Pháp luật

Toàn cảnh vụ cà phê nhuộm pin làm giả hồ tiêu gây rúng động

29/04/2018, 23:04
image

Toàn cảnh rõ nét, đầy đủ nhất về vụ cà phê pin con Ó làm giả hồ tiêu gây rúng động dư luận.

1-265548

Toàn cảnh rõ nét, đầy đủ nhất về vụ cà phê pin con Ó làm giả hồ tiêu gây rúng động dư luận.

Vào ngày 16/4, từ nguồn tin báo của người dân, Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bắt quả tang cơ sở chế biến cà phê “bẩn” bằng cách nhuộm cà phê phế thải, bột đá với chất bột màu đen của cục pin.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hơn chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với bột đá và bột pin hòa nước. Tại khu vực chế biến, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 2 chậu chứa cục pin con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn hỗn hợp cà phê đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng bao, cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất hỗn hợp cà phê “bẩn".

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ pin. Hiện, công an đang khẩn trương làm rõ động cơ, mục đích của chủ cơ sở để có cơ sở xử lý. Hiện, các tang vật được thu giữ đang được đưa đi giám định để làm cơ sở xử lý.

Sau đó, căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với 05 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, hộ khẩu thường trú: Thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp; Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, hộ khẩu thường trú: xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp); Phan Thị Dung (SN 1962, hộ khẩu thường trú: Khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, hộ khẩu thường trú: Thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, nghề nghiệp: kinh doanh); Trần Văn Tuấn (SN 1976, hộ khẩu thường trú: Thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song). Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương tập trung điều tra, xác minh để nhanh chóng làm rõ vụ việc.

Cũng theo công an tỉnh Đắk Nông, về mục đích làm ra hỗn hợp, bước đầu Loan và Bảo đều khai nhận để bán cho bà Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn. Hiện bà Loan và Bảo đã bán được 3 tấn. Sau khi mua hỗn hợp trên từ bà Loan, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành thu giữ được lượng hỗn hợp trên tại kho nông sản của Phan Thị Dung (ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Qua xác minh ban đầu, hỗn hợp do Loan và Bảo làm ra đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông thu giữ, hỗn hợp này chưa được tiêu thụ ra ngoài thị trường. 

Ngày 26/4, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện KSND Đắk Nông cho biết: "Đã bắt khẩn cấp 5 nghi can trong vụ phế phẩm cà phê nhuộm pin… hiện đang trong thời hạn tạm giữ 9 ngày. Hiện hồ sơ vụ án đang được các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, chưa phê chuẩn, chưa khởi tố bị can. Đây là vụ án phức tạp nhưng cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra, xác minh, làm rõ thêm căn cứ mới khởi tố bị can".

Cũng theo ông Cường, đến nay đã đủ căn cứ để khẳng định bà Nguyễn Thị Thanh Loan trộn phế phẩm cà phê với sỏi (0,5-1mm) rồi nhuộm với dung dịch pin để đóng gói đem bán về Bình Phước để trộn vào tiêu làm thực phẩm. Bà Loan đi thu mua vỏ, phế phẩm cà phê, sỏi về nhuộm pin để tạo ra tạp chất có màu đen giống tiêu rồi bán ra kiếm lời.

Thông tin phế phẩm cà phê nhộm pin không phải làm giả cà phê mà là giả hồ tiêu khiến dư luận bất ngờ. Mặc dù cơ quan công an cho biết hồ tiêu trộn phế phẩm đã được xuất bán nhưng lại chưa khẳng định bán đi đâu, tới thị trường nào? 

Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, việc trộn sỏi và pin làm hỗn hợp làm giả thực phẩm là điều hết sức ngớ ngẩn, rất dễ bị phát hiện bởi mùi vị và cặn. Còn điều gì bí ẩn chưa được khám phá trong vụ án này? Dư luận đang đòi hỏi cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hơn nữa đường đi của những thực phẩm bẩn để trán an hàng chục người tiêu dùng đang hoang mang.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.