Làm báo cùng Giao thông

Tổng biên tập Nguyễn Bá Kiên: Khát vọng bứt phá và lan tỏa

29/01/2018, 10:44

Những người làm Báo Giao thông tiếp tục bứt phá, tạo sự lan tỏa, nếu chúng ta có khát vọng...

Tổng biên tập Nguyễn Bá Kiên (2)

Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên 

Cách đây gần 5 năm, Báo Giao thông bắt tay vào thực hiện một cuộc lột xác bản thân, tự đổi mới theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Khi đó, nhiều người nghi ngại, lo lắng, thậm chí nghi ngờ một sự đổi mới bất thành.

Việc nghi ngờ là có căn cứ, bởi thời điểm đó hoàn cảnh cho thấy nhiều thứ bất lợi: Nội tại tờ báo không có nguồn lực, cách làm báo cũ kỹ, lạc hậu; Báo Bạn đường sáp nhập vào Báo GTVT, giống hai gia đình nghèo về ở chung càng thêm khó, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều cán bộ, phóng viên phải dùng máy tính từ cả chục năm không được thay mới... Trong khi đó, báo chí bắt đầu bị mạng xã hội lấn lướt. Báo giấy là thế mạnh thì đang tuột dốc không phanh. Thực hiện đổi mới tự thân, không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Đổi mới trong khó khăn chồng chất, nhưng 5 năm qua, làng báo chứng kiến một tờ báo đã “thay da đổi thịt”, có những bứt phá ngoạn mục. Trong khi phần lớn các tờ báo khó khăn, suy giảm thì Báo Giao thông 5 năm liên tục tăng trưởng. Lượng phát hành báo giấy tăng 30%, bạn đọc điện tử tăng hàng chục lần; doanh thu tăng 4 lần; thu nhập người lao động tăng hơn 2 lần. Từ một tờ báo bị lỗ, đã vươn lên có lãi và phát triển bền vững.

Điều gì đã làm nên cú lội ngược dòng đó? Câu trả lời chính là chúng ta, những người làm Báo Giao thông có chung một chí hướng và khát vọng tự đổi thay mình, tự làm mới mình để xứng đáng với kỳ vọng của ngành GTVT, xứng đáng với lòng tin yêu của độc giả.

Không chỉ có khát vọng, chúng ta còn có chung chí hướng để làm một tờ báo theo phương châm hành động: “Nhanh nhạy, sắc bén và nhân văn”. Không nhanh sao được khi thế giới làm báo hôm nay đã cạnh tranh nhau từng phút. Như thế cũng chưa đủ, bởi nếu không sắc bén, không có góc nhìn riêng thì dù nhanh cũng không để lại dấu ấn gì trong lòng bạn đọc. Nhưng có nhanh nhạy, sắc bén rồi mà thiếu nhân văn thì cũng chỉ là người viết báo vô cảm. 

Và tờ báo sẽ đi về đâu, có lan tỏa được không nếu từng tin, bài không nhìn theo hướng xây dựng, đa chiều, sẻ chia và đồng cảm với những thân phận khốn khó, với những số phận không may mắn sa cơ...

Đề cao tính nhân văn, chính là chúng ta đang tôn trọng bạn đọc, và hướng tới xây dựng một xã hội mà ở đó cái tốt được đề cao, coi trọng và lan tỏa.

Với phương châm đó, người làm Báo Giao thông còn có khát vọng tạo ra sự lan tỏa từ những việc làm ý nghĩa sau mặt báo. Đó là lý do, 5 năm trước cùng với mục tiêu đổi mới Báo Giao thông, Quỹ “Chung tay vì ATGT” ra đời.

Đã có hàng nghìn bạn đọc, nhà hảo tâm tài trợ, ủng hộ quỹ hàng tỷ đồng. Qua đó, Quỹ “Chung tay vì ATGT” đã chia sẻ khó khăn với những gia cảnh khốn cùng do có người thân bị TNGT và bà con vùng lũ hơn 6 tỷ đồng.

Đến nay đã có hàng trăm học sinh, gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc nhận được sự hỗ trợ tiền, nhà ở từ quỹ của Báo Giao thông. Nhờ đó, nhiều thân phận khốn khó đã được sẻ chia, nâng đỡ để nỗ lực vượt qua hoạn nạn.

Hơn nửa thế kỷ song hành cùng lịch sử dân tộc, Báo Giao thông đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh cùng ngành GTVT “Đi trước mở đường”. Trên hành trình đó và những hành trình kế tiếp, sẽ còn nhiều gian nan chờ đón. Nhưng trên nền tảng 55 năm, chúng ta tự hào là một trong số ít tờ báo ngành có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Và với khát vọng bay cao, vươn xa và tiếp tục lan tỏa, tôi tin những người làm Báo Giao thông sẽ tiếp tục chinh phục được những đỉnh cao mới.

Dấu mốc phát triển

Năm 1963: Báo Giao thông vận tải ra số đầu tiên sau khi được cấp giấy phép xuất bản trên cơ sở hợp nhất một số tờ báo trong ngành như Báo Hỏa xa thuộc Tổng cục Đường sắt, báo Xe hơi thuộc quốc doanh vận tải Trung ương, bản tin Bưu điện thuộc ngành Bưu điện. Ông Bùi Quang Đệ, Chánh Văn phòng Bộ GTVT làm Chủ nhiệm Báo. Báo ra 8 trang vào thứ năm hàng tuần.

Năm 1969 - 1975: Trong chiến tranh, báo xuất bản tháng 2 kỳ hoặc 3 kỳ. Lãnh đạo Bộ cử nhiều đồng chí phụ trách báo trong từng thời kỳ.

Năm 1990: Báo Giao thông vận tải đổi tên thành Báo Giao thông vận tải và Bưu điện. Ông Ngô Đức Nguyên làm Tổng biên tập.

Năm 1993: Báo trở lại tên gọi Báo Giao thông vận tải.

Năm 1994: Báo tăng từ 8 lên 12 trang.

Năm 1999: Báo tăng từ 12 lên 16 trang.

Năm 2001: Báo tăng kỳ từ 1 kỳ/tuần lên 2 kỳ/tuần/12 trang. Ông Nguyễn Văn Lưu làm Tổng biên tập.

Năm 2004: Báo ra phiên bản điện tử giaothongvantai.com.vn

Năm 2005: Báo tăng từ 2 lên 3 kỳ/tuần.

Năm 2010: Báo tăng từ 3 lên 4 kỳ/tuần.

Năm 2012: Chuyển nguyên trạng Báo Bạn Đường vào Báo Giao thông vận tải. Ông Nguyễn Hồng Việt làm quyền Tổng biên tập.

Năm 2013: Đổi tên thành Báo Giao thông, ra bộ mới, tăng trang từ 12 lên 16 trang; Năm 2015: Báo Đường sắt và các tạp chí: Đường bộ VN, Hàng hải VN, Hàng không VN, Đăng kiểm, Đường thủy nội địa VN chuyển về Báo Giao thông theo Quyết định số 1016/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về sắp xếp báo, tạp chí thuộc Bộ GTVT. Báo điện tử thay giao diện và tên miền thành baogiaothong.vn. Báo Giao thông tăng lên 5 kỳ/tuần với ấn phẩm mới Giao thông cuối tuần. Ông Nguyễn Bá Kiên làm Tổng biên tập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.