Xã hội

Covid-19 ngày 20/4: Cả nước có 13.271 ca nhiễm mới, 7 F0 tử vong

20/04/2022, 18:20

Tình hình Covid-19 mới nhất hôm nay ngày 20/4: Cả nước có 13.271 ca nhiễm mới, 7 F0 tử vong. Ca nhiễm ở Hà Nội giảm sâu, chỉ còn hơn 1.000 ca.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 16h ngày 19/4 đến 16h ngày 20/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.271 ca nhiễm mới, (giảm 229 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.436 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.039), Phú Thọ (880), Bắc Giang (586), Gia Lai (561), Quảng Ninh (551), Vĩnh Phúc (518), Yên Bái (506), Nghệ An (504), Tuyên Quang (437), Bắc Kạn (418), Đắk Lắk (415), Lào Cai (404), Thái Nguyên (351), Hải Dương (344), Quảng Bình (340), Thái Bình (273), Lâm Đồng (263), Hưng Yên (258), Bắc Ninh (255), Nam Định (244), Lạng Sơn (231), Bà Rịa - Vũng Tàu (221), Cao Bằng (216), Ninh Bình (207), Hòa Bình (180), Hà Giang (180), TP. Hồ Chí Minh (179), Đắk Nông (172), Hà Tĩnh (169), Quảng Nam (167), Sơn La (163), Lai Châu (154), Bình Phước (150), Hà Nam (143), Bình Dương (136), Đà Nẵng (129), Điện Biên (119), Bình Định (118), Tây Ninh (114), Vĩnh Long (112), Bến Tre (108), Quảng Trị (108), Quảng Ngãi (104), Cà Mau (72), Hải Phòng (69), Phú Yên (63), Thanh Hóa (55), Thừa Thiên Huế (47), Khánh Hòa (47), Long An (38), Bình Thuận (35), Kiên Giang (20), An Giang (19), Bạc Liêu (18), Sóc Trăng (17), Trà Vinh (17), Cần Thơ (10), Kon Tum (8, Đồng Nai (5), Hậu Giang (3), Ninh Thuận (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-378), Hải Dương (-187), Yên Bái (-99).

img

Hôm nay, cả nước có 13.271 ca nhiễm mới, 7 F0 tử vong (ảnh minh họa)

Ba tỉnh có số ca nhiễm tăng cao so với hôm trước

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+280), Lâm Đồng (+263), Bắc Giang (+243).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.429 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.502.590 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.186 ca nhiễm).

896 bệnh nhân đang phải thở ô xy

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.494.842 ca, trong đó có 9.065.417 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.536.828), TP. Hồ Chí Minh (607.699), Nghệ An (477.687), Bình Dương (383.022), Bắc Giang (381.519).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.540 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.068.234 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 896 ca; trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 646 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 112 ca, Thở máy không xâm lấn: 26 ca, Thở máy xâm lấn: 109 ca, ECMO: 3 ca.

Cả nước có 7 F0 tử vong

Số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 19/4 đến 17h30 ngày 20/4 ghi nhận 7 ca tử vong, trong đó, tại: Bình Định (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Lạng Sơn (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 15 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.982 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.432.762 mẫu tương đương 85.724.870 lượt người, tăng 12.094 mẫu so với ngày trước đó.

img

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 18.051 ca/ngày.

Các thí sinh là F0, F1 vẫn có thể thi tốt nghiệp THPT 2022 bình thường

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ngày 19/4 cho biết thí sinh là F0 (thí sinh mắc Covid-19) được xét đặc cách tốt nghiệp nếu xác định nhiễm bệnh trong thời gian trước thi 10 ngày, thí sinh là F1 chỉ hạn chế tiếp xúc chứ không bị cách ly, vẫn thi bình thường.

img

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT không tổ chức thi 2 đợt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh là F0 sẽ được miễn thi, xét đặc cách.

Trả lời về việc Bộ GD-ĐT có nên xem xét để các F0 nhẹ và không triệu chứng thi cùng đợt, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm Bộ GD-ĐT không đặt ra thi 2 đợt. Thí sinh là F0 sẽ được miễn thi, xét đặc cách. Các F0 nếu cần thi lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng, có điều kiện thi được thì phối hợp với cơ quan y tế, địa phương tổ chức ghép thi cùng một đợt, trừ trường hợp các địa phương dịch bệnh diễn biến rất phức tạp không thể tổ chức thi cùng được.

Trước đó, theo thông báo của Bộ GD-ĐT ngày 19/4, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/7.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm ngoái.

Thí sinh thực hiện thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, đề các môn khác dưới dạng trắc nghiệm.

Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và 1 bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 2 bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng 1 bài tổ hợp.

Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh bởi đa số trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh nhiều phương thức khác.

Theo quy định mới, tất cả học sinh đang học THPT tại các trường phải đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy, thí sinh không còn đăng ký dự thi trên giấy như mọi năm.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng thí sinh tự do vẫn phải đăng ký dự thi trên giấy và gửi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định của các sở giáo dục và đào tạo để nhập dữ liệu lên hệ thống".

TP.HCM phát hiện 315 trẻ em mắc một hội chứng nguy hiểm hậu Covid-19

Sở Y tế TP.HCM vừa phát đi thông báo về một hội chứng nặng và nguy hiểm xảy ra ở trẻ em đã nhiễm Covid-19, khiến trong 9 tháng có 315 trường hợp phải điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa nhi.

Hội chứng mà Sở Y tế TPHCM nhắc đến là MIS-C (viết tắt của "Multisystem Inflammatory Syndrome in Children"). Đây là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em có tiền sử mắc Covid-19 trước đó.

img

Bệnh nhi viêm đa hệ thống nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Ảnh: BVCC).

Theo Sở Y tế, MIS-C là một hội chứng mới, được xác nhận lần đầu tiên vào tháng 4/2020 tại Mỹ và Anh. Thống kê cho thấy, tại Mỹ tỉ lệ MIS-C ở trẻ em sau mắc Covid-19 là khoảng 0,6%, tức 1.000 trẻ sau mắc Covid-19 thì có khoảng 6 trẻ bị hội chứng MIS-C. Hội chứng này thường xảy ra vào khoảng 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên cũng có thể gặp sớm hơn hoặc trễ hơn khoảng thời gian này.

Theo báo cáo nhanh từ các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP.HCM, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, ghi nhận có 315 trẻ được chẩn đoán MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C trên tổng số hơn 71.000 trẻ em mắc Covid-19 cùng giai đoạn, chiếm tỉ lệ 0,4%. Tất cả bệnh nhi đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong.

Trong đó, lứa tuổi thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi (149 trường hợp, chiếm 47,3%), kế đến là trẻ 5-12 tuổi (145 trường hợp, chiếm 46%) và cuối cùng là trẻ trên 12 tuổi (21 trường hợp, chiếm 6,7%).

Theo Sở Y tế, trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. Riêng biến chứng viêm mạch vành, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Sở Y tế khuyến cáo, trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi. Thuốc điều trị MIS-C bao gồm các thuốc ức chế, điều hòa hệ miễn dịch (như corticosteroids, Imunoglobuline tiêm tĩnh mạch - IVIG...), các thuốc vận mạch trong những trường hợp nặng và các thuốc hỗ trợ khác. Một số trường hợp nguy kịch cần được hỗ trợ hô hấp tuần hoàn tại khoa Hồi sức tăng cường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.