Văn hóa - Giải Trí

Tò mò Rặng trâm bầu từ phim bước ra sân khấu kịch

19/04/2018, 07:35

Từ trước tới nay, việc chuyển thể một tác phẩm kịch lên phim đã không còn xa lạ.

29

Một cảnh trong vở “Rặng trâm bầu” - Ảnh: Thiết Mẫn

Cái khó là ở cảm xúc

Năm 2016, sân khấu kịch Family từng gây xôn xao khi ra mắt vở kịch Thượng ẩn, được cảm tác từ bộ phim cùng tên của Trung Quốc. Gặp nhiều chỉ trích vì bị cho là ăn theo, nghệ sĩ Gia Bảo - đạo diễn vở kịch đã thanh minh, vở kịch chỉ lấy cảm hứng 30% theo nguyên tác, còn kịch bản được anh nghĩ từ năm 2008. Dẫu vậy, Thượng ẩn cũng đã khởi xướng cho một hướng đi mới của sân khấu: Đưa phim lên kịch.

Mới đây, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đã chuyển thể bộ phim Rặng trâm bầu thành vở diễn sân khấu. Đây có thể coi là vở kịch đầu tiên được chuyển thể từ phim truyền hình. Được biết, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi từng tham gia bộ phim này và rất thích nội dung phim. Vậy nên, “trong giai đoạn sân khấu thiếu kịch bản hay thì việc chuyển thể bộ phim cũng là một phương án cho sân khấu kịch. Ăn thua ở chỗ, mình có khéo léo để chuyển thể trọn vẹn nội dung của phim lên sân khấu kịch mà thôi”, nghệ sĩ Kim Chi cho biết.

Nội dung chính của phim Rặng trâm bầu xoay quanh nhân vật Ngọc Hiệp - được lấy nguyên mẫu từ Nữ tướng anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Nghiệp. Một người phụ nữ đã hy sinh cả đời mình, kể cả những đứa con yêu dấu cho Tổ quốc. Phim gốc được thực hiện năm 2004, với những câu chuyện cảm động về tình cảm mẹ chồng - nàng dâu, nỗi nhớ của người vợ có chồng chiến đấu phương xa. Khi đưa lên sân khấu kịch, câu chuyện được chú trọng vào nhân vật Ngọc Hiệp do tác giả Vũ Trinh và Uyên Nhi “bắt tay” chuyển thể.

“Chuyển thể phim thành kịch là một cách thể hiện vì theo dõi vở kịch, người xem có thể theo được toàn bộ diễn biến trong thời gian nhất định, còn xem phim thì phải mất cả quá trình”, đồng tác giả kịch bản Vũ Trinh cho hay.

Đảm nhận vai nữ chính Ngọc Hiệp, bà bầu Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Kịch giới hạn thời lượng, nên phải tóm gọn vào nhân vật chính, không truyền tải rõ hơn các tuyến nhân vật khác. Đồng thời, phải xử lý sao cho tình tiết cảm xúc hơn vì không có thời gian cho khán giả theo dõi quá trình như trên phim”.

Tuy nhiên, cái khó ở chỗ khi đóng phim, nhân vật có thời gian chuẩn bị tâm lý, còn kịch thì không. Lên sân khấu, mạch chuyện diễn ra liên tục, diễn viên cần giữ được cảm xúc thật chứ không thể bị ngắt quãng quay phân đoạn như quay phim. Khi dựng vở, bà bầu Trịnh Kim Chi đã cho diễn viên xem lại toàn phần bộ phim để mường tượng được nhân vật, cũng có người không xem để có cảm xúc mới và không bị rập khuôn. “Đây cũng là cách để diễn viên hóa thân vào nhân vật, có lối diễn sao cho khán giả không có cảm giác xem phim trên sân khấu kịch”, chị nhấn mạnh.

Chi phí khoảng 200 triệu đồng

Tác giả Vũ Trinh chia sẻ, phải mất hơn một tháng chỉ để ghi lại các đoạn thoại trên phim. Sau đó, chị lọc bỏ chi tiết, chỉnh lại lời thoại cho cô đọng theo lối diễn sân khấu. “Mục tiêu của vở là khán giả xem sẽ không chìm trong kịch tính mà được sống lại sự thật của lịch sử. Vở không nhấn mạnh về chiến tranh mà đi vào đời sống. Vì bây giờ, giới trẻ không hào hứng với dạng thức như vậy. Khán giả ngày nay không quan tâm chúng ta chiến thắng thế nào mà quan tâm chúng ta đối diện ra sao”, chị Vũ Trinh nhấn mạnh.

Rặng trâm bầu ước tính có kinh phí khoảng 200 triệu đồng, do sân khấu tự bỏ tiền túi để làm. Được biết, chi phí chủ yếu dùng cho việc thiết kế dàn dựng sân khấu. Theo bà bầu Trịnh Kim Chi, ê-kíp đã thu thập các hình ảnh rặng trâm bầu, những làng quê để chiếu slide sao cho sống động. Cùng đó là kết hợp với hình ảnh màn sân khấu được xây dựng bối cảnh 3D tạo hiệu ứng thật nhất cho người xem. Các đạo cụ trong vở diễn như loa, nồi niêu, gạch ngói đều được sơn đen. Toàn bộ trang phục, súng đạn cũng được đi thuê và mua. Chị cũng phải cất công đi tìm những ấm trà cũ, hộp y tế cũ… để lên sân khấu sao cho đúng bối cảnh chiến tranh.

Không những vậy, đích thân bà bầu Trịnh Kim Chi chỉ dạy cho hơn 50 diễn viên của mình, bởi theo chị, lên sân khấu không phải chỉ bắn, giết mà phải diễn xuất. “Thậm chí, tôi còn nhờ thầy dạy hình thể về tập cho diễn viên cách bắn súng, lăn lê, bò trườn, ném lựu đạn”, chị cho biết.

Rặng trâm bầu đã diễn 2 suất tại sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, hai suất đều kín rạp có sức chứa lên tới 400 ghế. Nhiều khán giả trong đó là người trẻ, họ đều dành lời khen cho vở diễn. Đạo diễn Bùi Đình Thứ, cha đẻ của phim Rặng trâm bầu khi xem vở kịch không giấu được vẻ xúc động. Theo ông, trên phim, bối cảnh rộng lớn và đa dạng để diễn viên thỏa sức “tung hoành”, mọi thứ đều biểu đạt bằng hình ảnh. Trên sân khấu chỉ có khoảng không gian đó nên có chút hạn chế về chuyển đổi thời gian, không gian.

“Xương sống của kịch bản thì đã chuyển thể được trọn vẹn trên sân khấu. Diễn viên trẻ diễn xuất chưa hẳn tinh tế lắm nhưng về tổng thể thì ổn. Tôi nghĩ vở diễn đã thành công khi khán giả vỗ tay không ngớt sau mỗi màn, lấy được cảm xúc người xem”, đạo diễn Bùi Đình Thứ nhận xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.