Xã hội

Tình người ở "điểm nóng" Covid-19 Bắc Giang

26/05/2021, 08:50

Trong khó khăn, không ai bảo ai, mọi người đều cùng chung tay giúp đỡ nhau với tinh thần “người giúp người, hàng xóm, cộng đồng giúp nhau”.

img

Nhóm thiện nguyện trao quà hỗ trợ cho công nhân trọ tại tổ My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Văn Thương

Tại Bắc Giang - “điểm nóng” Covid-19 của cả nước, nhiều người đang phải trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn khi vừa phải đối mặt với nỗi lo dịch bệnh, vừa phải lo cho cuộc sống hàng ngày.

Hàng chục nghìn công nhân mất việc đột ngột không kịp về quê, bị kẹt lại cũng đang rơi vào cảnh thiếu thốn đủ bề. Nhưng chính trong hoàn cảnh như vậy, người ta lại thấy được truyền thống tương ái tương thân, những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng của biết bao người sẵn sàng giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Hệ thống “siêu thị 0 đồng” ấm lòng công nhân

Trưa 25/5, PV Báo Giao thông có mặt tại “siêu thị 0 đồng” được đặt tại thôn Giá, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Hàng hóa trong “siêu thị” là gạo, mì tôm, các loại rau củ, khẩu trang....

Cầm trên tay túi thực phẩm gồm 2kg gạo và mấy mớ rau, vài quả bí, anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng chia sẻ: “Sau khi tỉnh Bắc Giang có quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp là Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng và áp dụng biện pháp cách ly tại một số địa phương, hàng chục nghìn công nhân ở trọ bị “mắc kẹt”, tôi là một trong số đó”.

Anh Tuấn cho biết, do anh không thuộc diện phải cách ly nên có thể đến “siêu thị 0 đồng” hai ngày một lần, còn các công nhân đang trong vùng cách ly thì chủ nhà trọ sẽ đi lấy hàng cứu trợ thay. Theo đó, chủ nhà trọ đăng ký với chính quyền danh sách các công nhân đang ở trọ, khi vào “siêu thị 0 đồng” sẽ được hỗ trợ suất lương thực tương ứng cho mỗi người, đủ dùng trong 2 ngày.

“Nghỉ việc suốt thời gian qua, thu nhập không có, nếu không có “siêu thị 0 đồng” thì chúng tôi chẳng biết bấu víu vào đâu”, anh Tuấn tâm sự.

img

Công nhân lao động nhận đồ hỗ trợ ở “siêu thị 0 đồng” tại xã Song Khê, TP Bắc Giang. Ảnh: Thùy Anh

Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang cho biết, từ khi thực hiện cách ly, các dịch vụ cung ứng hàng hóa tại khu vực phải dừng hoạt động nên cuộc sống, sinh hoạt của rất nhiều công nhân gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, nhiều nhóm cứu trợ đã vận động kinh phí, vật phẩm để tổ chức đưa hàng vào vùng dịch huyện Việt Yên, Yên Dũng tặng cho công nhân.

Tuy nhiên, việc đi vào vùng dịch để cứu trợ gây nguy hiểm cho bản thân người đi cứu trợ và cả cộng đồng. Mặt khác, hoạt động cứu trợ tự phát cũng dẫn đến hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu hàng, hàng cứu trợ không đúng với nhu cầu thiết yếu của người gặp khó khăn.

Vì thế, tỉnh đã chỉ đạo Tổ hỗ trợ đời sống công nhân đang ở trọ trên địa bàn (do ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm tổ trưởng) thành lập các “siêu thị 0 đồng - hỗ trợ công nhân”. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm hàng hóa cứu trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, kịp thời nhất. Địa điểm đặt các “siêu thị” là các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, sân đình, trường học… đủ điều kiện thông thoáng, sạch sẽ.

Tính đến ngày 25/5, đã có 10 “siêu thị 0 đồng” được thành lập, trong đó huyện Việt Yên 7 điểm, huyện Yên Dũng 3 điểm. Hàng chục tấn gạo, thực phẩm, rau xanh và các nhu yếu phẩm khác từ các đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã được cung ứng vào “siêu thị”, chuyển đến tay gần 20.000 công nhân.

Những bữa ăn nghĩa tình

Những ngày gần đây, khi dịch bệnh mỗi ngày một phức tạp, hàng chục chuyến hàng cứu trợ công nhân từ khắp nơi vẫn được vận chuyển miễn phí về cửa hàng hoa nghệ thuật tại địa chỉ số 353, đường Lê Lợi, TP Bắc Giang.

