Chính trị

Tòa Tối cao "ôm" nhiều nhiệm vụ là trái Hiến pháp

23/04/2014, 06:45

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, TAND Tối cao "ôm" thêm khâu tổ chức cán bộ của tòa địa phương sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử.

TAND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với Nguyễn Duy Hiệu về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”
TAND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với Nguyễn Duy Hiệu về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ


Xem lại khái niệm quản lý tòa án


Tổ chức và hoạt động của TAND, phẩm chất, năng lực, tuổi làm việc của Thẩm phán là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) ngày 22/4.


Theo quy định của Hiến pháp, TAND tối cao có 3 nhiệm vụ (thứ nhất là Xét xử, thứ hai là Giám đốc thẩm, thứ ba là Tổng kết hoạt động xét xử và bảo đảm thống nhất hoạt động trong xét xử). Tuy nhiên, tại Điều 8 Dự thảo luật Về quản lý các TAND lại có quy định: "TAND Tối cao quản lý các TAND về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với HĐND". 
 

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến cụ thể đối với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, trong đó có các Tòa chuyên trách. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng tòa án, nếu quá nhiều vụ việc cần giải quyết thì mới thành lập thêm TAND sơ thẩm khu vực. 


Đối với "Tòa giản lược", đại diện Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, không nên thành lập thêm "Tòa giản lược" trong TAND sơ thẩm khu vực. Vì các loại việc sẽ tùy theo tính chất mà giao cho Tòa chuyên trách tương ứng giải quyết, vẫn bảo đảm hiệu quả và không làm cồng kềnh tổ chức bộ máy, phát sinh thêm biên chế.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị xem lại khái niệm quản lý tòa án. Bởi theo như dự thảo, vô hình trung khiến cho TAND Tối cao "ôm" thêm khâu tổ chức cán bộ của tòa địa phương và khi thực hiện quá nhiều nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử, là hoạt động chủ yếu của tòa án. "Nếu quy định như dự luật là trái Hiến pháp và ảnh hưởng đến hoạt động chung", ông Lý cho biết.

Trong khi đó, coi Thẩm phán là một vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước, được nhân danh Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xét xử, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, dự luật cần phải nói rõ thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất, năng lực và uy tín của Thẩm phán TAND. "Đòi hỏi của thẩm phán là vừa uyên thâm về quá trình công tác, nhưng còn phải có bản lĩnh, năng lực trí tuệ, có khả năng phán xét và nhạy cảm trong xét xử", Phó Chủ tịch QH nói. 


Đối với quy định về tuổi làm việc của Thẩm phán, các đại biểu tán thành kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán TAND Tối cao, cụ thể đối với nam làm việc không quá 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi. Các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Đồng thời, quy định rõ Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo. 

Tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên


Tòa gia đình và người chưa thành niên là Tòa mới đối với nước ta có trong tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm. Tuy nhiên, trong Tờ trình của TAND Tối cao chưa thuyết trình rõ về sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Tòa này để QH có cơ sở xem xét, quyết định. 


Đề cập đến nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên xuất phát từ tình hình ngày càng có nhiều trẻ em phạm tội, bị xâm hại, bạo lực gia đình..., gây ra những sang chấn lớn với người chưa thành niên. Ngoài ra, việc tổ chức tòa này cũng góp phần nâng cao vai trò chăm sóc, giáo dục trẻ chưa thành niên, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em...


Ủng hộ việc có một Tòa án gia đình và người chưa thành niên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, như vậy sẽ tốt hơn trong việc bảo vệ người chưa thành niên. "Ở các nước, khi người chưa thành niên vi phạm pháp luật, không phải cơ quan điều tra làm việc ngay từ đầu mà phải có nhân viên xã hội xuất hiện để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên", bà Mai đề nghị có những quy định kèm theo. Chẳng hạn, khi có người chưa thành niên phạm tội, ngay tức khắc phải có nhân viên xã hội tiếp cận, tìm hiểu. Có như vậy, dư luận xã hội cũng sẽ có phản ứng tích cực.                             

Minh Tiến 
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.