Hạ tầng

Tối ưu giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ

25/06/2017, 18:09

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục QLĐB III Cao Xuân Giao nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông...

41

Cục trưởng Cao Xuân Giao trực tiếp “xuống đường” xử lý xe quá tải - một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Cục

Xin ông đánh giá một số kết quả chính đã triển khai trong thời gian qua?

Vượt qua khó khăn, bất lợi, với sự đồng lòng, quyết tâm trong hệ thống đơn vị, sự chỉ đạo hỗ trợ của cơ quan cấp trên, thời gian qua, cục triển khai đúng, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN; khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ do các đợt lũ, lụt xảy ra những tháng cuối năm 2016; đảm bảo không có TNGT xảy ra do nguyên nhân hư hỏng, sự cố cầu đường. Công tác quản lý, SCTX đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng cầu đường êm thuận, an toàn. Triển khai có hiệu quả các công trình khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT… Các mặt công tác đảm bảo ATGT, kiểm soát tải trọng xe, hành lang an toàn đường bộ được tập trung triển khai, đáp ứng mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Mưa lũ bất thường trên địa bàn đặt ra những đòi hỏi tiến độ, chất lượng công tác duy tu, bảo dưỡng và các công trình sửa chữa định kỳ, cục đang tăng cường các giải pháp gì, thưa ông?

Để sẵn sàng đối phó với tình hình mưa lũ bất thường, đảm bảo giao thông qua địa bàn an toàn, thông suốt, Cục đã chỉ đạo các Chi cục QLĐB, các đơn vị tham gia quản lý bảo trì đường bộ kiểm tra, rà soát các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo cả kỹ thuật, thẩm mỹ; rà soát các vị trí có nguy cơ hư hại trong điều kiện bão lũ để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Mới đây, cục bổ sung thêm gần 30 dự án, trong đó chủ yếu dự án đảm bảo chất lượng công trình phòng tránh thiệt hại mưa lũ. Thống kê đến hết tháng 5, các dự án bảo trì đường bộ đạt tiến độ gần 75%. Cuối tháng 6 này, có khoảng 60 công trình bảo trì đường bộ hoàn thành theo chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN.

Cục chỉ đạo các đơn vị đảm bảo tiến độ các dự án duy tu, bảo dưỡng (DTBD); từng bước triển khai áp dụng công nghệ mới trong công tác duy tu bảo trì đường bộ. Đồng thời, tiếp tục nghiệm thu chéo công tác BDTX. Kiểm tra và tham mưu xử lý các công ty thực hiện BDTX không đạt yêu cầu chất lượng; bảo hành kịp thời các vị trí phát sinh hư hỏng...

Thời gian qua, nhiều công trình hoàn thành, đem lại hiệu quả tích cực như dự án sửa chữa mặt đường QL14G (Đà Nẵng); từng bước xóa các điểm đen, điển hình trên đèo Cả (QL1, Phú Yên), đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh, Kon Tum), được chính quyền địa phương ghi nhận, ủng hộ và và người tham gia giao thông đồng tình, phấn khởi. Cục xây dựng lộ trình tiếp tục rà soát để từng bước xóa các điểm đen khác trên địa bàn.

42

Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên được chú trọng, tăng cường chất lượng (Trong ảnh: Duy tu sửa chữa quốc lộ cũ trên địa bàn Bình Định)

Với các dự án BOT, thưa ông?

Trên tuyến có 12 nhà đầu tư BOT dự án trên QL1, QL14, QL19, QL26. Với chức năng nhiệm vụ của mình, cục phối hợp theo dõi quản lý các vấn đề khai thác, đảm bảo hạ tầng giao thông. Thời gian qua, cục tăng cường các buổi tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn quy định hiện hành về quản lý, khai thác BOT, qua đó các dự án, nhà đầu tư BOT từng bước quan tâm hơn công tác duy tu bảo dưỡng, đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như phát sinh hư hỏng trên tuyến, công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm đối với nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, BT thực hiện đảm bảo ATGT, bảo hành… chưa quyết liệt. Cục đã phát văn bản chỉ đạo yêu cầu chấn chỉnh, sửa chữa kịp thời, tổ chức rà soát, “hậu kiểm” việc triển khai xử lý vấn đề hư hỏng, kỹ thuật. Dự án BOT nào chậm, không triển khai đúng quy định, cục có văn bản kiến nghị Tổng cục ĐBVN dừng thu phí các dự án.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo ATGT được triển khai ra sao, thưa ông?

Thực hiện Chỉ thị 03 của Tổng cục Đường bộ VN về một số giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT đường bộ, với với mục tiêu “tiếp tục giảm TNGT từ 5 - 10 % cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2016”, Cục đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trọng tâm: Đảm bảo ATGT khi thực hiện nhiệm vụ trên đường; tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật giao thông; rà soát, bám sát hiện trạng hạ tầng giao thông trên tuyến, tuyệt đối không để xảy ra hư hỏng cầu đường gây sự cố mất an toàn công trình, mất ATGT; lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, rà soát xóa các điểm đen TNGT trên quốc lộ…

Cục trưởng từng trực tiếp “xuống đường” xử lý xe quá tải, kết quả công tác này ra sao?

KSTT xe được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, Cục QLĐB III quán triệt trong toàn đơn vị chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN với mục tiêu đề ra là “Giảm TNGT, không còn xe quá tải”. Thời gian qua, cục đã ban hành hành 35 Quyết định thành lập các Đoàn Thanh tra, Tổ kiểm tra tải trọng, kích thước thùng xe đột xuất trên các quốc lộ. Các lãnh đạo cục phải thường xuyên trực tiếp tham gia chỉ đạo, đồng thời sử dụng đồng bộ tất cả lực lượng công chức thanh tra tại cơ quan cục; Chi cục và các công chức khác của đơn vị tham gia KSTTX. Gửi văn bản tuyên truyền đến các doanh nghiệp, nhà máy, các mỏ vật liệu, khu công nghiệp, yêu cầu không xếp hàng, xuất hàng ra khỏi kho bãi vượt quá tải trọng cho phép, tự giác tháo dỡ cắt bỏ thùng xe cơi nới trái phép. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phối hợp các địa phương TTKS, xử lý quá tải. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2017, Cục đã xử lý gần 200 phương tiện chở quá tải, vi phạm kích thước thành thùng xe chủ yếu là phương tiện chở vật liệu ở địa phương; và phối hợp với các tỉnh, thành xử phạt hơn 100 phương tiện về tải trọng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.