Xã hội

Tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19: Cho đi là còn mãi

11/12/2020, 06:37

Tôi sẽ cố gắng sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, có cơ hội để mình cho đi nhiều hơn. Tôi cho rằng cho đi là còn mãi.

img

Ông Nguyễn Thanh Bình (ảnh trên), 51 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM là một trong số những người đăng ký làm tình nguyện viên tiêm thử vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông cho biết, ngoài việc đăng ký tình nguyện thử vaccine Covid-19, ông còn đăng ký hiến mô, hiến tạng từ năm 2012.

Ông suy nghĩ thế nào trước khi đăng ký tình nguyện thử vaccine Covid-19, thực sự thì ông có lo lắng không?

Nếu nói không lo là không đúng, nhưng tôi có nhiều cơ sở để tin là an toàn. Nếu rủi ro xảy ra thì tỉ lệ cũng rất ít.

Nhưng trên hết, ý nghĩa của việc tình nguyện thử nghiệm vaccine Covid-19 mang lại rất nhiều. Và nếu có rủi ro cũng là chuyện bình thường. Bởi tôi cho rằng, vaccine một khi điều chế ra thì nó là công sức của biết bao nhiêu y bác sĩ, những người nghiên cứu...

Tôi không đóng góp trực tiếp được cho quá trình nghiên cứu, điều chế này nên xin tình nguyện đóng góp phần rất nhỏ trong công đoạn này, coi như một việc làm có ích cho đời.

Đại dịch vừa qua có thể thấy, ngoài những nhân viên y tế, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch còn có những người làm việc thầm lặng trong phòng thí nghiệm. Họ cũng cần được tri ân, tuyên dương mà cộng đồng ít ai biết. Nghiên cứu được vaccine này có thể nói là một bước ngoặt, đánh dấu sự nỗ lực của chúng ta.

Do vậy, việc đưa vaccine vào sử dụng phải có thử nghiệm và thử nghiệm phải có người tình nguyện. Nếu ai cũng từ chối, ai cũng sợ thì chắc chắn không thể nào thành công được. Tình nguyện thử vaccine ngừa Covid-19 là trách nhiệm và cũng là vinh dự của một công dân.

Những người được lựa chọn tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 được lựa chọn rất kỹ lưỡng, là những tình nguyện viên khỏe mạnh, không có bệnh nền, không có tiền sử bệnh tật. Vậy, thể trạng hiện tại của ông thế nào?

Tôi khẳng định tôi có sức khỏe rất tốt, lối sống lành mạnh, chăm thể dục thể thao. Hơn 10 năm nay, tôi đã 21 lần hiến máu nhân đạo, chích ngừa đủ các loại vaccine đang có. Các kết quả xét nghiệm sức khỏe gần đây đều tốt.

Tôi thuộc nhóm máu A+, loại nhóm máu hiếm và khoảng 3 tháng tôi hiến máu một lần, mỗi lần hiến 350ml. Cơ địa khỏe mạnh, dễ thích nghi nên tôi nghĩ mình hoàn toàn đủ sức khỏe để có thể đăng ký làm tình nguyện viên trong những ngày tới.

Ngoài ra tôi còn đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học từ năm 2012.

img

Ngoài việc đăng ký tình nguyện thử vaccine Covid-19, ông còn đăng ký hiến mô, hiến tạng từ năm 2012

Ông nghĩ gì khi đăng ký hiến tạng, bởi quan niệm của người Việt vẫn còn khá nặng nề quanh chuyện “chết không toàn thây”?

Người Việt quan niệm như vậy nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy và quan niệm này xưa rồi. Bây giờ tiến bộ y học có thể dùng bộ phận của người này ghép cho người khác.

Thực tế hiến tạng đâu có mất, những bộ phận mình hiến tặng vẫn còn sống mà! Người chết đi, về mặt sinh học là “chết não” chứ cơ thể mình nhiều bộ phận vẫn còn sống, có thể sống trong nhiều cơ thể khác.

Và cái quý nhất là mình mang lại sự sống cho những người khác. Theo các nhà y khoa, một người hiến mô tạng có thể cứu sống được 7 người khác, giá trị mang lại rất lớn.

Cá nhân tôi xem cái chết rất nhẹ nhàng, miễn sao mình chết có ý nghĩa. Chính vì vậy tôi đăng ký hiến xác từ năm 2012 và mô tạng năm 2014. Trong lúc chờ đợi có cơ hội hiến mô tạng, đều đặn 3 tháng một lần tôi hiến máu nhân đạo.

Phải chăng ý thức vì cộng đồng, “cho đi là còn mãi” đã thôi thúc ông làm những điều đó?

Tôi sẽ cố gắng sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, có cơ hội để mình cho đi nhiều hơn. Tôi cho rằng cho đi là còn mãi. Ví dụ như việc hiến máu nhân đạo, tôi tham gia như vậy cũng còn trễ.

Giá như quay được về thời sinh viên, được tiếp cận công tác hiến máu từ lúc đó, thì số lần hiến máu của tôi sẽ nhiều hơn. Đối với tôi con số 21 lần hiến máu vẫn còn ít, tôi chưa thỏa mãn.

Những người thân trong gia đình ông đều đăng ký hiến tạng. Để làm được điều này, chắc gia đình phải vượt qua nhiều áp lực?

Ba mẹ tôi đều là công chức nghỉ hưu nên nhận thức việc hiến tạng cũng nhẹ nhàng. Nhận thức giá trị của nó vì mang lại sự sống cho người khác. Hơn nữa, một phần tác động quan trọng từ báo đài, động viên người dân hiến mô, hiến tạng cứu người nên tôi đã tự nguyện vào Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký.

Ba mẹ tôi cũng có đăng ký hiến tạng nhưng hiện đã lớn tuổi, mô tạng cũng không còn tốt, bác sĩ bảo chỉ có thể hiến được một phần nào đó trong cơ thể.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.