Xã hội

Tổng Bí thư dự phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa mới

11/08/2021, 09:58

Trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026, có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 11/8, Chính phủ khóa XV họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ khoá mới

Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bối cảnh Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên đầu tiên chỉ sau ít ngày kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV bế mạc.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến khó lường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

“Hôm nay, Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên, cũng là phiên họp lịch sử, với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”, Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, phiên họp tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trên các lĩnh vực của đất nước trong 5 năm tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu chỉ đạo mang tính gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngoài 4 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên; các bí thư thành ủy, tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Bối cảnh mới phải có cách tiếp cận mới, tạo đột phá mới

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tạo đột phá mới.

Trên tinh thần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ xác định 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành của giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó nhấn mạnh quan điểm: Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Với chủ trương bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế theo hướng cấp nào ban hành cấp đó phải tháo gỡ, vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; “dân là gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm phấn đấu đạt khoảng 6,5-7%

Trên tinh thần quan điểm nêu trên, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

Đồng thời, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ mục tiêu tổng quát, Chính phủ xác định các mục tiêu cụ thể trong năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.