Xã hội

Tố tụng "cố đấm ăn xôi" dễ bắt tù oan

28/04/2014, 06:57

Sau khi về hưu, TS. Dương Thanh Biểu (nguyên Viện phó Viện KSND Tối cao) cho ra mắt hai cuốn sách, gần đây nhất cuốn "Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời" ...

Ông Dương Thanh Biểu (trái) tặng sách Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời cho Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình
Ông Dương Thanh Biểu (trái) tặng sách Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời cho Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Những vụ án oan “đình đám”


Theo tôi được biết, những trường hợp oan sai dù không nhiều nhưng vẫn diễn ra. Thập kỷ 90 thế kỷ trước, vụ án Huỳnh Văn Nam ở tỉnh Đồng Nai bị tuyên phạt tử hình về tội giết người cướp của, nhưng khi lật lại vụ việc, thấy có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông Nam bị oan, ông ấy đã bị chết trước khi có kết luận cuối cùng. Trong những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, có vụ án oan nổi tiếng Tạ Đình Đề. Ông bị bắt giam hai lần nhưng cuối cùng được xác định không phạm tội. Hoặc vụ án KC50 ở tỉnh Cửu Long, gần 200 người bị bắt giam oan, sau đó Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc xác định họ không phạm tội. Vụ án Nguyễn Ngọc Phi ở Thái Bình, bị tuyên phạt 17 năm tù. Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, ông Phi được chứng minh vô tội, TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông số tiền trên 21 tỷ đồng. Gần đây là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc  Giang) ngồi tù oan 10 năm với bao cay đắng cho bản thân, gia đình...

Ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù 10 năm, trong thời gian này gia đình đã gửi đơn kêu oan rất nhiều. Trong thời gian đang công tác tại Viện KSND Tối cao, ông đã bao giờ nhận được đơn kêu oan  từ gia đình ông Chấn?


Tôi cũng có những thắc mắc như vậy. Trong thời gian qua, Viện KSND Tối cao luôn rà soát và nghiên cứu các đơn khiếu nại giám đốc thẩm và tái thẩm nhưng không hề nhận được đơn thư của gia đình ông Chấn. Có thể do số lượng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất nhiều. 


Từ vụ ông Chấn, tôi cho rằng cần có hướng dẫn để người dân biết được quy trình gửi đơn thư khiếu nại trong hoạt động tư pháp, nhất là khiếu nại lên cấp giám đốc thẩm, tái thẩm để đơn được gửi đúng địa chỉ. Các cơ quan có thẩm quyền cần định kỳ rà soát đơn thư đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm. 

Oan sai vì “Cố đấm ăn xôi”


Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan được đánh giá là một vụ điển hình, ông nghĩ sao?


Nói là điển hình cũng đúng. Nghiên cứu những vụ án oan cho thấy, một số cán bộ tiến hành tố tụng thường có tư tưởng định kiến, suy diễn, chỉ chú ý đến các chứng cứ buộc tội, ít chú ý đến chứng cứ gỡ tội. Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Chấn luôn khai là bị ép cung, không thực hiện hành vi giết người. Trong lúc đó, chứng cứ buộc tội ông Chấn rất lỏng lẻo, thiếu lôgic, có sự mâu thuẫn về thời gian, về mô tả vật chứng, dấu vết, việc thực nghiệm hiện trường. Tang vật là chuôi dao không thu thập được. Mặt khác, có nhiều chứng cứ gỡ tội cho ông Chấn. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cả sơ thẩm và phúc thẩm đều không yêu cầu điều tra làm rõ.

Có cách nào khắc phục tình trạng nêu trên, thưa ông?


Chúng ta có thể tham khảo từ các nước có nền tư pháp tiên tiến, như việc triệt để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong một vụ án, nếu quá trình điều tra chỉ có một nửa là chứng cứ buộc tội bị cáo, còn nửa kia là chứng cứ gỡ tội thì Hội đồng xét xử sẽ tuyên bị cáo không phạm tội. Theo nguyên tắc này, ở các giai đoạn tố tụng, nếu cơ quan tố tụng không thể chứng minh được tội phạm thì phải xác định là bị can, bị cáo vô tội và chấm dứt hoạt động tố tụng. Sau đó, nếu cơ quan điều tra phát hiện chứng cứ buộc tội thì giải quyết bằng một vụ án khác, chứ không có tình trạng, cấp trên bảo vệ cấp dưới, cố tình dây dưa, “cố đấm ăn xôi” để tập trung buộc tội bị cáo cho bằng được.
 

"Tôi biết về ông Tạ Đình Đề qua các câu chuyện có màu sắc huyền thoại, một anh hùng. Rất đáng buồn, mấy lần gặp ông Tạ Đình Đề, người Anh hùng trong trí tưởng tượng của tôi năm xưa, lúc này lại là bị can, bị cáo, hai lần sa vào vòng lao lý, gần bốn năm ngồi tù oan!”.

 

TS. Dương Thanh Biểu
nguyên Viện phó Viện KSND Tối cao 

Đây là nguyên tắc, mục tiêu cuối cùng nhằm làm lợi cho bị can, bị cáo. Bởi vậy, khi thảo luận sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị phải ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật này. Tôi cũng thống nhất quan điểm trên.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giám sát thì tình trạng mớm cung, ép cung... làm sai lệch bản chất vụ án vẫn xảy ra. Vai trò của luật sư trong các vụ án hiện đã được đặt đúng vị trí chưa?


Tình trạng bức cung, mớm cung, thậm chí có cả nhục hình không chỉ xảy ra ở nước ta mà tại các nước trên thế giới cũng có. Để giải quyết vấn đề này, các nước tiên tiến đã có cách khắc phục như quy định thủ tục điều tra chặt chẽ, công khai và khoa học hơn. Ví dụ, pháp luật các nước này quy định, một bản cung được coi là hợp pháp phải đáp ứng hai điều kiện: Các bản cung phải có luật sư tham gia; phải có băng ghi âm buổi hỏi cung đó kèm theo. 

Án oan đeo bám mấy chục năm


Trong cuốn sách viết về người anh hùng trong mắt công chúng, Tạ Đình Đề bị hàm oan hơn 10 năm, ra mắt đầu năm nay, ông có nhắc đến bản thân như đã “mắc nợ” điều gì đó đối với ông Đề. Món nợ đó là cái gì?


Trong lần ông Đề bị bắt giam lần thứ hai, tôi giữ vai trò Kiểm sát viên theo dõi vụ việc, nên đã làm được một số việc cụ thể, vụ án kết thúc với việc ông Đề được tuyên không có tội. Nhưng việc ông Đề bị oan ức cứ đeo bám tôi suốt mấy chục năm trời làm nghề Kiểm sát. Vì những gì ông phải chịu đựng qua những lần bị bắt giam oan quá lớn. Khi đã về hưu, tôi vẫn không quên được hình ảnh ông Đề, cảm giác “mắc nợ” một vị Anh hùng bị tù oan. Tôi đã lục tung cả kho lưu trữ để đọc lại hồ sơ của hai vụ án mà ông Đề là bị can, bị cáo. Tôi đã tìm gặp những người làm công việc điều tra, truy tố và xét xử ông Đề ở vụ án trên, khi ông Đề còn sống, tôi đã nhiều lần được trò chuyện cùng ông... Cuốn sách của tôi như là trả nợ cho ông Đề.

Cảm ơn ông!

M.Đồng (Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.