Pháp luật

Tội rửa tiền có thể bị phạt tới 20 tỷ đồng

13/12/2019, 23:32

Cá nhân phạm tội rửa tiền có thể bị phạt từ 20 triệu đến 20 tỉ đồng, tùy theo mức độ phạm tội

img
Tội rửa tiền có thể bị phạt tới 20 tỷ đồng

Theo luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) rửa tiền là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ngân hàng tài chính để rút tiền, mà số tiền đó là của tội phạm hoặc phạm tội mà có.

Còn theo LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) tội rửa tiền được quy định rõ tại điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 03/2019 Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Theo đó, tùy vào tính chất, giá trị tiền và tài sản, khoản thu lợi bất chính, hành vi phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 15 năm tù.

“Hành vi bị cáo buộc là có dấu hiệu của tội rửa tiền xuất phát từ 2 nguồn cơ bản. Có thể là tiền đó do hành vi phạm tội mà có, có nghĩa là có một người cố tình làm trái pháp luật, để có được nguồn tiền, sau đó người này sử dụng nguồn tiền vào các mục đích khác (như góp vốn kinh doanh vào công ty khác, mua nhà, mua xe...) nhằm không còn lưu trữ số tiền do hành vi phạm tội của mình, biến dòng tiền đó thành những tài sản khác. Hoặc người đó biết hoặc có cơ sở để biết tiền đó là do người khác phạm tội mà có, nhưng vẫn đứng ra nhận số tiền này và tiếp tục quay vòng nguồn tiền để không còn giữ nguyên trạng tháng ban đầu của nó”, LS Phát phân tích.

Đồng ý quan điểm trên, LS Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em) cho biết tội rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận, tài sản có được từ hành vi phạm tội mà có trở thành các tài sản hợp pháp. Theo điều 324, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), thì người phạm tội này sẽ bị mức án thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 15 năm tù.

Nói ví von về hành vi rửa tiền, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng, công việc rửa tiền giống như giặt áo quần. Nếu giặt một lần không sạch, thì giặt nhiều lần mới có thể sạch. Rửa tiền là hành vi không dễ nhưng bản chất của việc rửa tiền là phải làm cho đồng tiền mất dấu và cuối cùng là cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc “tiền bẩn” ban đầu.

Nhiều người nghĩ đơn giản, thông qua xổ số thì quá thô sơ. Rửa tiền có kỹ thuật ở đây phải biến báo cho dòng tiền chạy từ quốc gia này sang quốc gia kia, từ hàng hóa nọ sang hàng hóa kia và từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia nhưng thường phải qua biên giới. Những dòng tiền bẩn sẽ được biến thành những loại hàng hóa ở vùng biên giới và ở những nước có sự quản lý lỏng lẻo thì “tiền bẩn” mới có thể trở thành “tiền sạch”.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương phân tích, cách thức rửa tiền cũng có nhiều dạng, tùy theo “độ hở” của chính sách tại các quốc gia. Ví dụ, “độ hở” trong ngân hàng, trong chuyển tiền, trong đầu tư nước ngoài, trong quá trình kinh doanh mua bán đất động sản. Nguyên tắc của việc “rửa tiền” là phải chuyển qua nhiều quốc gia khác và nhiều lần nhằm hợp thức hóa nguồn tiền để trở nên sạch hơn. Việc “rửa tiền” thường liên quan đến yếu tố nước ngoài cho nên phải “dính” đến tổ chức ngân hàng và hải quan.

Nếu nguồn gốc “tiền bẩn” bằng hình thức này, hình thức khác để làm cho “sạch” thì đều được xem là “rửa tiền”. Thường ở các quốc gia phát triển, bất kể đầu tư vào đâu để sinh ra một khoản tiền cũng đều có hóa đơn, chứng từ và xác định được nguồn gốc của đồng tiền. Nếu một tổ chức hoặc cá nhân không minh bạch nguồn tiền dễ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Nếu một công ty tại những nước này sử dụng dòng tiền nào đó đều bị nước sở tại giám sát. Và việc dùng tiền mặt khó “lộ” nhất bởi vì không được kiểm soát trong hệ thống. Mặt trái của việc dùng tiền mặt là “vô danh” vì đồng tiền trên không mang tên người sở hữu.

Theo LS Phát, các cá nhân phạm tội này còn có thể bị phạt số tiền từ 20 triệu đồng đến 20 tỉ đồng, tùy theo mức độ phạm tội; đồng thời, sẽ bị đình chỉ hoạt động một thời gian hoặc vĩnh viễn.

Trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ do Phan Sào Nam chủ mưu, cơ quan công an cũng đã có quyết định khởi tố các bị cáo về tội danh này và tòa án tỉnh Phú Thọ cũng đã tiến hành xét xử vào năm 2018. Phan Sào Nam bị tuyên phạt 3 năm tù về tội rửa tiền.

Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, ngoài hành vi buôn lậu, cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội rửa tiền.

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Lực (là em ruột Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) về tội rửa tiền.

“Trong trường hợp cụ thể đối với Nguyễn Thái Lực bị cáo buộc với “tội rửa tiền”, cơ quan điều tra đang dựa trên cơ sở là Nguyễn Thái Lực biết Nguyễn Thái Luyện thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người khác. Các khoản tiền chuyển về cho các công ty do người em trai đứng tên không xuất phát từ bản chất hoạt động thật của các doanh nghiệp, mà nó có được từ hành vi của Luyện, từ sự chỉ đạo của Luyện. Và sau đó dòng tiền đã đã chuyển hóa bằng việc mua tài sản, chuyển tiền đi cho người thân”, ông Phát cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.