Xã hội

Tổng biên tập Nguyễn Như Phong muốn được làm... phóng viên

27/12/2015, 09:21

Trải qua hơn 30 năm cầm bút, TBT Báo Năng lượng mới, Nguyễn Như Phong vẫn luôn nhận mình là một người thợ...

Nhà báo Nguyễn Như Phong truyền tin về đất liền bằ
Nhà báo Nguyễn Như Phong truyền tin về đất liền bằng điện thoại vệ tinh trong vụ Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép ra Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Quang Tùng

Trải qua hơn 30 năm cầm bút, Tổng biên tập Báo Năng lượng mới, Nguyễn Như Phong vẫn luôn nhận mình là một người thợ, cần mẫn “cày bừa” từng cái tin đến phóng sự, từ bài bình luận đến kịch bản phim truyền hình... Ông tâm niệm, chức tước có thể hôm nay giữ, mai thôi, song với nghề, chừng nào còn sức ông còn đi, còn viết...

Tổng biên tập cũng phải chịu khoán định mức

Làm Tổng biên tập (TBT) rồi, làm thế nào để ông có thể giữ “phong độ” viết đều, viết khỏe như vậy?

Cũng có nhiều người nói với tôi rằng, ông làm TBT rồi, sao cứ phải lọ mọ viết từ cái tin con con cho đến phóng sự, bình luận, “thượng vàng hạ cám” như vậy?

Tôi chỉ nghĩ, cái chức TBT cấp trên giao cho mình ngày hôm nay, có thể mai nghỉ, nhưng cái nghề viết của mình, thì phải giữ. Mà muốn giữ được nghề thì phải viết, muốn viết thì phải đi, chừng nào còn sức khỏe thì còn cố đi, mà viết. Tất nhiên, tôi cũng tự cho mình cũng là người máu viết, đam mê viết, không viết không chịu được.

Ở Báo Năng lượng mới (NLM), tôi vừa là TBT kiêm Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Quốc tế; trực tiếp chỉ đạo TKTS. Cả tờ báo có 28 phóng viên, tính từ TBT trở xuống. Ngay tôi là TBT nhưng cũng phải chịu mức khoán nhuận bút như phóng viên, nếu không đạt được mức khoán đó sẽ phải giảm lương. Các Phó TBT, các trưởng ban cũng vậy, bên cạnh nhiệm vụ quản lý cũng đều phải chịu mức khoán nhất định.

Giữa làm nghề viết và làm TBT, nói thật, ông thích làm gì hơn?

Cũng khó để so sánh một cách sòng phẳng, rạch ròi. Trên thực tế, có người viết báo giỏi nhưng không có khả năng tổ chức, sản xuất báo chí và ngược lại, có người kinh doanh báo chí rất tốt nhưng không viết nổi một cái tin!

Nhưng có thể nói rằng, với vai trò là một phóng viên, trong suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ tôi bị liệt vào hàng viết kém. Ngay cả thời điểm tôi làm Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới rồi Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, tôi cũng chủ yếu hoạt động chuyên môn.

Rất may mắn là trong suốt thời gian đó, tôi luôn có cột che chở là Tổng biên tập Hữu Ước. Anh ấy luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người biết làm việc. Ngay cả khi anh em phóng viên có viết hỏng, viết sai, anh luôn đứng ra nhận trách nhiệm, do vậy họ có thể toàn tâm toàn ý làm nghề. Đặc biệt, anh Ước có một biệt tài, đó là anh có thể quản trị tổng thể một tờ báo rất giỏi, từ nhân lực, tài chính, thị trường.., nhưng đồng thời anh cũng có thể nhìn ra cái sai ở từng dấu phẩy...

Nhưng khi phải gánh trên vai cả một tờ báo, nói thật là tôi phải làm nhiều việc mà tôi chưa từng làm, thậm chí có thể nói là không biết làm như quản lý tài chính chẳng hạn. Tuy nhiên, đến nay, có thể nói, tờ báo của chúng tôi cũng đã thành công khi góp phần xứng đáng vào tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu Hội Dầu khí Việt Nam và là một món ăn tinh thần tin cậy của bạn đọc, được người lao động Dầu khí yêu quý.

Trước khi đảm nhận vị trí TBT báo NLM, tôi cũng đã “đặt điều kiện” với lãnh đạo Hội Dầu khí, nếu cảm thấy môi trường, điều kiện làm việc không phù hợp, tôi sẽ chủ động xin nghỉ và ngược lại, lãnh đạo tập đoàn cũng có thể cho tôi nghỉ bất cứ lúc nào nếu năng lực của tôi không đáp ứng được.

Tôi đã xin nghỉ hưu trước 5 năm ở Báo Công an Nhân dân, với mong muốn toàn tâm toàn ý xây dựng tờ báo. Và trong quá trình làm việc, tôi luôn xác định, còn ngày nào làm việc sẽ dốc sức ngày đó. Song, ngay tại thời điểm này, nếu lãnh đạo tập đoàn có yêu cầu tôi nghỉ, giao trách nhiệm quản lý, điều hành tờ báo cho người khác, tôi sẵn sàng nghỉ ngay lập tức mà không “lăn tăn” một phút nào. Bởi với tôi, được viết vẫn là đam mê lớn nhất.

Còn nhiều nhà báo, cách làm báo "mì ăn liền"

Nhìn nhận từ môi trường báo chí hiện nay, ông cảm nhận có còn nhiều ngọn lửa đam mê như vậy không?

