Thế giới

Tổ chức Olympic 2016, Brasil lỗ 15 tỉ USD

19/08/2016, 07:25

Brasil đứng trước nguy cơ bị bật khỏi Top 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

phan dat

Phần đất trong khu phức hợp thể thao được sử dụng cho Thế vận hội Sarajevo (Bosnia)năm 1984 bị bỏ hoang và được sử dụng làm nghĩa trang

Cuối tuần này (21/8), Olympic 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro mới khép lại. Tuy nhiên, ngay từ khi ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này khai cuộc người ta đã có thể tính được những khoản lỗ sẽ khủng mà nước đăng cai phải gánh chịu.

Chi 20 tỷ USD, thu 4,5 tỷ USD

Năm 2009, khi được chọn đăng cai Olympic, Brasil vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì được tổ chức một sự kiện trọng đại của thế giới cũng như tận dụng được cơ hội để quảng bá đất nước, phát triển kinh tế. Chính phủ Brasil kỳ vọng một Brasil đang khủng hoảng cần sự kiện như Olympic làm đòn bẩy. Sự kiện kéo dài trong gần ba tuần (5 - 21/8) thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch và vận động viên sẽ mang đến cho nước này một cơ hội mới để bùng nổ, tạo bứt phá cho kinh tế Brasil.

Tuy nhiên, sau hai năm liên tiếp đón nhận cú tuột dốc thê thảm về kinh tế và bất ổn chính trị, người dân Brasil lo cho kinh tế hậu Olympic nhiều hơn là mừng. Ngay lúc chuẩn bị cho Olympic, nền kinh tế đã lao dốc và bế tắc trong 8/10 quý trở lại đây. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức -10%, mức tuột giảm mạnh nhất kể từ những năm 1930. Brasil đứng trước nguy cơ bị bật khỏi Top 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tăm tối hơn, đó là bối cảnh chính trị tại đất nước Nam Mỹ này. Năm 2009, giành quyền tổ chức Olympic, Chính phủ Đảng Lao động do Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đứng đầu, có tỉ lệ ủng hộ nằm trong hàng cao nhất trên thế giới. Nay, Brasil đứng giữa cuộc chiến tố cáo, bôi nhọ chính trị. Tòa án tối cao Brasil ngày 17/8 đã cho phép mở cuộc điều tra bà Dilma Rousseff, người bị phế truất quyền Tổng thống vì nhiều cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách Quốc gia. Cùng với bà Rousseff, người tiền nhiệm của bà, cựu Tổng thống Lula da Silva cũng bị buộc tội cố ý cản trở quá trình điều tra tham nhũng. Người kế nhiệm tạm thời bà Dilma Rousseff có thể sẽ phải từ bỏ ghế Tổng thống chỉ một tuần sau khi Olympic khép lại.

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị đó, chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao, việc phải chi hàng tỉ USD vào các dự án Olympic và cơ sở hạ tầng khiến tài chính Brasil càng thêm eo hẹp. Brasil dự chi tới 20 tỉ USD chuẩn bị cho Olympic như xây dựng cơ sở hạ tầng (sân vận động, nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng Làng Olympic...) cùng các yêu cầu hậu cần và an ninh.

Báo Wall Street Journal nhận định, khi tổ chức Olympic, Brasil mạnh dạn chi tiêu ở mức chỉ các nước đã phát triển như Na Uy và Đức mới dám nghĩ tới nhưng lại không có các cơ quan quản lý áp lực kinh tế và chính trị. Đã có lúc Thị trưởng TP Rio de Janero - Eduardo Paes phải tuyên bố “tình trạng thảm họa”, cho biết thành phố đã vỡ nợ không thể tổ chức Olympic nếu không được hỗ trợ. Tình cảnh này buộc Chính phủ liên bang phải mở gói cứu trợ cho vay 850 triệu USD.

Tuy vậy, nhà kinh tế thể thao đến từ Đại học Smith - người từng xuất bản cuốn sách “Circus Maximus” về hậu quả kinh tế sau Olympic và World Cup dự tính, lợi nhuận Brasil thu về sau Olympic 2016 chỉ khoảng 4,5 tỉ USD. Như vậy, nền kinh tế đang khủng hoảng của Brasil mất trắng gần 15 tỉ USD.

Hậu họa nhãn tiền

Ngoài ra, việc tổ chức Olympic sẽ trở thành con dao hai lưỡi đối với các đất nước không kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, phóng tay chi tiêu ngân sách vào xây dựng, không dự tính được kế hoạch hậu Olympic. Các chuyên gia kinh tế dự đoán những công trình phục vụ Olympic tại Brasil có thể sẽ chịu “chung số phận” với các công trình Olympic tại các nước khác. Thực tế, rất nhiều công trình được xây dựng để phục vụ sự kiện thể thao lớn này bị bỏ không, hoang hóa sau khi kết thúc dẫn đến tiêu tốn tiền của.

Điển hình, phần đất trong khu phức hợp thể thao được sử dụng cho Olympic Sarajevo (Bosnia) năm 1984 bị bỏ hoang và được sử dụng làm… nghĩa trang. Đau đớn nhất là tại Olympic Athen năm 2004 bởi chính sự kiện này trở thành mồi lửa khiến những khó khăn âm ỉ trong nền tài chính Hy Lạp bùng phát. Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây khủng hoảng kinh tế Hy Lạp chính ở việc phóng tay chi tiêu xây nhiều sân vận động và hạ tầng xây dựng phục vụ sự kiện. Nay, các công trình này lừng lững như những pho tượng khổng lồ vô tác dụng. Ngoài ra, sân vận động bóng chày tại Khu phức hợp Olympic Hellenikon được dùng làm nơi dựng lều tạm cho người tị nạn.

Một ví dụ nhãn tiền khác là tại Trung Quốc. Các sân vận động mới, trung tâm huấn luyện phục vụ Thế vận hội 2008 trị giá 3 tỉ USD của nước này hiện đang bị bỏ hoang và “ngốn tiền như nước”. Theo Caixin, chỉ 1/3 số công trình thể thao lớn phục vụ Olympic có thể đem lại lợi nhuận. Phần còn lại gây thua lỗ cho Bắc Kinh 44 triệu USD, tính riêng trong năm 2010. Năm 2011, sân vận động Tổ Chim nổi tiếng chỉ được sử dụng để tổ chức 12 sự kiện.

Với Brasil, không những thất bại về kinh tế, nước này cũng khó nhận được lợi ích vô hình là quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch về lâu dài sau Olympic. Trước khi sự kiện bắt đầu, Thị trưởng TP Rio de Janero - Eduardo Paes “dội một gáo nước lạnh” với nhận định: “Brasil đánh mất cơ hội Olympic. Chúng ta không thể phô diễn, quảng bá đất nước. Thay vào đó, vì khủng hoảng kinh tế và chính trị cùng các bê bối khác, hình ảnh Brasil càng trở nên tồi tệ trong mắt toàn cầu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.