Xem - ăn - chơi

Tôn vinh Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết

08/12/2015, 16:17

Không chỉ góp phần tôn vinh những người khuyết tật, đây còn là một cuộc thi có ý nghĩa giáo dục cộng đồng.

IMG_4500 (1)
Thí sinh Hoàng Thị Thi (trái) và Nguyễn Phương Linh sẽ tham dự đêm chung kết vào ngày 23/12 tới.

Liên hoan Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2015 là một cơn gió lạ thổi vào làn sóng thi người đẹp, hoa khôi, hoa hậu đang diễn ra tại Việt Nam. Không chỉ góp phần tôn vinh những người khuyết tật, đây còn là một cuộc thi hấp dẫn, độc đáo và có ý nghĩa giáo dục cộng đồng.

Tôn vinh phụ nữ khuyết tật

Từ 112 ứng viên thuộc 40 tỉnh, thành là các nữ thanh niên khuyết tật vận động nhẹ tới nặng, xương thủy tinh, khiếm thính, khiếm thị gửi hồ sơ đăng kí, BGK đã chọn ra 10 ứng viên xuất sắc tham dự đêm chung kết diễn ra vào tối 23/12 tại khách sạn Melia Hà Nội.

Ông Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Format chương trình giống một cuộc thi hoa hậu, người đẹp nhưng thực chất là cơ hội chia sẻ, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ khuyết tật. Trong đó, vẻ đẹp hình thể không được tính điểm. Các thí sinh sẽ trải qua ba phần thi: Hình thể của tôi, vẻ đẹp của tôi, trí tuệ của tôi. Những thí sinh điểm cao nhất vào vòng thứ ba trí tuệ của tôi, hùng biện về các vấn đề xã hội liên quan đến người khuyết tật”.

Anh Phạm Hoài Thanh, thành viên giám khảo cho hay, 10 thí sinh là 10 bông hoa đẹp. Ví dụ như bạn Hoàng Thị Thi, quê Thái Bình. Năm lớp 10, Thi bị viêm tủy và phải nằm ở nhà 6 năm liền. Với nỗ lực không ngừng, Thi đã vươn lên làm giám đốc một công ty có nhiều người khuyết tật. Họ cùng nhau trở thành những người sống bình thường, có ích chứ không cần sống theo diện bảo trợ. Bạn Huỳnh Thị Kim Hoàng, quê Long An hiện đang là vận động viên thể thao khuyết tật quốc gia với nhiều huy chương về bơi lội. Ngoài nhiệm vụ của một VĐV, Hoàng còn huy động thêm tài chính tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.

Nguyễn Phương Linh, một trong 10 gương mặt đến từ khoa Luật, Đại học Công đoàn Hà Nội tỏ ra tự tin trước vòng chung kết. Cô nói: “Cuộc thi là một sân chơi lớn nhiều thử thách nhưng Linh cũng muốn được một lần thể hiện tài năng để bố mẹ tự hào về mình. Linh sẽ mang đến sự tự tin, đem lại cái nhìn khác về cộng đồng người khuyết tật. Mong muốn của Linh sau đêm chung kết là thêm nhiều công việc cho người khuyết tật”.

Bán nhà cũng phải tổ chức

Theo anh Phạm Hoài Thanh, nếu tổ chức một cuộc thi sắc đẹp bình thường đã khó thì việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp tôn vinh người phụ nữ khuyết tật còn khó hơn nhiều. “Các cuộc thi sắc đẹp khác thường đến vòng bán kết sẽ mời thí sinh tập trung đến một địa điểm để thi và BTC chấm thi. Với các thí sinh khuyết tật, BTC phải đến tận nhà thí sinh để chấm giải. Chúng tôi phải trực tiếp tới 13 tỉnh, thành để gặp mặt, trò chuyện, ghi lại hình ảnh cuộc sống thường ngày của các ứng viên tại nhà. Các ghi chép và hình ảnh sau đó được chia sẻ với toàn thể BGK để chọn ra 10 ứng viên xuất sắc”.

Không chỉ khó khăn trong việc lựa chọn thí sinh, BTC còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động tài trợ. Anh Nguyễn Hải Phong, Phó ban tổ chức - Trưởng ban gây quỹ tiết lộ: “Có những lúc anh em hoang mang vì cuộc thi rất nhân văn nhưng lại khó tìm tài trợ. Nhiều người trong BTC phải dùng kinh phí của bản thân để thực hiện chương trình. Nhiều ý kiến đề xuất tạm dừng chương trình, nhưng chúng tôi động viên nhau lấy tinh thần làm niềm tin và nếu phải bán nhà chúng tôi cũng sẽ làm chương trình. Rất may cuối cùng cũng tìm được đơn vị tài trợ kinh phí cho cuộc thi”.

Untitled
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.