Hạ tầng

"Tối hậu thư" cho nhà thầu xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

23/04/2014, 14:40

"Tiến độ dự án chậm là do năng lực tài chính của các nhà thầu quốc tế. Nếu không đảm bảo tiến độ, Bộ sẽ cấm cửa tham gia các dự án tại Việt Nam"- Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp.

Tiến độ “rùa bò” trên đường cao tốc

Theo ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI): “Sau 4 năm thi công, tất cả các gói thầu do nhà thầu quốc tế thực hiện đều chậm. Nguyên nhân được xác định là do nhân lực yếu nhưng quan trọng nhất là năng lực tài chính kém. Theo điều khoản hợp đồng, các nhà thầu phải dùng vốn lưu động để dự trữ vật liệu, tuy nhiên hầu hết không huy động đủ vốn lưu động như cam kết mà chủ yếu dựa vào nguồn thanh toán hằng tháng của nhà đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng không thanh toán kịp công nợ cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu, thiết bị, nhân công diễn ra phổ biến. Cũng vì lý do này, các nhà thầu chính không thuê được thầu phụ có chất lượng, hoặc nhà thầu phụ tự ý dừng thi công dẫn đến chậm tiến độ công trình”.

Cũng theo ông Chiến, tuy khối lượng các gói thầu được chia nhỏ nhưng giá trị lại lớn, nếu tài chính nhà thầu không mạnh sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều nhà thầu phụ thuộc vào nhà thầu phụ nhưng khi thuê nhà thầu phụ giá thấp thì khó bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. 

“Mục tiêu năm 2015 thông xe toàn tuyến nhưng đến nay các nhà thầu chưa tính hết các yếu tố bất trắc xảy ra như vật liệu tắc nghẽn, cơ sở vật chất, nhân lực, công nhân kỹ thuật, máy móc thuê ở đâu, tiền ở đâu ra… nên dù nhà thầu có hứa đúng tiến độ nhưng chưa thật sự yên tâm” – ông Chiến lo ngại.

Cùng với nhận định này, Giám đốc tư vấn dự án cho biết: “Trong 3 tháng đầu năm 2014 các gói thầu đều chậm tiến độ đề ra. Tư vấn đang đưa ra các biện pháp xử lý đối với các nhà thầu. Đến tháng 4 cơ bản tiến độ đã đạt 56%, nên thời gian tới còn nhiều việc phải hoàn tất. Quan ngại nhất là khả năng hoàn thành gói thầu bởi các nghĩa vụ theo hợp đồng đã không được nhà thầu chấp hành đầy đủ. Tư vấn luôn chỉ đạo các nhà thầu nêu rõ lý do….”.

Hiện trường dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện trường dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Một số lý do được tư vấn đưa ra nữa là các nhà thầu chưa quen làm việc theo kế hoạch, chưa có đội ngũ quản lý kế hoạch. Một số chưa hiểu hết hệ quả của việc trượt tiến độ như thế nào. Bộ máy quản lý yếu, thiếu quyết tâm thực hiện theo kế hoạch đề ra. 

Thời gian qua, chủ đầu tư đã phải có nhiều biện pháp cứng rắng, gửi văn bản đến công ty mẹ tại Trung Quốc và Hàn Quốc để thông báo, thúc giục, không để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lương công trình.  

Sẽ cấm cửa nếu không làm nghiêm chỉnh

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, các nhà thầu quốc tế đều cho rằng, nguyên nhân chính là nguồn tài chính chưa đáp ứng được và đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan.

Đại diện nhà thầu KengNam (Hàn Quốc) hứa sẽ bảo đảm đủ trong quá trình thực hiện dự án. Trước phần trả lời có phần thiếu thuyết phục này, Bộ trưởng Đinh La Thăng  thẳng thắn: “Kengnam là một thương hiệu lớn nhưng lại hay chậm. Công ty mẹ tại Hàn Quốc hứa làm tuyến Hà Nội – Lào Cai nhưng có làm đâu. Các anh về báo cáo với công ty mẹ tại Hàn Quốc, nếu không giúp đỡ tài chính cho công ty con thì Bộ GTVT sẽ có văn bản cấm cửa, không cho Kengnam tham gia các dự án giao thông tại Việt Nam nữa”. 

