Thị trường

Tổng cục Hải quan “phản pháo” gay gắt vụ việc xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo

17/04/2020, 20:17

Tổng cục Hải quan chiều nay đã đưa ra ý kiến khá gay gắt liên quan tới việc xuất khẩu gạo và những góp ý đã bị Bộ Công thương phớt lờ.

img
Tổng cục Hải quan chiều nay đã đưa ra ý kiến khá gay gắt liên quan tới việc xuất khẩu gạo và những góp ý đã bị Bộ Công thương phớt lờ. Anh rminh họa

Hai lần góp ý và hai phương án bị Bộ Công thương phớt lờ

Liên tục nhận được các thông tin dư luận quan vụ việc xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo, Tổng cục Hải quan chiều 17/4 một lần nữa đã thông tin một số vấn đề phía sau vụ việc.

Tổng cục Hải quan cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính, tuy nhiên thời gian cuộc họp chỉ có 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị xử lý vi phạm chính sách quản lý gạo xuất khẩu

Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm Nghị định số107/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020, có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Về việc này, Bộ Tài chính đã có 2 lần tham gia ý kiến với Bộ Công thương”, Tổng cục Hải quan thông tin.

Cụ thể, tại công văn số 3905/BTC-QLG ngày 3/4/2020, Bộ Tài chính có đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; Tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.

Sau đó, ngày 10/4/2020, Bộ Tài chính có tiếp công văn số 4355/BTC-QLG trong đó nêu: Nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong. Chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020.

Bên cạnh đó, không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới (kể cả phụ lục hợp đồng làm thay đổi số lượng gạo xuất khẩu), tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020.

Còn lại, tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoàng kinh tế toàn cầu.

Tại công văn góp ý thứ hai gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính nêu rõ, theo phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công thương; Hoặc giao Bộ Công thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

“Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công thương tiếp thu”, Tổng cục Hải quan bức xúc.

Cách thức làm việc của Bộ Công thương có vấn đề?

Thông tin lại về vụ việc xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo mà doanh nghiệp liên tục kêu về quyết định bất ngờ khiến họ không kịp chuẩn bị, Tổng cục Hải quan cho biết, Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 ngoài nguyên tắc trừ lùi hạn ngạch thì cách thức làm việc của Bộ Công thương là có vấn đề.

“Quyết định số 1106/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020 nhưng đến thời điểm này Tổng cục Hải quan chưa nhận được bản chính thức từ Bộ Công thương, đến 9h30 sáng ngày 11/4/2020 mới nhận được bản chụp do Bộ Công thương gửi qua thư điện tử. Ngày 13/4/2020, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức”, Tổng cục Hải quan thông tin.

“Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định nêu trên, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4/2020”.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, gian từ 0h-6h15 ngày 12/4/2020 đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.989,43 tấn. Trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn; Hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận.

Sau thời điểm 6h15 ngày 12/4/2020 đã có 2 doanh nghiệp (trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai thời điểm trước đó) đăng ký 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn thì được hệ thống tiếp nhận (15h10 đăng ký xuất 9 tấn và 19h34 đăng ký xuất 1,2 tấn).

“Trong số 39 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu có 4 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng bán gạo với Cục Dữ trữ nhà nước khu vực nhưng đã đăng ký xuất khẩu. Cụ thể: Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, Công ty CP XNK Thuận Minh, Công ty CP Mỹ Tường, Công ty TNHH Phát Tài”, Tổng cục Hải quan nêu đích danh.

Kiến nghị xử lý gạo tồn tại cảng cho doanh nghiệp

Đối với lượng gạo đang lưu giữ tại cửa khẩu nhưng chưa thể xuất khẩu, Tông cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 146.453 tấn). Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu; Trên cơ sở đó, giao Bộ Công thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, giao Bộ Công thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công thương triển khai) hoặc giao Bộ Công thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

“Để đảm bảo công khai, minh bạch, cũng như cần có thời gian để Tổng cục Hải quan mở lại hệ thống (sau khi ngừng tiếp nhận tờ khai do hết hạn ngạch) khi ban hành Quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công thương cần thống nhất với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về thời điểm bắt đầu áp dụng để thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết, thực hiện”, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị, sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; Không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.