Chị Nguyễn Minh Huyền, chủ cửa hàng cho biết: “Tôi thường xuyên tương tác với các nhóm bạn trên mạng xã hội nên nắm được hoàn cảnh éo le của các bạn công nhân đang ở trọ. Nhiều công nhân chia sẻ họ chưa có sự chuẩn bị, việc cách ly, phong tỏa diễn ra quá đột ngột khiến hầu hết không kịp trở tay nên thiếu đồ ăn, vật dụng sinh hoạt”.

Từ những câu chuyện trên, chị Huyền đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình và được nhiều người chú ý, liên tục gửi tiền, hàng hóa giúp đỡ công nhân.

Nhờ đó, mỗi ngày đều có vài trăm suất cơm miễn phí, hàng nghìn gói quà cứu trợ được nhóm của chị Huyền chuyển đến tận tay công nhân quanh các khu công nghiệp. Ngoài ra, nhóm còn tích cực vận động mua cả tỷ đồng vật tư y tế, dụng cụ bảo hộ giúp lực lượng tuyến đầu trong tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trực tiếp theo chân nhóm thiện nguyện của chị Huyền, chúng tôi đã ghi nhận nhiều câu chuyện rất xúc động. Điển hình là trường hợp chị La Thị Thanh (47 tuổi, quê phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) hiện đang ở trọ tại thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê, TP Bắc Giang.

Hai mẹ con chị Thanh đến đây ở trọ được vài tháng, ngày thường chị đi làm thuê đủ nghề, tiền công mỗi ngày được khoảng 200.000 đồng. Ngoài chi tiêu hàng ngày, chị còn phải nuôi thêm con gái đang có bầu tháng thứ 8, mới bị gia đình chồng ruồng bỏ. Mới đây, trong lúc phụ vữa tại công trình xây dựng, chị không may bị ngã giàn giáo, phải đi viện, số tiền tích góp bấy lâu không cánh mà bay.

“Giờ lại bị cách ly, không có tiền ăn nên tôi đành lên mạng cầu cứu. May mắn tôi được nhóm thiện nguyện của chị Huyền đến tiếp tế lương thực, thực phẩm, mẹ con tôi rất cảm động và biết ơn!”, chị Thanh nói khi cầm trên tay gói quà gồm gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm và 1kg thịt lợn.

Cũng với tấm lòng như chị Huyền, chứng kiến cảnh nhiều công nhân ở trọ trên địa bàn hết đồ ăn phải ra cánh đồng gần xóm hái rau dại, bắt ốc dọc bờ mương, ruộng lúa sống qua ngày, chị Phùng Thị Quyên, thôn Xi, xã Nội Hoàng đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và đề nghị mọi người hỗ trợ.

“Ba ngày nay, đã có hơn 200 suất cơm miễn phí được mạnh thường quân gửi đến, tôi đã chuyển đến tận tay những công nhân gặp khó khăn nhất đang ở trọ trong thôn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi mạnh thường quân vào cuộc giúp đỡ vì nhiều bạn hiện khổ quá, hơn 1 tuần nay chỉ ăn mỳ tôm”, chị Quyên nói.

Tương tự, chứng kiến cảnh hàng trăm người lao động ở trọ trên địa bàn đang chịu cảnh thiếu lương thực vì bị cách ly, chị Thân Thị Hiền, Phó chi hội phụ nữ thôn Trúc Tay, xã Vân Trung, huyện Việt Yên đã viết tâm thư kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Từ đó, nhiều đoàn thiện nguyện đã về hỗ trợ, thôn Trúc Tay cũng đã thành lập tổ tiếp nhận, chuyển hàng hóa đến tận tay công nhân.

Người giúp người, làng xóm giúp nhau

img

Các mạnh thường quân và tổ chức xã hội tham gia hưởng ứng “siêu thị 0 đồng”

Không chỉ cá nhân, tổ chức ở ngoài tỉnh, các đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương ở Bắc Giang cũng đã vào cuộc vận động giúp đỡ, hỗ trợ công nhân ở trọ trên địa bàn.

Để hàng hóa cứu trợ đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thành lập các tổ tự quản, thành phần tham gia là lãnh đạo cùng các đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương đến từng phòng trọ rà soát, lập danh sách cụ thể. Sau khi tiếp nhận, hàng hóa cứu trợ sẽ được phân chia kịp thời, chuyển đến đúng địa chỉ người cần.

