Xã hội

Tình người giữa rốn lũ Hương Khê: San sẻ nguồn điện, chia cơm, sẻ muối

09/09/2019, 06:44

Trong nhiều ngày lăn lộn cùng bà con vùng lũ, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình người.

img
Bộ đội, đoàn viên giúp dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa khi nước lũ rút

Tính đến chiều 8/9, mưa đã tạnh, nước lũ đã rút trên 2m nhưng nhiều địa phương của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn bị chia cắt bởi nước lũ. Nơi nước vừa rút còn đặc quánh những lớp bùn, tanh tưởi, rác thải, cây cối, xác động vật chết… khiến người dân chưa thể ổn định cuộc sống.

Lũ rút, đói kém và dịch bệnh rình rập

Từ xã Hà Linh, sau hơn một giờ lênh đênh trên mênh mông bốn bề nước ngập, chiếc xuồng máy đưa chúng tôi về thôn Thượng Sơn, xã Phương Mỹ - cái “rốn” của trận lũ vừa rồi. Nơi đây, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà chìm trong nước, nhiều tuyến đường bê tông bị phủ lên lớp bùn đặc quánh.

Chỉ vào vết đất bạc phếch in trên tường gỗ ngôi nhà cấp 4, chị Nguyễn Thị Hằng kể: Hai hôm trước, nước lũ ngập quá nửa nhà. Mọi đồ đạc, vật dụng quan trọng đều được đưa lên kệ sát mái, còn chị và 3 con nhỏ chạy sang nhà người quen lánh nạn. Nước vừa rút còn quá đầu gối, chị đã về kiểm tra và bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc.

“Tôi là người miền Nam lấy chồng về đây, mấy năm trước cả nhà ở trong Bình Dương chỉ nhìn mưa lũ trên ti vi đã sợ rồi. Năm nay, chứng kiến mưa lũ, tôi mới hiểu câu nói đùa của các mẹ xã bên: “Có con gái cũng không gả về Hương Khê”, chị Hằng tâm sự.

Nước đã rút rất nhiều so với những ngày đỉnh lũ, nhưng ánh mắt của ông Lê Quốc Hậu - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ vẫn đầy lo âu. Ông bảo: Mưa lũ làm cho 7/8 xóm chìm sâu trong nước, chia cắt hoàn toàn nhiều ngày với bên ngoài; 29ha lúa và nhiều diện tích hoa màu khác xem như mất trắng hoàn toàn.

“Một mùa đói kém đã nhìn thấy rõ trước mắt, nhưng lo ngại nhất là sau mưa lũ, úng ngập, môi trường sống bị ô nhiễm bởi xác động, thực vật thối rữa, phân hủy; nước từ các hố ga, nhà vệ sinh, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, khu chăn nuôi gia súc gia cầm…”, ông Hậu nói.

Hiện tỉnh Hà Tĩnh cũng đã huy động các tổ chức đoàn thể, cùng với các lực lượng vũ trang trực tiếp xuống từng hộ dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa giúp bà con nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo Trạm Y tế xã tiến hành phun, xịt hóa chất để khử trùng nhà cửa, ao chuồng tránh dịch bệnh nảy sinh và lây lan.

Tình người trong mưa lũ

img
Các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hòa Hải giúp dân khắc phục hậu quả mưa lụt

Trao đổi nhanh với PV, ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Đến trưa 8/9, huyện vẫn chưa thể thống kê chính xác thiệt hại mà chỉ mới đánh giá sơ bộ: 1 người tử vong do ngã xe xuống cống nước; 2.911 nhà dân bị ngập, 900ha lúa còn xanh chưa gặt cùng 1.330ha bưởi Phúc Trạch, 110ha ngô, 108ha cam, 26 trường học, 1.000 công tơ điện… ngập trong nước lũ.

Tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” của chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương, khen ngợi trong chuyến về thăm “rốn lũ” Phương Mỹ chiều 7/9. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ổn định cuộc sống”.

Theo ông Kỳ, năm nào nơi đây cũng bị lụt lội, nên bà con Hương Khê có một kỹ năng ứng phó với mưa lũ rất nhanh. Hễ thấy mưa kéo dài, nước sông Ngàn Sâu bắt đầu dâng là bà con đã chuyển toàn bộ đồ đạc, vật dụng, lúa gạo lên gác sát tận nóc nhà. Trâu bò, lợn gà và các vật nuôi khác được vận chuyển đến những nơi khô ráo. Nhà nào nước ngập thì chuyển sang nhà cao ráo ở. Nhà nào còn nhóm được lửa thì nấu cơm, rang muối cho bà con cùng ăn.

Trong nhiều ngày lăn lộn cùng bà con vùng lũ, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình người. Đó là câu chuyện cụ ông Trần Văn Minh (86 tuổi) và vợ là Đào Thị Sâm (xã Hoài Hải) 3 ngày liền được người dân xóm 8 chèo thuyền đưa cơm đến tận nhà.

Hay chuyện bà Hoàng Thị Tường (50 tuổi) sống gần UBND xã Phương Mỹ, những ngày mưa lũ, bà Tường xin nối điện từ máy phát của xã về nhà chỉ để nấu cơm cho các cán bộ thường trực, bà con xung quanh bị ngập đến ăn cùng. Đây cũng là “trạm điện” giúp những người dân ở lại canh giữ tài sản có nơi để sạc đèn pin, điện thoại, đảm bảo thông tin liên lạc.

Còn ông Nguyễn Trọng Tú (62 tuổi, ở xã Hà Linh) thì chèo thuyền chở chúng tôi đi ghi nhận khắp vùng lũ mà không lấy đồng tiền công nào. Sau đó, cũng chính ông đã bàn với vợ “thu” máy ảnh, balo để “ép” chúng tôi lót bụng bằng được 2 bát cơm do bà nấu rồi mới được đi tác nghiệp tiếp. Rồi hình ảnh hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; đoàn viên thanh niên… lội nước bì bõm giúp dân dọn dẹp nhà cửa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.