Chất lượng sống

Tổ ấm ngày Tết của những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

11/02/2018, 14:25

Khu chăm sóc những hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, có khoảng 80 trẻ đang lưu trú...

21

Trẻ được nuôi dưỡng tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (Ba Vì, Hà Nội) sau giờ học cuối năm

Từ những đứa con “đặc biệt”

Những đứa trẻ sống ở đây đủ mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến 18 tuổi. Các em đều “đặc biệt” bởi mỗi em “lạc bước” vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 trong những hoàn cảnh éo le vô cùng “đặc biệt”. Có trẻ đỏ hỏn chưa được 1 tháng tuổi đã “bị” mẹ để vào làn đặt gửi ngay cửa “nhờ” nuôi hộ, có trẻ 8 tuổi mới vào nhưng lại trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” tong teo da bọc xương, ghẻ lở khắp người với trọng lượng chưa tới chục cân; hay có trẻ 7 tuổi được đưa vào mà nói không sõi từ chỉ vì từ nhỏ xíu tới lúc đó chỉ sống nhờ trong trại dưỡng lão… Một điểm chung nhất của lũ trẻ này là tất cả đều nhiễm HIV, mất cả cha mẹ, mất cha hoặc mẹ nhưng người còn sống không thể cưu mang được.

Cùng chính vì thế, khi đưa vào đây, được các cán bộ chăm sóc, nuôi dạy, chúng đã trở thành những “đứa con” và tất thảy đều gọi người chăm sóc mình là cha, là mẹ.

"Để bám trụ được với công việc nơi đây là sự hi sinh rất lớn của nhiều chị em, cán bộ. Thực tế, cũng có trường hợp bị phơi nhiễm nhưng sau khi phát hiện cũng điều trị, không bị lây nhiễm. Tuy nhiên, có một số cán bộ lây nhiễm một số bệnh nhiễm trùng cơ hội từ người nhiễm HIV như lây lao và một số bệnh khác. "

Ông Phạm Đình Giang
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2

Ở đây, mỗi căn nhà mang tên gọi đáng yêu như: Thỏ đế, Hoa mai, Dế mèn, Bồ câu… là nơi sống của khoảng hơn chục trẻ được chia đều từ 2 - 17 tuổi dưới sự quản lý của 3 “ông bố, bà mẹ”. Ngoài giờ lên lớp, đến trường, công việc vệ sinh, dọn dẹp, phụ các bố, các mẹ trồng rau, nuôi lợn để tăng gia tự cung, tự cấp… cũng được chia đều phù hợp lứa tuổi và trẻ lớn chăm sóc, cưu mang trẻ nhỏ hơn.

Học lớp 9 ở trường THCS Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội, cô bé C.P.A. (17 tuổi) rất ra dáng chị cả ở ngôi nhà Hoa mai, “quản lý” hơn chục đứa em. Không ai ngờ, P.A. chính là cô bé được đưa vào trung tâm lúc 8 tuổi nhưng chỉ nặng 7kg. Ngày ấy, theo lời kể của các mẹ, cô bé chỉ có da bọc xương, lở loét khắp người vì mắc HIV nhưng không được điều trị và chăm sóc chu đáo. Bà Nguyễn Thị Minh, người đón nhận nuôi bé P.A. lúc ấy chia sẻ: “Ngày đầu được giao nuôi P.A, tôi bảo chị Phương (phụ trách trung tâm lúc đó), em không nhận trường hợp này đâu vì nhận hôm nay sợ mai con bé ấy chết”. Ngày ấy, không chỉ lở loét khắp người, bé P.A. bị tiêu chảy suốt ngày đêm, rồi ốm sốt… Chính tay mẹ Minh đi đẽo vỏ gạo, chặt lá, kết hợp y bác sĩ thức đêm, thức hôm chăm sóc. Đều đặn tắm ngày hai lần cho tróc vẩy nến, bôi thuốc, uống thuốc… “Kỳ công lắm, thế mà cũng có lúc con đau ốm quá tưởng không giữ nổi mạng khiến mình nản. May mắn, P.A. khỏe dần, tháng đầu tiên lên được 2kg”, bà Minh cho hay. Theo năm tháng, với sự chăm sóc của các mẹ ở đây, P.A. giờ đã trở thành một thiếu nữ. Có điều, đôi mắt em luôn nặng trĩu nỗi buồn khi nói “không tha thứ cho chính cha mẹ ruột của mình, thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, em lại nhớ họ da diết”. Em bảo, sau này em vẫn sẽ ở đây, sẽ học theo các mẹ chăm sóc cho những đứa trẻ có số phận như em ở “gia đình” này.

Còn cô bé L.L (16 tuổi), cũng vào đây khi tròn 10 tuổi, trước đó L. sống tại làng trẻ SOS Thanh Hóa. L. cho biết, em phát hiện mắc HIV khi 10 tuổi, đó là khi em bị ốm và các bác đưa em đi khám. Phát hiện ra bệnh, em được các bác chuyển vào đây để tiện điều trị. “Ngày đó, em chưa hiểu gì về bệnh của mình. Sau này, dần tìm hiểu, em không biết ai lây bệnh cho em. Em chưa bao giờ gặp lại ba mẹ từ khi em được đưa vào làng trẻ SOS. Em cũng nhớ nhà, nhớ mẹ như những chị em cùng nhà Hoa mai. Nhưng mỗi khi thấy các em nhỏ hơn khóc nhớ mẹ, em lại dặn các em hãy cố gắng giống như dặn chính mình vậy”, em L.L. cho biết.

