Xã hội

Tổ chức đối thoại Mỹ - Triều, Việt Nam được lợi gì?

22/02/2019, 06:24

Tạo được môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho hội nghị cũng như điều kiện tác nghiệp thuận lợi cho hàng nghìn phóng viên, Việt Nam sẽ...

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore tháng 6/2018 - Ảnh: Reuters

Chưa đầy một tuần nữa là diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội. Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công An) đã trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh sự kiện này.

Điểm đến an toàn đã được kiểm chứng

Theo ông, đâu là lý do thuyết phục Mỹ và Triều Tiên, hai quốc gia vốn rất khắt khe về việc đảm bảo an ninh cho lãnh đạo khi công du nước ngoài lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2?

Cả Hoa Kỳ và Triều Tiên đặt an toàn của lãnh đạo hai nước lên trên hết. Do vậy, lý do đầu tiên khi các quốc gia này chọn địa điểm để các nhà lãnh đạo gặp nhau là an toàn phải được đảm bảo tuyệt đối. Trên thế giới, có nhiều nơi an toàn nhưng Việt Nam là đất nước sự an toàn đã được kiểm chứng với việc tổ chức an toàn, thành công sự kiện APEC tháng 11/2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tháng 9/2018,...

Bản thân ông Donald Trump đã tới Việt Nam 1 lần. Do vậy, Việt Nam có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho cả hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên.

Một lý do nữa: Việt Nam là quốc gia thân thiện với cả Hoa Kỳ và Triều Tiên. Việt Nam và Hoa Kỳ có mối quan hệ đang phát triển tốt, trong khi đó Việt Nam có mối quan hệ truyền thống với Triều Tiên.

Ngoài ra, vị trí địa lý của Việt Nam thuận lợi, phù hợp với cả hai bên. Ông Donald Trump có thể vượt qua Thái Bình Dương tới châu Á. Đây là lộ trình thường xuyên của nhà lãnh đạo Mỹ.

Về phía Triều Tiên, ông Kim Jong-un có thể thuận lợi tới Việt Nam hơn các quốc gia ở châu lục khác.

Theo ông, Việt Nam cần chú ý những gì để tổ chức thành công sự kiện quan trọng này?

Việt Nam cần làm mọi việc nhằm đảm bảo an toàn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng như các phái đoàn ngoại giao.

Việc hàng nghìn nhà báo quốc tế tới Việt Nam đưa tin về sự kiện cũng là cơ hội tuyệt vời để thế giới biết các tin tức mới nhất từ Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải tạo được môi trường thân thiện, an toàn cũng như điều kiện tác nghiệp thuận lợi cho hàng nghìn phóng viên nước ngoài tới đưa tin và bình luận về sự kiện, qua đó góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mỗi người Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội cần thể hiện sự thân thiện, hiếu khách, giữ gìn đô thị sạch sẽ, khang trang, tránh các tệ nạn xấu, taxi không được chặt chém khách quốc tế…

Ngoài ra, đây cũng là dịp để Hội Nhà báo Việt Nam chủ động tổ chức các diễn đàn, đối thoại với nhà báo quốc tế để quảng bá hình ảnh của Việt Nam...

img
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Nâng tầm vị thế Việt Nam

Việt Nam được lợi ích gì khi tổ chức một sự kiện tầm cỡ thế giới như vậy, thưa ông?

Trước hết phải nói rằng, việc ông Donald Trump và Kim Jong-un chọn Việt Nam là điểm đến cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 đã nâng tầm vai trò và vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới.

Từ bây giờ đến cuối tháng, còn gần 1 tuần lễ, sẽ có hàng trăm bài báo quốc tế nhắc tới Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Chỉ cần điều đó thôi, cả thế giới sẽ biết tới Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện… Uy tín, sự thân thiện, cởi mở, môi trường lành mạnh ở Việt Nam được lan tỏa khắp thế giới.

Theo ông, nơi nào tại Hà Nội là địa điểm lý tưởng nhất cho sự kiện lần này?

Hiện địa điểm cuộc gặp vẫn được giữ bí mật để đảm bảo an toàn cho các nhà lãnh đạo cũng như quan chức Mỹ, Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ không diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia vì không gian hơi lớn so với cuộc gặp song phương.

Theo tôi, hội nghị thượng đỉnh lần này khả năng sẽ diễn ra tại một khách sạn hay nhà khách nào đó tại Hà Nội.

img
Hà Nội đã sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (Trong ảnh: Trang trí hoa trên phố Kim Mã, Hà Nội) - Ảnh: K.Linh

Kết quả hội nghị chắc chắn sẽ có những tiến bộ

Báo chí Hàn Quốc cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên tại Hà Nội vào cuối tháng 2 tới. Theo ông, khả năng này có xảy ra?

Theo tôi, khả năng này khó có thể xảy ra. Đó chỉ là kỳ vọng và suy đoán từ phía truyền thông Hàn Quốc. Chưa có gì chắc chắn cho việc ký Hiệp ước hòa Bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên được lãnh đạo Mỹ - Triều thực hiện tại Hà Nội.

