Xã hội

Tôm hùm chết hàng loạt, người nuôi điêu đứng

30/10/2018, 09:38

Nửa tháng trở lại đây, hàng loạt tôm hùm nuôi ở vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) chết ồ ạt...

10

Tôm hùm chết hàng loạt tại Vạn Ninh, Khánh Hòa

Hơn 1 tuần qua, ngày nào gia đình ông Trần Hiệp (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) cũng vớt được vài chục con tôm hùm chết. 300 con tôm hùm đang tuổi thu hoạch đã chết, ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Gần đó, gia đình ông Trương Văn Việt  cũng thả nuôi hơn 10 nghìn con, nhưng hiện tại số tôm chết đã hơn 30%. Vụ tôm hùm năm ngoái, cơn bão số 12 đã quét sạch lồng nuôi, khiến gia đình thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Cố gắng gượng, ông tiếp tục vay ngân hàng để nuôi vụ này nhưng giờ thiệt hại đã nằm chắc trong tay.

Theo các hộ dân, tôm hùm chết không rõ nguyên nhân. Tình trạng chung là tôm bỏ ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục; một số khác thì bị đen ở phần mang khiến tôm chết. Người dân liên tục làm vệ sinh, bơm thêm oxy và cho tôm ăn thuốc nhưng tôm vẫn chết. Được biết, tôm thương phẩm thời điểm này được các thương lái thu mua với giá 1,5 triệu đồng/kg, trong khi tôm chết chỉ bán với giá gần 400 nghìn đồng.

Không chỉ tôm hùm, ông Võ Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh cho biết, hiện cá bớp cũng chết hàng loạt, bắt đầu từ ngày 24/10. Chỉ trong vài giờ đã có hàng nghìn con cá nuôi bị chết, có hộ bị chết đến 400 con cá. Do cá chết nhanh nên bà con chỉ bán với giá 80 nghìn đồng/kg. Mới đây, cá thương phẩm còn sống được bán với giá từ 170 - 180 nghìn đồng/kg, giờ đã giảm hơn một nửa.

Sau cơn bão số 12 xảy ra vào năm ngoái, nhiều hộ dân gần như mất trắng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Gắng gượng, họ tiếp tục vay mượn ngân hàng để tái sản xuất nhưng nay tôm, cá chết hàng loạt khiến nhiều người nuôi điêu đứng, nợ nần chồng chất. Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành quan trắc, thu thập mẫu nước để kiểm nghiệm và phân tích. Kết quả bước đầu cho thấy hàm lượng oxy hoà tan trong nước rất thấp, mật độ vi khuẩn vibrio tăng cao, trong khi mật độ lồng nuôi và số lượng tôm hùm, cá bớp trong mỗi lồng khá dày, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, chất thải từ thức ăn tồn đọng, trầm tích dưới đáy lồng gây ô nhiễm. 

Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo, ngoài việc thả nuôi tôm, cá trong vùng quy hoạch, ngư dân cần phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường đồng thời kê khai, đăng ký từ thời điểm đầu tư để được các cơ quan chức trách hướng dẫn kỹ thuật, khi xảy ra sự cố thiên tai, dịch bệnh được Nhà nước xem xét hỗ trợ theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.