Văn hóa - Giải Trí

Toàn đạo diễn già, sân khấu kịch thiếu tương lai

10/04/2018, 09:10

Nhìn vào danh sách các đạo diễn tham dự Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018...

23

Một cảnh trong vở “Gặp lại người đã chết” - tác phẩm dự thi của Đoàn kịch nói Công an nhân dân

Vẫn những gương mặt thân quen

Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc có 27 vở diễn của 22 đơn vị sân khấu trên cả nước. Điểm đặc biệt của liên hoan này là có đến 13 đơn vị sân khấu ngoài công lập tham gia. Thay vì trước đây, liên hoan chỉ là “sân chơi” của các đơn vị sân khấu Nhà nước thì thời điểm này, liên hoan vẫn là “sân chơi” của các đạo diễn gạo cội.

Mỗi kỳ Liên hoan sân khấu Kịch nói, khán giả vẫn mong mỏi có những yếu tố mới, lạ từ các vở diễn như: Kịch bản mới, diễn viên mới, hay chí ít là đạo diễn mới. Tuy nhiên, điều này vẫn còn khá “xa xỉ” khi nhìn vào danh sách các vở diễn, các đạo diễn của liên hoan. Vẫn là những gương mặt đạo diễn cũ, có khả năng giật huy chương về cho đoàn, đồng nghĩa với cơ hội giao lưu, cọ xát của các đạo diễn trẻ vẫn còn xa vời.

Nhìn vào danh sách 27 vở diễn tham gia thì có đến 5 vở do NSND Lê Hùng làm đạo diễn. Trong đó có các vở: Gặp lại người đã chết (Nhà hát Kịch Công an nhân dân), Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát Kịch Quân đội), Tình đồng đội (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thiên đường (Đoàn Kịch nói Hải Phòng). Ngoài ra, là những cái tên quen thuộc như: Đạo diễn, NSND Hoàng Dũng, NSND Anh Tú, NSND Lê Khanh (Sân khấu công lập).

Thậm chí, sân khấu ngoài công lập thì các vở diễn cũng được giao cho những tên tuổi như: NSND Trần Nhượng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Trịnh Kim Chi… Hiếm có cái tên lạ trong danh sách các vở diễn tham dự.

Tre già nhưng măng chưa mọc

Có thể nói, liên hoan này cũng phản ánh thực trạng của sân khấu kịch nói Việt Nam hiện nay, khi các đạo diễn trẻ vẫn chưa thể hiện được bản thân. Như với Nhà hát Kịch Việt Nam, các vở diễn được dàn dựng trong năm vẫn chỉ có NSND Anh Tú đứng tên, hay Nhà hát Tuổi trẻ là NSƯT Chí Trung, NSND Lê Khanh, NSƯT Sĩ Tiến…

Nói như vậy không có nghĩa là có sự khắt khe nào đối với các đạo diễn trẻ. NSND Anh Tú, quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Không có lý do gì để có thể ngăn họ không được sáng tác. Hầu hết các đạo diễn trẻ hiện nay đều được đào tạo chuyên ngành đạo diễn bài bản tại trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Thời buổi “người khôn, của khó” về sân khấu, đạo diễn, biên kịch thiếu và yếu, sự xuất hiện của những đạo diễn được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết”.

Còn NSƯT Trần Minh Ngọc từng chia sẻ: “Sân khấu chỉ có những người già như chúng tôi làm đạo diễn sẽ là một sân khấu thiếu tương lai. Hãy tạo điều kiện cho người trẻ xuất hiện, trao cho họ cơ hội và sự tin yêu, đừng buộc họ phải tự bơi nữa”.

Khi hỏi vì sao một nghệ sĩ như Xuân Bắc, với vai trò phó giám đốc lại không làm đạo diễn các vở ở Nhà hát Kịch Việt Nam, trong khi định kỳ hàng năm mỗi dịp 1/6, anh vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên các vở diễn cho thiếu nhi, tạo hiệu ứng rất tốt. NSƯT Xuân Bắc “cẩn trọng” cho rằng, bản thân anh còn nhiều dự án và mong được trau dồi thêm trước khi đảm nhận các vở diễn lớn. “Tôi nghĩ, các đạo diễn trẻ muốn cất lên tiếng nói của mình một cách nghiêm túc nên không vội vàng phải có ngay tác phẩm. Chúng tôi muốn khi mình có tác phẩm đầu tiên thì phải là tác phẩm chọn lọc rồi, chứ không đơn thuần là các tác phẩm nhằm giải tỏa sự mông lung khi không có nghề nữa. Lớp đạo diễn trẻ chắc chắn sẽ mang tới một màu sắc mới cho sân khấu. Tuy nhiên, cần có thêm những chương trình để lớp đạo diễn trẻ được trổ tài và trau dồi thêm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.