Theo ông, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này sẽ tập trung bàn vấn đề gì? Ông có thể dự đoán kết quả cuộc gặp?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tại Singapore chỉ bàn những vấn đề chung chung và 8 tháng nay chưa có tiến bộ nào rõ rệt đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Vì thế, hội nghị lần này sẽ bàn những công việc cụ thể liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán kết quả hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội lần này.

Ngay cả quan điểm về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là như thế nào giữa Mỹ và Triều Tiên cũng vẫn có nhiều thứ khác nhau.

Đối với Mỹ, Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân được kiểm chứng và không đảo ngược. Tuy nhiên, Triều Tiên không chấp nhận một quan điểm áp đặt như vậy.

Như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh lần 2, sẽ bàn các vấn đề cụ thể cũng như lộ trình phi hạt nhân hóa, trong đó Mỹ phải làm gì và Triều Tiên sẽ phải làm gì. Khi càng bàn cụ thể, mâu thuẫn lại càng gay gắt liên quan đến khoảng cách trong các quan điểm của hai bên.

Có ý kiến cho rằng, Triều Tiên sẽ chủ động đề nghị Mỹ ký Hiệp ước Hòa bình, ý kiến của ông thế nào?

Theo tôi, khả năng này khó có thể xảy ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump, với quyền hạn của mình, có thể hạn chế các cuộc tập trận cũng như quy mô của các sự kiện đó tại Đông Bắc Á.

Kết quả hội nghị lần này chắc chắn sẽ có những tiến bộ nhất định. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ giao cho cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng tiếp tục bàn. Nhưng ít ra, bước tiến có thể kỳ vọng ở hội nghị diễn ra ngày 27-28/2 tới tại Hà Nội là nuôi dưỡng ngọn lửa đối thoại, tránh căng thẳng giữa hai bên. Triều Tiên cam kết sẽ ngưng thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Đối với các nhận định của truyền thông Hàn Quốc về khả năng Mỹ tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và ký kết Hiệp ước Hòa bình với Bình Nhưỡng, theo tôi, điều này khó có khả năng xảy ra. Hạ viện Mỹ hiện đang dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ, sẽ chi phối quyền lực của ông Trump, khiến nhà lãnh đạo này không thể một mình quyết định việc ký Hiệp ước Hòa bình với Triều Tiên.

Còn khả năng nhượng bộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các thỏa thuận đàm phán với ông Kim Jong-un?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và vị thế nhất là chính trị của ông Donald Trump, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.

Do vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cố gắng làm một điều gì đó, ít nhất là đạt được cam kết của Triều Tiên về việc không thử tên lửa, hạt nhân nữa.

Xin cảm ơn ông!

Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 20/2, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể tiết lộ các thông tin cụ thể về số lượng cũng như danh sách thành viên phái đoàn Mỹ, Triều Tiên cũng như số lượng cụ thể các nhà báo quốc tế sẽ tới Việt Nam trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh này.

Liên quan sự kiện đặc biệt quan trọng này, đại diện cơ quan Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đảm bảo tốt công tác tổ chức hậu cần và an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28/2.

img

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty truyền thông đa phương tiện NBN Media:
Quảng bá miễn phí thương hiệu quốc gia

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội chính là cơ hội lớn để Việt Nam gặt hái được nhiều giá trị lợi ích về truyền thông và thương hiệu quốc gia. Vấn đề là chúng ta khai thác cơ hội thế nào? Trước đó, đã có nhiều sự kiện quốc tế lớn với sự tham gia của đông đảo phóng viên nước ngoài, đều bị bỏ lỡ khi chúng ta không có kế hoạch truyền thông bài bản.

Kinh nghiệm thực tế từ Singapore cho thấy, kế hoạch truyền thông không phải là gì quá khó khăn ghê gớm, quan trọng cần có kế hoạch tốt bao trùm trong, xung quanh và hậu sự kiện với mục tiêu cho các nhà báo thấy, trải nghiệm những điều tốt đẹp của đất nước mình.

Xét trên nhiều tiêu chí, Việt Nam có thể không bằng Singapore song bù lại chúng ta lại có những thế mạnh mà Singapore không có như: Ẩm thực phong phú, lành mạnh cho sức khỏe; nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ… Đó là những điều khác biệt sẽ mang lại giá trị hấp dẫn cho Việt Nam. Để khai thác tốt thế mạnh, chúng ta cần tận dụng tối đa những điểm chạm thương hiệu (brand touchpoints) của giới truyền thông quốc tế để quảng bá miễn phí hình ảnh đất nước một cách có chủ đích. Những điểm chạm đó có thể là nơi khách sạn của các đoàn đại biểu, nhà báo nghỉ; trên đường di chuyển tới sự kiện; trung tâm báo chí, khu vui chơi thư giãn… Tại mỗi điểm chạm cần được bố trí đội ngũ chủ động hỗ trợ, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của giới truyền thông.

Hoàng Ngân (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.