Ảnh minh họa |
Cả thị xã biết lão Kình có tiền rừng bạc bể. Từ ngày vợ lão mất, lão có cảm giác không biết dùng tiền vào việc gì. Có hai đứa con gái, lão đã lo đủ cho hai dinh cơ đồ sộ, yên bề gia thất. Lão Kình chỉ còn mỗi việc uống rượu. Càng uống, lão càng buồn. Nhưng nỗi buồn khổ chỉ mình lão biết, ấy là 70 tuổi rồi mà lão vẫn thấy tráng kiện mọi mặt. Mẹ kiếp! Sao mà thằng đàn ông trong lão nó bền bỉ đến thế. Buồn, cô đơn khiến lão Kình nghĩ đến chuyện bồ bịch. Nhưng 70 tuổi như lão thì bất cứ người phụ nữ nào cũng chỉ như con gái, sao cho khỏi chướng mắt.
Lão Kình quyết dằn lòng xuống để giữ tiếng nốt những năm còn lại.
Nhưng nếu lão Kình mới chỉ nghĩ trong đầu về một mối tình già, thì có một người đã hoàn chỉnh kế hoạch cặp bồ với lão. Người ấy là mụ Phưởng, biệt danh là Phưởng “tám hướng mười phương”. Tiếng xấu này do mụ tự tạo ra. Nhưng vì thế mà mụ chỉ “bồ bịch” chứ chưa bao giờ làm vợ ai một cách đàng hoàng.
Mụ Phưởng ở tuổi 50, nhan sắc còn khá lắm. Mụ lại biết chưng diện nên nhác trông thấy ngon nhức mắt, đố thằng đàn ông nào không nghĩ bậy trong đầu. Biết lão Kình hay đi bộ qua vườn hoa để vào quán thịt chó của Hải Phệ, mụ Phưởng chiều nào cũng như có việc phải cắt đường qua mặt lão. Mụ Phưởng trong bộ áo chẽn đường nét lồ lộ diễu qua thì vô tình mấy lão cũng phải để mắt tới.
Một hôm, lão Kình suýt đâm sầm vào mụ Phưởng. Mặc dù đã kịp dừng lại nhưng mụ Phưởng vẫn cứ loạng quạng để cuối cùng ôm chầm lấy lão. Thật khéo khi cặp vú thây lẩy của mụ Phưởng như được trời bưng đặt vào tay lão Kình khiến máu chảy qua thái dương lão giần giật.
- Em bắt đền đấy! - Mụ Phưởng nhìn xuống ngực theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này”.
Cơn sóng tình dù vót vét cũng đủ ấm áp trong lòng lão Kình. Quên cả tuổi tác, lão Kình lơi lả:
- Đền gì anh cũng đền.
- Đền tình - Mụ Phưởng õng ẹo.
- Thật nhá!
- Lấy gì làm cứ?
- Lấy bụi cây kia... hê hê...
- Tưởng... về hưu rồi mà cũng lẳng thế...
Từ hôm ấy, lão Kình như người bị bùa, không nhìn thấy mụ Phưởng là bỏ ăn, bỏ ngủ. Biết tin, cả hai cô con gái cùng đến quỳ xuống lạy lão:
- Chúng con van bố, sắp trót kiếp rồi đừng lú lẫn thế.
- Sư các chị - Lão mắng - Cứ một điều thương bố, hai điều thương bố mà chẳng biết bố sống chết thế nào. Tao cô đơn, chúng mày đã biết chưa?
- Mụ Phưởng là con phù thủy, bố biết chưa?
- Phù thủy chỉ nạt được trẻ con. Bố già rồi, bố cần có người sớm hôm trò chuyện, cơm nước. Chúng mày chờ đấy để mà lạy dì.
