Chính trị

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tránh hình thức lối mòn, tẻ nhạt trong thi đua

10/12/2020, 11:38

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thi đua là chủ trương chiến lược của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ngành.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Phong trào thi đua yêu nước giúp đất nước vượt qua nhiều thách thức

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra sáng nay (10/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng".

Từ nửa thế kỷ trước, qua 2 cuộc kháng chiến, cả nước đã có rất nhiều phong trào thi đua đi vào lịch sử dân tộc như phong trào "thanh niên 3 sẵn sàng", "phụ nữ 3 đảm đang", "dũng sĩ diệt Mỹ", "hậu phương thi đua với tiền phương"… Hiện nay, cả nước tiếp tục kế thừa, phát huy, nâng cao hiệu quả của các phong trào thi đua trong giai đoạn mới.

"Không phải bây giờ chúng ta mới nghĩ tới, không phải hiện nay chúng ta giỏi hơn ngày xưa đâu. Từ những ngày đầu cả nước tiến hành kháng chiến chống Pháp, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi thi đua ái quốc, Người đã căn dặn "thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại.

Nhìn nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, các phong trào thi đua thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều thay đổi về hình thức, giúp đất nước vượt qua nhiều thách thức trong xây dựng, phát triển như ngày nay.

5 năm qua, đất nước có nhiều thời cơ thuận lợi để phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là từ đại dịch Covid-19. Khó khăn còn cộng thêm với việc thiên tai, bão lũ hoành hành, gây nhiều thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực đoàn kết, chung sức đồng lòng, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 2,5-3% trong năm 2020; Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc người nghèo, người có công, chăm sóc sức khỏe người dân cũng đạt nhiều kết quả: Công tác phòng chống tham nhũng chuyển biến mạnh mẽ; Quốc phòng an ninh được giữ vững tăng cường; Chủ quyền quốc gia được bảo đảm…

Nhắc lại "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hiện nay", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận, các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tuổi trẻ năng động xung kích, phong trào dạy tốt, học tốt, dân vận khéo, ngày vì người nghèo, thi đua trên các công trình trọng điểm quốc gia…

Người lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước ghi nhận kết quả, nhiều đơn vị, tổ chức có những mô hình hay, sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Qua phong trào thi đua xuất hiện nhiều gương sáng, điển hình, người tốt việc tốt, từ công trường tới bệnh viện, trường học, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương những nỗ lực đạt được trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, chúc mừng các đại biểu, điển hình tiên tiến được tôn vinh.

Thi đua phải vững, phải thực chất

Một số hạn chế cần khắc phục trong công tác thi đua, khen thưởng cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ:. Đó là, nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả; Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm; Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo, các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo; tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và của xã hội.

Đề cập tới những dự báo thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực còn có những phức tạp khó lường, tăng trưởng toàn cầu tiếp tục giảm, cạnh tranh thương mại toàn cầu giữa những nước lớn ngày càng quyết liệt, gây ảnh hưởng tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nền tảng có được sau 35 năm đổi mới, thành tựu của 5 năm của nhiệm kỳ vừa qua là điều kiện quan trọng để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.

"Thi đua phải vững, phải thực chất, thi đua là vì lợi ích cho mình, cho gia đình, cho làng xã, xóm thôn mình… Cần tận dụng cơ hội chuyển đổi số, phương thức sản xuất tiêu dùng toàn cầu để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, 2021-2025", Tổng Bí thư nêu yêu cầu.

Thi đua phải gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng

Thống nhất với những giải pháp Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương nêu ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở thêm, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác thi đua khen thưởng, nhất là quán triệt tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần đề cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu, trách nhiệm của các các bộ, thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt, góp phần tạo động lực thi đua, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tinh thần đề ra, chiến sĩ thi đua là những người mới, người thực hiện cần, kiệm, liêm chính, người tôi trung thành của nhân dân, người cán bộ mẫu mực của Đảng.

Nguyên tắc sau hết, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, thi đua phải gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Cần nâng cao năng lực tham mưu, năng lực thực tiễn, năng lực thực hiện của bộ máy Hội đồng thi đua khen thưởng. Người làm công tác thi đua khen thưởng cần có đạo đức cách mạng, có bề dày kiến thức, kinh nghiệm gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua, đặc biệt cần công tâm, khách quan, trong sáng.

Nhấn mạnh, thi đua là chủ trương chiến lược của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp các ngành, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với truyền thống đoàn kết của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, phong trào thi đua thời gian tới sẽ thành công, đóng góp vào tiến trình xây dựng đất nước và chúc phong trào thi đua tiếp tục phát triển và giành nhiều thắng lợi mới to lớn hơn, rực rỡ hơn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.