Pháp luật

Tòa rút "lệnh" cấm báo đăng bài về Thành Bưởi có đúng luật?

30/03/2017, 07:53

Nếu không khẳng định Quyết định 72/2017/QĐ-BPKCTT của TAND quận 5 là trái luật thì sẽ tạo ra các tiền lệ vi phạm khác...

4

Xe Thành Bưởi đón khách trên đường Trần Phú, Q.5, TP.HCM

Nếu không khẳng định Quyết định 72/2017/QĐ-BPKCTT của TAND quận 5 là trái luật thì sẽ tạo ra các tiền lệ vi phạm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hoạt động của báo chí, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia về chống xe dù, bến cóc.

Lý do hủy bỏ "lệnh" cấm chưa thỏa đáng

Chiều 29/3, Báo Giao thông nhận được Quyết định số 74/2017/QĐ-BPKCTT (gọi tắt là Quyết định 74) hủy bỏ Quyết định số 72/2017/QĐ-BPKCTT (gọi tắt là Quyết định 72) buộc Báo Giao thông không đăng bài về xe Thành Bưởi chạy trá hình, né thuế, phí của TAND quận 5, TP.HCM.

Ngay khi nhận được quyết định kể trên, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền và lợi ích của Báo Giao thông trong vụ kiện của nhà xe Thành Bưởi đã có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng thể hiện quan điểm việc TAND quận 5 rút Quyết định 72 chỉ vì lý do Công ty Thành Bưởi rút đơn yêu cầu là chưa thỏa đáng, quyết định này phải bị hủy vì vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, ngay sau khi nhận được Quyết định 72, Báo Giao thông đã có đơn khiếu nại quyết định này. Tuy nhiên, đến nay, tòa mới chỉ ban hành quyết định rút lệnh cấm theo đề nghị của Công ty TNHH Thành Bưởi mà chưa trả lời đơn khiếu nại của Báo Giao thông. Hiện, Báo Giao thông vẫn chờ trả lời đơn khiếu nại chính thức của TAND quận 5. Nếu quá thời gian theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà TAND quận 5 không trả lời, thì Báo Giao thông sẽ khiếu nại vượt cấp để được trả lời.

"Chúng tôi khiếu nại Quyết định 72 vì quyết định trái pháp luật thì TAND quận 5 phải trả lời quyết định ấy có trái pháp luật hay không, chứ không phải rút lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đề nghị của Công ty TNHH Thành Bưởi là xong", luật sư Uyên nói.

Theo luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự trong trường hợp phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo vệ tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án. Do đó, việc cấm Báo Giao thông đăng tải các bài viết mới về Thành Bưởi không nhằm giải quyết mục đích kể trên.

Tương tự, Khoản 3, Điều 38 Luật Báo chí cũng quy định đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Bởi vậy, Báo Giao thông có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình về các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Thành Bưởi và chịu trách nhiệm về nội dung tin bài của mình. Trách nhiệm của Báo Giao thông với từng bài báo là độc lập. Ngay cả khi nội dung bài báo của Báo Giao thông mà Công ty Thành Bưởi nêu trong đơn khởi kiện trong vụ án là sai thì cũng không dẫn đến việc Báo Giao thông không được quyền đăng tải các bài báo khác về Công ty Thành Bưởi trong cùng vấn đề. Nếu Công ty Thành Bưởi cho rằng bài báo cụ thể nào đưa sai thì có thể thực hiện quyền tự bảo vệ của mình theo luật, trong đó có quyền khởi kiện về nội dung từng bài cụ thể.

Việc Báo Giao thông đăng hay không đăng các bài tiếp theo về Công ty Thành Bưởi cũng không liên quan, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án tranh chấp về nội dung của một bài báo cụ thể trước đó đúng hay sai. Do đó, quyết định của TAND quận 5 đã đi ra ngoài phạm vi vụ án, không nhằm bất cứ mục đích nào để đảm bảo giải quyết vụ án. Việc này là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Dân sự. Bên cạnh đó, ngay cả khi TAND quận 5 muốn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bắt buộc phải chi tiết cụ thể hành vi đó là gì, không thể nói chung chung, mơ hồ và không rõ ràng.

Dễ tạo tiền lệ vi phạm

Cũng theo luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, với Quyết định 72, TAND quận 5 không chỉ vô tình bảo vệ cho các sai phạm của Công ty Thành Bưởi, tạo điều kiện cho Công ty Thành Bưởi tiếp tục vi phạm mà chính TAND quận 5 còn thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 11, Điều 9 của Luật Báo chí. Việc TAND quận 5 buộc Báo Giao thông không được đăng tải các bài báo phản ánh liên quan đến Công ty Thành Bưởi trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng còn vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà Hiến pháp đã quy định. Cụ thể, Khoản 11, Điều 9 Luật Báo chí quy định nghiêm cấm hành vi “Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng”. Khoản 3, Điều 38 Luật Báo chí quy định đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Luật sư Uyên cũng chỉ ra, việc TAND quận 5 đã ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên, nhưng lý do Tòa đưa ra là do Công ty Thành Bưởi rút yêu cầu mà không hề khẳng định quyết định này là trái luật, trái chủ trương của Đảng và Nhà nước có nghĩa rằng nếu Công ty Thành Bưởi tiếp tục có yêu cầu thì TAND quận 5 lại có thể tiếp tục ra quyết định khác tương tự.

Hơn nữa, Quyết định 72 đã được ban hành trên thực tế và đã có hiệu lực, đã làm phát sinh các hậu quả pháp lý nên cho dù Quyết định 72 bị hủy bỏ theo yêu cầu của Công ty Thành Bưởi thì vẫn phải xem xét tính hợp pháp của quyết định này. "Tòa án phải trả lời câu hỏi của Báo Giao thông rằng quyết định của thẩm phán về áp dụng biện pháp “khẩn cấp tạm thời” là quyết định trái pháp luật hay không, chứ không phải thích thì áp dụng, không thích thì hủy bỏ", luật sư Uyên đề nghị.

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên chánh Tòa quân sự trung ương):

Công ty Thành Bưởi phải bồi thường thiệt hại cho Báo Giao thông

Liên quan đến việc TAND quận 5 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Báo Giao thông (theo đề nghị của Công ty Thành Bưởi), khi toà ra quyết định thì Báo Giao thông có thời hạn 3 ngày để khiếu nại và Báo Giao thông đã gửi khiếu nại thì tòa án quận 5 phải có trách nhiệm trả lời.

Trong trường hợp quyết định của toà là sai, gây hậu quả thì dẫn tới 2 khả năng: Nếu toà ra quyết định hủy bỏ dựa trên yêu cầu của nguyên đơn thì nguyên đơn phải bồi thường cho quyết định đó. Nếu toà tự ra quyết định thì toà phải bồi thường.

Trong trường hợp của Báo Giao thông, nếu quyết định 72 sai gây ảnh hưởng cho Báo Giao thông thì Công ty Thành Bưởi phải có trách nhiệm bồi thường chứ không phải là toà án, vì phía Công ty Thành Bưởi đã có đề nghị toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dựa trên những chứng cứ mà công ty này cung cấp.

Về phía thẩm phán ký quyết định, nếu sai thì cũng phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoài Thu (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.