Hạ tầng

Tổ chức giao thông bất cập, cầu vượt thành nút thắt cổ chai

18/10/2016, 08:23

Hơn 9h sáng, giao thông trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) theo hướng từ quận Thanh Xuân đi nội thành dần thông thoáng.

un tac

 

Thế nhưng, gần đến ngã tư cuối đường, nơi có cầu vượt bắc qua nút giao Lê Văn Lương - Láng Hạ, xe cộ đột nhiên di chuyển chậm chạp, có lúc bị dồn ứ và xảy ra tình trạng ô tô, xe máy lấn đường của nhau.

Không ít tài xế xe hơi không giữ được bình tĩnh khi bị xe máy lách ngang liền nhấn còi inh ỏi cho... bõ tức. Có chỗ, ô tô chiếm hết phần đường sát lề bên phải thì hè đường lại trở thành lối thoát cho người  đi xe máy, xe đạp. Càng đến gần lối lên cầu vượt, phương tiện càng dồn ứ, lấn đường của nhau và tôi cảm giác dòng phương tiện có hướng chen nhau về nửa đường phía bên trái để đi lên cầu vượt.

Quả thật, khi di chuyển được đến vị trí đầu cầu vượt tôi tìm thấy “thủ phạm” gây ùn ứ giao thông tại khu vực này chính là cách tổ chức giao thông trước khi qua cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ. Tại vị trí bắt đầu cầu vượt, đường được chia thành hai hướng, một hướng lên cầu để sang phố Láng Hạ và song song bên dưới là đường qua ngã tư, có đèn xanh - đèn đỏ.

Tuy nhiên, chỉ đến khi bắt đầu vị trí lên cầu vượt đường lên cầu và đường đi bên dưới mới được phân cách bằng dải phân cách cứng. Vì thế, nhiều phương tiện, nhất là xe máy, khi đang lưu thông theo hướng làn đường qua ngã tư bên dưới, đến đúng đầu cầu mới “quẹo” sang phải để lên cầu. Không chỉ một, hai phương tiện như thế mà xe này nối đuôi xe kia, gây ra ùn ứ cả đoạn đường phía sau. Cần nói thêm, ngay phía sau “nút cổ chai” đầu cầu này, phía đường bên dưới vẫn thông thoáng, nhưng nhiều người ngại đèn xanh - đèn đỏ ở ngã tư mà chọn lối rẽ lên cầu.

Một số người thường xuyên đi qua khu vực trên cho rằng, để hạn chế ùn tắc tại đây, cần tổ chức lại giao thông bằng cách tách lối đi lên cầu vượt sớm hơn so với hiện nay, tránh tình trạng rẽ đột ngột ngay đầu cầu vượt, đồng thời san sẻ dòng xe qua ngã tư bên dưới, thay vì dồn quá nhiều lên cầu vượt. Bởi, cầu vượt cũng chỉ nhằm đáp ứng một phần lưu lượng phương tiện, cân bằng giao thông, thay vì gánh phần lớn.

Thực tế “nút cổ chai” gây ùn tắc giao thông đoạn trước cầu vượt nội đô cũng từng xảy ra đối với cầu vượt Ngã tư Sở (Hà Nội). Khi đó, dù trước đầu cầu phía đường Nguyễn Trãi được điều tiết bằng đèn xanh - đèn đỏ, nhưng vẫn xảy ra ùn tắc. Và vấn đề này đã được giải quyết sau khi tổ chức lại giao thông bằng cách đặt dải phân cách cưỡng chế một dòng phương tiện đi theo làn đường bên dưới, song song với cầu vượt và qua ngã tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.