“Những ngày gần đây, chúng tôi đều thức đến 2, 3 giờ sáng để tiếp nhận, phân chia quà từ thiện đến hơn 8.500 lao động đang ở trọ trên địa bàn. Đến nay, hầu hết người lao động đều đã được nhận từ 2 - 3kg gạo, mỳ tôm, trứng... góp phần giúp họ yên tâm thực hiện cách ly”, ông Lê Khánh Toàn, Bí thư chi bộ tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên nói.

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nếnh cho biết, những ngày gần đây, thị trấn đã tiếp nhận nhu yếu phẩm của hàng chục đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đến hỗ trợ người dân và người lao động trên địa bàn.

Theo ông Chu Bá Tuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên, đến nay, MTTQ huyện đã tiếp nhận khoảng 4 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật, vật tư y tế từ các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, MTTQ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã tiếp nhận gần 9 tỷ đồng giá trị hàng hóa, nhu yếu phẩm của các đoàn thiện nguyện. Toàn bộ số hàng hóa này đều đã được chuyển đến tay người lao động đang ở trọ tại địa phương.

Không chỉ các khu công nghiệp, việc 4 huyện gồm Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam và TP Bắc Giang đang bị cách ly, giãn cách xã hội cũng khiến không ít hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là các hộ ở các vùng có diện tích nông sản lớn như dưa hấu, vải thiều, dứa...

Trong khó khăn, không ai bảo ai, mọi người đều cùng chung tay giúp đỡ nhau với tinh thần “người giúp người, hàng xóm, cộng đồng giúp nhau”. Cùng với sự hỗ trợ từ các đoàn viên thanh niên, hội nông dân, phụ nữ... người xã này sẵn sàng sang giúp xã bên - nơi đang bị cách ly, phong tỏa để thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, đến nay người dân các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam và Lục Ngạn đã tiêu thụ được hàng chục nghìn tấn nông sản.

Tiếp nhận hơn 120 tỷ đồng hỗ trợ

Thông tin từ Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến 17h ngày 22/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang và các huyện, TP trong tỉnh đã tiếp nhận tiền mặt, nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá hơn 123 tỷ đồng. Trong 3 ngày qua (từ 23 - 25/5), dù chưa cập nhật chính thức nhưng MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã tiếp nhận thêm hàng chục tỷ đồng từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.

Cần 310 tỷ đồng hỗ trợ 67.000 công nhân

Ông Chu Bá Tuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 40.000 công nhân ở trọ, mỗi ngày nhu cầu sử dụng hơn 20 tấn gạo. Trong khi đó số lương thực mà nhà hảo tâm ủng hộ đến nay cũng chỉ bảo đảm cung cấp cho công từ 5 - 6 ngày nữa.

Trong khi đó, cuộc chiến chống Covid-19 trên địa bàn được dự đoán còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài trong vài tháng tới; nhà trọ cũng được yêu cầu “đóng băng”, không ai được ra ngoài...

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, tỉnh ước tính sẽ phải chi khoảng 310 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống và hỗ trợ 1 tháng lương cho các công nhân thuộc vùng cách ly xã hội không được về nhà. Số lượng công nhân cần hỗ trợ là khoảng 67.000 người. Trong đó, khoảng 60.000 công nhân là lao động ngoại tỉnh, 7.000 công nhân là lao động trong tỉnh nhưng ở trọ gần khu công nghiệp, trong vùng cách ly xã hội nên cũng không được về nhà.

“Số tiền trên sẽ được trích một phần từ ngân sách tỉnh, còn lại phải huy động các nguồn lực ủng hộ, đặc biệt là từ chính các doanh nghiệp sử dụng công nhân”, ông Thịnh cho biết.

Bắc Giang có gần 1.400 ca mắc Covid-19

Tối 25/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 25/5 ghi nhận thêm 447 ca dương tính với Covid-19, cao nhất từ trước đến nay tính theo ngày. Trong đó, riêng Bắc Giang có 375 ca, cao nhất từ trước đến nay tính theo ngày.

Bộ Y tế đã yêu cầu bộ phận công tác đặc biệt của Bộ đang chỉ đạo chống dịch tại Bắc Giang ngay lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống; áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung.

Bộ cũng yêu cầu tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.

Tính đến tối 25/5, Bắc Giang đã công bố 1.399 ca mắc Covid-19. Ngoài ra còn có hơn 11.000 trường hợp F1, hơn 36.000 trường hợp F2.

P.V

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.