Thị trường

TKV và Than Đông Bắc độc quyền cung cấp than cho điện?

01/12/2018, 15:49

Hiện than trong nước cung cấp cho nhiệt điện chỉ do TKV và Than Đông Bắc bán cho EVN, còn thiếu sẽ nhập khẩu.

tkv-dong-bac-doc-quyen-cung-cap-than-cho-dien-evn

Hiện than trong nước cung cấp cho nhiệt điện chỉ do TKV và Than Đông Bắc độc quyền bán cho EVN, còn thiếu sẽ nhập khẩu. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đang chỉ đạo EVN xây dựng phương án cung cấp điện 2019 với 4 phương án tăng trưởng phụ tải cũng như tình hình thuỷ văn.

Đến thời điểm này, vận hành năm 2018 có một số điểm khó khăn, có nhiều hồ thủy điện nước về kém so với bình quân hàng năm. Nhiều hồ không tích được mức nước dâng như bình thường. Trong khi đó, khả năng cung cấp khí từ các mỏ cũng cũng suy giảm.

Đo dó, đại diện Bộ Công thương cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp và xem xét giao TKV và Tổng công ty than Đông Bắc cùng các chủ đầu tư xem xét phương án sử dụng than trong nước và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu than cho phát điện năm 2019.

Ông Tuấn cũng cho biết, Bộ Công thương cũng xem xét chỉ đạo các đơn vị cung cấp nhiên liệu cho EVN nhằm giảm thiểu sự cố trong vận hành, đảm bảo tiến độ xây dựng công trình trọng điểm để hạ tầng đủ truyền tải hết điện, đá ứng yêu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.

Giá than bán cho điện dự kiến tăng 4-5%, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất kinh doanh điện. Bởi trong các phương án điều hành cung ứng điện năm tới, tổng sản lượng nhiệt điện than trong mọi kịch bản đều chiếm tỷ trọng đáng kể, vượt 116 tỷ kwh. Cho nên, giá than tăng sẽ gây áp lực cho sản xuất kinh doanh điện.

“Trong cuộc họp gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trên cơ sở báo cáo của các bên đã yêu cầu TKV, Than Đông Bắc ký hợp đồng dài hạn bán than cho EVN. Còn lại khoảng 10 triệu tấn than nhập khẩu.

Thông tin thêm với Báo Giao thông về việc ngoài TKV và Than Đông Bắc, EVN có đề xuất mua thêm than từ các nguồn khác hay không, ông Đinh Quang Tri, Chủ tịch EVN cho hay, hiện EVN mua than đúng theo chỉ đạo của Chính phủ là chỉ mua than từ TKV và Than Đông Bắc, không mua than ngoài.

“Chúng tôi hiện có kế hoạch trong 2019 sử dụng khoảng 54 triệu tấn than, trong đó 44 triệu tấn than trong nước và 10 triệu tấn nhập khẩu do TVK và Đông Băc không cung cấp đủ”, ông Tri nói.

“Hôm họp, EVN có đề xuất đấu thầu để cung cấp than. Nhưng Quảng Ninh cũng yêu cầu thực hiện chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý chặt nguồn than, nhất là than thổ phỉ phải được quản lý chặt chẽ. Nên Chính phủ đã yêu cầu phải mua than TKV hoặc Đông Bắc ở trong nước. Còn than nhập khẩu thì đấu thầu quốc tế”.

“Từ nay trở đi vẫn thực hiện theo Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ. TKV cũng cam kết bán than cho EVN, còn lại thiếu bao nhiêu thì nhập khẩu hoặc nhờ TKV, Đông Bắc nhập khẩu về rồi bán cho EVN”, ông Đinh Quanh Tri thông tin.

Do nguồn cung cấp than trong nước không đủ nên hai nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 và Vĩnh Tân 4 (đã chạy mỗi năm khoảng 7 triệu tấn than) sẽ sử dụng than nhập khẩu. Năm 2019, số lượng 10 triệu tấn nhập khẩu là để chạy hai nhà máy nhiệt điện này. Trong đó, Evn giao cho các Tổng công ty nhâp khẩu 4 triệu tấn, còn lại sẽ do TKV nhập khẩu về bán lại cho EVN theo giá đã đăng ký. Ông Tri cho rằng, phương án cung cấp than cho điện như vậy đã được xử lý dứt điểm, hạch toán theo giá thị trường

Nhu cầu than tăng vọt do EVN đưa vào vận hành thêm tổ máy tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhà máy nhiệt điện Thăng Long… để đáp ứng sản lượng điện từ nhiệt điện than tăng khoảng 33% so với năm trước.

“Với các kịch bản cung ứng điện 2019, nếu xảy ra tình trạng căng thẳng tại một số thời điểm thì có thể huy động thêm một số nhà máy điện chạy dầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói. Tất nhiên chi phí sản xuất điện từ nhà máy chạy dầu sẽ cao hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.