Xã hội

Tổng Bí thư: Phạm tội trốn ra nước ngoài vẫn phải điều tra, truy tố, xét xử

18/11/2022, 21:33

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đối tượng phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử".

Trong phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 18/11), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả tích cực ở Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước).img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp

Theo Tổng Bí thư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống; giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín kẽ hở, lỗ hổng, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt từ trung ương đến địa phương.

Tổng Bí thư nêu rõ, sai phạm sẽ được xử lý nghiêm minh theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".

Tổng Bí thư cũng khẳng định, việc kỷ luật, xử lý hình sự nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm vừa qua, trong đó có cả ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao là minh chứng rõ nhất và "sắp tới cũng phải làm như vậy".

Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống". Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên ba Ủy viên Trung ương bị cho thôi chức; miễn nhiệm ba chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, đấu tranh chống tham nhũng không làm nản chí, chùn bước, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm", những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

"Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm", Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, càng đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng càng mạnh lên, càng củng cố niềm tin của nhân dân, làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chống tham nhũng cũng bác bỏ luận điệu sai trái cho rằng việc này là "đấu đá nội bộ, phe cánh, làm nhụt chí người khác".

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cùng với sự phát triển của đất nước, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra phạm vi quốc tế; không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà ở cả khu vực tư nhân; không chỉ một vài cá nhân mà cả tập thể, hình thành nhóm lợi ích.

Tham nhũng không chỉ làm mất tiền, tài sản của nhà nước mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

"Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", Tổng Bí thư nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.