Pháp đình

TNGT chiếm 14% số vụ và 13% số người chết trong tai nạn lao động

23/09/2014, 07:04

Gần 4000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người, trong đó số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên có 58 vụ; 660 người người bị thương nặng. Đặc biệt, nạn nhân là lao động nữ có 1.187 người

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo gửi đến các ngành, các địa phương về tình hình tai nạn lao động và một số giải pháp chủ yếu nhằm ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong những tháng cuối năm 2014.

Những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người từ đầu năm 2014 đến nay là Tp Hồ Chí Minh,  Bình Dương,  TP Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Long An, Thái Nguyên,  Lâm Đồng,  Hà Tĩnh, Hải Phòng... Các địa phương trên có tổng số người chết vì tai nạn lao động chiếm 57,14%  số người chết vì tai nạn lao động trên toàn quốc.

Đáng biểu dương các địa phương báo cáo không có TNLĐ chết người là: Sóc Trăng, Nam Định, Bình Thuận, Phú Yên, Cần Thơ, Bình Phước, Yên Bái, Hậu Giang, Điện Biên, Vĩnh Long, Sơn La.

Công tác an toàn lao động được quan tâm đặc biệt
Công tác an toàn lao động được Cienco 4 quan tâm đặc biệt

Cũng theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, những vụ TNLĐ nghiêm trọng từ đầu năm đến nay cần nêu ra để phân tích rút kinh nghiệm là: Vụ tai nạn do cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/01/2014 làm 06 người chết và  01 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Vụ tai nạn do ngạt khí xảy ra vào 10g30 ngày 11/4/2014 làm 03 người chết và 03 người bị thương tại công ty cổ phần Vĩnh Phát, Khu Công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế; Vụ tai nạn do đá lăn xảy ra vào 13g30 ngày 23/4/2014 làm 02 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 125- Cencol, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2014 toàn quốc đã xảy ra 280 vụ tai nạn lao động chết người, tính đến ngày 5 tháng 8 năm 2014, Bộ LĐTB&XH đã nhận được 81 biên bản điều tra (87 người chết).

Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có một số đánh giá như sau: Loại hình Công ty TNHH chiếm 30,86% số vụ tai nạn chết người và 28,74% số người chết; Loại hình Công ty cổ phần chiếm 29,6% số vụ tai nạn chết người và 27,6% số người chết; Loại hình Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 20,99% số vụ tai nạn và 19,54%  số người chết; Loại hình Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 4,9% số vụ tai nạn và 4,6% số người chết; Loại hình Công ty liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài chiếm 2,47% số vụ tai nạn và 2,3% số người chết.

Phân tích cũng cho thấy, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người: Lĩnh vực xây dựng chiếm 37,04% tổng số vụ tai nạn và 34,5% tổng số người chết; Lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 17,3% tổng số vụ và 16,1% tổng số người chết; Lĩnh vực cơ khí chế tạo chiếm 6,2 % tổng số vụ và 5,7% tổng số người chết; Lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện chiếm 3,7% tổng số vụ và 3,4% tổng số người chết.

Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất: Ngã từ trên cao chiếm 30% tổng số vụ và 28% tổng số người chết; Điện giật chiếm 23,46% tổng số vụ và 21,84% tổng số người chết; Vật rơi, đổ sập chiếm 14,81% tổng số vụ và 13,79% tổng số người chết; Tai nạn giao thông chiếm 14% tổng số vụ và 13% tổng số người chết; Máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn chiếm 11,1% tổng số vụ và 10,3% tổng số người chết.

Đáng lưu ý các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 54,1%, cụ thể: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 6,1% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 9,8% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 33,3% tổng số vụ; do tổ chức lao động chiếm 4,9% tổng số vụ.

Nguyên nhân do người lao động chiếm 24,6%, cụ thể: Người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động chiếm 18,5% tổng số vụ; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 6,1% tổng số vụ; Còn lại 21,3% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, hầu hết các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm 2 người bị thương nặng trở lên đều được đoàn điều tra tai nạn lao động đề nghị xử lý. Ngoài việc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm phòng tránh tai nạn tái diễn và thực hiện các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật thì đoàn điều tra yêu cầu tiến hành xử lý hành chính và kiểm điểm những người có lỗi. Đối với một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người có dấu hiệu tội phạm đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 1 vụ đã bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố.

Theo báo cáo, chỉ trong 6 tháng năm 2014 số vụ TNLĐ tăng 132 vụ (tăng 3%), tổng số nạn nhân tăng 74 người (tăng 2%), số vụ TNLĐ chết người giảm 65 vụ (giảm 20%) và số người chết giảm 25 người (giảm 8%). Nhìn chung các vụ tai nạn lao động có khai báo đã được điều tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của Liên bộ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế.

Tuy nhiên, tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người của nhiều địa phương còn rất chậm so với quy định. Vì vậy, việc lập và gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng bị chậm, số biên bản nhận được chỉ chiếm 31% tổng số vụ TNLĐ chết người.

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2014, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH đề nghị:

Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Thanh tra nhà nước về lao động trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ tai nạn lao động để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động cũng như có biện pháp khắc phục những sai phạm.

Các Bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác an toàn lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động.

Uỷ ban nhân dân các địa phương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, đặc biệt là 10 địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động trong 06 tháng đầu năm 2014.

Một tác phẩm tại Hội thi an toàn lao động năm 2012 của Sở GTVT Hà Nội
Một tác phẩm tại Hội thi an toàn lao động năm 2012 của Sở GTVT Hà Nội

Các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các nội dung về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10/01/2011 của Liên bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Các cơ quan thông tin tuyên truyền triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động.

Thu An
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.