Xã hội

Tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma túy ở Việt Nam sắp hết cửa rửa tiền?

08/11/2019, 11:52

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xác định các tình tiết định tính của hành vi rửa tiền, khắc phục bất cập trong thực tiễn xét xử.

img
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại lễ công bố Nghị quyết sáng 31/5

Ngày 31/5, TAND Tối cao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền.

Phát biểu công bố Nghị quyết, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới mẻ, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực tiễn phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt.

Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền “bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Chính vì vậy, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập. Đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Nghị quyết được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 23/5/2019 và Chánh án TAND Tối cao ký ban hành ngày 24/5/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/7/2019.

Theo đó, nghị quyết hướng dẫn xác định một số hành vi khách quan của tội rửa tiền.

Cụ thể: Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ...).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.