Thị trường

Tổng cục Quản lý thị trường vừa thành lập, Hà Nội kêu khó phối hợp

17/01/2019, 11:55

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu vấn đề khó phối hợp trong công tác quản lý thị trường ngay cao điểm giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

img
Hà Nội lúng túng khi phối hợp thực hiện công tác quản lý thị trường sau khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh minh họa

Trong Hội nghị tổng kết ngành Công thương sáng nay 17/1, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu vấn đề, sau khi Bộ Công thương sắp xếp hệ thống lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), cần sớm xây dựng cơ chế, bộ máy phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương trong công tác quản lý giá cả, chống gian lận thương mại, buôn lậu, vệ sinh an toàn thực phẩm…

“Hà Nội đang lúng túng chỉ đạo trong lĩnh vực này nên mong sớm có cơ chế phối hợp để công tác QLTT tốt hơn năm tới”, ông Chung kiến nghị.

Trước thắc mắc của Chủ tịch Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ rất chủ động trong làm việc với TP, QLTT đã hoàn tất cơ chế phối hợp cũng như trong triển khai thực hiện.

“Về cơ chế, phải hoàn thiện công tác Đảng trước, ngay trong tháng 1 này để tổ chức QLTT tại địa phương. Bộ Công thương cũng phối hợp quy trình 5 bước với địa phương để triển khai. Đây cũng là công tác ưu tiên trong năm tới”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Trước đó, Tổng Cục QLTT đã được thành lập trên cơ sở Quyết định 34/2018/QĐ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.

Theo Quyết định của Thủ tướng, Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Về cơ cấu, tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường được kế thừa và phát triển từ tổ chức Quản lý thị trường hiện có nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất trong quan hệ chỉ đạo, điều hành xuyên suốt; giữ ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ máy Tổng cục ở trung ương được tổ chức trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, gồm 6 đơn vị là Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.

Trong thời gian chuyển đổi và kiện toàn Bộ máy, Bộ Công thương cũng cho biết vẫn đảm bảo hoạt động của lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương.

img

Giá vàng hôm nay 17/1/2018: Vàng thế giới bứt phá, trong nước có khởi sắc?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.