Thị trường

Tổng cục Hải quan: Không thất thu thuế trong nhập khẩu ô tô biếu, tặng

25/05/2022, 19:10

Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định không có thất thu thuế trong các trường hợp nhập khẩu xe ô tô biếu tặng.

Đây là khẳng định của ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan tại Họp báo “Công tác quản lý đối với việc nhập khẩu xe dưới dạng quà biếu tặng” của Tổng cục Hải quan chiều nay 25/5.

img

Ông Âu Anh Tuấn (giữa) và ông Trần Bằng Toàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (phải) tại họp báo

Gần 7 năm thu hơn 12.600 tỷ

Ông Âu Anh Tuấn thông tin, hiện nay đối với xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu, tặng, người nhập khẩu vẫn phải nộp đủ 3 loại thuế khi làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu là: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, người nhập khẩu còn phải nộp thêm một loại thuế nội địa nữa là là thuế thu nhập bất thường do được nhận quà biếu tặng.

Theo số liệu ông Tuấn cung cấp, số thuế thu được đối với xe ô tô dưới dà dạng quà biếu tặng nói trên năm 2016 là 3.238 tỷ đồng, giai đoạn 2017 – 2020 là trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm, năm 2021 lên trên 4.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2022 là 1.222 tỷ đồng.

Tổng số thuế thu được từ 2016-2022 là 12.644 tỷ đồng.

“Chúng tôi khẳng định không có hành vi gian lận, trốn thuế trong các trường hợp này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chênh gần 1.500 tỷ đồng tiền thuế

Ông Trần Bằng Toàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) thông tin, việc kê khai và xác định trị giá hải quan để tính thuế được quy định tại Thông tư 39 ngày 25/3/2020.

“Các chi cục Hải quan căn cứ theo thông tin này”, ông Toàn nói.

Khi doanh nghiệp kê khai làm thủ tục, chúng tôi căn cứ vào trị giá khai báo của doanh nghiệp để tính thuế. Sau đó, khi có kết quả đăng kiểm, nếu có chênh lệch thì chúng tôi sẽ làm việc với doanh nghiệp để đảm bảo thu cho ngân sách. Số thuế sẽ được thu trước khi thông quan”, ông Toàn khẳng định.

Ông Toàn cũng cung cấp số liệu, trong giai đoạn 1/2021 đến tháng 3/2022, các doanh nghiệp nhập khẩu là 1.013 chiếc, số thuế theo giá tự kê khai của doanh nghiệp là 3.302 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi xác định lại trị giá khai báo, số thuế theo ấn định của cơ quan hải quan là 4.745 tỷ đồng. Số thu thuế chênh lệch là 1.443 tỷ đồng.

Doanh nghiệp "ma" thì xem lại cấp phép

Trước thông tin phản ánh của báo chí về việc một số dấu hiệu vi phạm trong việc nhập khẩu xe theo diện quà biếu, tặng, ông Âu Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở nắm thông tin, hải quan đã kiểm tra, thanh tra 4 cục hải quan có số xe nhập khẩu theo dạng quà biếu quà tặng được cấp phép lớn.

Theo kết quả thanh tra ban đầu đã phát hiện một số dấu hiệu như báo chí phản ánh. Theo đó, khi có kết luận thanh kiểm tra cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh.

Với nhiều trường hợp đáng nghi ngờ như trường hợp mượn tên tuổi, chứng minh thư để lập doanh nghiệp để nhập khẩu xe biếu, tặng, ông Tuấn đề nghị xem lại từ khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp.

Còn đối với hoạt động nhập khẩu, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, nếu trường hợp nào muốn nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà biếu, tặng thì phải đáp ứng được các thủ tục trong hồ sơ nhập khẩu theo Thông tư 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/2015.

“Nếu hồ sơ không đầy đủ, chi tiết thì chúng tôi từ chối cho nhập khẩu. Đơn vị nhập khẩu phải có mối quan hệ kinh doanh, tư vấn, hợp đồng hay chứng từ chứng minh hai bên cho, biếu, tặng cho nhau. Nếu nghi ngờ thì cần phải xác minh”, ông Âu Anh Tuấn nói.

“Nếu có dấu hiệu mượn tên, mượn chứng minh thư thì cơ quan hải quan sẽ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Còn quan điểm của Tổng cục Hải quan là đã chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, thanh tra đối với việc nhập khẩu xe theo diện quà biếu, quà tặng. Nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm”, ông Tuấn khẳng định.

Tại cuộc họp báo, ông Âu Anh Tuấn cũng cho biết Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang đề xuất bãi bỏ việc cấp phép xe ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại theo Thông tư 143. Việc quản lý, cấp phép sẽ trả về cho Bộ Công thương, Bộ GTVT theo đúng chức năng và thẩm quyền quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.