“Các ông toàn bán thương hiệu cho các nhà thầu Việt Nam, chỉ đứng tên rồi lấy phần trăm, không làm. Việc này nếu cho công an vào điều tra thì sẽ to chuyện” – Bộ trưởng gay gắt.

Đại diện Nhà thầu Sơn Đông (Trung Quốc) cũng cho biết, sẽ cung cấp đủ tài chính theo tiến độ và đang chuẩn bị tiền. Nhưng khi được hỏi, cụ thể khi nào thì có đủ tiền thì đại diện nhà thầu ấp úng đáp “nhanh thì tháng tới sẽ có”. Tương tự, nhà thầu là Tổng công ty cầu đường Trung Quốc cho biết “đang đi vay tiền”. Nhưng khi được chất vấn là khi nào thì vay được thì đại diện nhà thầu này không trả lời được.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá: “Đây là dự án hết sức quan trọng, là tuyến đường trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương đặc biệt quan tâm, lẽ ra phải hoàn thành và năm 2013. Tuy nhiên, dự án quá chậm so với ban đầu dù nay các chủ đầu tư thỏa thuận đạt tiến độ nhưng tiến độ mới cũng vẫn chậm. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là năng lực các nhà thầu quá yếu kém. Các nhà thầu đều là những thương hiệu khổng lồ nhưng làm ăn không bằng chú lùn. Năng lực thi công, tổ chức, lựa chọn nhà thầu kém, không rõ ràng, tiền nong thanh toán không sòng phẳng nên mới bị chậm. Vì thế các nhà thầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để xứng đáng với tên tuổi của mình. Không được làm ăn chắp vá, ăn đong, tay không bắt giặc, chạy từng đồng vốn một…”. 

Bộ trưởng yêu cầu, Cục QLXD&CLCTGT cùng chủ đầu tư, nhà thầu rà soát lại tiến độ dự án và tiến độ chi tiết từng gói thầu. Bên cạnh đó phải họp từng tháng đề kiểm điểm tiến độ và giải quyết vướng mắc. Đặc biệt, Cục QLXD&CLCTGT khẩn trương soạn dự thảo công điện của Thủ tướng để giải quyết vấn đề chở vật liệu cho công trường, kịp thời xử lý những vấn đề vướng mắc mà VIDIFI đã báo cáo.

Đối với chủ đầu tư, phải chuẩn bị đầy đủ nguồn tiền thanh toán cho nhà nhầu. Bên cạnh đó, phối hợp rà soát lại các thủ tục thanh toán, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thầu. Thanh toán rồi phải kiểm soát nguồn tiền đó để không bị trôi đi nơi khác. Đặc biệt, chủ đầu tư hàng ngày, hàng tuần tổ chức giao ban trên công trường để xử lý các vấn đề vướng mắc. Tranh thủ thời tiết để đẩy nhanh tiến độ, cung cấp đầy đủ vật liệu cho nhà thầu. Cử người thường xuyên trực trên công trường, yêu cầu nhà thầu làm 3 ca. Phải xử phạt nghiêm các nhà thầu không đảm bảo tiến độ. Có thể tính đến phương án cắt hợp đồng nếu các nhà thầu chây ì.

Đặc biệt đối với các nhà thầu, Bộ trưởng yêu cầu phải khẩn trương tăng cường năng lực tài chính, lực lượng quản lý dự án, kỹ sư trên công trường để làm 3 ca, làm bù cho thời gian chậm. Tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án. Bên cạnh đó, cần thỏa thuận với các địa phương để hoàn trả các công trình như: công trình giao thông, thủy lợi, tưới tiêu... sau khi dự án hoàn thành. Khẩn trương thay thế, tăng cường nhà thầu phụ, đáp ứng công việc… 

“Các nhà thầu phải bằng mọi biện pháp đảm bảo tiến độ cuối cùng, không lùi nữa. Nếu các nhà thầu lớn này không hoàn thành đúng tiến độ, Bộ GTVT sẽ cấm cửa tham gia các dự án xây dựng công trình giao thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nếu đầu tháng 7 tới, tiến độ dự án không bảo đảm, Bộ GTVT sẽ chính thức có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Tiến Mạnh 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.