Xã hội

Tổng Bí thư: "Sai sót của cán bộ tư pháp sẽ ảnh hưởng sinh mạng người dân"

14/01/2019, 14:48

Chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định, vì họ là những người trực tiếp cầm cân nảy mực.

img
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Đó là quan điểm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhất mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, diễn ra sáng 14/1.

Xét xử các vụ tham nhũng lớn, thu hồi hàng nghìn tỷ

Nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của Toà án trong bộ máy Nhà nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng điểm lại nhiều kết quả nổi bật của ngành toà án trong năm qua.

Trước hết, hệ thống Tòa án đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trung tâm hoạt động của hoạt động tư pháp; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Theo báo cáo các Tòa án đã xét xử gần 500 nghìn vụ, trong đó có hơn 80 nghìn vụ là án hình sự, đạt tỷ lệ gần 96%. Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm.

Tòa án các cấp cũng đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần hiện thực hóa quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Tội phạm tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Từ năm 2016- 2018, các Tòa án đã xét xử đạt tỷ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số các bị cáo phạm tội tham nhũng, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Qua xét xử, HĐXX cũng đã chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm; kiên quyết khởi tố tại phiên tòa khi phát hiện tội phạm chưa được điều tra; kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến quản lý Nhà nước tạo kẽ hở cho vi phạm chính sách, để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa.

Bên cạnh đó, ngành Tòa án đã có nhiều đóng góp, có hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước. Tập trung xây dựng TAND công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Cùng với việc củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của các cấp Tòa án cũng liên tục được kiện toàn, bố trí sử dụng cán bộ hợp lý, tiếp tục thực hiện giải pháp đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển lâu dài của Tòa án.

Cán bộ tư pháp quyết định chất lượng của nền tư pháp

Ghi nhận những kết quả đã nêu, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của ngành cần khắc phục.

Tổng Bí thư cho rằng, năm 2019 là năm có vị trí quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết đại hội XII của Đảng, đồng thời là năm triển khai các công việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trọng trách của các Tòa án là thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp.

Một số nhiệm vụ được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề ra là tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Theo đó, mỗi bản án phải làm sao để thực sự tâm phục, khẩu phục, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội.

Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng, kéo dài thời gian xét xử, đặt người dân vào tình trạng pháp lý căng thẳng quá lâu không phải là biểu hiện của một nền tư pháp văn minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặc biệt nhắc nhở cần chú trọng xây dựng đội ngũ Thẩm phán liêm chính, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ và tinh thông pháp luật và có tấm lòng nhân ái.

Bởi theo ông, chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định, vì họ là những người trực tiếp cầm cân nảy mực. Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và và lợi ích, thậm chí là cả tính mạng của người dân” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, trách nhiệm của các Tòa án trước mắt cũng như lâu dài là rất nặng nề. Việc xây dựng hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của Tòa án mà còn là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.

img

Tổng Bí thư: Lực lượng CAND không để danh lợi tầm thường cám dỗ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.