Ai ngờ hai cô con gái lão Kình không phải loại vừa. Cả hai đều bảo mụ Phưởng muốn về ở với lão Kình phải bước qua xác hai cô. Vì thế, lão Kình chỉ biết vụng trộm. Ở bên “dì Phưởng”, lão cứ gật đầu tràn như một cái máy, không còn nghĩ được cái gì.
- Cưới em chứ?
Lão gật.
- Em chết có chết theo không?
Lão gật.
- Không tiếc em bất cứ thứ gì nhé?
Lão gật tràn. Mụ Phưởng áp mặt vào ngực lão tình nhân già, lòng lạnh như băng nhưng đầu thì sôi lên đủ loại mưu kế. Trước hết hẵng “xin” chàng con “Vespa cá vàng” cái đã. Thấy lão Kình gói hai thỏi vàng bỏ vào bao thuốc, mắt mụ Phưởng còn lóe sáng hơn vàng, cơn mơ này sộp hơn mụ tưởng.
Con xe Ý còn đang chạy rốt đa thì tự dưng mụ Phưởng dắt đến trả lão Kình.
Mắt mụ mọng nước.
- Em nghĩ kỹ rồi, em cần anh chứ cái cục sắt này, đây thèm vào.
Lão Kình như điên, như dại bảo mụ Phưởng muốn sao được vậy. Lão càng có chứng cứ để chửi vào mặt hai cô con gái quen thói “suy bụng ta ra bụng người”. Mặc dù mụ Phưởng chưa bước vào nhà lão nhưng ở một căn phòng thuê phía ngoại thành thì lão và mụ sống như vợ chồng. Tuy sức tàn lực kiệt nhưng có hơi đàn bà, lão thấy đời có ý nghĩa hẳn lên. Bao nhiêu năm tẩm đẫm đủ thứ thuốc bổ, hẳn là trời có ý từ trước để tặng cho lão người đàn bà phốp pháp này. Nhưng mụ Phưởng cứ đưa lão đến ranh giới lại quay mặt đi khóc hu hu. Đến lần thứ 10 thì lão Kình phát khùng.
- Dì nó giỡn tôi à?
- Ai giỡn ai? Tôi mà buông thả thì mai kia ông quăng tôi ra đường như quăng miếng giẻ, có chó nào nó nhặt.
- Vậy thì phải thế nào?
- Có chính quyền, có luật pháp. Ông thì vợ chết. Tôi là gái chưa chồng, sợ gì mà không danh chính ngôn thuận?
- Thì tùy dì. Dì cứ lo liệu theo ý mình.
Lão và mụ bí mật đi đăng ký kết hôn.
Vài hôm sau, nhân lúc tình già đang nồng, mụ Phưởng bèn lấy ra tờ giấy.
- Tôi vẫn chưa thật yên tâm với hai cô con gái của ông. Lỡ chúng nó đuổi tôi thì ông có cản được không. Nếu ông thực sự coi tôi là vợ thì ký một chữ vào bản cam đoan từ nay về sau tôi cũng có quyền ở trong căn nhà này.
Lão Kình thấy lòa nhòa dòng chữ tên lão và ở dòng dưới là mấy chữ “vợ tên là Hoàng Ngọc Phưởng...” chẳng kịp nghĩ ngợi gì, ký toẹt một chữ, ghi rõ tên. Ký xong, cả lão và mụ Phưởng đều mãn nguyện!
Đêm hôm ấy, khi lão Kình đã ngủ như chết trong ngôi nhà ba tầng, thì mụ Phưởng đang nắn nót viết to chữ di chúc lên đầu tờ giấy. Mụ viết vào chỗ bỏ trống: “Người thừa kế ngôi nhà ba tầng tại... và tài sản trong đó là bà Hoàng Thị Phưởng - người thừa kế thứ nhất và duy nhất”.
Cất kỹ vào hòm, mụ sung sướng nghĩ: “Cái lối thở dốc mỗi khi chung đụng đủ thấy thằng già đã kiệt khí huyết, toi đến nơi rồi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận