Xã hội

Tổng Bí thư: Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ là mặt tiền của quốc gia

16/11/2022, 16:28

Tổng Bí thư khẳng định, nghị quyết đề ra đồng bộ các giải pháp để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là mặt tiền của quốc gia, là cửa ngõ của biển cả

Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào sáng nay (16/11).

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu gợi mở, nhấn mạnh, khái quát thêm một số vấn đề tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải trả lời được câu hỏi vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết số 26.

Theo Tổng Bí thư, ngoài lý do khách quan để quán triệt đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng của cả nước trong giai đoạn phát triển mới thì còn có những lý do xuất phát từ đặc thù riêng có của vùng và thực tế 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị khoá XI.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố, diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích cả nước với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% chiều dài bờ biển cả nước; nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo, quần đảo quan trọng như: Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm.

Dân số vùng hơn 20,3 triệu người, chiếm 20,8% dân số cả nước, với 50 dân tộc anh, em cùng sinh sống. Trong vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến. Nhiều tiềm năng phát triển thuỷ, hải sản, năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Vùng có 9 sân bay, trong đó 3 sân bay quốc tế, nhiều cảng biển lớn, nhiều tiềm năng...

"Đó là những điều kiện thuận lợi để vùng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững, nhất là kinh tế biển và phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh (QPAN), giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đặc biệt, đây là vùng đất có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, đất anh hùng vẻ vang, nơi sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt, làm rạng danh lịch sử nước nhà. Đây cũng là vùng đất có nền văn hoá lâu đời, nơi kết tinh nhiều giá trị tinh hoá độc ban của các dân tộc với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá, di tích lịch sử nổi tiếng; nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình.

"Người dân nơi đây có nhiều đức tính quý báu: cần cù, chịu thương chịu khó, tự lực tự cường, năng động sáng tạo, kiên cường bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bất trắc trong cuộc sống, do thiên tai, địch hoạ gây ra, đúng như nhà thơ Tố Hữu từng khắc hoạ trong bài thơ "Nước non ngàn dặm": "Con người như dãy Trường Sơn/Vững chân bám trụ chẳng sờn óc gan... Sống hiên ngang, sống thanh cao/ Quê hương biết mấy tự hào lòng ta", Tổng Bí thư đánh giá.

Tổng Bí thư cho rằng, với những đặc điểm nêu trên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thật sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, QPAN và đối ngoại của cả nước, là mặt tiền của quốc gia, là "khúc ruột" của Tổ quốc, là cửa ngõ của biển cả, là bệ đỡ của các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế...

Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác có hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. KT-XH vùng mới là phép cộng cơ học giữa các địa phương, chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng...

"Lần này, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao cho rằng cần phải ban hành nghị quyết mới để tạo ra bước chuyển mới mạnh mẽ hơn nữa, có bước đột phá cho việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng; khắc phục hạn chế yếu kém còn tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức mới đặt ra trong phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", Tổng Bí thư lý giải.

img

Hội nghị về phương hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

5 quan điểm chỉ đạo quan trọng, mới mẻ

Chỉ rõ những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đó là quan điểm và tư tưởng chỉ đạo. Nghị quyết số 39 trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn 21 dòng về 3 quan điểm, định hướng chung thì nghị quyết lần này chỉ rõ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ.

Trong đó, xác định rõ hơn vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, QPAN, và đối ngoại, nhất là kinh tế biển và QPAN biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước.

Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, nhất là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tập trung phát triển các ngành kinh tế biển trở thành vùng mạnh về biển, giàu về biển.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực...

Tổng Bí thư khẳng định, nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường liên kế vùng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, hệ thống đô thị ven biển; hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt

Về việc cần làm gì, làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, biến nghị quyết thành hiện thực sinh động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng.

Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng; nắm vững tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, những công việc phải làm; có sự thống nhất cao, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng và cả nước, các cấp ngành, từ Trung ương đến địa phương, xác định đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.

"Nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước. Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và từng địa phương trong vùng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng, Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành, triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.

"Nếu chỉ nói không thôi thì không ăn thua, phải bằng biện pháp cụ thể, cơ chế chính sách quyết liệt, chỉ đạo thường xuyên, ráo riết, trên dưới đồng lòng thì mới thành công, quan trọng vẫn là khâu tổ chức thực hiện", Tổng Bí thư nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.