Có thể nói, nghề báo khá nghiệt ngã. Sự nghiệt ngã đầu tiên, đó là tính định kỳ. Báo chí, đến ngày đến giờ là phải xuất bản. Do vậy, người làm báo phải có sức bền bỉ, như một vận động viên chạy đường dài, biết phân phối sức lực chứ không thể chạy nhanh rồi sau đó ngồi thở dốc. Sự nghiệt ngã khác, đó là nhà báo mà rời bút là hết tiền, là bạn đọc có thể quên luôn.

Khác với thời chúng tôi chập chững bước vào nghề, làm báo bây giờ rất dễ, nhưng cũng cực khó. Dễ là bởi bây giờ là thời đại thông tin bùng nổ, cho nên bất cứ anh nào tập tọe biết viết đều có thể trở thành nhà báo.  

Tuy nhiên, cạnh tranh thông tin báo chí bây giờ vô cùng khốc liệt. Và cũng chính vì áp lực thời gian, nên các tác phẩm báo chí thường thiếu chiều sâu. Do vậy, phóng viên, nhà báo tuy nhiều, nhưng nhà báo ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc ít. Mặt khác, cũng do điều kiện, tính chất công việc làm báo hiện nay mà nhà báo ít có điều kiện rèn luyện thực tế. Thậm chí, môi trường báo chí hiện nay có thể làm “nảy nòi” ra nhà báo, cách làm báo kiểu “mỳ ăn liền”, ngồi một chỗ cũng có thể viết mọi thứ. Và đam mê nghề nghiệp với phóng viên thời nay cũng mai một, chủ yếu họ coi làm báo như một công cụ kiếm cơm.

Như ông nhận xét, nhà báo ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc không nhiều. Phải chăng vì vậy “cây bút” Như Phong đôi khi chọn cách “định vị” thương hiệu bằng một số bài viết, nhất là thể loại bình luận mang cái tôi mạnh mẽ, quyết liệt, thậm chí đến mức cực đoan?

Cuộc cạnh tranh báo chí ngày càng khốc liệt, giữa báo giấy với báo điện tử, giữa báo điện tử với mạng xã hội. Vai trò của báo giấy ngày càng kém đi và chưa bao giờ báo giấy lâm vào tình trạng dở sống dở chết như hiện nay.

Do vậy, bây giờ tôi tâm niệm, tờ báo trước hết phải phục vụ tốt nhiệm vụ được cơ quan chủ quản giao phó và ở góc độ đó, tôi cho là Báo NLM đã thành công bởi không bị người lao động ngành Dầu khí ruồng bỏ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông tin một số lĩnh vực khác như tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, xây dựng... nhưng có chọn lọc nhằm đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc. Tuy nhiên, tôi luôn giữ một quan điểm, làm báo chỉ hơn nhau một cái, đó là trước sự kiện ấy, anh có chính kiến thế nào?

Chính kiến của anh nhà báo có một phần cái tôi ở đấy, nhưng phần khác anh phải có một kiến giải để người ta đồng thuận với anh. Và cái tôi ấy phải trên một nền tảng kiến thức qua bộ lọc của nhà báo chứ không phải chỉ cái tôi bột phát, dựa trên sự yêu, ghét cảm tính.

Xuất thân từ bộ đội, rồi qua ngành Công an, trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống, tôi không chấp nhận vòng vo, thỏa hiệp. Nhưng kim chỉ nam của tôi là khi phê bình cũng phải trên tinh thần xây dựng, chứ không phải là chửi cho sướng mồm. Thậm chí ngay cả khi khen cũng phải khen đúng, chứ không phải khen lấy được.

Nếu được chọn lại, giữa nghề viết báo, viết văn hay viết kịch bản, ông sẽ chọn nghề nào?

Cũng rất khó nói. Tôi biết viết văn trước khi viết báo và cũng có một số tác phẩm văn học được giải thưởng lớn. Tôi cũng có thể nói hiện nay là người viết kịch bản phim hình sự có số lượng lớn nhất cả nước với gần 500 tập nếu tính các tập phim cộng lại. Trong nghề báo, tôi cũng lao động vô cùng cần cù với số lượng bài báo rất lớn. Có ai đó đã thống kê, trong thể loại phóng sự, tôi là người nhiều giải thưởng báo chí quốc gia nhất cho đến nay với hàng chục giải thưởng các loại, trong đó bốn giải A.  

Do vậy, khó để rạch ròi tôi là “nhà” gì và hứng thú với thể loại nhiều nhất. Bây giờ tôi vẫn viết kịch bản một cách miệt mài. Thôi thì mình quan niệm thế này, bao giờ còn sức viết được thì viết, bất luận nó là thể loại gì.

Cảm ơn ông!

Tôi bước vào nghề báo cũng do một sự tình cờ và rất may mắn là đã được rèn giũa bởi những người thầy rất nghiêm khắc, như nhà báo Duy Thủy, Mai Thế Chính, Đình Tuất ở Báo Công Binh.

Tôi nhớ, lần đầu tiên được anh Thủy giao viết một cái tin 300 chữ về hội thảo quân chủng, tôi đã gửi lại anh bản thảo tới 1.000 chữ.

Chỉ nhìn độ dài, chưa cần đọc, anh Thủy xé bản thảo luôn, yêu cầu tôi viết lại. Chính kỷ luật sắt đó đã giúp tôi trưởng thành rất nhanh. Chỉ sau ba tháng, tôi có thể viết được tất cả các thể loại báo chí, từ tin vắn, bài phản ánh, phóng sự, điều tra, kể cả bình luận, đến làm ảnh buồng tối, sửa morat, làm market...

Sau này, khi tôi về Báo Công an cũng được làm việc trong môi trường kỷ luật cao như vậy. Sau 30 năm, bây giờ tôi vẫn đi miệt mài, viết cần cù...”.

Nhà báo Nguyễn Như Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.