Đến những “bà mẹ bất đắc dĩ”

Chỉ còn 1 năm nữa, bà Minh đến tuổi nghỉ hưu, buộc phải rời xa mái nhà với bầy con rất “đặc biệt” này của mình. Bà bảo nếu trung tâm còn giữ người, bà vẫn sẽ ở lại tiếp tục chăm sóc lũ trẻ. Theo chia sẻ của bà, hai vợ chồng làm việc trong cùng môi trường nên lấy nhau hơn 30 năm, cũng ngần ấy năm hai vợ chồng không được cùng nhau đón Giao thừa. Lúc con nhỏ, ca trực ngày Tết của vợ chồng bà Minh luôn so le và đến giờ vẫn thế. Bà Minh vào làm việc ở đây từ năm 2004 và trước đó cũng từng có 13 năm chăm sóc trẻ ở Trung tâm bảo trợ trẻ em… “Vốn vẫn rõ chăm sóc trẻ là nhọc nhằn, nhất lại với trẻ mang bệnh tật trong người. Có những đêm Giao thừa, chia tay gia đình đi vào trực trong này rất buồn nhưng vào đây lại rất vui với các con”, bà Minh chia sẻ. Nối nghiệp bố mẹ, con gái của bà Minh cũng làm ở trung tâm cai nghiện. Bà bảo, nghề nghiệp khiến bà trở thành “bà mẹ bất đắc dĩ” của cả đàn con. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất với bà là cả gia đình luôn thấu hiểu và chia sẻ với nhau, để bà có cơ hội gắn bó và hoàn thiện trách nhiệm của “bà mẹ bất đắc dĩ” nơi này.

Tại Khu chăm sóc sơ sinh, mẹ Lê Thị Thu đang nhanh tay mặc quần áo ấm cho bé Hoa Hoa. Mẹ Thu cũng là một trong số ít những mẹ đón tay nuôi dạy những đứa trẻ đầu tiên tại nơi này, còn duy trì đến tận bây giờ. Bao nhiêu đứa trẻ phải đi viện cấp cứu cũng chừng đó lần mẹ Thu ăn trực, nằm chờ ở viện để chăm sóc chúng. Nhất là ở thời điểm trước năm 2006, khi chưa có thuốc ARV điều trị cho trẻ HIV. Ngày ấy, trẻ không có thuốc điều trị thường còi cọc, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh truyền nhiễm cơ hội, đau ốm triền miên. Nhiều trẻ đi viện liên tục, cứ về xong các em lại bị viêm phổi rồi lại đi tiếp. “Có thời điểm, 1 năm 12 tháng nhưng 11 tháng rưỡi trực ở viện, vì con này chưa về thì tới con khác lại nhập viện nên vất vả lắm. Khi các con điều trị trong Phòng Hồi sức cấp cứu, thì mẹ ngồi ở ghế đẩu ngủ gật, thậm chí nhiều đêm phải chầu trực ngoài hành lang giá lạnh. Thế rồi cũng qua, lũ trẻ ốm dặt dẹo ngày đó giờ cũng đã lớn cả. Mình lại đón lứa nhỏ mới. May mắn sau này có thuốc điều trị ARV cho trẻ nên chuyện đi viện không còn thường xuyên như trước nữa”, mẹ Thu cho hay.

Không mấy ai biết sau nụ cười luôn tươi roi rói và lời ca ầu ơ ngân nga suốt ngày của mẹ Thu là cả một câu chuyện buồn. Gia đình chị Thu vốn hạnh phúc như bất kỳ gia đình nhỏ nào với hai cậu con trai và người chồng kiếm ra tiền từ nghề chạy xe tải đường dài. Thế rồi, bất ngờ chồng chị đổ bệnh và qua đời đột ngột. Như tiếng sét ngang tai khi chị biết chồng chị ra đi bởi chính căn bệnh thế kỷ HIV. Đớn đau hơn, khi chị và cậu con trai út cũng nhận “bản án tử” lây nhiễm virus HIV từ chính người chồng, người bố. Từ đó, chị đưa con về Cơ sở cai nghiện ma túy và tình nguyện là mẹ bất đắc dĩ của những đứa con không may mắn.

Mong đừng xa lánh, kỳ thị

Chị Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cho biết, đứa trẻ đầu tiên vào trung tâm năm 2001, phát hiện HIV nhưng không trung tâm nào nhận nuôi dưỡng. Rồi tiếp theo đó là những em, những chị nhiễm HIV cùng cảnh ngộ cũng được đưa về chăm sóc. “Khi vào trung tâm, các con chủ yếu da bọc xương, việc chăm sóc vô cùng vất vả, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Nếu không yêu thương, tận tâm với trẻ, ắt hẳn khó gắn bó được với nghề này”, chị Thanh cho biết.

Chia sẻ về câu chuyện kỳ thị trong xã hội ngay cả với người chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV, chị Thanh cho biết, trước kia khi đưa trẻ đi viện, đến các trung tâm y tế, thậm chí chính nhân viên y tế còn xa lánh. Những năm gần đây, nhờ có tuyên truyền nên đỡ hơn. Tuy nhiên, đáng buồn với trẻ nhiễm HIV đến tuổi đến trường nhưng một số phụ huynh kì thị xa lánh, phản đối, không cho trẻ học chung trường. Chính vì lẽ đó, trung tâm phải tự thành lập điểm trường cấp 1 tại chỗ, mời giáo viên về dạy kiến thức cho các con. Lên THCS, các con được hòa nhập nhưng vẫn phải học riêng lớp, có lớp 5 - 6 cháu, có lớp 10 cháu và việc dạy những lớp này các cô cũng không nhiệt tình, rất dễ khiến các con tủi thân, thiệt thòi. “Nếu như trước kia, chúng tôi mới chỉ nghĩ đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ, thì nay, phải nghĩ tới học hành cho các cháu như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, trong việc học vẫn còn những vấn đề phân biệt, kì thị”, chị Thanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.