn vị máu và khẩn trương vận chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trưng ương chia sẻ: “Vài ngày qua, sau những nỗ lực kêu gọi, lượng người hiến máu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi nghĩ cần phải làm gì đó khi chúng ta vẫn có thể tiếp nhận máu, vẫn phối hợp được để góp sức cùng miền Nam kiên cường chống dịch. Nếu không giúp đỡ thì chỉ trong vài ngày nữa, không còn đơn vị máu nào để phục vụ nhu cầu điều trị, đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 nặng”.

Theo đó, lúc miền Bắc khó khăn, hàng ngàn đơn vị máu của đồng bào Tây Nguyên tại Lâm Đồng, Đắk Lắk đã vượt cả nghìn cây số ra đến Hà Nội, chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Bắc. Khi miền Nam cần tiếp viện, những đơn vị máu cứu người từ Hành trình Đỏ của Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội… cũng lập tức được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy.

img

Nhân viên y tế phun khử khuẩn toàn bộ khu vực Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu.

Hà Nội thêm 17 ca dương tính nCoV

Sáng 30/7, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, địa bàn vừa ghi nhận 17 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó có 4 trường hợp tại cộng đồng và 13 người đã được cách ly.

17 trường hợp mắc mới thuộc các quận, huyện: Thạch Thất (06), Hoàng Mai (03), Hai Bà Trưng (02), Đan Phượng (02), Đống Đa (02), Mê Linh (01), Phú Xuyên (01).

Phân bố theo chùm ca bệnh: ho sốt cộng đồng thứ phát (11), ho sốt cộng đồng (02), B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng (02), Bệnh viện Phổi Hà Nội (01), TP.HCM (01).

Tổng Bí thư ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19

Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; cảm ơn cộng đồng quốc tế đã đồng hành, ủng hộ, chung tay góp sức cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch; biểu dương sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

img

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN).

Dịch COVID-19 ngày 30/7: Thế giới có hơn 197 triệu ca mắc

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 10h ngày 30/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 197.306.339 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.213.101 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 178.489.651 người.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 654.592 ca nhiễm mới. Mỹ đã có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 87.124 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 44.673 ca, Indonesia với 43.479 ca, Brazil với 41.853 ca, Iran với 34.433 ca, Anh với 31.117 ca, Tây Ban Nha với 26.689 ca, Pháp với 25.190 ca, Nga với 23.270 ca...

Tại khu vực châu Á, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Indonesia, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ nước này sẽ triển khai 17.000-18.000 nhân viên thực hiện công tác truy vết tại các địa phương trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng 8 tới.

Trưởng bộ phận truy vết thuộc Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 Koesmedi Priharto cho biết quyết định này được đưa ra sau khi có chỉ thị từ chính quyền trung ương.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã ra lệnh cho tất cả các cấp chính quyền và các cơ sở y tế nỗ lực tối đa giảm thiểu số người tử vong. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế , bà Siti Nadia Tarmizi cho biết đến nay, nước này đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2.

Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách “cảnh báo cần theo dõi thêm” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tại Thái Lan, Bộ Y tế thừa nhận tình trạng thiếu giường nghiêm trọng tại các bệnh viện và cơ sở cách ly trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong tại nước này tiếp tục tăng cao. Hiện các bệnh viện ở thủ đô Bangkok chỉ có đủ năng lực tiếp nhận 1.000 bệnh nhân mới/ngày, song thực tế họ đã phải tiếp nhận tới 4.000 ca mắc mới riêng trong ngày 29/7.

Không chỉ vậy, các cơ sở cách ly của thủ đô Bangkok cũng đang hết giường. Điều này buộc chính quyền phải làm việc với các bệnh viện tư nhân để có thể có thêm giường cho người bệnh.

Mặc dù các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đang áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cùng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, nhưng trong ngày 29/7, Thái Lan vẫn ghi nhận thêm 17.669 ca mắc và 165 ca tử vong - mức cao nhất từ trước tới nay.

img

Hộ chiếu và 'thẻ xanh kỹ thuật số về COVID-19' trên màn hình điện thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ở khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Israel thông báo đã bắt đầu tái triển khai hệ thống Thẻ Xanh (Green Pass) nhằm siết chặt kiểm soát việc đi lại của người dân trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang ngày một tăng tại nước này.

Theo quy định, Thẻ Xanh được cấp cho những người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Thẻ được sử dụng để gặp gỡ hoặc tham dự các sự kiện tập trung từ 100 người trở lên, bao gồm phòng tập, nhà hàng, hội nghị, địa điểm du lịch, địa điểm thờ tự tôn giáo...

Những người trưởng thành chưa tiêm vaccine sẽ được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 để được tham dự các sự kiện như trên. Những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 sẽ không cần trình phiếu xét nghiệm âm tính.

Những ngày qua, Bộ Y tế Israel đã thành lập một ủy ban gồm nhiều chuyên gia nhằm tư vấn cho bộ trong việc khuyến khích người cao tuổi tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3.

Tại châu Âu, trước tình hình ngày càng gia tăng số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do COVID-19, Tổ chức Nghiên cứu y tế Gimbe Foundation mới đây cho biết Italy đã bước sang làn sóng thứ 4 của đại dịch. Dữ liệu từ Gimbe cho thấy trong tuần từ ngày 21-27/7, Italy ghi nhận mức tăng hằng tuần ở tất các vùng.

Cụ thể, số ca mắc mới tăng 64,8%, tương ứng 31.963 ca so với 19.390 ca tuần trước đó, số trường hợp cách ly tăng 42,9% (68.510 ca so với 47.915 ca); số ca nhập viện với các triệu chứng tăng 34,9% (1.611 ca so với 1.194 ca) và số ca chăm sóc tích cực tăng 14,5%. Gimbe cho rằng sau 15 tuần giảm, số ca tử vong đã tăng trở lại, “Italy đã bước sang làn sóng COVID-19 thứ 4.”

Cơ quan Y tế công cộng England (PHE) cho biết chương trình tiêm vaccine của Vương quốc Anh đã giúp ngăn chặn khoảng 60.000 ca tử vong và 22 triệu ca mắc COVID-19 tại nước này.

Theo PHE, chương trình tiêm chủng cũng trực tiếp ngăn chặn hơn 52.600 ca nhập viện do COVID-19. Báo cáo này ước tính khoảng 95,5% dân số trưởng thành của Anh hiện có kháng thể với COVID-19 nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh, làm dấy lên hy vọng Anh có thể đang tiến gần tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Cho tới nay, đã có 37.782.252 người, chiếm 71,4% dân số trưởng thành tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số người tiêm 1 mũi là 46.733.115, chiếm 88,4%.

Tại Mỹ, các ca mắc mới tiếp tục tăng, trung bình 63.698 người mắc mới mỗi ngày, tăng 59% so với mức trung bình của tuần trước. Trước tình hình này, Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson thông báo sẽ khôi phục tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở bang này. Theo đó, ông đã ký vào bản tuyên bố về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sẽ kéo dài trong 60 ngày.

Đối với việc đeo khẩu trang, ông đã ra lệnh tổ chức một phiên họp đặc biệt để sửa đổi Đạo luật 1002, vốn cấm việc yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc. Lãnh đạo bang này cho biết thêm rằng trẻ em dưới 12 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch vì chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.